15 tháng 12, 2010

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: CHƯƠNG III: BỨC THƯ GỬI LẠI THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT

Tiếp theo kỳ trước
Đã hơn hai tháng rồi tôi không hề thấy Thiên Bình viết blog. Không hiểu chuyện gì đã xẩy ra với con bé. Cứ mỗi lần vào mạng, mở đến trang của Bông Hồng Trắng, không thấy gì tôi lại tắt máy

Trang blog của tôi cũng bỏ ngõ. Tôi không muốn viết gì cả. Bạn bè của tôi vào lưu bút hỏi: “Mèo đưa Chuột đi chợ xa hay sao mà vắng nhà hoài ấy nhỉ?”. Có người viết: “Chú ơi, chú lại mệt đấy à?” hoặc: “Anh có sao không đấy? Vết thương lại tái phát à?”.v.v... và v.v...

Tháng Bảy, cái nóng miền Trung như thiêu như đốt. Vết thương trên đầu tôi âm ỉ đau. Tôi không dám vào mạng và không dám làm bất cứ việc gì dính dáng tới đầu óc. Nhiều khi nóng toát cả mồ hôi nhưng vẫn không dám bật quạt vì gió quạt làm cho đầu tôi tê dại.



Không ngủ được, mới 3 giờ sáng tôi rủ vợ đi bộ ra biển tắm. Nhà tôi cách biển 3 ki lô mét. Tôi cứ ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ thì đầu tôi tạm ổn. Mặt trời nhô lên khỏi mặt biển thì lại đi bộ về nhà. Chiều đến, cứ 5 giờ tôi và cô ấy lại đi bộ ra biển. Tôi lại ngâm mình trong nước. Suốt cả mùa hè, không hôm nào tôi bỏ tắm biển.

Có lẽ nhờ biển mà đầu tôi không còn đau nhức mỗi khi trở trời. Tôi khỏe hẳn ra. Biển – một bệnh viện điều trị không cần thuốc cho tất cả các loại bệnh tật mà lâu nay không ít người quan tâm. Tôi đã tìm được cho mình một phương pháp điều trị tuyệt vời.

Tôi nhận được giấy mời của Sở lao động Thương Binh và Xã hội đi dự lễ kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng Bảy. Vừa thấy tôi, bạn bè xúm lại hỏi thăm. Họ chúc mừng tôi vì sức tôi hồng hào khỏe mạnh. Tôi nhận được quà, hoa tươi của các ban ngành, đoàn thể dành cho những thương binh nặng đã chịu khó rèn luyện nên không phải vào bệnh viện.

Đang sung sướng và cảm động vì sự quan tâm của mọi người thì có chuông điện thoại. Tôi chạy vội ra khỏi phòng lấy điện thoại ra xem. Số điện thoại lạ hoắc. Vừa bấm nốt để nghe thì có tiến con gái gọi: “Ba ơi, con nè. Con Thiên Bình nè.”

Tôi bỗng run lên vì bất ngờ. Tôi mừng quá gọi líu cả lưỡi: “Con, con gái của ba. Ba đây con! Con đang ở đâu vậy con?”.

Thiên Bình khóc. Tiếng khóc của Thiên Bình làm tôi bối rối.

“Ba ơi, con nhớ ba lắm. Con khổ lắm ba ơi!” - Nín đi con, nói cho ba nghe nào. Con làm sao ?Ai đã làm gì con? Mẹ con đâu? Nói cho ba biết chỗ con ở để ba đến với con? Tôi làm một hơi dài không cho con gái tôi chen vào.

“Con gởi thư cho ba rồi. Ba đọc sẽ biết tất cả. Đừng giận con nghe ba. Ba đừng buồn nghe ba. Con có lỗi với ba nhiều lắm! Con chào ba.” – Thiên Bình tắt điện thoại.

Tôi gọi ngay cho Bí Rợ báo tin Thiên Bình đã gọi cho tôi và nhờ Bí Rợ lần theo số điện thoại để tìm manh mối của con gái. Một lúc sau Bí Rợ gọi lại cho tôi và bảo rằng: số Thiên Bình gọi cho tôi là số điện thoại trạm bưu điện ngoài phố.

Suốt đêm hôm đó tôi không sao chợp được mắt. Phần vì thương Thiên Bình và nỗi nhớ Trang cồn cào. Phần thì nóng lòng mong nhận được thư của Thiên Bình. Không biết Thiên Bình nói gì trong thư? Chắc nó trách móc mình nhiều lắm.

Hai ngày sau tôi nhận được một gói bưu kiện được gửi ra từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Gói bưu kiện được gói cẩn thận trong hai lớp ni long màu sẫm. Ngoài cùng là miếng phong bì cắt ra từ một bì thư chuyển phát nhanh. Trên mảnh giấy được viết bằng bút xạ nắn nót:

“Con gái Thiên Bình Kính gởi ba: Phan Minh Thiên, Địa chỉ...”

Không chờ người đưa bưu kiện đi khỏi, tôi mở cẩn thận gói bưu kiện. Một quyển nhật ký cũ kỹ sờn bốn góc và rách mép cùng với một phong bì dày cộp được gói rất kỹ. Tôi run run cầm quyển nhật ký của Mai Trang đưa lên và mở trang đầu tiên xem:

“Năm năm, tháng tháng , ngày ngày

Lần lần, lữa lữa, rày rày, mai mai.

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữ trời mà reo.”

Nước mắt tôi ứa ra. Vợ tôi vội cầm lấy quyển nhật ký cho vào hộc tủ và bảo :- Cất đi, khi nào khỏe anh hãy xem. Hay để tối nay em đọc cho anh nghe.

Tôi nhẹ nhàng mở phong bì dày cộp kia ra. Bức thư Thiên Bình gửi cho tôi. Chữ viết trong thư sao mà giống nét chữ của tôi đến kì lạ. Vợ tôi nhìn và bảo: - Hay là cháu gửi lại những bức thư trước đây anh từng gửi cho chị ấy? Không lẽ chữ con gái mà lại giống nét chữ của anh đến thế. Bức thư đã nhòe đi nhiều chỗ rất khó đọc. Có lẽ Thiên Bình đã khóc nhiều lắm khi viết bức thư này gửi cho tôi. Và tôi đọc cho vợ tôi cùng nghe.

“ TP... ngày...tháng...năm...

Ba kính yêu. Bây giờ thì con khẳng định chắc chắn rằng ba chính là ba ruột của con rồi. Vì vậy con sẽ không giấu giếm ba bất cứ một điều gì cả. Con chỉ mong rằng, đọc xong thư này, ba đừng đi tìm con làm gì. Vì khi bức thư này đến được tay ba thì con đã đi đến một nơi xa lắm. Nơi ấy sẽ không ai có thể tìm thấy con và nơi ấy con sẽ không làm khổ thêm một người nào nữa. Con sẽ đi tìm mẹ con...

Ba ơi, con không muốn ba buồn vì mẹ và con, con càng không muốn bệnh của ba tái phát để rồi trí nhớ của ba bị biến mất vì viên đạn quái ác kia đã chia lìa tình yêu cao cả của ba và mẹ sau ngày đất nước bình yên.

Mẹ vẫn thường hỏi con : Con có biết Thiên Bình là gì không? Con lắc đầu. Con còn nhỏ làm sao mà hiểu được. Mẹ bảo Thiên Bình là bầu trời bình yên. Khi nào bầu trời Bình yên ba sẽ về với mẹ và con. Bầu trời và mặt đất đã bình yên hơn 30 năm mà con vẫn không thấy ba trở về. Con đã hết cả kiên nhẫn và không còn tin vào lời mẹ nói.

Nhưng bây giờ thì con đã tin. Con đã thấy ba con trở về.

Ba ơi, ba đừng giận mẹ con nghe ba. Con lên năm, mẹ gởi con cho ngoại để đi tìm ba. Mẹ đã lặn lội ra tận ngoài Bắc để tìm ba đó. Không có tăm hơi gì về ba cả, mẹ con vì thương ngoại mà đành nhắm mắt đưa chân về nhà dượng Lãm. Mẹ mang con đi theo. Ngoại con ở lại một mình trong cái lều tôn rách nát ấy. Dì Ba và mẹ thương Ngoại, nói mãi ngoại mới lên thị xã ở với dì. Con và mẹ đi rồi, ngoại thương và nhớ hai mẹ con con nên cứ khóc hoài. Con cũng thương và nhớ ngoại lắm ba ạ.

Nhà dượng Lãm ở tận Thủ Dầu Một. Dượng không còn ba, mẹ và không có anh chị em. Nhà dượng kín cổng cao tường. Bên trong cái cổng sắt sơn đen kia là một khu đất rộng mênh mông. Nhà xây kiên cố dãy ngang, dãy dọc trông im ắng và rờn rợn. Lúc mới đến con không dám xa mẹ vì sợ trong những gian nhà vắng người kia đầy ma là ma.

Nhà cửa của dượng lâu ngày không sửa sang quét dọn nên bẩn thỉu và bừa bộn lắm. Mẹ con suốt ngày lủi thỉu một mình dọn dẹp lau chùi chẳng nói, chẳng cười. Dượng ấy nhìn con thiếu thiện cảm.

Mẹ và con có biết đâu rằng đó là một địa ngục không lối thoát!

Con phải ngủ riêng. Phòng ngủ của con sát vách với phòng của mẹ và dượng. Đêm đầu tiên về nhà này, đang ngủ con thức giấc vì tiếng quát của dượng: “Mày là con đĩ, mày đã từng ngủ với bao nhiêu thằng? Cái con bé kia con thằng nào? Hắn ở đâu? Chúng mày còn dăn díu với nhau không?” Sau đó là tiếng đấm, tiếng đá huỳnh huỵch. Con mở cửa chạy sang xem. Dượng ấy quát: “Cút! Cút ngay về phòng”.

Nhìn tóc mẹ rũ rượi, mồm và mũi mẹ đầy máu. Thương mẹ con lao vào ôm lấy mẹ thì bị dượng cho một cái tát vào mặt nẩy đom đóm. Mẹ ôm chầm lấy con và mặc cho ông ta đạp , giật tóc. Mẹ cắn răng không khóc, không van xin một lời

Kể từ đó, hầu như ngày nào mẹ con con cũng bị chửi bới hoặc bị hành hạ .

Con chơi ở đâu khuất mắt ông ta thì thôi chứ nhìn thấy mặt con là ông ta lại rủa: “Mày là con con đĩ”. Rồi bao nhiêu những lời lẽ xấu xa nhất lại đổ lên đầu mẹ con. Nhiều hôm con đòi mẹ: mình về nhà mình thôi mẹ, ở đây con không chịu được. Mẹ thoa lên đầu con và bảo: “Không được đâu con. Nhà mình bán mất rồi, còn chỗ đâu mà về". Mẹ con lại sụt sịt.

Con lên sáu, mẹ dắt tay con đến trường tiểu học xin cho con vào lớp một. Được đi học con vui lắm. Đến trường con chạy nhảy tung tăng cùng các bạn thật thích. Nhưng khi về nhà, ngồi vào mâm cơm lại nghe ông ấy đay nghiến mẹ: “Mày là con con đĩ” . Con lại nuốt không vô.

Hình như ngày nào cũng bị chửi, bị đánh nên mẹ con trở nên chai lì. Mẹ lạnh lùng đau khổ. Mẹ không còn nước mắt để khóc.

Con học chăm lắm. Các thầy, các cô ở trường khen con nhanh nhẹn, thông minh, học giỏi. Mẹ con thì bảo: “Mày giống ba mày lắm thôi. Ba mày thông minh và giỏi lắm. Không biết ba mày học lúc nào mà tiếng Nga, tiếng Pháp nói như gió. Ba mày làm thơ và ngâm thơ hay lắm. Ba mày đánh giặc thì khỏi chê”. Chưa biết mặt ba nhưng nghe mẹ kể về ba con tự hào lắm.

Dần dần lớn lên con mới hiểu rằng ông ba dượng của con không thể có con. Khi lấy bà vợ trước, ông ấy tưởng rằng bà ấy không thể có con nên mới li dị để lấy mẹ con. Trong một lần vì uống quá nhiều rượu, ông ta bị ngộ độc đưa vào viện cấp cứu. Tiện thể, ông ta xin được khám tổng thể. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ bảo ông ta không thể có con. Nghe tin đó, ông ta càng cay cú và trở nên ghen ghét tất cả.

Về nhà, ông ta càng tra tấn mẹ nhiều hơn. Ông ta viện đủ lí do để dánh mẹ. Nào là cơm mẹ nấu hơi ướt. Nào là pha trà loãng quá. Nào là nước tắm nóng quá. Nào là rau nhặt không kỹ. Nào là màn mắc không phẳng, chiếu trải không bằng đầu bằng đuôi. Và mỗi lí do là một trận đòn. Ông ta quấn tóc mẹ và chân giường rồi đánh. Tóc rơi từng mảng , máu chảy dính bết cả tóc.

Có hôm, ông ta lấy ghế đẩu kẹp vào cổ mẹ mà đánh. Cứ hễ con chạy vào ôm mẹ là ông đánh con sưng hết mặt mũi. Thương con, mẹ nằm che lên người con thì ông ta vác cây củi to phang lên lưng, lên đầu mẹ. Mẹ nghiến răng chịu đựng. Có lần về thăm ngoại, con đã tủi thân kể cho ngoại nghe về sự tàn ác của dượng. Mẹ con cười để ngoại yên lòng và bảo: không phải thế đâu má, anh ấy đùa cho vui thôi mà. Con biết mẹ thương ngoại nên không muốn để ngoại biết và suy nghĩ.

Nhiều hôm thương mẹ bị đánh dữ quá, con buột miệng gọi ba. Con muốn ba về để cứu mẹ. Mỗi lần con gọi ba là mỗi lần mẹ bị đánh nhiều hơn.

Con đã kể cho cô giáo con biết về chuyện dượng luôn hành hạ mẹ và con. Cô giáo đã nhờ ông trưởng thôn đến nhà can thiệp. Ông Lãm không cho trưởng thôn vào nhà. Hắn ta bảo việc dạy vợ dạy con của hắn không được ai dí mũi vào. Cán bộ mặt trận, chi hội phụ nữa đến để đấu tranh, hắn khóa trái cổng không cho vào. Khi cán bộ đi rồi, mọi tức tối đổ hết lên đầu mẹ và con. Hắn lại chửi, lại đấm, lại đạp cho đến khi hắn mệt nhoài mới thôi.

Năm con mười lăm tuổi, nhiều lúc con định thuê mấy thằng côn đồ đến trị tội hắn. Mẹ con không cho. Mẹ bảo: “mình sống không phải cho riêng mình con ạ. Đừng làm bậy mà ảnh hưởng đến tương lai của con sau này”. Nghe mẹ, con lại cắn răng chịu đựng.

Con còn nhớ hôm ấy là ngày 15 tháng Năm – ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Con là người duy nhất được Tổng Đội thiếu niên và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhà trường giới thiệu và chuyển thẳng con từ đội viên lên đoàn viên. Bạn bè con chúc mừng con. Con được tặng nhiều hoa tươi lắm. Con vừa mừng vừa tự hào vội vàng ôm tất cả hoa bạn bè tặng con về nhà tặng mẹ.

Mẹ con ôm con và mừng rơi nước mắt. Mẹ vừa cắm hoa vào bình thì hắn ta đi nhậu về. Mặt hắn đỏ như trái bưởi rám nắng. Hắn cầm bình hoa vứt mạnh ra sân vỡ vụn. Hắn hỏi mẹ hoa ở đâu mà mang cắm trong nhà của hắn. Con và mẹ nói thế nào hắn cũng không nghe. Hắn lôi mẹ ra đánh. Hết đấm, đạp, hắn trói mẹ và cột nhà bếp lồi lấy củi quật tới tấp. Mặt mẹ bầm tím. Máu mũi, máu mồ tóe ra. Mẹ ngất lịm. Con kêu khóc, van xin hắn tha cho mẹ. Con càng xin hắn càng đánh.

Khi hắn mệt lả, con lại mở trói cho mẹ và gọi xe cấp cứu. Suốt đêm đó con ngồi bên giường mẹ. Mẹ mê man bất tỉnh. Các bác sĩ đưa mẹ đi chụp phim và bảo mẹ con bị dập lách, dập phổi, gãy dập xương mũi và gãy xương ở vai. Sáng hôm sau mẹ mở mắt nhìn con.

Mẹ thều thào: “Chắc mẹ không sống được. Con hãy trốn khỏi nhà đó càng sớm càng tốt. Nhớ thay mẹ đi tìm ba đẻ của con. Ba con là Phan Minh Thiên ở tỉnh H” Rồi mẹ mãi mãi ra đi. Con một mình bên xác mẹ mà không biết xoay xở thế nào. Các bác lãnh đạo của bệnh viện hỏi nhà con còn ai và ở đâu để còn báo tin để lo mai táng cho mẹ. Con lắc đầu và bảo nhà con chỉ có hai mẹ con thôi. Con không có nhà. Con nhờ các bác giúp con. Bệnh viện đứng ra chôn cất mẹ giúp con. Con nhờ họ đưa mẹ về dưới chân núi Cà Rá - nơi lần đầu mẹ đã gặp ba. Trước khi đi lấy chồng mẹ dặn con khi nào mẹ chết thì hãy chôn mẹ ở chỗ này.

Ba ơi, viết đến đây tay con như cứng lại và lòng con đau nhói. Tại sao mẹ con và con lại phải chịu khổ đau đến thế không biết? Lúc ấy con hận ba lắm, ba biết không? Giá như mẹ con không gặp ba, không sinh con ra trên đời thì làm gì có cảnh tang thương này đâu ba! Nếu mẹ con không nhẫn nhục chịu đựng và bỏ cái nhà thằng côn đồ ấy mà đi thì đâu đến nỗi này đâu ba.

Con không dám về nhà dì Ba vì sợ ngoại biết mẹ con đã chết. Ngoại sẽ buồn phiền mà chết thì con sống với ai? Gia đình dì Ba thì đã được dượng Hai bảo lãnh sang định cư ở Mỹ rồi. Ngoại ở một mình và sẽ không sống nổi nếu biết tin này.

Con lẳng lặng lên xe về lại nhà Lãm. Hắn chìm trong rượu và không mảy may biết mẹ con đã chết. Hắn trợn mắt nhìn con rồi quát: “Con mẹ mày trốn đâu rồi hử?” Con căm thù hắn và mếu máo: “Mẹ tôi bị ông hại chết chôn rồi!”. Hắn cười sặc sụa: “Oắt con, mày dám giỡn mặt tao hả mày?”. Hắn lao đến ôm chặt con lôi vào phòng của mẹ và hắn... Hắn đóng chặt cửa và tra hỏi mẹ con đâu.

Con quỳ xuống lạy hắn, van xin hắn thả con ra và lập bàn thờ cho mẹ con nhưng hắn một mực không chịu. Hắn nghiến răng như nghiến khúc xương chó rồi trợn mắt lên bảo: “Mẹ mày trốn thì mày thế vào đây”. Hắn lôi con lên giường xé hết áo quần và hắn đè con nằm xuống. Mặc cho con dẫm đạp, cào cấu vào mặt, vào lưng, vào ngực hắn nhưng hắn cứ ghì chặt con xuống giường. Giãy giụa một lúc con ngất đi không còn biết gì nữa. Khi con tỉnh dậy thấy cả hắn và con không một mảnh vải trên người. Con thấy đau nhói ở vùng kín. Ở đó chảy rất nhiều máu. Con vùng dậy lấy áo quần mặc vào và chạy một mạch ra khỏi cái địa ngục tối tăm bẩn thỉu ấy.

Thế là hắn hại chết mẹ con, hủy hại đời con gái của con. Con như kẻ mất hồn. Con đi mà không biết mình đi đâu. Cả ngày hôm ấy, con cứ lang thang khắp nơi. Con đi tìm một con sông và nhảy xuống để mãi mãi không ai còn thấy mình, không ai biết mình đã bị cha dượng hãm hiếp.

Gặp một chiếc cầu không dài lắm bắc ngang một con sông sâu, nước trong leo lẻo, con hít vào một hơi thật dài rồi nhắm mắt để nhảy xuống. Một chiếc ô tô bốn chỗ đỗ xịch sau lưng con. Có bàn tay ai đó nắm lấy tóc con giật mạnh ra đằng sau. Mở mắt ra, trước mắt con là một gã đàn ông khoảng 40 to mập.

- Đừng bé! Đừng phí tuổi xuân của mình như thế - ông ta ra bộ thông cảm.

- Không! Ông hãy để tôi chết đi. Tôi không muốn sống nữa - con thét lên.

Rồi ông ta dìu con vào xe, ấn vai con ngồi vào ghế và bảo: - Nói đi, vì sao bé lại muốn chết? Tôi có thể giúp bé vượt qua cơn khủng hoảng này.

Con định thần nhìn kỹ người đàn ông . Mặt ông ta tròn nên cái trán và cằm biến đâu mất. Má ông ta phinh phính như cái lão quan huyện trong chuyện “ Vào cửa quan” của Nguyễn Công Hoan mà con đã học.

Ông ta lại hỏi: - Bây giờ bé muốn về đâu, tôi sẽ đưa bé đi?

- Không biết! Con trả lời cộc lốc. Con biết đi đâu, về đâu bây giờ hả ba? Mẹ con không còn, ngoại con thì già yếu. Về cái ổ quỷ kia thì không thể. Con còn gì để mất nữa đâu ba!

- Chú cho con đi đâu cũng được – con hạ giọng.

Ông ta chở con về thẳng Sài Gòn rồi đưa con vào một phòng sang trọng trên lầu 8 của một khách sạn. Ông ấy bảo: - Đây là phòng ở của bé. Muốn ở đến lúc nào cũng được. Ở đây muốn ăn gì cứ bảo với người dọn phòng, họ sẽ bưng đến tận nơi. Đừng ra ngoài, đi lang thang không có lợi cho bé đâu.

Con bất ngờ với cách giúp đỡ của ông ta. Tại sao ông ta lại tốt với con đến vậy? Và con bắt đầu thấy sợ.

Hôm sau ông ấy đẫn con đến chợ Bến Thành mua cho con rất nhiều quần áo và đồ dùng cá nhân. Ông ta bảo: - Bé ưng gì cứ mua thoải mái, đừng sợ anh hết tiền.

Sau này con mới biết ông ấy là giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc. Ông ta tiêu tiền như giấy lộn. Ông ấy đã có vợ và một đứa con gái lên 10 tuổi. Họ sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng ngày ông ta đi làm và bù khú nhậu nhẹt với đối tác. Tối về nhà với vợ và con. Thỉnh thoảng ông ấy ghé thăm con ở khách sạn.

Được ăn uống tốt lại không phải làm việc và không bị ám ảnh bởi những lần khủng bố của ông Lãm, con mập và lớn nhanh như thổi. Soi gương, con thấy mình càng lớn càng giống mẹ. Mẹ con rất dễ thương phải không ba?

Được cưu mang và săn sóc chu đáo, con dần dần cảm mến người đàn ông ấy và trở thành gái bao của ông ta lúc nào không hay. Sáu tháng sau, ông ấy mua tặng con một ngôi biệt thự với đầy đủ tiện nghi ở một quận trung tâm của thành phố. Cứ dăm bữa nửa tháng, ông ấy lại đưa con shopping hay tham quan du lịch các tỉnh xa với ông ta. Thậm chí ông ta còn đưa con đi du lịch tận Thái Lan, Singapore và Trung quốc nữa.

Ông ta cho con rất nhiều tiền bạc và trang sức đắt tiền. Ông ta bảo yêu và thương ông ta thì không tiếc bất cứ một thứ gì. Hàng tháng con lại ra bưu điện gởi tiền về cho ngoại. Con viết thơ cho ngoại bảo đây là tiền của mẹ gởi ngoại. Ông ta còn đưa con về tận núi Bà Rá thuê người xây mộ cho mẹ.

Mộ mẹ được xây cao, ốp bằng đá cẩm thạch đẹp lắm ba ạ. Con cứ nằm xoài bên mộ mẹ mà khóc, ông ấy dỗ thế nào con cũng không thể nín được. Bây giờ con giàu có bao nhiêu con càng thương mẹ bấy nhiêu.

Năm năm sau cái ngày gặp ông ấy, một tai họa lại ập đến với con. Vợ ông ấy phát hiện ra chồng mình có bồ nhí đã thuê người theo dõi và phát hiện ra nơi con ở. Họ ập vào nhà đánh con một trận thừa sống thiếu chết và đuổi con ra khỏi ngôi biệt thự ấy. Con lại trắng tay và bước vào những chuỗi ngày nhục nhã nhất.

Con lang thang hết nhà nghỉ này đến phòng trọ khác. Không có cái ăn, cái mặc, con đã trở thành thú tiêu khiển cho những kẻ lắm tiền rửng mỡ. Và rồi con bị sốt cao, đau bụng đi ngoài liên tục. Bạn cùng cảnh ngộ đưa con đi khám và bác sĩ kết luận con bị nhiễm HIV. Con đau khổ và chán chường muốn đi tìm cái chết. Con lại nghĩ đến ngoại và nhớ lời dặn của mẹ trước lúc mất là phải tìm kiếm ba, con gượng sống.

Con tranh thủ về thăm ngoại. Ngoại ốm nặng hơn một tháng nay. Thấy con về, ngoại hỏi mẹ đâu mà lâu rồi không về thăm ngoại. Con dối ngoại là mẹ bận nhiều việc nên chưa về được. Bao nhiêu tiền con gởi ngoại bấy lâu nay vẫn còn nguyên. Ngoại bảo ngoại không cần tiền. Ngoại để dành để cưới chồng cho con.

Ngoại đưa cho con cuốn nhật ký của mẹ mà con đã gởi cho ba đó. Ngoại khóc và bảo con giữ cẩn thận để khi nào gặp ba thì đưa cho ba. Đêm ấy, ngoại ra đi bỏ con lại một mình. Con lo mai táng cho ngoại và thuê người xây mộ cho ngoại giống như ngôi mộ của mẹ con vậy.

Con đón xe về lại Thủ Dầu Một xem con ác thú đã đưa con vào chốn đường cùng còn sống hay chết. Vẫn như mấy năm về trước, hắn lúc nào cũng khật khừ hơi men. Thoáng thấy con, hắn cười nhăn nhở thật đáng ghét. Hắn lại quát:

- Con đĩ con kia, mày giấu con đĩ mẹ mày ở đâu, mau đưa về đây không tao chém.

- Mẹ tôi đã bị ông hại chết lâu rồi. Tôi cũng sắp chết đây. Tôi tưởng ông đã chết nhăn răng từ lâu rồi chứ. Ai ngờ ông vẫn còn .

Hắn chồm lên nhảy xổ vào con. Hắn lại dở trò ác thú. Bây giờ thì con không thèm chống cự nữa. Con muốn hắn chết dần chết mòn trong cơn bệnh thế kỷ mà con đã gánh chịu.

Thỏa mãn cơn dục vọng, hắn nằm nhoài ra giường thở như heo mắc dịch. Con đấm vào mặt hắn một cú đấm trời giáng và bỏ đi.

Ba ơi, khi con cập kè tuổi ba mươi, nhan sắc đã tàn tạ, người ta không cần con nữa. Hết tiền để thuê nhà trọ, con phải lang thang ở những công viên, vườn hoa, góc tối. Con phải chạy tiền từng bữa để còn dành cho những ngày bệnh tật.

Xin lỗi ba, con đã làm ba buồn và lo lắng cho con. Nhưng không sao đâu ba. Người ta ăn để sống chứ đâu phải sống để mà ăn. Có phải thế không ba?”

Tôi bật nấc. Nước mắt tôi giàn giụa. Tôi vội đưa bức thư của Thiên Bình cho vợ rồi chạy vào nhà trong. Tôi khóc. Trời ơi! Vì đâu mà hai mẹ con Trang lại phải gánh chịu những nỗi đau nhục nhã thế này?

Tôi gọi điện cho tất cả bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ họ tìm kiếm Thiên Bình giúp. Bí Rợ và KC động viên tôi yên tâm, họ sẽ chia nhau đi khắp mọi ngóc ngách của thành phố để tìm kiếm. Tôi bình tĩnh lại và nhờ vợ tôi đọc tiếp.

“Ba ơi, có lẽ con sẽ không thể gặp mặt được ba đâu. Con mệt mỏi và yếu lắm rồi...”

Vợ tôi vừa đọc vừa như đánh vần. Tôi sốt ruột giục: - Em không đọc được à? Đưa đây anh đọc cho.

Vợ tôi cau có: - Thư viết chữ được chữ mất thế này làm sao mà đọc nhanh được.

Đúng thật! những dòng cuối của thư hình như Thiên Bình không còn làm chủ được tay bút nên viết nghệch ngoạc và mất từ khá nhiều. Hình như nó vừa viết vừa khóc dữ lắm.

Vợ trả lại bức thư cho tôi và bảo: - Anh đọc tiếp đi. Em cũng không cầm nổi nước mắt rồi đây này.

“Sau hai năm con ghé nhà tên Lãm và bị hắn giở trò đồi bại với con lần thứ hai ấy, hôm qua con lại ghé vào nhà hắn. Khu nhà ấy đã sửa sang lại thành trung tâm nuôi dạy trẻ lang thang cơ nhỡ. Các cô các chú làm việc ở đó nói cho con biết Lãm đã mắc bệnh AIDS được đưa đi trung tâm điều trị. Ông ấy đã tự nguyện hiến khu nhà này cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh sau khi biết mình đã bị lây nhiễm và không thể sống được nữa.

Ba ơi, ba đọc xong thư thì đốt đi nghe ba. Đừng để ai đọc mà họ chê cười con hư đốn. Con mắc cỡ lắm. Ba cũng đừng tìm con làm gì nữa. Con sẽ đi đến một nơi xa, xa lắm. Ở đó không ai biết con và con sẽ ngủ một giấc thật dài.

Ba nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng giận con nghe ba.

Vĩnh biệt ba!”

Vợ tôi òa khóc. Tôi cũng khóc theo.

Tối hôm sau, vợ chồng tôi đang ngồi xem TV thì Bí Rợ điện ra. Cô ấy nói đứt quãng như vừa chạy thể dục vừa nói: - Anh Mèo ơi, ngày mai anh bay vào đây nghe. Có tin tức của Bông Hồng Trắng rồi! Tôi vui mừng hỏi lại: - Thật không em? Ở đâu? Em đưa cháu về nhà em và đừng cho nó đi đâu cả. Cố gắng giữ lại chờ anh vào nhé.

Vợ tôi nhìn tôi và cười. Cô ấy bảo: - May rồi! Ngày mai lấy vé máy bay cho cả em cùng đi anh nha.

on gái tôi đang học bài trên gác cũng chạy xuống: - Cả con nữa. Con cũng đi. Con muốn gặp chị Thiên Bình.

Tôi gắt: - Không được, con còn học, ở nhà. Ba mẹ đi là được rồi.

- Không, con đi. Con được nghỉ ôn thi một tuần. Cho con đi nghe ba.

- Tôi đành chấp nhận và bảo: - Sáng mai con ra phòng vé lấy 3 vé bay chuyến sớm nhất nghe con.

Sáng hôm sau, con gái tôi từ phòng vé về mặt buồn thiu: - Hết vé ba ơi. Ba ngày nữa mới đi được.

Thôi đành vậy. Tôi điện thông báo cho Bí Rợ và KC là 3 ngày nữa tôi vào.

Chiếc máy bay của hãng Việt Nam Ailine hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất 17 giờ 30. Chiếc xe 7 chỗ ngồi của công ty KC chờ sẵn chúng tôi ở đó. KC đưa chúng tôi về thẳng nhà Bí Rợ. Vừa xuống xe, tôi hăm hở chạy vào nhà tìm gặp Thiên Bình mà quên cả chào hỏi chồng Bí Rợ và rất nhiều bloger - bạn của tôi và Thiên Bình ở đó. KC chạy theo tôi níu lại: - Bình tĩnh nào, Mèo. Ngồi xuống đây đã.

Bí Rợ và chồng cô ấy cũng cầm tay tôi kéo lại bàn và bảo ngồi uống nước đã.

Tôi sốt ruột hỏi: - Thiên Bình đâu? Con gái tôi đâu?

- Anh chị và cháu cứ yên tâm ở đây ăn cơm, ngủ nghỉ, sáng mai tất cả chúng tôi sẽ đưa gia đình anh chị đi gặp cháu.

Đêm đó tôi và vợ tôi ngủ không yên giấc. Không biết có phải vì lạ nhà hay vì mệt do đi máy bay. Con gái tôi sau khi đi dạo phố cùng các bạn về cũng trằn trọc không ngủ được.


(còn nữa)
Phạm Văn Mão(theo tintuconline)

1 comments:

Il semble que vous soyez un expert dans ce domaine, vos remarques sont tres interessantes, merci.

- Daniel