14 tháng 12, 2010

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: CHƯƠNG II: TÌNH ĐẦU ĐI TÌM NHAU

Tiếp theo kỳ trước

Sau năm năm kể từ ngày bị thương, tôi được ra khỏi trại điều dưỡng. Cầm tờ Quyết định phục viên trong tay, tôi bồi hồi và cảm thấy hụt hẫng. Hình như mình vừa đánh mất một cái gì quý giá.

Khi trí nhớ dần dần hồi phục, tôi đã xin phép trại điều dưỡng được đi vào Nam một chuyến để tìm gặp Má và Trang. Hình như tình yêu là điều luôn làm cho nỗi buồn tan biến và sự chờ đợi lại dài thêm hay sao ấy? Tôi khắc khoải mong được gặp em nhưng trại không cho đi vì vết thương ở sọ não hay bị tái phát. Tôi cắn răng chờ đợi.

Năm năm – một khoảng thời gian khá dài của nỗi nhớ. Năm năm tôi đã chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện khác mà trí nhớ vẫn không thể hồi phục. Khi tỉnh tôi lại muốn mình mê. Mê để rồi quên đi mọi thứ. Mê để rồi quên đi người con gái, quên đi mối tình đầu đầy sóng gió của đời tôi. Nhưng khi đã tỉnh thì tôi lại không muốn quên những kỷ niệm ngọt ngào của một thời chinh chiến.

Cầm tờ quyết định trong tay, tôi đến từng phòng để chia tay những đồng đội của tôi đang mang trong mình những vết thương quái ác. Nhiều người nhìn nước mắt tôi giàn giụa rồi cười toáng lên. Họ cười rồi lại khóc. Cả phòng cùng khóc. Cả trại điều dưỡng cùng khóc. Họ khóc, họ cười như những đứa trẻ. Họ là những thương binh bị thương ở đầu như tôi. Nhiều người gọi họ là kẻ tâm thần!

Tôi về làng trong sự tiếp đón nồng nhiệt của bà con và bạn bè lối xóm. Ai cũng nghĩ tôi đã hy sinh. Cũng đúng thôi, không hy sinh thì tại sao đã hòa bình chừng ấy năm mà không có tin tức gì cả. Nhìn tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nhiều người đoán tôi bị tâm thần. Họ lẳng lặng tránh xa tôi. Họ sợ tôi lên cơn. Bố mẹ tôi không còn nữa.


Bà con kể cho tôi nghe về cái chết của bố và mẹ tôi. Nghe tin đồn tôi bị thương nặng và chết khi đơn vị tôi tấn công vào Sài Gòn, bố tôi bị nhồi máu cơ tim và đột tử. Mẹ tôi vì thương bố và nhớ thương con nên ốm dần, ốm mòn và qua đời cách đây sáu tháng. Nghe hung tin, tôi đứng không còn vững. Đầu tôi choáng váng và nằm lăn ra đất.

Bà con lại đưa tôi vào viện cấp cứu. Một năm sau tôi ra viện. Tôi về nhà thắp nén hương lên bàn thờ bố mẹ tôi để xin phép đi đón Trang về. Tôi ra đường Quốc lộ Một đón xe đi thẳng vào Phước Long.

Tháng sáu, trời nóng như đổ lửa. Ngồi trên chiếc xe của hãng Phi Long cũ kỹ, người nào người nấy mồ hôi ướt đẫm. Tôi tìm về chiến khu Đ, nơi đơn vị tôi đặt Đại bản doanh. Đơn vị đã chuyển lên biên giới phía Bắc. Tôi lại nhảy xe về Phước Long. Tìm đến ngôi nhà nhỏ đã một thời cứu tôi thoát khỏi cái chết nằm sát chân núi Bà Rá. Ngôi nhà được sửa sang lại khang trang đẹp đẽ. Vừa mừng, vừa hồi hộp, tôi chạy ùa vào nhà. Một người đàn ông độ tuổi ngoài 40 nhìn tôi ngạc nhiên: - Xin lỗi anh hỏi ai?

Tôi đờ người ra một lúc và định thần lại hỏi: - Xin lỗi anh cho tôi hỏi đây có phải nhà Má Sáu có con gái tên là Mai Trang không?

- Đúng rồi! Nhưng họ đã bán cho chúng tôi mấy tháng nay - Người đàn ông gật đầu.

Anh ta kéo ghế mời tôi ngồi và pha trà. Vừa rót nước vào bình, anh ta vừa kể cho tôi nghe:

- Cô Trang có một đứa con gái dễ thương lắm. Cháu đã 5 tuổi. Trang đã lấy chồng bốn tháng rồi. Hai mẹ con cô ấy theo chồng về đâu tận Sông Bé. Bà Sáu thì về ở với vợ chồng chị gái của Trang. Tôi hổng biết địa chỉ.

Thế là Trang đã có chồng. Tôi thoáng buồn.

Anh chủ nhà hỏi tôi là ai, có quan hệ thế nào với gia đình bà Sáu. Tôi ậm ừ không biết mình có nên kể hết cho anh ấy nghe hay không nữa. Vừa lúc đó thì chị vợ anh chủ nhà đi làm về. Trời nhá nhem. Nỗi nhớ Trang cứ cuộn lên trong tôi. Tôi đành kể hết cho anh chị ấy nghe về mối tình đầu trong sáng và đẹp đẽ giữa tôi và Trang và Má sáu đã nuôi giấu tôi trong những ngày Bình Phước chưa giải phóng.

Anh chị ấy nhìn tôi có vẻ thương cảm. Họ giữ tôi lại nấu cơm ăn và ngủ lại. Sáng hôm sau, anh ấy lấy xe Honda 67 chở tôi ra bến xe để trở ra Bắc. Trước khi chia tay, anh ấy còn dúi vào túi tôi một ít tiền bảo là đi đường uống nước. Tôi thật sự cảm động.

Ngồi trên chiếc xe đốt bằng than củi chạy ì à ì ạch, tôi lại nghĩ tới Trang. Đứa con gái của Trang kia có phải là con gái của chúng mình không nhỉ? “Cháu đã lên năm và dễ thương lắm” ... “ Nhìn con gái cô Trang, tôi thấy có nhiều nét giống anh lắm” – Lời kể của anh chủ nhà nói với tôi đêm qua cứ văng vẳng bên tai tôi. Tôi vừa thương Trang vừa mừng cho em vì em đã có chồng. Em sẽ không còn cô đơn và em đã có một bờ vai khỏe mạnh để ngã đầu khi mệt mỏi. Tôi luyến tiếc vì tôi mất em.

Tôi buồn và thất vọng vì không tìm gặp được em. Nhưng tôi mừng cho em vì em đã có một người chồng không “tâm thần” như tôi. Tôi thầm mong cho em hạnh phúc. Mong sao người ấy sẽ thực lòng thương em, không hành hạ em và bắt em phải trả lời Thiên Bình là con ai? Người ấy của em bây giờ ở đâu? Làm gì? Còn sống hay chết?...

Chuyến xe tôi đi đúng là chuyến xe bão táp. Xe chạy than đã nóng lại hay hỏng dọc đường. Đã thế xe toàn chở mấy mụ xồn xồn chuyên đi buôn đường dài. Trên xe luôn ồn ào và huyên thuyên chuyện lỗ lãi. Mỗi lần gần đến trạm kiểm soát của Liên hợp, xe lại vờ dừng lại sửa chữa chờ đến giờ cán bộ kiểm soát nghỉ ăn cơm để vượt qua. Đến bến xe Đông Hà, xe dừng lại và đề nghị hành khách chuyển sang xe khác. Họ bán khách. Tôi ngán ngẩm không lên xe khác mà cứ ngồi lì trên chiếc xe cũ. Người lơ xe với bộ mặt Chuột nhắt bặm trợn cầm ba lô của tôi vứt xuống đất và quát: -Anh kia xuống!

- Tôi không xuống. Tôi đã trả đủ tiền ra đến Vinh . Các anh hãy chở tôi đến nơi tôi mới xuống – Tôi bực mình trả lời.

- Mày điên à? – Gã lơ xe kia nhìn tôi.

- Ừ, tao đang điên đây! Tôi quát lại.

Hắn nhảy lên xe mở hòm đồ nghề vác cái mỏ-lết to bự chảng giơ lên đòi đánh tôi.

Không động đậy và phản ứng gì, tôi bảo: - Mày giỏi thì cứ đánh tao đi. Mời!

Những người hiếu kỳ ở bến xe xúm lại xem mỗi lúc một đông. Gã lơ xe cầm ba lô lép xẹp của tôi vứt mạnh ra xa. Giấy tờ và áo quần trong ba lô, vung vãi. Một ông cụ khoảng bảy mươi nhặt những giấy tờ lên và quát : - Thằng nhóc kia, mày đã sai rồi đấy. Xin lỗi chú ấy đi! - Rồi ông cụ đưa tờ giấy xuất viện của tôi cho mọi người xem và bảo :

- Chú ấy là thương binh nặng vừa ra viện đấy. Mày mà đụng đến thương binh thì hãy coi chừng.

Lúc ấy, người lái xe mới mang chiếc ba lô đưa cho tôi và xin lỗi vì hành động hỗn xược của lên kia. Anh ta bảo:- Xin lỗi anh, xe của tôi không thể chạy được nữa. Nó hỏng nặng phải đưa vào ga ra để chữa. Bây giờ tôi gửi trả anh toàn bộ tiền vé và mong anh sang xe khác giùm tôi. Tôi không nói gì và cũng không thèm lấy lại số tiền mà người lái xe đưa cho tôi. Tôi lẳng lặng xuống xe và bỏ đi. Đang loanh quanh tìm bóng râm để ngồi nghỉ thì bỗng có ai đó gọi giật giọng ; - Anh Thiên, có phải anh là anh Thiên không? Tôi ngạc nhiên :- Vâng, tôi Thiên đây. Anh là ai mà biết tôi?

Anh ấy ôm chầm lấy tôi như đã quen nhau từ lâu: - Tôi là Chân, Nguyễn Minh Chân quê Đông Hà đây.

Chân nào nhỉ? Tôi có quen ai tên Chân ở Đông Hà đâu? Tôi vắt óc để nhớ nhưng không thể.

- Anh là Minh Thiên. Anh đã từng làm nhiệm vụ trao trả tù binh ở Thạch Hãn. Tôi là tù binh bị bắt ở Khe Sanh năm 1970 và được anh trao trả tháng 3 năm 1973. Vì Đông Hà đã giải phóng nên tôi từ chối về bên kia nên được anh và anh Thành đưa tôi về giao tận gia đình . Anh không nhớ sao?

- Tôi nhớ rồi. Anh Chân, anh nhớ giỏi quá. Bảy năm rồi còn gì. Nhanh thật! Mới đó mà đã 7 năm rồi. Không trách chúng mình mau già. Bây giờ anh làm gì? – tôi hỏi trong niềm vui khó tả.

- Tôi bây giờ lái xe đường dài Đông Hà – Hà Nội. Còn anh? – Chân nhìn tôi trìu mến và hỏi.

- Tôi về thăm một cơ sở đã nuôi giấu tôi trong chiến tranh. Bây giờ về quê nhưng xe bị hỏng nên đang tìm chiếc khác đây.

- May cho anh rồi! Sáng mai tôi có chuyến ra Hà Nội. Anh đi cùng tôi nha.- Nói rồi Chân mời tôi về nhà Chân. Đêm đó, sau bữa cơm đãi khách quen bằng những món ăn sang trọng, hai chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sống của mỗi đứa sau ngày 30 tháng Tư.

Rồi sáng hôm sau Chân đã bao tôi nào tiền xe, tiền ăn uống dọc đường và còn cho tôi ít tiền về quê. Tôi không bao giờ quên được nghĩa cử cao đẹp mà người bạn khác chiến tuyến đã giành cho tôi.

Tôi rời bệnh viện sau cái lần cấp cứu vì bị sốc do đọc mail của Thiên Bình với lời khuyên của bác sĩ: “Về nhà phải biết kìm nén cảm xúc đột ngột. Không được xem bóng đá, không xem phim tình cảm và không được thức khuya. Đặc biệt không được ngồi trước máy vi tính quá mười phút. Không được hút thuốc lá, không uống bia rượu và các chất kích thích khác.” . Thế thì còn gì nữa để sống! Bóng đá và lên mạng là hai thứ thích nhất trên đời mà cấm thì đời còn chút thi vị gì nữa đâu.

Vợ tôi lại là một người làm nghề y nên càng thắt chặt kỷ luật đối với chồng mình. Tôi sống chẳng khác gì Rô Bin Sơn trên hoang đảo. Ngồi buồn, tôi lại nhớ Trang, nhớ Má Sáu và thương Thiên Bình. Không biết từ ngày tôi vào viện đến nay, Thiên Bình có gửi mail cho tôi không? Không hiểu Thiên Bình có biết được tôi đang từng phút, từng giờ lo lắng cho nó không?

Trong cái khó, ló cái khôn. Cứ sáng sáng, tôi lừa vợ đi uống cà phê với bạn bè nhưng thực ra tôi lẻn vào quán net để check mail và xem blog của bạn bè. Vợ tôi luôn tin tôi nên không nghĩ rằng tôi lừa cô ấy.

Vừa mở hộp thư, tôi nhìn thấy một loạt mail của Thiên Bình và bạn bè gửi cho tôi. Tôi cứ nhằm vào thư của Thiên Bình mà đọc;

“Ba, Ba đừng nói lại vào Sài Gòn tìm con đó nghe!”

“Ba, tại sao ba không nói gì?”

“Ba ơi, ba lại bệnh hả ba?”

“Ba ơi, con muốn được ôm ba một lần”...

“Ba ơi, sao ba im lặng thế, ba giận con à ba?”

“Ba ơi, ba có phải là ba đẻ của con không? Hay ba cũng giống kẻ đã hại con - một tên lừa gạt, đểu giả? Tạm biệt ba”

Tôi cảm thấy lòng mình se sắt. Tôi vội vàng trả lời Thiên Bình: “Con gái yêu của ba, Ba chính là ba ruột của con đây. Ba là Minh Thiên. Ba rất yêu mẹ và con. Sáu năm sau khi ra khỏi trại điều dưỡng thương binh nặng và rời quân ngũ, ba đã về Phước Long tìm mẹ con. Biết tin mẹ con đã có chồng cách đó chưa lâu nên ba không muốn phá vỡ hạnh phúc của mẹ con và ba đượng con. Ba đã đau khổ và lặng lẽ về quê trong thất vọng.

Đừng giận ba nghe con. Bây giờ con đang ở đâu? Hãy cho ba địa chỉ, ba sẽ đến đưa con về ở với ba. Lúc nào ba cũng chỉ nghĩ đến con. Ba thương con nhiều lắm.”

Tôi tắt máy và lửng thửng về nhà như kẻ mất hồn. Vợ tôi chạy ra đỡ lấy tôi vì sợ tôi ngã.

- Anh uống cà phê ở đâu mà lâu vậy? Anh lại mệt à? - cô ấy hỏi.

- Anh uống gần đây thôi, gặp mấy đứa bạn vui quá nên quên mất. Anh không sao đâu – tôi trấn an vợ mình.

Kể từ lúc từ quán cà phê về, hình ảnh Trang và thiên Bình cứ luôn hiện ra trước mắt tôi. Tôi hình dung Thiên Bình sẽ giống Trang lắm. Trang hiền hậu, ít nói nhưng hóm hỉnh lắm. Mỗi lần nhìn em cười là lòng tôi cứ ngây ngất và rộn ràng làm sao. Thiên Bình giống mẹ hay giống mình nhỉ?


Trong nhật ký, em bảo nó giống mình như lột. Nhưng người mua nhà Má Sáu thì lại bảo hai mẹ con em giống nhau như hai giọt nước. Hình như tất cả những người phụ nữ đẹp đều gặp sóng gió trong đời. Hồng nhan bạc phận mà. Có phải thế không nhỉ? Không, Trang sẽ hạnh phúc. Trang sẽ được chồng chiều chuộng thương yêu như mình từng thương yêu em.

Có chuông điện thoại, tôi mở máy. Điện thoại của Bí Rợ. Cô ấy hỏi tôi đã xem blog của Thiên Bình chưa? Thiên Bình có entry mới – nhật ký của mẹ. Vào đọc đi, thương lắm!

Tôi lại năn nỉ vợ cho tôi mở máy. Vợ tôi nhìn tôi lo lắng: - Em chỉ sợ.

- Không sao đâu em, anh không xúc động đâu – tôi trấn an vợ.

...Ngày...tháng...năm : Mới đó mà Thiên Bình đã lên bốn rồi. Càng lớn con càng giống anh. Mỗi lần nhớ anh, mình lại ôm con vào lòng mà khóc. Anh bây giờ ở đâu? Anh còn sống hay anh đã chết? Nếu còn sống tại sao anh không tìm mình, không nhắn tin hay viết thư cho mình? Hay anh đã có hạnh phúc riêng?

Nhiều người đàn ông đến nhà chơi có ý muốn lấy mình làm vợ. Má cũng giục mình lấy chồng vì má già yếu rồi lỡ có bề gì má nhắm mắt không đành. Nhìn Thiên Bình hồn nhiên, ngây thơ, mình lại thương con và nhớ anh hơn. Lấy chồng, con gái mình sẽ sống ra sao? Họ có thương con mình như con đẻ của họ không nhỉ?

...Ngày...tháng...năm: Gia đình chị Hai và anh rể định cư ở Mỹ về thăm. Trước đây chồng chị Hai làm ở Sở Mỹ nên đã sang Mỹ theo diện HO. Anh chị ấy muốn bảo lãnh cho mẹ con mình cùng sang bên đó sinh sống. Mình còn chần chừ vì đi thì để má cho ai. Mình đi rồi, anh tìm mình không thấy chắc anh buồn lắm. Má thấy mình hờ hững với chuyện đi, má giận. Má bảo: “mẹ con mày cứ đi đi, khỏi phải lo cho tao. Tao sẽ về ở với vợ chồng con Ba.”

... Ngày...tháng...năm: Nể má, tôi chạy đôn chạy đáo làm thủ tục. Khi đến Ủy ban hành chánh xã xác nhận lý lịch và giấy khai sinh thì họ không chấp nhận xác nhận cho Thiên Bình. Họ bảo giấy khai sinh của Thiên Bình không có tên cha nên không thể. Mình vừa buồn, vừa thương con.

Anh ơi, anh hãy về đây để họ xác nhận rằng Thiên Bình có cha. Cha của con gái em là bộ đội Cụ Hồ.

...Ngày...tháng...năm: Gia đình chị Hai đi rồi, mình gửi Thiên Bình cho Má để đi tìm anh. Đêm nay mình trằn trọc không sao chợp mắt. Ngày mai thân gái dặm trường đi tìm kim đáy bể. Anh ơi, anh có vui không khi gặp lại em? Đừng xua đuổi người con gái đã một lòng chờ chồng nghe anh. Đừng làm em thất vọng.

...Ngày ...tháng...năm: Một ngày cơm hàng cháo chợ. Xe đò chạy bằng than vừa nóng vừa chật. Người ta bảo chỉ có ở nước mình mới đưa nền công nghiệp vận tải trở lại thế kỷ 17. Xe vừa chạy vừa nhảy. Nhiều người không chịu được mùi ga của than xả ra bị ngất. Cũng may mình không nằm trong số họ.

Lần đầu tiên đi xa, mình lo lắng, hồi hộp xen lẫn niềm hy vọng mong manh được gặp anh. Cứ nghĩ đến anh mình quên cả cái nóng, cái khát và không cảm thấy mệt mỏi.

Đêm nay mình thuê một quán trọ ở bến xe Quy Nhơn. Khí hậu ở đây nóng hầm hập chẳng khác gì ngồi trên xe.

Ngày...tháng...năm: Đã ba ngày xa con gái và má, mình cảm thấy nhớ con và thương má vô cùng. Mình lần đầu tiên được đi qua Đèo Ngang, nơi mà Bà Huyện Thanh Quan đã để lại những vần thơ bất hủ. Hồi ấy anh đọc bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan và bảo Đèo Ngang cách nhà anh khoảng một trăm cây số.

Đến thị xã H. nhỏ bé thì mình xuống xe. Hỏi thăm Núi Hồng, sông La ở đâu thì họ bảo còn “ngái lắm”. Một chị ở bến xe bảo lên xe đi Vinh cùng chị, chị chỉ cho. Ngồi trên chiếc xe hiệu Hải âu thoáng rộng nhìn ra hai bên, chị gái đi cùng chỉ cho mình xem những hố trâu đằm to bằng cái sân và bảo:”hố bom Mỹ đó em ạ”. Hố bom nhiều lắm. Nhiều không thể đếm hết. Hố bom như những bát nước lọc trong vắt.

Ước gì được xuống đó mà tắm giặt thì thích lắm. Một dãy núi cao xanh rì nằm ở phía Đông sát với đường quốc lộ hiện ra. Chị ấy bảo đến rồi đó em. Đây là dãy núi Hồng Lĩnh. Mình xuống xe và nhìn về dãy núi, rồi nhớ lời anh nói với mình: “ Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây Sông La hết nước thì đó với đây mới hết tình”.

Cây lá xum xuê một màu xanh thẳm mà tình anh muôn dặm em phải đi tìm.

Mình lang thang cả buổi chiều ở đây. Hỏi về anh chẳng ai biết cả. Mình vào một quán cơm xin ngủ lại qua đêm sáng mai tìm tiếp. Chủ quán cơm nghe mình kể về mối tình của hai đứa. Ông ấy thương tình cho mình ăn cơm cùng gia đình và ngủ lại nhưng không chịu nhận tiền ăn tiền trọ. Người ở đây thật giàu tình giàu nghĩa. Chắc chắn anh cũng không nỡ lòng nào bỏ em và con đâu nhỉ.

Ngày...tháng...năm: Mình đi xe ôm tìm đến Ủy ban hành chánh các xã dưới chân núi Hồng Lĩnh nhờ họ mở sổ hộ tịch tìm giúp. Không có tên anh. Buồn!

Mình hỏi đường đến Sông La, nơi có bến Tam Soa mà anh đã có lần nhắc tới: “Mời bạn về ngắm cảnh sông La, bơi thuyền dạo bến Tam Soa”. Chắc là nhà anh ở gần bến Tam Soa? Bác xe ôm chở mình đến chỗ đê La Giang tiếp nối với đường Quốc lộ Một và từ đó men theo bờ sông La đi ngược lên. Bác ấy bảo Bến Tam Soa ở gần phà Linh Cảm. Nơi đây hồi chiến tranh phá hoại, Mỹ ném bom và bắn phá dữ lắm.

Bến Tam Soa đang hiển hiện trước mắt mình. Dòng nước sông La xanh vời vợi lững lờ trôi. Những chuyến đò ngang đầy ắp người bình thản qua sông. Mình hỏi về anh không ai hay biết. Mình ghé vào nhà thờ ông Trần Phú, thắp nén nhang cầu nguyện ông nhờ ông mách bảo anh ở nơi nào. Cặp mắt bên còn, bên hỏng của ông trong bức ảnh nhìn mình.

Ông mỉm cười với mình như muốn bảo rằng: “Cháu không tìm được anh ấy đâu!”. Rồi mình lại lần đến Ủy ban các xã hai bên bờ sông La nhờ họ tìm kiếm. Tất cả đều lắc đầu.

Anh ơi, nước sông La vẫn chảy bốn mùa, em vẫn một lòng đợi chờ anh năm tháng mà anh thì biền biệt nơi nào? Anh ơi, anh hãy về với em và con. Con gái anh là Thiên Bình. Nó ngoan và dễ thương lắm anh à.

Ngày...tháng...năm: Mình về nhà sau mười ngày lang thang tìm kiếm. Má nhìn mình vừa ốm vừa đen thương hại :- thôi con ạ, như vậy là con đã trọn tình trọn nghĩa với thằng Tám rồi. Đừng chờ đợi làm gì nữa. Thương ai thì con gật đầu cho má yên tâm.

Đọc đến đây, mặt tôi ngây ra. Vợ tôi vội vàng tắt máy và bắt tôi nằm nghỉ. Cô ấy pha nước cam cho tôi uống và động viên: - Để dành đọc mỗi bữa một ít thôi. Đọc hết mai lấy gì mà đọc. Anh nghỉ ngơi cho khỏe. Chiều nay em bảo con nó in thành sách cho anh muốn đọc lúc nào thì đọc. Thần kinh yếu, nhìn máy tính lâu hại lắm.

Tôi nằm, nghĩ về Trang, nghĩ về Thiên Bình, lòng tôi cuộn lên bao niềm thương xót.

Không biết em lấy chồng rồi có hạnh phúc không? Thiên Bình đã có thêm em chưa? Chồng em có đối xử tệ với em và con gái của chúng mình không nhỉ?

Tôi lại nói dối vợ đi cà phê với bạn. Tôi sà vào quán net cách xa nhà gần một cây số để vợ không nhìn thấy. Phòng net chật ních bọn trẻ. Tiếng nhạc, tiếng rú của các trò chơi game phát ra ồn ào nhức óc. Không còn máy trống, tôi lại nổ máy đi tiếp.

Tôi ghé vào một quán mới khai trương. Chủ quán hăm hở đón mời khách và bắt tay tôi kéo vào: - Mày là Thiên, Minh Thiên có phải không? Lĩnh đây, Lĩnh E8 đây. Mày còn sống sao? Hồi mới giải phóng tao về quê nghe tin mày hy sinh rồi cơ mà.

- Ừ, tao chết lâu rồi chứ có hy sinh hồi nào đâu – tôi phì cười.

- Mày cũng ở thành phố này à? Vào lâu chưa? – Lĩnh, chủ quán net hỏi.

Thế là cuộc gặp gỡ bất ngờ đã không cho tôi cơ hội vào blog của Thiên Bình.

Một buổi sáng xui xẻo. Tôi về đến nhà nằm phịch xuống salon thở dài.

Tôi bảo vợ: - Hôm nay không biết giá vàng lên hay xuống em nhỉ?

Vợ tôi cười : - Giá vàng lên hay xuống thì có ảnh hưởng gì đến nhà mình đâu mà tò mò. A, anh lại muốn vào mạng chứ gì. Ngồi một lúc thôi nha, ngồi lâu lại không ăn không ngủ được. Em lo cho anh lắm.

Hôm nay, trước khi post nhật ký của mẹ mình lên blog, thiên Bình còn có mấy câu diễn giải: “BHT ( Bông Hồng Trắng-viết tắt) đã khóc rất nhiều khi đánh máy trang nhật ký này của mẹ. Trang nhật ký bị nhòe và mất nhiều chữ vì bị ướt rất khó đọc. Có lẽ những giọt nước mắt của mẹ đã làm cho cả trang nhật ký này trôi hết chữ. Dù sao BHT cũng cố gắng đánh vần để post lên cho mọi người cùng xem. Entry câu được câu mất, mong mọi người thông cảm”

...Ngày...tháng..ăm: S...ú năm vắ...g an..., con gá...òn năm tuổ... Anh ơ...i, ngày mai em phả..i ề nhà chồ...g. Em không đợi an...h ...ược nữa ...ồi. Sáu năm vắng anh, con gái tròn năm tuổi. Anh ơi, ngày mai em phải về nhà chồng. Em không đợi anh được nữa rồi...

Chồng em là một sĩ quan ngụy đã đi cải tạo 2 năm ở trại. Anh ấy tên Lãm đã bỏ vợ vì vợ không sinh con cho anh ấy. Quê chồng em ở Thủ Dầu Một. Anh ấy là con một của một gia đình giàu có. Ba mẹ anh ấy đã bị mất tích trên biển trong một lần vượt biên trốn ra nước ngoài. Nghe đồn, ba mẹ anh ấy đã bị cướp biển cướp hết tiền vàng, sau đó bị giết và bị vứt xác xuống biển. Lãm không có con cái nên rất thương Thiên Bình và coi Thiên Bình như con đẻ anh à.

Không có anh em buồn và lúc nào cũng nhớ anh. Ở một nơi nào đó, nếu còn sống, anh nhớ giữ gìn sức khỏe nghe anh. Anh hãy quên mẹ con em đi. Cứ coi như trên đời này không có Thiên Bình và coi như em đã chết.

Vĩnh biệt anh yêu.

Những dòng chữ cứ mờ dần trước mắt tôi. Tôi giấu vợ ngoảnh mặt lấy tay áo lau nước mắt. Chắc trước khi đi lấy chồng Trang đã khóc nhiều lắm. Tội nghiệp cho Trang và con gái. Tôi thật đáng ghét. Tôi đâu có ngờ đâu vì tôi mà Trang đã phải chịu nhiều đau khổ đắng cay như thế này.


(còn nữa)
Phạm Văn Mão(theo tintuconline)

0 comments: