24 tháng 5, 2011

KY NĂNG SỐNG: Bài học cảnh giác sau vụ chìm tàu Dìn Ký

"Trong sự cố chìm tàu du lịch 2 tầng Dìn Ký có một phần lỗi của chính những nạn nhân, tất nhiên trừ các cháu bé. Sự tự ý thức về các mối nguy và những tình huống nguy hiểm khi quyết định tham gia một hoạt động, sự kiện nào đó dường như vẫn chưa tồn tại trong mỗi chúng ta".

Dưới đây là bài viết của bác sĩ Quản Hồng Đức, Công ty Dòng Kẻ ở TP HCM nêu một số bài học rút ra sau sự cố này.

"Giá như mỗi con người có trách nhiệm hơn với tính mạng và sự an toàn của bản thân, tôn trọng tính mạng và sự an toàn của đồng loại, thì ít ra những cái chết nếu xảy ra cũng sẽ đỡ oan uổng hơn hoặc thậm chí hoàn toàn có thể phòng tránh được".
Nơi chúng ta đang sống, mỗi ngày qua đi lại chứng kiến những nỗi đau khi mất những người thân vì tai nạn hoặc sự cố. Ngày 19/10/2010, cả nước đã rơi nước mắt khi chứng kiến 19 người chết tức tưởi và tuyệt vọng trong chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh. 6 tháng sau nước mắt lại tiếp tục rơi khi 16 con người bỏ xác nơi đáy sông Sài Gòn khi tham dự một buổi tiệc trên con tàu định mệnh. Cả hai vụ tai nạn khác nhau về hoàn cảnh xảy ra nhưng lại giống nhau lắm vì đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người cùng một lúc, đều xảy ra trong hoàn cảnh mưa gió bão bùng và các nạn nhân đều chết vì ngạt nước.
Chắc hẳn rất nhiều người sẽ nghĩ rằng những nạn nhân của hai vụ tai nạn đều là những người không may mắn, vì họ chết bởi những yếu tố thời tiết và bất khả kháng như mưa gió, lũ lụt… Vẫn biết rằng trời luôn không chiều lòng người, nhưng giá như mỗi con người có trách nhiệm hơn với tính mạng và sự an toàn của bản thân, tôn trọng tính mạng và sự an toàn của đồng loại thì ít ra những cái chết nếu xảy ra cũng sẽ đỡ oan uổng hơn hoặc thậm chí hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Sẽ không bao giờ là muộn màng với chúng ta, những người còn đang sống trong thế giới thực này, để học những bài học quý giá sau mỗi sự cố, tai nạn. Cùng với sự theo dõi các hành động khắc phục hậu quả chìm tàu du lịch Dìn Ký, dưới góc nhìn về quản lý an toàn lấy phương châm “chủ động phòng tránh thì tốt hơn là khắc phục hậu quả”, tôi xin đưa ra một vài ý kiến chuyên môn để mọi người cùng suy ngẫm:

Ý kiến 1: Đối với chúng ta - những người sử dụng dịch vụ do người khác cung cấp

Trong sự cố chìm tàu du lịch 2 tầng Dìn Ký có một phần lỗi của chính những nạn nhân, tất nhiên trừ các cháu bé. Sự tự ý thức về các mối nguy và những tình huống nguy hiểm khi quyết định tham gia một hoạt động, sự kiện nào đó dường như vẫn chưa tồn tại trong mỗi chúng ta.

Nỗi đau của người thân trong vụ tai nạn chìm tàu nhà hàng Dìn Ký khiến 16 người thiệt mạng

Nhiều năm làm công tác quản lý an toàn trong sản xuất, tôi nhận thấy điều này thậm chí vẫn còn chưa tồn tại trong ý thức của hầu hết công nhân, trong khi môi trường lao động vẫn được hiểu là nơi của những mối nguy và sự nguy hiểm. Vì như vậy nên hệ quả là khi bước chân từ nơi làm việc ra cuộc sống đời thường, tham dự vào các hoạt động cộng đồng thì sự tự ý thức về các mối nguy, tự đánh giá các rủi ro trước khi quyết định tham dự dường như không tồn tại trong danh sách “những việc cần chuẩn bị, hoặc cần làm”.
Một thói quen nguy hiểm nữa là hầu như chúng ta mặc định việc kiểm tra, đánh giá an toàn và phương án xử lý sự cố khẩn cấp là việc của những người mà chúng ta trả tiền để mua dịch vụ do họ cung cấp. Chính vì thói quen đó mà ta “hồn nhiên” giao phó tính mạng của chính bản thân, của cả gia đình cho họ. Thậm chí thói quen đó “giết chết” sự đòi hỏi chính đáng của chúng ta - những người đang sử dụng dịch vụ khi phát hiện hoặc cảm nhận thấy có nguy hiểm đang đến gần.
Sự cố chết người đã xảy ra có nguyên nhân từ các mối nguy, các hành vi không an toàn và các điều kiện không an toàn do con người tạo ra và bao gồm cả các điều kiện bất lợi do thời tiết. Hậu quả chết người xảy ra không diễn ra tuần tự từ thấp đến cao. Các mối nguy và các hành vi không an toàn đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức.
Người nước ngoài có một thói quen rất đáng học tập, đó là kiểm tra thời tiết tại khu vực mà họ dự định sẽ đến. Các quyết định tạm dừng hoặc chuyển địa điểm đến sẽ được đưa ra nếu thời tiết khu vực đến không thuận lợi hoặc có thể nguy hiểm. TP HCM đang bước vào mùa mưa và thời tiết thường diễn biến phức tạp vào buổi chiều tối trong suốt những ngày vừa qua. Việc tổ chức tiệc sinh nhật trên du thuyền sẽ không phải là một quyết định sáng suốt. Bữa tiệc đó có thể sẽ không vui nếu trời có mưa và trong trường hợp này thì điều tồi tệ nhất đã xảy ra: mưa gió lớn làm lật và chìm thuyền.
Mỗi buổi tối khi có dịp đi trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP HCM, chúng ta được chiêm ngưỡng những con tàu du lịch lấp lánh ánh đèn, đầy ắp tiếng nhạc ngược xuôi đưa khách ăn tối và thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn. Tôi chắc chắn trong suy nghĩ của chúng ta những hình ảnh đó đại diện cho sự xa xỉ, lãng mạn, nhưng ít ai nghĩ rằng có những nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí có thể gây chết người trong các hoạt động như vậy. Và vì thế, khi đặt chân lên cầu tàu sẽ chẳng ai tự hỏi liệu có an toàn không? Khi đang dùng những bữa tối với ánh đèn và rượu vang trên boong tàu sẽ chẳng ai tự hỏi áo phao đang ở đâu?
Và vì thế, khi trời không chiều lòng người thì phần thua luôn là con người với những mất mát và nước mắt. Và đến bao giờ nước mắt mới thôi rơi cho những người thân bị nạn?

Ý kiến 2: Đối với những người cung cấp dịch vụ

Tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của đơn vị quản lý tàu du lịch 2 tầng Dìn Ký là Khu du lịch xanh Dìn Ký (Bình Dương). Có quá nhiều sai sót của đơn vị quản lý con tàu và cũng có quá nhiều những lỗ hổng lớn trong khâu quản lý của địa phương.
Qua điều tra ban đầu, lái tàu Lê Văn Đức đã không xuất trình được bằng lái. Khách du lịch khi bước chân lên cầu tàu và thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Sài Gòn, có ai biết được vị thuyền trưởng kia lại không hề có bằng lái điều khiển con tàu. Thuyền trưởng không bằng lái thì ai dám khẳng định các nhân viên phục vụ được đào tạo các kỹ năng để có thể xử lý khi có tình huống khẩn cấp. Đó là chưa kể các nhân viên thậm chí còn mắc phải những sai lầm chết người khi cố gắng xử lý một tình huống khẩn cấp phát sinh.
Ông bà ta có câu “ngu si cộng với nhiệt tình sẽ thành phá hoại”. Câu nói đùa này vô tình lại rất đúng trong trường hợp này, khi mà kết cấu tàu thiếu an toàn do đã được cải tiến, sửa chữa và nâng cấp thành tàu du lịch (tàu có mái lợp, phần nổi cao khoảng 6 m trong khi phần chìm dưới nước chỉ khoảng 1 m, chiều ngang rất hẹp, có nhiều vách ngăn…). Nhân viên khi thấy mưa tạt đã đóng kín tất cả các cửa và con tàu trở thành bức tường di động hứng gió trong khi đang chênh vênh trên sông Sài Gòn.
Thiết kế tàu mất an toàn, đã hết hạn kiểm định từ tháng 2, nhân viên không được đào tạo và thuyền trưởng không có bằng lái. Tất cả các yếu tố đó cùng với một tình huống bất ngờ xảy ra ngoài dự kiến con người là mưa to, gió lớn, thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Mối nguy hành vi, điều kiện không an toàn:
1. Thuyền trưởng không có bằng lái. 2. Thuyền du lịch 2 tầng đã hết hạn kiểm định.3. Nhân viên không được đào tạo kỹ năng xử lý khi có sự cố khẩn cấp.4. Thuyền du lịch được thiết kế không an toàn, không có khả năng đứng vững khi gặp thời tiết bất lợi.5. Nhân viên phục vụ đóng toàn bộ cửa khi trời đổ mưa. Điều này làm con thuyền trở thành “bức tường hứng gió” và là nguyên nhân gây lật thuyền.6. Đơn vị quản lý thuyền du lịch không lường trước các yếu tố bất lợi về thời tiết vẫn cho phép thuyền rời bến.7. Đơn vị quản lý đường sông tỉnh Bình Dương đã không kiểm tra xử lý vi phạm (hết hạn kiểm định, bến đỗ không được phép, bằng lái của thuyền trưởng).8. Các du khách không ý thức được các mối nguy hiểm khi thực hiện du lịch trên sông nước.9. Các cảnh báo an toàn trước đó (khu vực bến có luồng xoáy sâu 20 mét).10. Các yếu tố bất lợi thời tiết (mưa to và gió lớn).
Có một điểm rất đáng lưu ý là trong hầu hết các tai nạn người thiệt mạng bao giờ cũng là các “thượng đế” còn nhân viên và lái tàu đều thoát. Điều này cho thấy các “thượng đế” hoàn toàn bị động trong việc đối phó với các tình huống nguy hiểm khi xảy ra. Năm 2006 khi tôi còn đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam, có một đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại công ty và được mời bữa tối trên một du thuyền du lịch trên sông Sài Gòn. Người quản lý chiếc du thuyền đã không giấu được sự bực tức khi tôi yêu cầu được xuống tàu kiểm tra an toàn và áo phao vào buổi chiều hôm đó. Vị quản lý này thậm chí đã nổi cáu khi chúng tôi yêu cầu nhân viên quản lý phải hướng dẫn an toàn cho toàn bộ khách nước ngoài trước khi bữa tối thực sự bắt đầu.
Thảm họa đã xảy ra và cho dù có phân tích nguyên nhân, xét xử người có lỗi bằng các hình thức thì cũng không thể trả lại mạng sống cho 16 nạn nhân, không thể làm vơi đi nỗi đau của 16 gia đình. Nhưng đó là những việc mà chúng ta phải làm và phải làm đến nơi đến chốn với mục đích duy nhất là ngăn ngừa những thảm họa tương tự để người Việt Nam không còn phải rơi nước mắt vì người thân bị nạn.
Cho phép tôi được kết thúc bài viết này bằng việc đưa ra mô hình tháp tai nạn. Hình tháp này truyền tải một thông điệp rằng: Mọi tai nạn và sự cố đều bắt nguồn từ những hành vi không an toàn hoặc những mối nguy hiểm tiềm ẩn mà không được phát hiện. Và mọi tai nạn và sự cố đều có thể dẫn đến chết người. Những hành vi không an toàn hoặc những mối nguy hiểm tiềm ẩn không đươc phát hiện được ví như phần chìm của một tảng băng và phần chìm này vô cùng lớn. Phần nổi của tảng băng được ví như hình ảnh của những tai nạn và sự cố, nó rất nhỏ so với phần chìm và vì thế con người thường dễ bỏ qua. Và phần đỉnh tảng băng chính là những tai nạn chết người.
Tôi sẽ vẽ hình tháp tai nạn này với các thông tin liên quan đến vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký như một cách để chúng ta hiểu rõ những việc gì cần phải làm để phòng tránh tai nạn và sự cố xảy ra.


(theo VnExpress)

0 comments: