Nhìn nụ cười tươi rói của em, tôi thật sự không nghĩ có một ngày em ra đi vĩnh viễn. 5 tuổi, em còn quá ngây thơ để biết bệnh của mình. Chỉ có cha me vì thương con mà héo mòn vì xót xa, đau đớn...
Cũng vì thương con, dù đang công tác ở ngoài hải đảo xa xôi, anh vẫn cố tranh thủ về nhà thăm con vài ngày vì anh sợ sẽ có một ngày không còn nhìn thấy mặt con gái bé bỏng, đáng yêu của mình nữa.
Đó là câu chuyện của người lính đảo Mai Hồng Sơn mà tôi gặp, khi anh về phép được ít ngày để thăm con gái đang trong giai đoạn “thập tử nhất sinh” tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Trước mặt tôi là một cô bé khá nhí nhảnh, xinh xắn, đang nằm úp mặt vào giường với vẻ giận dỗi. “Nằm hoài chán lắm, con không muốn điều trị nữa đâu, về nhà thôi bố ơi, mẹ ơi. Mẹ bảo ngày mai con được về đi học cơ mà, ghét mẹ lắm”. Chị Bùi Thị Nhị, vợ của anh Sơn, tay lay lay con gái như dỗ dành, an ủi, rồi quay sang nói với tôi: “Cháu tên là Mai Phương Trang anh à, nếu không có bệnh, năm nay cháu vào lớp 1 rồi đó”.
Nhắc đến bệnh của con, như một phản xạ tự nhiên, những giọt nước mắt của chị Nhị bắt đầu lăn dài. Chị bảo, bé Trang bị u tiểu não đã ở giai đoạn cuối, phải phẫu thuật ngay mới có hi vọng giữ được tính mạng. Thế nên anh Sơn, cán bộ thuộc cục Hậu cần Hải quân, đang làm nhiệm vụ ở vùng hải đảo phải vội xin phép đơn vị về thăm con ít ngày trước khi con lên bàn mổ.
Ngồi cạnh con gái, người lính can đảm, nhiệt tình với công việc như anh cũng trở nên yếu mềm bởi nỗi lo cho tính mạng con đang ngàn cân treo sợi tóc.
“Công việc của tôi thường xuyên phải đi xa, có khi cả năm mới về thăm nhà được một lần. Lần này tôi chỉ ở bên con gái được ít hôm lại phải lên đường làm nhiệm vụ. Nhưng mà thật lòng chẳng yên tâm chút nào khi con gái đang bệnh nặng thế này...”, anh Sơn tâm sự.
Bác sĩ Trần Văn Học, Phó Trưởng khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi TW cho biết: "Bé Mai Phương Trang bị u tiểu não, khối u trong đầu của bé đã phát triển lớn nên không phẫu thuật trực tiếp được mà phải đặt một van dẫn để đo tính ổn định, sau đó mới điều trị tiếp. Vì bé được phát hiện bệnh quá muộn, nên khi mổ não trường hợp xấu thì dẫn đến tử vong, còn nếu không thì rất có thể sẽ để lại di chứng ảnh hưởng đến sau này”.
Từ khi biết tình hình bệnh của con, anh Sơn, chị Nhị lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Tuy được ở bên người vợ hiền tần tảo sớm hôm, nhưng anh Sơn không thể ngờ phút đoàn tụ hiếm hoi của gia đình mình lại là bên giường bệnh của con trong bệnh viện.
Đứa con gái ngoan ngoãn mới cách đây không lâu vẫn í ới gọi điện cho bố khoe sắp được lên lớp 1, giờ đang ở giữa lằn ranh của sống và chết. Cô con gái bé bỏng của anh - sợi dây tình cảm nối đất liền với hải đảo xa xôi đối với anh – có thể sẽ có ngày không còn nở nụ cười trên môi nữa.
Chồng công tác xa nhà, chỉ có 3 mẹ con chị Nhị tự chăm nhau. Nguồn thu nhập của chị Nhị chỉ có từ công việc làm thêm tạp vụ ở một trường tiểu học, với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Ông bà nội cũng không còn ai. Bây giờ Trang bệnh, chị phải lên chăm con, ở nhà còn một mình bé lớn năm nay mới lên lớp 6. Ở viện lo cho đứa nhỏ mà lòng chị vẫn không dứt nỗi lo cho đứa lcon ở nhà không biết tự xoay sở ra sao.
Lòng chị rối bời, đôi mắt trũng sâu vì nhiều đêm thức trắng trông con. Nhìn sang anh Sơn, chị nói rất sợ ngay lúc này bất ngờ có điện của cơ quan triệu tập anh đi làm nhiệm vụ. Rõ ràng chị đang kiệt quệ dần trong nỗi đau quá lớn, và lúc này hơn lúc nào hết, chị cần lắm có anh bên cạnh.
Tôi cũng nhìn sang anh Sơn, cảm thông được những dằng xé trong cõi lòng người lính đảo. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng không thể bị xao lãng, nhưng trước nỗi đau của gia đình bé nhỏ mà anh với vai trò là người cha, người chồng chưa thể làm tròn trách nhiệm quả thật là đau lòng...
Đang trò chuyện với hai anh chị, bé Trang quay ra lém lỉnh nhờ tôi: “Cô bảo bố mẹ cho cháu về nhà nhanh nhanh lên nhé”. Câu nói quá đỗi hồn nhiên khiến tôi cũng chạnh lòng xót xa. Nhìn đôi mắt đen lay láy của em, tôi có cảm giác như có ai đang cố tình xát muối vào trái tim mình. Con bé ngây thơ chỉ ước duy nhất một điều được về nhà đi học cùng các bạn, thế mà…
Giá như không có khối u quái ác kia đang rình rập cướp đi sinh mạng của em, thì cái điều ước nhỏ nhoi kia sẽ không có gì là xa vời. Em cũng sẽ được cười thật vui vẻ để chuẩn bị cho những ngày đầu tiên cắp sách đến trường.
(Sưu tầm)
1 comments:
Không thích vì...Buồn
Đăng nhận xét