Chiến tranh qua đi đã 35 năm. 35 năm đủ để cho những người còn sống trở về, nhưng cuộc sống vốn đầy bất trắc. Bởi vậy đến bây giờ, vẫn có những người chưa về, làm dài thêm những cuộc đợi chờ.
Thuyền về bến Đợi. |
Bến sông quê tôi nằm trên dòng sông Tích, chảy qua Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất..., đã chứng kiến một cuộc đợi chờ có thể là dài nhất. Người con gái chọn bến sông quê tôi để làm bến đợi, không phải người quê tôi, mà là người của quê lụa Hà Đông. Tôi về với bến sông này vào một chiều nắng nhạt, chị đang cắm sào đợi khách.
Không hiểu sao, khi nghe bài hát “Trở lại dòng sông quê hương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tôi cứ bồi hồi. Lòng mình như chảy theo sông. Sông của nhạc sĩ, cũng là sông của tuổi thơ tôi. “Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ, đã đi về đâu, để mình tôi nhớ thương bây giờ...”.
Tôi đã đi đây, đi đó nhiều nơi; đã ngồi thuyền rồng trên sông Hương, nghe câu hò xứ Huế; đã đi canô trên hồ Ba Bể để vào tận giếng Tiên. Đã ngồi tắc-ráng trên sông Tiền, sông Hậu..., nhưng ở những nơi ấy, nó cứ xô bồ. Cũng là sông đấy, cũng là nước đấy, nhưng tiếng vỗ bờ cứ dồn dập, làm bọt nước tung tóe.
Đò đã đi, nhưng tiếng động cơ cứ khuấy vào yên tĩnh, làm thành cái ồn ào, bỗ bã, không giống cái bình yên, tĩnh lặng của sông nước quê tôi. Lần này về quê, tôi lại đi trên con đò ấy. Tưởng người con gái năm xưa giờ đã sang ngang, thế nhưng... tất cả vẫn còn đây. Dòng sông tưởng như không đổi theo mùa, không có bên bồi, bên lở, nước vẫn tĩnh lặng xanh trong. Chỉ khi nhìn thấy những chiếc lá nhẹ trôi, mới biết là dòng sông đang chảy.
- Thế chị vẫn ở... với bến sông này?
Nghe tôi hỏi, chị lái đò thoáng giật mình. Chị cố tìm lại hình ảnh một người khách quen nào đó, nhưng tìm sao thấy được. Lâu lắm rồi, tôi đâu có về với bến sông này.
- Vâng, em vẫn... ở đây. Thế bác ở làng bên?
- Không, tôi không ở... làng bên. Tôi ở làng này, nhưng... tôi đi biệt xứ.
- Thế thì... em không biết. Em không phải người làng, nhưng em ở lại với... bến sông.
Chị ở với bến sông quê tôi, bởi vì từ đây, chị đã tiễn anh đi... Chiến tranh không hẹn ước và người lính đã không về. Bến sông từ khi anh đi mà không trở lại, đã thành máu thịt đời chị. Đêm đêm, chị nằm nghe tiếng nước thầm thì, nghe thấy cả tiếng cá đớp bóng những đêm trăng thanh. Nghe tiếng cua còng, giơ càng lên hứng gió. Chị thấy sông cũng như người, có khi vui buồn, có khi vơi đầy, nó gắn bó với cuộc đời chị. Chị thấy mình với bến sông, sao nó giống lời của bài hát “ Vẫn con đò ngang, đón đưa người sang và từng đêm hát ru đôi bờ”.
Một hôm, tôi có việc phải ra bến sông, chị đang gác mái chèo đợi khách. Chị bảo:
- Em chọn bến sông này để làm bến đợi.
- Nhưng chị đợi đã... quá lâu rồi.
-Vâng, em biết. Anh ấy chưa về, nên em... vẫn đợi.
Tôi định bảo “lòng chung thủy, ngần ấy năm... đã đủ”, nhưng lại thôi, vì sợ chị buồn. Chị đã mang nỗi buồn trinh bạch, nương tựa vào dòng sông quê tôi ngần ấy năm trời. Người đàn bà chờ chồng, hóa đá, thành núi Vọng Phu, còn chị chờ anh, đã thành bến Đợi. Trước kia người dân quê tôi, gọi bến sông này là bến Sông Tích. Khách đi chợ Cầu Không, phải qua bến sông này. Còn một bến sông nữa là bến Tích Giang, ở xã Liệp Tuyết nổi tiếng có giọng hát ví.
Trai làng quanh vùng, như: Phú Mỹ, Đông La, Bạch Thạch... thường ngồi thuyền thúng, những đêm trăng thanh, đối đáp nhau qua giọng hát ví trữ tình. Hai bến cùng tên của dòng sông Tích, thì một bến của chị, một bến của hẹn hò. Sông Tích dài 91km. Chiều dài sông người ta đo đếm được, nhưng chiều dài chờ đợi, lấy gì đo? Từ khi chị về bến sông quê tôi cắm sào đợi anh, người dân gọi bến sông của chị là bến Đợi.
Có lẽ cái tên bến Đợi, đã thành tên chung, cho những cuộc đợi chờ dằng dặc. Tôi tin là, dọc chiều dài đất nước, dọc những con sông quê, chằng chịt từ bắc chí nam, còn có không biết bao nhiêu là bến Đợi. Không biết đêm đêm những người lính có về bến Đợi, để trải lòng cùng người đợi, để gối đầu lên tiếng sóng, nghe sóng của sông và sóng nỗi niềm. Tôi sinh ra ở bến sông này, nhưng vừa lớn lên đã đi lang bạt. Những kỷ niệm về dòng sông chưa chắc đã nhiều như chị. Có những điều chỉ mình chị biết. Với chị “Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen, chỉ tình yêu... mới thấy...”.
(Bài hát: Trở về dòng sông tuổi thơ)
(St)
5 comments:
Chờ anh chờ đến bao giờ
Mấy thu thuyền đã xa bờ...
Ôi bến đợi của người con gái năm xưa ấy sao mà thấy vô vọng y như anh đang đợi CK tăng điểm hôm nay vậy !?
So sánh 2 thời kỳ thấy quá nhiều thay đổi theo 1 chiều hướng đa phương hóa và đa dạng hóa. Xin lỗi cả nhà! Hôm qua đi với em 1 chán chồng mà buồn cười vỡ bụng. Ngủ xong dậy toàn kể những điểm tốt của chồng, có ý kiến đóng góp lần sau không được kể đến chồng khi có anh thì bị quát đừng áp đặt người khác như thế .
Thời kỳ trước, đọng lại trong mỗi chúng ta là hình ảnh những "người vợ chờ chồng", "em chờ anh" và hình tượng "Hòn Vọng Phu"... Mong là thời kỳ tới, sẽ có những hình ảnh mới là "chồng chờ vợ", "anh chờ em" và "Hòn Vọng Thê" ^^ :)
Thực tế, bến nào cũng phải đợi. Đợi tàu, xe, thuyền, đò….Người ta chờ đợi ở bến là lẽ thường tình. Để người phụ nữ trong bài viết chờ đợi người yêu ở bến đò – nơi có nhiều người qua lại, là hợp lý. Bởi lẽ sẽ đỡ đi cảm giác vô vọng trong họ. Nếu thực sự tắt hy vọng, họ sẽ không thể chờ đợi được. Đây là cách hư cấu của hình tượng văn học.
Đăng nhận xét