19 tháng 10, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Chúng tôi đã gặp nhau sau 20 năm lưu lạc


Trong suốt 10 năm liền, tôi tiếp tục gửi thư mà không hề có một hồi âm nào. Chiến tranh loạn lạc, niềm hy vọng của tôi mỗi ngày một mờ dần. Với lại sau chiến tranh, tình hình kinh tế quá khó khăn, tôi cũng không có dịp nào để trở lại Hải Lăng tìm ân nhân của mình...

Kính thưa các anh, các chị trong BBT!
Tôi tên là H, quê ở Thanh Hoá. Lớn lên tôi đi nhập ngũ và chiến đấu ở Quảng Trị. Năm 1966, trong một lần đi trinh sát, bị thương nặng, tôi đã được du kích xã Hải Vịnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cõng vào một gia đình ở địa phương. Lúc đó tôi bị thương nặng lắm, xã Hải Vịnh lúc này là vùng kháng chiến, thành thử địch càn quét và truy lùng Việt Cộng vô cùng gắt gao. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên chiếc chõng tre, đầu tôi gối trên chiếc gối màu hồng thơm phức trong một căn nhà lụp xụp. Có một người con gái và một người con trai hãy còn rất trẻ, đang lúi húi nấu nước muối rửa vết thương cho tôi.

Người vợ sụt sịt: "Anh ơi, trong nhà không có thuốc men gì, cũng chẳng có băng gạc để băng bó vết thương cho anh ấy, chỉ có mỗi nước muối rửa vết thương thôi, em sợ anh ấy chết mất. Em lấy chiếc áo cưới hồi sáng mặc xé ra để băng vết thương cho anh ấy nhé". Tôi nghe thấy người chồng ngậm ngùi: "Dành dụm mấy năm trời, em mới may được một chiếc áo mới để mặc khi cưới chồng, bây giờ xé đi thì tội cho em quá, anh không nỡ làm vậy".

Người vợ nhỏ nhẹ: "Anh à, dù sao chiếc áo cưới này em cũng đã được mặc một lần vào đám cưới hồi sáng rồi, như vậy là em thỏa mãn. Nếu mình không làm vậy, anh bộ đội này chết mất vì không cầm được máu. Xé áo cũ, em sợ mồ hôi đã ngấm vào áo rồi, băng vào vết thương, sợ nhiễm trùng thì chết". Nói rồi người vợ lật đật chạy đi lấy áo. Tôi nghe tiếng vải mới xé rách soàn soạt, trong lòng tôi vô cùng cảm kích, xen lẫn xót xa. Tôi muốn nói một lời cảm ơn mà không thể. Nước mắt tôi ứa ra.

Hai vợ chồng lúi húi chăm sóc cho tôi đến 2 giờ sáng mới đi ngủ. Trong nhà chỉ có độc một chiếc giường tre duy nhất, dành cho cặp vợ chồng mới cưới trong đêm tân hôn. Không nỡ để tôi, một người lính bị thương nặng nằm ở giữa nền nhà không giường chiếu, chăn màn, hai vợ chồng trẻ đã để tôi ngủ cùng họ trên chiếc giường cưới ngay trong đêm tân hôn. Đêm ấy, cả ba chúng tôi nằm bên nhau, người chồng nắm lấy bàn tay người vợ mới cưới và thì thầm: "Em ạ, cho dù mình không có đêm tân hôn mà mình cứu sống được anh bộ đội, coi như là phần thưởng lớn của cả em và anh trong lễ cưới của chúng ta rồi".

Chúng tôi thiếp đi cho đến 3 giờ sáng thì được tin báo địch đi càn. Hình như từ tối, tin một người lính bị thương nặng được đưa vào ẩn giấu ở trong làng nên địch đã tổ chức một nhóm đi tuần tra. Hai vợ chồng vội vàng cõng tôi xuống hầm bí mật ở trong vườn. Trước khi xuống hầm, người vợ dứt khoát đẩy chúng tôi xuống, dặn chồng phải chăm sóc bảo vệ tôi, còn cô ở lại trên nhà để đối phó với địch.

Trong tình thế cấp bách, mặc dù rất lo cho tính mạng của người vợ mới cưới, song người chồng lúc đó là Trung đội trưởng du kích, lại là người hoạt động bí mật nên đành phải xuống hầm vừa lánh địch, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cho tôi. Theo đúng dự đoán của cả hai vợ chồng, toán lính gồm 3 tên đã vào nhà của hai vợ chồng và tra hỏi về người lính Việt Cộng bị thương nặng hồi tối được đưa vào đây. Người vợ dứt khoát trả lời không biết. Không khai thác được thông tin gì, cả 3 tên kéo nhau ra vườn và dùng lưỡi lê xăm nát cả khu vườn để tìm hầm bí mật. Thật không may, chúng phát hiện ra chiếc hầm bí mật nơi tôi và người chồng đang trú ẩn. Ngay lập tức, chúng bắc loa gọi Việt Cộng đang ẩn náu ở dưới hầm ra đầu hàng.

Bắc loa gọi mãi nhưng trong chiếc hầm vẫn im lặng, không có động tĩnh gì, không hiểu sao, cả 3 tên lính ngại ngần không ai dám nhảy xuống hầm. Ở trên miệng hầm, chúng bàn nhau ném lựu đạn xuống hầm tiêu diệt chúng tôi. Cả ba tên đồng ý. Chúng không chỉ ném một quả mà tới 3 quả lựu đạn xuống miệng hầm. Thật may, chiếc hầm bí mật của gia đình được thiết kế có vách ngăn và có ngách đi sâu vào phía trong. Phía trong cùng lại có lỗ thông hơi lên mặt đất. Do có nhiều kinh nghiệm của việc nuôi giấu cán bộ bí mật để tránh địch đi càn, nên người dân nơi đây rất có kinh nghiệm làm hầm bí mật.

Ba quả lựu đạn nổ, cửa hầm bị sập nhưng do ở phía trong ngách hai của hầm có lỗ thông hơi nên hai chúng tôi không bị nguy hại đến tính mạng. Sau khi cả 3 tên địch bỏ đi, người vợ chạy vội ra hầm vừa đào bới cửa hầm vừa gọi tên chồng, nước mắt trào ra nức nở nghẹn ngào. Ở phía trong hầm, người chồng cũng bới đất bơn bả chui ra, miệng gọi tên vợ thảng thốt: "Dục ơi! Dục ơi". Cả hai vợ chồng đào bới từ ngoài vào, từ trong ra, miệng gọi tên nhau đầy lo lắng, thậm chí cả tuyệt vọng. Khoảng 30 phút sau thì họ gặp nhau. Cả hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau bên miệng hầm và cùng khóc. Nước mắt sung sướng đoàn tụ. Người chồng vội vàng cõng tôi vào nhà đặt lên giường. Từ đó cho đến sáng, hai vợ chồng ra vườn sửa sang lại căn hầm bị sập ngay trong đêm để ngày mai còn có chỗ cho tôi trú ẩn. Vậy là đêm tân hôn đó, tôi là người khách bất đắc dĩ có mặt trong tối hạnh phúc của hai người. Và cũng vì bảo vệ tính mạng cho tôi, vợ chồng họ suýt bị mất mạng.

Mờ sáng hôm sau căn hầm đã được sửa. Hai vợ chồng ngay lập tức cõng tôi xuống hầm bí mật để nuôi giấu. Từ đó tôi sống dưới hầm bí mật của gia đình hai vợ chồng mới cưới. Tôi sống trong tình thương vô hạn của cặp vợ chồng sẻ chia cho tôi trong bữa ăn nghèo khổ và đạm bạc của họ.


Tôi nhớ, mỗi lần đưa thức ăn xuống bón cho tôi, bữa nào có cơm và thức ăn, người vợ còn vui vẻ động viên tôi, bữa nào chỉ có củ khoai hay củ sắn, người vợ vừa đút cho tôi ăn, vừa thút thít khóc. Cô nói: "Thương bộ đội quá nhưng cả làng bữa nay không còn hột gạo nữa anh à. Anh ráng ăn để còn mau khoẻ trở về đơn vị". Càng ngày vết thương bắt đầu bốc mùi hôi thối, và có dấu hiệu hoại tử. Tôi càng sốt cao nhiều hơn, trạng thái mê mê tỉnh tỉnh. Hai vợ chồng chỉ biết cắn răng nhìn nhau khóc. Người vợ quyết định nói với chồng: "Anh ơi, nếu vợ chồng mình không đưa anh bộ đội này vào căn cứ tìm đơn vị để trao lại cho đơn vị chạy chữa thuốc men cho anh ấy, chắc anh ấy chết mất". Vậy là trong đêm, nhờ móc nối với liên lạc, hai vợ chồng đã cõng tôi ngược lên rừng, vào căn cứ và tìm gặp được một đơn vị bộ đội và trao tôi cho đơn vị đó. Thật ra, lúc đó, tôi gần như mê man bất tỉnh, cũng chẳng nhớ được gì. Chỉ biết rằng hai vợ chồng tên là Trí, Dục, ở xã Hải Vịnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Tôi được ra Bắc điều trị lành vết thương, rồi về công tác ở huyện nhà. Sau khi đất nước giải phóng, tôi tìm mọi cách để liên lạc với hai vợ chồng mà lúc bấy giờ tôi chỉ nhớ mang máng rằng nếu chồng tên Trí thì vợ tên Dục, vợ tên Trí thì chồng tên Dục ở xã Hải Vịnh hoặc xã Hải Thành, Hải Lăng, Quảng Trị. Tôi đã gửi bức thư thứ nhất ngay sau năm 1975 kể lại toàn bộ câu chuyện trên với mong muốn được tìm lại ân nhân của mình ngoài phong bì ghi địa chỉ như vậy.

Trong suốt 10 năm liền, tôi tiếp tục gửi thư mà không hề có một hồi âm nào. Chiến tranh loạn lạc, niềm hy vọng của tôi mỗi ngày một mờ dần. Với lại sau chiến tranh, tình hình kinh tế quá khó khăn, tôi cũng không có dịp nào để trở lại Hải Lăng tìm ân nhân của mình. Ở Bưu điện Hải Lăng, cứ những bức thư không có người nhận, không có địa chỉ rõ ràng, theo quy định đến một thời gian nhất định nào đó thì bưu điện sẻ huỷ. Anh Thông, cán bộ bưu tá của huyện là người thực hiện nhiệm vụ huỷ các thư vô chủ. Trước khi huỷ thư, anh đã cẩn thận mở ra tất cả các lá thư và đọc lại một lượt để có thể tìm được dấu tích của người nhận thì giúp đỡ họ. Vốn là một người có trách nhiệm, có tâm với nghề, nên khi đọc đến bức thư của tôi, anh Thông đã lặng người chảy nước mắt vì xúc động. Anh quyết định giữ lại bức thư của tôi và đích thân xuống hai xã Hải Vịnh, Hải Thành, Quảng Trị để âm thầm giúp tôi tìm ân nhân là vợ chồng Trí và Dục.

Không biết bao nhiêu lần, anh Thông đã đạp xe đến mòn chân nhưng lạ thay không một ai ở 2 xã đó biết hai vợ chồng có tên Trí và Dục. Quá thất vọng, anh Thông đã không tiến hành việc tìm kiếm nữa. Nhưng, không hiểu sao, anh vẫn không quyết định huỷ những bức thư của tôi. Một lần nữa bức thư đã nằm ở Bưu điện 10 năm, nằm thêm ở nhà anh Thông 10 năm nữa. Những ám ảnh về câu chuyện xúc động cứ theo suốt anh Thông trong 10 năm ấy.

Một hôm, đến xã Hải Vịnh công tác, anh Thông gặp một người già nhất ở xã, và tự nhiên anh tâm sự với cụ chuyện hơn 10 năm nay anh giữ bức thư của một người tên Huyên ở Thanh Hoá tìm ân nhân của mình mà anh ta chỉ nhớ được mỗi tên chồng là Trí thì vợ là Dục, chồng là Dục thì vợ là Trí ở xã Hải Thành hoặc Hải Vịnh. Thật vô cùng may mắn khi ông già đập trán nhớ ngay ra. "Đúng rồi, thằng Trí Tiện chứ còn ai vào đấy nữa. Mày hỏi thằng Trí mà bảo vợ nó tên Dục thì người ta không biết là phải thôi".

Ngay sau đó ông già đưa anh Thông tới nhà ông Trí Tiện. Thật lạ lùng, đúng vào lúc đó gia đình nhà ông Trí Tiện đang làm ngày kỵ cho người vợ quá cố tên là Dục.  Sau khi nghe anh Thông kể rõ ngọn ngành câu chuyện, ông Trí quỳ sụp trước am thờ và vái lia lịa. Thì ra, đây là cái am thờ vợ chồng ông Trí đã thờ anh bộ đội tên Huyên năm xưa là tôi, vợ chồng ông nuôi giấu hơn 1 tháng trong hầm bí mật tại nhà. Khi cõng người lính bị thương nặng lên rừng tìm đơn vị trong tình trạng vết thương đã hoại tử, bốc mùi, và mê man bất tỉnh như vậy, cả hai vợ chồng ông Trí chắc chắn rằng người lính kia sẽ không thể sống nổi để ra Bắc chữa trị.

Mặc dù đã cố gắng hết sức để cứu người lính, nhưng lực bất tòng tâm nên sau đó, cả hai vợ chồng ông Trí rất day dứt, áy náy lương tâm. Người vợ bàn với chồng về nhà lập một cái am nhỏ trước sân thờ vong linh của người lính mà họ đã nuôi giấu. Không ngờ, chính trong đêm cõng tôi ra căn cứ, cả hai vợ chồng ông đã bị địch phục kích, ông Trí chạy thoát, còn bà Dục bị địch bắt. Lúc này, bà Dục vừa mới chớm có thai đứa con đầu lòng. Số phận thật bi thảm, bà Dục sau này sinh con ở trong nhà tù và cả hai mẹ con đều bị chết vì băng huyết.

Sau khi chờ đợi mỏi mòn người vợ bị địch bắt, ông Trí nhận được tin dữ cả hai mẹ con đã hy sinh trong tù. Ông Trí rất đau khổ. Ông lập hai chiếc bàn thờ, một ở trong nhà thờ vợ, một để ở ngoài thờ tôi, người lính năm xưa. Từ bấy đến nay, đã 20 năm ròng rã, không có lúc nào, ông Trí không thắp hương cho linh hồn tôi nơi cái am thờ này. Mấy năm gần đây, có điều kiện, ông đã xây lại cái am thờ đàng hoàng, ghi tên thờ liệt sỹ tên Huyên. Trong thâm tâm của ông Trí, tôi không thể nào sống nổi, chắc chắn tôi đã chết vì vết thương quá nặng. Ông Trí có ngờ đâu, suốt 20 năm qua, tôi, người lính bị thương nặng năm xưa lúc nào cũng đau đáu một nỗi hoài mong tìm gặp lại được cặp vợ chồng ân nhân của mình.

Chúng tôi đã có cuộc hội ngộ trùng phùng đẫm nước mắt qua sự liên lạc của anh Thông bưu điện xã. Tôi và con trai tôi đã vào nhà ông Trí để thắp hương cho bà Dục vì cứu tôi, vì cách mạng mà hy sinh. Tôi và con trai đã ở lại Hải Vịnh trong một tháng để hàn huyên tâm sự. Sau đó, cha con ông Trí cũng đã ra nhà tôi chơi. Chúng tôi kết nghĩa anh em từ đó.

Tôi là thương binh nặng, nên sức khoẻ yếu, năm nào tôi cũng muốn vào Quảng Trị thắp hương cho đồng đội và đến nhà ân nhân của tôi nhưng sức khoẻ không cho phép. Trong lòng tôi luôn hướng về Hải Lăng, Quảng Trị, nơi cất giấu những năm tháng khốc liệt của đời lính, và cũng là nơi tôi được cứu sống, được sinh ra thêm một lần nữa trong đời.

Theo ANTG

3 comments:

Một câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người, tình đồng chí trong chiến tranh và trong thời bình

Sao người tốt như chị Dục lại phải chết sớm như vậy? Chị ấy phải được hạnh phúc mới đúng chứ? :(

Thật hạnh phúc và cảm động vì đâu đó vẫn còn những tình người, tình đồng chí cao đẹp, vượt thời gian như vậy^^