27 tháng 12, 2010

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: TÔI CÓ NÊN NÓI CHUYỆN NÀY RA KHÔNG?

PHẦN I

Gia đình tôi có một ẩn ức khá đau khổ. Tôi là người cuối cùng phải giữ bí mật này, nhưng tôi thấy quá nặng nề và mệt mỏi. Giữ một bí mật của người thân trong quá khứ, rồi hằng ngày, hằng giờ phải tụng kinh sám hối tạ tội vì lầm lỗi của gia đình mình, của những bậc tiền nhân trước điều đó với tôi thật là một việc vạn bất đắc dĩ mà tôi chỉ muốn tống khứ ra khỏi cuộc sống của tôi, gia đình tôi mà thôi.

Tôi có nên kể ra câu chuyện này không, là cả một vấn đề lớn, kéo dằng dặc trong chuỗi ngày giằng xé giữa nên và không nên. Không biết khi mình kể ra thì rồi hậu họa sẽ đi đến đâu. Nhưng nếu không kể ra, không chia sẻ với ai đó, không lẽ tôi phải mang bí mật này như một cái án chung thân cho suốt cuộc đời mình.
Không, tôi không đủ sức để làm điều đó. Không đủ sức. Tôi chỉ thương mẹ tôi, bà suốt một đời vất vả vì chồng, vì con, suốt một đời phải gánh thêm một nỗi đau của chồng mà may ra chỉ đến khi chết bà mới thoát món nợ trần ai này. Tôi không muốn mình rồi cũng giống như mẹ, ngậm đắng nuốt cay một đời.

Tôi muốn nói ra để được nhẹ lòng, vì tôi không có lỗi. Lỗi của ai người ấy chịu và cha tôi đã phải trả giá cho tội lỗi ấy suốt cả cuộc đời của ông rồi, quá dài và quá đủ cho sai lầm của ông ấy. Mẹ tôi và tôi không có lỗi gì nên không thể cứ chịu đựng bi kịch của một người thân đã quá cố.

Bởi thế mà tôi quyết định kể ra câu chuyện của gia đình mình với mong muốn mọi người cho tôi một lời khuyên tôi nên làm thế nào trước bí mật tội lỗi của gia đình mình. Bi kịch xảy ra khá lâu, phải dễ chừng 30 năm về trước. Ngày ấy bố tôi là bộ đội phục viên về quê. Cha tôi nguyên là lính đặc công ở chiến trường B, có thời gian chiến đấu trong chiến trường B tới 7 năm nên sau khi hoà bình lập lại, cha được chuyển tiếp vào quân đội.


Nhưng do hoàn cảnh gia đình neo đơn, cha là con một, vì chú đã hy sinh trong thành cổ Quảng Trị nên ông nội dứt khoát gọi cha về quê chứ không cho đi tham gia tiếp ở trong quân ngũ nữa. Khi cha phục viên về quê thì tôi và thằng em kế mẹ đẻ trước khi cha nhập ngũ cũng đã lớn ở lứa tuổi thiếu niên, suốt ngày tập trận giả, đánh trận giả cùng bạn bè. Cha về, mẹ sinh thêm được 3 em nữa.

Cuộc sống ngày đó tuy nghèo khổ, đói ăn nhưng thật đầm ấm, hạnh phúc. Cha được cử làm Xã đội trưởng, kiêm thêm công tác bảo vệ an ninh trật tự của xã. Cuộc sống của một làng quê ven chiến tuyến Nam - Bắc sau khi hoà bình lập lại không mấy bình yên vì kẻ địch vẫn còn ngấp nghé rình mò để phá hoại. Người dân sau chiến tranh, vừa phải làm việc để hàn gắn những vết thương chiến tranh, xoá đói, giảm nghèo, vừa phải luôn luôn đề cao cảnh giác kẻ địch.

Suốt cả tuổi ấu thơ của tôi gắn bó với những buổi tối đi tuần tra của cha cùng với anh em dân quân xã, và gắn bó với chiếc loa phát thanh của xã, sáng nào, tối nào cũng phát sóng bài hát "Xa khơi", "Câu hò bên bến Hiền Lương". "Bài ca hy vọng" v.v và những bản tin nói về kẻ địch vẫn ngày đêm âm mưu phá hoại, bà con nhân dân hết sức cảnh giác, có thông tin gì nghi ngờ hay phát hiện ra ai là Việt gian, là tay sai cho địch, ngay lập tức phải báo cáo lên xã để tiến hành điều tra làm rõ.

Ngày ấy, mọi thông tin chính trị, văn hoá, kinh tế của đất nước được cập nhật qua chiếc loa phóng thanh của xã. Mỗi sáng người dân thức dậy đã có thói quen ngóng loa phát thanh. Ngày nào loa bị hỏng, hay vì trục trặc kỹ thuật mà chưa phát sóng được bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam và bản tin của xã là ngày đó cả xã buồn thiu, cuộc sống có phần tẻ nhạt trông thấy, như thiếu thốn một món ăn tinh thần quen thuộc và quan trọng đến nỗi không thể thay thế hay thiếu vắng được. Chiếc loa phóng thanh xã đã trở thành biểu tượng của đời sống văn hoá làng xã nơi quê tôi. Mọi trạng thái tình cảm vui buồn, hoan hỉ đều xuất phát một phần từ thông tin mà chiếc loa phóng thanh mang lại.

Tôi là con trai cả trong nhà, dịp nghỉ hè, tôi thường được cha cho đi theo mỗi tối tuần tra bảo vệ an ninh trật tự, hay tham gia cùng với cha đi đắp đập, đào mương, kè bờ trong các công trình thuỷ lợi của xã vào những dịp lao động công ích. Hầu như mọi hoạt động nghề nghiệp của một Xã đội trưởng cha đều cho con trai cả tham gia như muốn dạy dỗ tôi sau này lớn lên sẽ thành người có ích cho xã hội.

Cuộc sống của gia đình tôi thật đầm ấm và hạnh phúc nơi làng quê nghèo miền Trung, dưới sự bao bọc vững chãi đầy tự tin và cũng đầy ấm áp bao dung của một người đàn ông từng vào sinh ra tử như cha tôi. Cha tôi được bà con nhân dân tin tưởng, kính trọng. Nhất cử nhất động gì từ trong cuộc sống riêng tư của mỗi gia đình hay việc chung của xã, cha tôi đều được hỏi ý kiến. Những góp ý của cha tôi bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu để mọi người theo đó mà hành động, ứng xử cho phù hợp với bản thân.

Cuộc sống cứ thế bình thản trôi đi. Cho đến một đêm định mệnh. Đêm ấy, tốp dân quân đi tuần tra đã bắt được một tên Việt gian phản động khi đang loay hoay trèo lên cây đa cổ thụ ở đầu làng gỡ chiếc loa phóng thanh của phường cùng với việc hắn đã cắt dở được toàn bộ phần dây điện từ loa phóng thanh dẫn về trụ sở uỷ ban nhân dân xã đang quấn thành một vòng to sụ quàng quanh người.

Tốp dân quân xã đi tuần tra hôm ấy chỉ có 3 người, cha tôi là Xã đội trưởng. Khi giải tên trộm về nhà kho hợp tác xã để giam và hỏi cung thì hai đội viên đi cùng nhận ra kẻ cắp phản động này chính là thằng Hoánh, một trong những kẻ đào ngũ được bên Sở Chỉ huy Quân sự huyện gửi thông báo hẳn hoi về tận xã.
(còn nữa)
theo báo Công an nhân dân

0 comments: