5 tháng 5, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: NGƯỜI ĐÀN BÀ 50 LẦN TÌM HÀI CỐT CỦA NGƯỜI YÊU CŨ

Câu chuyện của 40 năm về trước
     Lưu Liên mở đầu chuyện tình xúc động của chị bằng những giọt nước mắt. Liên là con gái của một gia đình tư sản giàu có tiếng ở thị xã Hà Đông, học chung lớp với Tiến, kẻ lại sinh ra trong một gia cảnh nghèo hèn. Tình cảm của anh ban đầu chẳng đậu trên vai chị, mà "hạ cánh" xuống cô bạn thân của chị, và Lưu Liên xung phong làm "giao liên" để hai người thư từ trao đổi. Nhưng chuyện chẳng kéo dài, chị lại trở thành một bờ vai thân thiết để lắng nghe anh: "Tuổi ấy, mới lớn, thất tình, anh buồn lắm. Và, cũng bởi tuổi ấy nên anh nhanh yêu và cũng nhanh… quên thật.".
     Thế rồi, anh theo tiếng gọi của Tổ quốc và hăng hái giã từ tuổi hồn nhiên lên đường nhập ngũ. Gần nhau mãi chẳng sao, nhưng khi anh đã xa rồi thì chị lại thấy… nhớ lạ lùng. Rồi thư từ thao trường gửi đi, thư từ hậu phương gửi lại. Qua những trang thư ngược xuôi đều đặn ấy, người ta bắt đầu yêu nhau ... mà chẳng ngờ rằng rồi sẽ có người nằm trong cõi thâm sâu

Chị Liên bên di vật của mối tình 40 năm trước
     Mối tình qua thư bắt đầu bằng những "mày mày - tao tao", xong luyện dần cũng thành "anh anh - em em" ngọt lắm. Cơ mà một lần về thấy anh gầy lọt thỏm trong bộ quân phục rộng thùng thình, Lưu Liên buột miệng: "Tiến cởi áo ra để… tao khâu lại cho, mặc vậy làm sao được!" Nói xong câu đó, đám bạn của chị ai cũng cười, còn chị và anh thì ngượng ngùng vì xưng anh em mãi mà vẫn chưa quen.
     Những ngày anh sắp sửa đi B, như linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành, chị đã nhiều lần viết thư giục anh về cưới. Thậm chí, có lần, chị một mình đi mua sắm tất cả đồ cưới như gối áo, bánh kẹo… rồi bắt tàu xe xuyên trong bom đạn lên Tam Đảo nơi anh đóng quân, để nằng nặc đón anh về tổ chức. Thế nhưng, anh đã từ chối. Không phải anh không muốn lấy chị, mà anh lo sợ nếu anh có mệnh hệ gì lại gặp cảnh lỡ làng. Trước hôm đi, đơn vị anh tập kết tại một làng nhỏ cách thị xã Sơn Tây chừng 5 cây số. Biết chị đang sơ tán ở Trôi, anh đã trốn đơn vị chạy bộ hơn 20 cây số về thăm. Gặp chị, câu trước câu sau, anh bảo cho anh xem đồ cưới chị mua. Nhìn đôi gối cưới thơm phức và chiếc khăn tay thêu hoa màu tím chị giúi vào tay, anh đã rơi nước mắt. Rồi cả hai người ùa vào lòng nhau mà nghẹn ngào, nức nở và dặn chị rằng: "Nếu có ai mang chiếc khăn này về thì đừng chờ anh nữa, đó là lúc anh đi rồi nhé em..."
     Anh về đơn vị, chị đạp xe vòng lên Sơn Tây, đến giờ, lại vòng xuống để tiễn anh. Ngắm anh trong hàng ngũ chỉnh tề để chuẩn bị lên xe, nước mắt chị cứ chực trào ra. Không chịu nổi cảnh chia ly ấy, chị đã vẫy tay rồi vội vàng quay xe ra về. Lần ấy anh đi và không thể về như đã hẹn ...
     Đêm nào chị cũng mơ thấy anh. Cho tới một đêm, 31/5/1968, chị mơ thấy người anh bê bết bùn đất và đầu anh có máu. Sợ hãi, chị giật mình bừng tỉnh rồi hốt hoảng thật sự. Rồi mấy tháng sau, chị nhận giấy báo tử cùng với chiếc khăn tay, tê tái biết rằng anh đã anh dũng nằm xuống giữa đất Quảng Trị vào đúng thời điểm xảy ra giấc mơ đau đớn đó. Nhưng những lá thư vẫn không hề ngưng nghỉ. Khi nhận được giấy báo tử anh rồi, chị vẫn viết như những ngày nào. Viết xong, bỏ phong bì ngay ngắn, chị hoá cho anh.
50 lần vào chiến trường tìm mộ và người chồng độ lượng
     Cái nghĩa tình của người đàn ba đa đoan làm người chồng sau này cảm động. Chồng chị cũng đã từng là lính chiến, bằng một lòng nâng niu trân trọng, anh hết mực cảm thông với những điều thẳm sâu trong lòng người vợ.
     Bởi cái nghĩa tình sâu nặng và một lòng biết ơn của người đương sống đến người đã khuất, chồng chị khuyên nên lập bàn thờ anh trong nhà mình để tiện khói hương. Cứ đến ngày giỗ anh, hay ngày thương binh liệt sĩ, cả nhà chị lại tới lui làm cỗ cho bác Tiến - một người đồng đội, một người anh em dù không máu mủ ruột rà.



Vợ chồng anh chị Lưu Liên

     Nhắc đến người trong ảnh mà chực rơi nước mắt, chị Liên nghẹn ngào: “Hạnh phúc của cuộc đời tôi là có 2 người đàn ông, người nào tôi cũng nhất mực yêu thương và yêu thương tôi. Mối tình đầu sâu nặng thì đã khuất, người chồng hiện tại thì luôn cảm thông, yêu thương vợ, trân trọng những điều mà vợ luôn giữ kín trong lòng. Thật cảm ơn cuộc đời và số phận đã cho tôi gặp họ.”
     40 năm qua, chưa tìm thấy hài cốt của người yêu cũ, trong lòng chị lo lắng không yên. Có chút thời gian rảnh rỗi, chị lại bắt xe vào tận Quảng Trị, nơi anh hy sinh mong tìm được hài cốt của người chiến sĩ quả cảm. Vừa hỏi thông tin, vừa xác định tìm mộ… Thời gian đã mấy chục năm, cảnh vật cũng đã đổi thay, bãi biển nương dâu khiến việc tìm lại hài cốt chiến sĩ không hề dễ. Sau 50 lần đi vào chiến trường Khe Sanh, mãi đến năm 2008 tâm nguyện của chị mới trở thành sự thật.
     Bên cạnh chị có 2 người em gái của liệt sĩ Tiến. Nhận được tin có Đoàn bộ đội 968 tỉnh Quảng Trị đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại cao điểm 222 ở làng Cát, huyện Dakrong, 3 người đàn bà nén đau thương lăn xả vào cao điểm những ngày tháng 5 năm 2008.



Người đàn bà 50 lần vào chiến trường tìm mộ người yêu cũ

     Sáng ngày 8-5, người ta tìm ra chiếc đèn ba pin bên cạnh hài cốt một liệt sĩ. Đây là chiếc đèn pin chính tay chị mua tặng anh Tiến, bởi trên đó còn có 2 chữ "tặng anh". Lễ truy điệu được thực hiện tại làng Cát trong tiếng nấc của người đàn bà đa đoan.
     Hiện giờ, liệt sỹ Nguyễn Minh Tiến đã an nghỉ tại nghĩa trang đường 9. Anh đã trở về với rất nhiều đồng đội sau hàng chục năm nằm lại nơi núi đỏ rừng xanh sau những nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ của người yêu cũ.
Sưu tầm

1 comments:

Tình yêu muôn đời vẫn thật đẹp, và tình yêu thời chiến tranh còn tuyệt vời hơn. Mối tình này làm tôi thật sự cảm động. Và cũng ngưỡng mộ người chồng hiện tại của chị Lưu Liên, một người chồng yêu thương vợ và rất có nghĩa có tình!
Trong cái xã hội xô bồ này hoá ra còn rất nhiều tấm lòng cao đẹp, còn rất nhiều con người thánh thiện như thế này, thật đáng mừng vô cùng!