21 tháng 12, 2010

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: MẸ!CON MUỐN XIN MẸ MỘT LỜI GIẢI THÍCH

PHẦN I

Tôi vốn dĩ là cô bé xinh đẹp, hiền lành, da dẻ trắng trẻo, chăm chỉ làm việc như trâu ngựa vì quá sợ những trận đòn của bố mẹ, thế nhưng da thịt tôi không mấy khi còn lành lặn bởi những trận đòn roi liên tục giáng xuống...
Tôi là con gái thứ 3 trong một gia đình cán bộ ở miền núi. Mẹ tôi sinh tôi ở Hà Giang, lên 8 tuổi tôi theo bố mẹ về Cao Bằng. Bố mẹ tôi là cán bộ ngoại thương của huyện, vì thế, nếu như tuổi thơ của các bạn đồng trang lứa rất cơ cực vì thiếu ăn, thiếu đói thì gia đình tôi không thuộc vào diện đứt bữa chạy ăn hằng ngày mà ngược lại thỉnh thoảng cả nhà còn được ăn thịt ăn cá theo tiêu chuẩn tem phiếu. Tôi là con gái thứ 3 trong gia đình 6 anh chị em. Khi tôi biết cảm nhận về mọi thứ xung quanh thì cũng là lúc tôi nhận ra rằng, mình là đứa con lạc loài trong gia đình.
Lạc loài ở đây không phải là tôi xấu xí, hay tôi khác thường, mà bố mẹ tôi đặc biệt hắt hủi và ghét bỏ tôi nhất trong số 6 đứa con mà ông bà rứt ruột đẻ ra. Tuổi thơ tôi lớn lên hệt như một cô bé ở đợ trong những câu chuyện cổ tích, nhưng thật tệ là số phận những cô bé ở đợ ấy bị hắt hủi, ghét bỏ và bị đánh đập tàn nhẫn là vì chủ của họ. Tôi bị chính bố mẹ đẻ của mình hành hạ, điều đó thật khó hiểu mà cho đến bây giờ tôi cũng không thể lý giải.



Có lẽ, cái ký ức đầu tiên khi tôi chớm nhận biết mọi thứ xung quanh, cũng là cái ký ức đau đớn ám ảnh nhất mở đầu cho những chuỗi ký ức đau buồn của tôi là ngày tôi lên 8 tuổi. Sinh nhật tôi đúng vào rằm trung thu, cả chiều, bố mẹ sai hai chị em lên đồi chặt củi. Chị gái tôi đã không may lỡ tay cầm dao rựa chém vào gốc cây nhưng lại chém trượt vào cổ chân tôi. Vết chém sâu tước vào một miếng thịt để lộ xương mắt cá lòi ra trắng hếu.
Máu chảy oà ra, tôi khóc nức nở. Chị gái tôi xé quần băng bó cho tôi rồi dẫn tôi về nhà bảo là tuyệt đối không được mách bố mẹ nếu không cả hai chị em ăn đòn. Tối ấy, tôi đau quá, mất máu nhiều, người bừng bừng cơn sốt, tôi đắp chăn nằm ly bì.
Trung thu, cơ quan của mẹ tổ chức ăn kẹo bánh và phá cỗ, nhà tôi đi vắng, có mỗi mình tôi. Mẹ tôi hỏi chị tôi có thấy tôi đâu không, chị tôi lắc đầu. đến lúc phá cỗ trung thu xong, cả nhà kéo về, anh trai tôi chạy vào nhà và chỉ vào đống chăn trong đó có tôi nằm co quắp và bảo với mẹ: "Mẹ ơi, con O nó nằm ngủ đây này". Mẹ tôi lôi tôi dậy và bảo rằng, tao phải đánh cho mày một trận cái tội ăn trưa ngủ trướng. Bố tôi nhìn thấy thế, ông bảo, "đánh chết nó đi cho tao". Mẹ tôi cứ thế lấy dây thừng quật vào người tôi vun vút. Những lằn roi làm bật miếng vải băng vết thương ở chân rơi ra, lộ ra xương mắt cá trắng hếu. Lúc này mẹ tôi mới dừng roi và hỏi: Mày nghịch cái gì mà chặt cả vào chân thế". Lúc đấy tôi ôm chân nói không ra hơi nữa, chỉ lý nhí được mấy tiếng: "Chị gái con chém nhầm vào chân con".
Mẹ tôi không nói không rằng quật thêm liên tiếp mấy roi nữa, vừa quật vừa bảo: "Cho mày chết đi chừa cái thói nghịch ngợm". Sau trận đòn đó, tôi lê sang nhà bác H hàng xóm xin thuốc lá để về rịt chân và băng vết thương. Bác H hàng xóm vừa rửa lau vết thương cho tôi, vừa rên rỉ: "Mẹ mày định đánh chết mày à". Từ đó mẹ đánh tôi thường xuyên, hễ phạm vào một lỗi nhỏ là mẹ đánh, chiếc dây thừng bện to đùng dùng để dắt trâu dắt ngựa mẹ dành để đánh tôi. Cùng với năm tháng, dây thừng mòn vẹt, đứt đoạn, mẹ lại bện dây thừng khác dành để đánh con mà trong đó tôi là người chịu đòn nhiều nhất. Có lần đi học về, đói meo, tôi dọn cơm, lỡ tay đánh vỡ một cái bát, mẹ tôi quật dây thừng vào tôi và bảo: "Mày đừng có ăn cơm nữa mà phí cơm tao". Tôi ngồi một góc nhà khóc, đợi mọi người ăn xong mới dám vào ăn. Nhưng bố tôi đã thản nhiên bảo với mẹ: "Đổ hết cơm cho chó ăn đi, không được để lại một hạt nào".

Lên mười tuổi tôi đã phải gánh nước, thổi cơm, đi nương, và xuống chợ bán hàng hóa, làm hết tất tật mọi việc trong gia đình. Quần áo của tôi rách rưới, vá chằng vá đụp mặc dù nhà tôi, mẹ làm thương nghiệp, vải vóc lúc nào cũng đầy rương. Đặc biệt không hiểu tại sao, tết nào mẹ tôi cũng sắm cho 6 đứa con 6 bộ quần áo mới. Sáu bộ được phát cận ngày 30 tết để cho các con diện đẹp trong 3 ngày tết, riêng tôi đó là một nỗi sợ hãi trẻ con vì mẹ luôn luôn bắt tôi phải sống trong lo âu, khắc khoải chờ đợi, thấp thỏm có thể tôi không được phần quần áo tết. Chỉ đến khi tôi chờ đợi đến kiệt sức, người rũ ra vì thất vọng, thì phải hết tết, có nghĩa là sớm thì chiều mồng 1, muộn thì mồng 2, mồng 3, mẹ mới vứt cho tôi một bộ quần áo mới và bảo: "Lẽ ra tao không mua cho mày quần áo đẹp, mày mặc vào chỉ phí cả đồ".
Ngày còn bé, trẻ con, tôi vẫn mừng như bắt được vàng khi dẫu muộn mẹ vẫn cho quần áo mới để mặc tết. Nhưng khi tôi lớn hơn chút nữa, 12, 13 tuổi, chờ mãi không có quần áo mới, đến khi mẹ ném cho bộ quần áo, tôi tủi thân nghẹn ngào không sao mặc nổi. Ngày tết, 5 anh chị em tung tăng diện quần áo mới đi chơi, chỉ mình tôi là ngồi một mình trong bếp, cứ thế là khóc thầm, khóc cho đến hết 3 ngày tết vì nghĩ rằng bố mẹ không thương mình. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ đủ tự tin mặc những bộ quần áo mới trong dịp tết. Quanh năm mặc quần áo cũ, quần áo mới nhường cho chị em mặc vài nước rồi mới đến tôi. Tự nhiên trong tôi luôn có một mặc cảm tự ty trước đám đông, và trước tất cả mọi người.
Những ngày tháng ấy, tôi buồn lắm, tôi bèn viết thư lên Báo Tiền Phong để tâm sự với báo về chuyện của mình, về nỗi khổ mà tôi bị bố mẹ đánh đập, ghét bỏ và hắt hủi. Tôi viết thư có ý giãi bày, tâm sự thôi, tôi cũng không ngờ ít lâu sau đó Báo Tiền Phong gửi về cho tôi một bức thư qua địa chỉ cơ quan của mẹ tôi. Mẹ tôi đã đọc bức thư đó, xong về đưa cho bố tôi. Bố tôi đọc xong bảo với mẹ: "Lôi nó ra đánh chết đi cho tao". Mẹ lại trói tôi vào cột nhà như bao lần mẹ trói và cứ thế quật cho người tôi tan nát. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa từng được đọc bức thư của Báo Tiền Phong viết cho tôi như thế nào. Tôi đoán đó cũng chỉ là những dòng tâm sự, những lời động viên chia sẻ của các anh chị trong báo gửi đến tôi thôi, nhưng bố mẹ tôi bảo, mày đi kể chuyện nhà cho báo nghe thì chúng tao đánh mày chết cho chừa cái thói mách lẻo".

Năm tôi 15 tuổi, tôi nhớ như in một lần, trong bữa cơm chiều, bố tôi kêu mất 5 ngàn. Bố tôi kêu tất cả các con lại và bảo: "Có đứa nào ăn cắp tiền của tao không?". Tất cả các anh chị em của tôi trả lời không, riêng tôi, tự dưng một nỗi sợ hãi khủng khiếp đã làm cho tôi cứng lưỡi, người tôi run lên bần bật và cứ thế tôi òa khóc. Anh trai tôi bảo vối bố, bố xem dưới gối của nó có tiền không. Bố tôi đi vào giường của chị em tôi và lật cái gối thường ngày tôi vẫn kê lên thì thấy có 3 ngàn dưới gối. Không nói không rằng, bố tôi trói giật hai cánh tay tôi ra sau và buộc chặt vào cột chuồng ngỗng cứ thế lấy dây thừng quật cho tôi đến lúc quần áo rách bươm, da thịt bấy máu, tôi ngất đi thì lúc ấy ông mới thôi.
Đêm ấy, tôi không dám trở vào nhà, không một hạt cơm dính bụng, tôi ngủ thiếp đi ngoài chuồng ngỗng, Sáng ra, chị gái tôi phát hiện thấy tôi nằm ở chuồng ngỗng bèn chạy vào nhà mách mẹ. Mẹ tôi bảo: "Cho nó chết đi". Đợi đến khi bố mẹ đi làm hết, tôi lết sang nhà bác H, bác cho tôi ăn rồi lau rửa vết thương cho tôi, bác vừa làm vừa khóc: "Sao mà bố mẹ mày đánh con ác thế".
Từ đó, tôi đã có ý muốn phải bỏ nhà ra đi để thoát khỏi những trận đòn kinh khủng. Nhưng vốn là cô bé nhút nhát, tôi không biết đi đâu, về đâu, dù có cơ cực khổ ải đến mấy tôi vẫn nghĩ rằng mình nên ở nhà, dù có bị đánh đập vậy vẫn còn chỗ ăn chỗ ngủ. Với lại dù bố mẹ đánh đập như vậy nhưng tôi luôn luôn thèm khát tình yêu thương của bố mẹ, của các anh chị em nên nếu phải ra đi, tôi không chịu nổi sự cô độc. Tôi đã chôn kín mong ước được trốn đi, giải thoát mọi đòn roi của bố mẹ trong lòng. Ít lâu sau, một lần tôi đi gánh nước về nhà, thấy trong nhà bố tôi đang nói to tiếng với anh trai tôi: "Tại sao mày lấy tiền bố mà mày đổi cho con O để tao đánh nó. Mày làm vậy là oan cho con O". Chỉ nghe bố nói được hai tiếng "Oan cho con O" là tôi cứ thế đổ cả gánh nước ở trên vai và ngồi thụp xuống khóc như mưa như gió.
Thú thật lúc đó, tôi khóc không phải là vì nỗi oan trong lòng được giải, càng không phải là khóc cho tôi mà tôi khóc vì cảm động khi nghe bố nói oan cho tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe một lời công bằng của bố nói với mình, điều đó làm cho tôi xúc động đến rơi nước mắt. Điều đó có nghĩa là nhen lên trong tôi một hy vọng, một tín hiệu vui rằng bố tôi vẫn thương tôi, bố tôi nói điều đó là thương tôi. Nghĩ đến việc bố còn thương mình, cứ thế tôi khóc. Lúc đó tôi chỉ muốn được chạy lại bên bố, ôm lấy bố và nói, bố ơi, thế là bố vẫn thương con đúng không bố nhưng tôi sợ, tôi không dám. Bố tôi không hề đánh anh trai tôi vì tội ăn cắp tiền, cũng không nói một lời nào với tôi về chuyện tôi bị oan ức. Bố thản nhiên lạnh lùng lờ đi chuyện đó.

theo cand.com(còn nữa)

0 comments: