27 tháng 7, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HOÁ: VẾT CHÂN TRÒN TRÊN CÁT

Năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhạc sĩ Trần Tiến đã bắt gặp những dấu nạng in hằn lên trên cát biển. Sau đó, ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ, đặt tên là "Vết chân tròn trên cát". Tuy nhiên, cho đến tận ngày trả lời phỏng vấn báo Sài gòn Giải phóng vào tháng 7 năm 2009, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn chưa một lần được gặp người thương binh là nguyên mẫu cho bài hát này.


“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi”, lời bài hát trầm lắng đưa tôi về với những kỉ niệm nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Xa quê đã nhiều năm, những bộn bề lo toan của cuộc sống có lúc khiến tôi như chẳng kịp để nhớ về một vùng kí ức cháy bỏng. Chiều nay, lời bài hát cất lên như một đôi cánh diệu kì đã chở tôi về với những gì thân yêu nhất.

Chiến tranh đã qua, nhưng nhọc nhằn và đau thương trên quê hương tôi vẫn còn đó. Nỗi đau chiến tranh đang hiện hình trên quê hương tôi hôm nay qua “vết chân tròn” của anh trên cát. Bom đạn của kẻ thù vốn không trừ bất cứ ai. Trên chiến trường gay go ác liệt, có biết bao người lính đã nằm lại hóa thân vào dáng hình xứ sở. Những người lính may mắn hơn, trong gang tấc có thể thoát được cái chết, nhưng cơ thể làm sao tránh được thương tổn. “Vết chân tròn trên cát” như dấu chấm lặng xoáy vào tâm trạng của những người đang sống.

Nhưng bom đạn không giết được tâm hồn và tình yêu đối với đất nước trong những người lính. Dù phải đối mặt với bao khó khăn trong cuộc đời trên chiếc nạng gỗ, anh vẫn cất tiếng hát bằng một nghị lực phi thường. Cảm phục biết bao khi tiếng hát hôm nay cất lên không phải là tiếng bi ca. Họ vẫn hiên ngang như khi cầm súng ra trận. Ngày xưa, họ đã chiến đấu vì một tình yêu thiêng liêng to lớn cho dân, cho nước, thì hôm nay họ vẫn đang sống thật xứng đáng với những đồng đội của mình đã ngã xuống.

“Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. Bản hùng ca được viết tiếp khi những con người trở về từ lửa giờ lại đi tiếp lửa. Họ như thân cây sau trận bão, bị gió quật rụng lá, rơi cành. Nhưng khi cơn bão qua, trong thân cây ấy vẫn mãnh liệt một nguồn nhựa sống, vẫn khao khát dâng đời bóng mát và tiếng chim ca, nên chồi xanh lại mọc lên từ những vết gãy.

“Vết chân tròn”, cho tôi thấm thía hiểu rằng, mặt sau của tấm huy chương còn biết bao nỗi đau, bên cạnh âm hưởng hào hùng của chiến công là máu và nước mắt. Nhưng cao cả biết bao khi người lính quan niệm “sống là cho đâu chỉ nhận ra mình”. Bài hát của anh gợi cho tôi nghĩ về rất nhiều những người lính từ chiến trường trở về vẫn đang ra sức dựng xây đất nước. Họ là những tấm gương sáng về nghị lực “tàn mà không phế”.

Thế hệ của chúng tôi chỉ có thể biết đến những năm tháng đau thương của dân tộc qua những thước phim, những trang văn, trang sử. Trí tưởng tượng của chúng tôi dù có phong phú đến đâu cũng không thể nào hiểu hết những gian khổ hi sinh thế hệ trước đã đi qua. Nhưng hôm nay, qua những điều được học từ sử sách, và qua trang sử đang sống là những thương bệnh binh, là “vết chân tròn”, chúng tôi thấm thía được bao nhiêu điều. Đó là “bài ca anh viết trong thầm lặng trên bờ cát không lời” mà cứ hát mãi, hát mãi…

Bức chân dung của một người lính thời hậu chiến, trầm lắng, xúc động nhưng không hề bi thương, đã đánh thức trong mỗi chúng tôi, những người trẻ hôm nay, suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước khi mình may mắn được sinh ra không một ngày phải sống trong đạn lửa.

Phải chăng nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát này với mong muốn lưu giữ những dấu chân đi trước, những dấu chân vẫn đằm hơi ấm thiết tha có khả năng tiếp thêm sức mạnh cho những bước chân đi sau? Cảm ơn “dấu chân tròn” của anh đã cho thế hệ tôi và bao thế hệ mai đây có một quá khứ thiêng liêng để nhìn lại và bước tới mạnh mẽ hơn. Bài hát về anh và những người lính như anh là “bài ca cuộc đời! Cháy mãi trong tôi, cháy mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi…”.

Cảm ơn nhạc sĩ về một bài hát đầy xúc động như thế!
(Sưu tầm)

0 comments: