Việc chú bạch tuộc Paul dự đoán đúng các trận đấu World Cup đã gây chú ý cho hàng triệu người trên thế giới. Nhân sự việc này, phóng viên liên tưởng đến việc báo cáo phân tích, dự đoán xu hướng thị trường của các CTCK trong nước.
PV: Kính chào… Bôn. Xin chúc mừng. Lần thứ 8 liên tiếp cậu đã phán trúng phóc kết quả các trận đấu World Cup.
Bạch tuộc (BT): Suỵt. Bé cái mồm. Chúc tụng cái gì. Cả triệu người Đức đang thèm món bạch tuộc hấp gừng kìa. Mà ai là… Bôn? Mình tên Paul, người Anh, xứ Weymouth xịn đấy.
PV: À, em vốn dốt ngoại ngữ. Hôm trước thấy nhà đài đọc thế nên học theo thôi. Nói lại chuyện nghề nghiệp. Hóa ra, cái nghề thầy phán này cũng rủi ro ra phết nhỉ?
BT: Còn lạ. Làm con én báo Xuân thì hay, chứ làm chim báo bão thì eo óc lắm. Mà xưa nay, cuộc đời đâu chỉ có mùa Xuân.
PV: Cái này ở quê tôi người ta gọi là “chim lợn gáy giường bệnh” đấy. Phục thì phục rồi nhưng vẫn có người bảo Paul ăn may?
BT: Thế sao họ không đi nghe bọn tôm cua ốc ếch, hay cá heo - vốn nổi tiếng thông minh, mà lại cứ phát điên lên vì tôi?
PV: Anh hỏi tôi, tôi hỏi ai…
BT: Vì những nghiên cứu khoa học nghiêm túc đã chứng minh rằng, bạch tuộc là loài vật thông minh số 1 trong thế giới động vật không xương sống. Còn đây là những ví dụ trực quan... Một hôm các công nhân Thuỷ cung Saint Monica Pire ở California thấy 750 lít nước biển trong bể nuôi bạch tuộc rò rỉ ra ngoài. Hóa ra có chú bạch tuộc đang loay hoay “sửa chữa” chiếc van luân chuyển nước bị trục trặc do người phụ trách quên bật điện. Hay người ta còn thử bọn tôi bằng cách thả vào bể bạch tuộc một số bình gốm kín bưng, nắp có ren vặn hẳn hoi, trong đó chỉ một bình có con cua bên trong. Vậy mà bạch tuộc phát hiện, ung dung vặn nắp, rồi thò “tay” và bắt cua chén ngon... Tôi lại là một bạch tuộc… có học! Thông minh không chỉ “vốn sẵn tính trời” nên đoán đúng cũng chẳng lạ!
PV: Quá thuyết phục! Mời anh vi hành đến Việt Nam một chuyến.
BT: Cũng hay. Xứ sở nhiệt đới, hoa thơm cỏ lạ. Nhưng ở đấy có chi nhánh của PETA không? Nếu có tôi chả dại.
PV: Dại là dại thế nào. Nghe nói, tổ chức bảo vệ động vật ấy lên tiếng đòi thả Paul ra biển còn gì.
BT: Tôi lại chả tin họ quan tâm đến mình. Họ quan tâm đến chính họ mà thôi.
PV: À, cái này gọi là hội chứng ăn theo người nổi tiếng để chứng tỏ mình tồn tại đây.
BT: Thế sao anh mời tôi đến Việt Nam. Xứ ấy sắp có giải bóng đá à?
PV: Bóng đá Việt Nam, đến mấy ông thầy xịn đứng ngoài sân giục học trò đá bóng mà còn bị bật lại, “ông giỏi thì vào mà đá”, thì họ nể ai. Thầy phán như Paul vào chốn ấy có khi thành… bạch tuộc một nắng sớm. Tôi đại diện cho chứng khoán nước Việt mời cậu đến phán cho mấy câu. Hết nửa năm rồi mà chứng khoán cứ cài số lùi, số “mo”, dân tình xôn xao, chán nản lắm.
BT: A, bảng điện trên cầu trường tôi quen, chứ cái cái món này lơ tơ mơ lắm.
PV: Cũng thế thôi mà. Chứng khoán cũng có kẻ thắng người thua, cũng có người cười nụ, người khóc ròng. Mà trong trận thắng thua thì đâu thể thiếu thầy phán. Chỉ có điều, mấy tháng nay, điều ong tiếng ve về mấy thầy phán xứ Việt nhiều lắm.
BT: Anh nói rõ ra xem nào.
PV: Người ta bảo, các bản tin phân tích chứng khoán toàn là cò mồi. Có tổ chức đầu tư còn tố rằng, hoạt động phân tích của nhiều CTCK chỉ là “té nước theo mưa”, dùng bản phân tích làm “mồi nhử” NĐT trước khi tháo hàng. Tổ chức ấy còn kiến nghị xem có nên cho các CTCK phán bừa, phán bãi nữa không đấy.
BT: À, lại là một biểu hiện của “hội chứng PETA”. Cái sự đời nó thế. Làm nghề tư vấn cũng khổ như Paul thôi. Bảo xuống thì kêu “nó” đánh xuống; phán đúng thì bảo “bọn này” là cá mập chi phối thị trường, phán sai thì đòi xử lý. Tóm lại, chiều lòng người khó thật.
PV: Xin anh bình tĩnh…
BT: Tôi đang… “điên” đây. Trông người lại ngẫm đến ta. Người ta tống tôi vào hộp, bỏ đói mấy ngày. Sau đó, nhét vào hai lọ thức ăn rồi quay phim, chụp ảnh như show diễn thời trang. Bò vào chén hộp nào là người ta lu loa lên rằng tôi cổ vũ đội ấy. Sau đó chả ai thèm quan tâm là tôi ăn hết hộp này thì chuyển sang hộp khác thôi.
PV: Thế anh bị ép làm người nổi tiếng à? Anh lý giải gì về sự nổi tiếng của mình?
BT: Này, bạch tuộc có tiếng là loài nhuyễn thể thông minh đúng không?
PV: Chính xác.
BT: Vậy thì bằng tất cả trí thông minh của mình, tôi khẳng định sự nổi tiếng ấy bắt nguồn từ sự… bất lực của con người.
PV: Một nhận định dễ mất lòng…
BT: Nhưng chính xác. Kể từ sau khi ông huấn luyện viên tuyển Đức tiết lộ rằng, đã lâu ông ấy không giặt cái áo lót trong và trận bán kết tiếp tục diện thì tôi chán hẳn việc dự đoán.
PV: Tại sao?
BT: Khi người ta không tin mình thì mới vin vào những điều dị đoan.
PV: Anh nói làm tôi lại nhớ đến TTCK. Có sàn chứng khoán cấm nhân viên mặc áo đỏ, có NĐT bỏ sàn vì số tài khoản không như ý, lại có người đang (very) gút nhưng sáng nào trước khi đến sàn cũng phải chén vài quả trứng vịt lộn… để chứng khoán lộn đầu đi lên.
BT: Cũng như cái việc người ta thức xem Dow Jones còn say mê hơn xem World Cup. Mà nhiều khi Dow Jones cũng “Down - Up” lởm khởm lắm. Cái việc nhập nhầm lệnh bán 1 triệu cổ phiếu thành 1 tỷ cổ phiếu hình như chưa xa nhỉ...
PV: Ở xứ tôi, người ta còn có câu ca rằng: “Đêm đêm ngồi ngắm Dow Jones. Giật mình mới hiểu người khôn cầm tiền”.
BT: Cứ dựa hơi kẻ khác thế này, sau đó đổ lỗi cho… Paul à?
PV: Như mọi bài phỏng vấn khác. Xin hỏi, mong ước lớn nhất của anh là gì?
BT: Tôi chỉ mong cái ngày 12/7 sớm hết. Cái đầu làm hại cái thân quá rồi.
PV: A, trùng hợp quá. Khối nhà tư vấn Việt Nam cũng mong sớm qua cái dớp 12/7 đấy Paul ạ.
BT: Họ cũng bị NĐT dọa đem ra… hấp gừng à?
PV: Không, cái ngày ấy có quỹ đầu tư bị mấy con cá mập trời tây dọa đem ra làm mồi nhậu. Mấy tháng nay, các nhà tư vấn trật lất hết vì NĐT sợ chuyện này như bạch tuộc sợ… sả ớt.
BT: Ồ, hóa ra fan chứng khoán hay fan bóng đá giống nhau ghê nhỉ. Đến mình chả tin mình thì có thầy phán cỡ như Paul đến cũng vẫn thế mà thôi, nhà báo ạ!
(St)
0 comments:
Đăng nhận xét