14 tháng 12, 2009

Nịnh chồng


Người ta thường nói “phụ nữ yêu bằng tai”, nhưng thật ra, đó không phải là “đặc thù” của phái yếu, mà cả phái mạnh cũng rất thích được nghe những lời ngọt ngào. Nhờ biết “khai thác” đúng nhu cầu này, nhiều người vợ đã thành công trong việc giữ gìn hạnh phúc, biến các ông chồng ham vui sống có trách nhiệm với gia đình hơn.


Được khen, ai chẳng thích

Theo các chuyên viên tâm lý, dù bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào, lời khen cũng luôn làm mát lòng, mang đến niềm vui, sự hưng phấn cho người được khen. Lời khen còn có tác động tích cực, là động lực giúp người được khen nỗ lực khắc phục khuyết điểm và hoàn thiện mình. Vì thích được khen, nên dĩ nhiên, chẳng ai muốn mình bị người khác chê trách, chỉ trích.


Một ông chồng thường xuyên về nhà trễ, có thể do công việc, cũng có thể vì la cà, nhậu nhẹt với bạn bè, vừa ló đầu về là bị vợ càu nhàu: “Giờ này mới vác mặt về nhà, sao không đi luôn đi?” hay “chồng gì suốt ngày ăn nhậu, có ai khổ như tôi không?”...


Bị dội nước lạnh từ cửa nên các ông đâm ra chẳng muốn về nhà. Có người vì trách nhiệm làm cha, làm chồng buộc phải về thì tâm trạng cũng không thoải mái. Có ông lại nghĩ “lỡ bị chửi cho chửi luôn” nên vẫn về muộn. Ở đây, thay vì xoáy vào khuyết điểm của chồng để chê trách, tỏ thái độ bực tức, các chuyên gia tâm lý khuyên người vợ nên cố gắng tìm trong mớ khuyết điểm ấy một chút ưu điểm và đề cập đến nó.


Có thể đó là việc chồng về sớm 15, 30 phút hay ít say xỉn hơn thường lệ. Nếu được “hiền thê” khen, người chồng nhận ra một chút thay đổi của mình làm vợ con vui, sẽ cảm thấy mát bụng, đồng thời áy náy nhận ra mình có lỗi với gia đình, sẽ cố gắng điều chỉnh.


Hay có ông chồng bảnh bao, chỉ giỏi giao tiếp bên ngoài, đi làm kiếm tiền, về nhà lại phơi bày “mặt trái” luộm thuộm không ngăn nắp. Vợ nhìn đâu cũng gặp cái xấu của chồng, thế là như cái máy cài sẵn chế độ play mỗi khi dọn dẹp: “Tôi có phải là Ôsin đâu mà suốt ngày quần quật thế này. Người gì mà ở dơ thấy ớn, ai dám gần!”.


Trong khi đó, có thể vợ đâu biết ở công sở chồng là người đàn ông được nhiều cô gái ngưỡng mộ vì lịch thiệp, bảnh bao, sang trọng (do vợ chăm lo). Chồng có để quên tờ báo đâu đó thì các cô vui vẻ kiếm giùm (chuyện có gì mà ầm ĩ); chồng lỡ làm thất lạc giấy tờ thì cả phòng phụ tìm...


Vì chồng cũng đâu phải người xấu, cũng sẵn sàng giúp các cô đồng nghiệp bê chồng hồ sơ nặng lên kho, sửa máy tính khi bị trục trặc hoặc dẫn giùm chiếc xe bị kẹt trong bãi xe... Và chồng rất vui khi nhận được nụ cười cảm ơn của các nữ đồng nghiệp mà anh đã giúp đỡ. Nghĩa là, bệnh của chồng hoàn toàn còn có khả năng chữa trị, quan trọng là phải bắt trúng mạch, hốt đúng thuốc. Nếu vợ không “trị bệnh”, để chồng cho các cô đồng nghiệp nhờ vả thì phí quá.


Với các ông chồng không ngăn nắp, toa thuốc hiệu nghiệm là không nên ra rả mắng chồng, mà thủ thỉ: “Anh ơi! Tìm giùm em đôi giày của... anh đi. Anh ơi! Tìm phụ em chiếc áo sơ mi của anh để em đi giặt...”. Với cách nhờ vả mềm mỏng như thế, có anh chồng nào không động lòng. Sau vài lần “cút bắt” với đồ đạc, chồng sẽ tự rút kinh nghiệm, để đồ đạc trật tự hơn.


Có một nghịch lý là hầu hết các bà vợ đều muốn chồng phụ việc nhà nhưng lại nhìn chồng với định kiến: đàn ông đoảng, vụng về, không kỹ lưỡng. Chưa nhờ nhưng vợ đã nghĩ chồng rửa rau không sạch, quét nhà không chịu moi rác trong kẹt, rửa chén còn dơ, tắm con không sạch, dạy bài cho con chưa đầy đủ...


Do vậy, khi được chồng làm phụ, các chị cứ chăm chăm vào những nỗi lo đó để xét nét. “Sao anh rửa rau mà cứ như chưa rửa vậy, ăn cho chết à? Lau nhà gì đi nhám xì cái chân, lại làm đổ nước ra sàn, mất công người khác dọn dẹp...”. Nghe những “lời vàng, ý ngọc” đó, đảm bảo lần sau có cho vàng các ông cũng không phụ, thà nằm đọc báo còn ít bị rầy rà hơn.


Lẽ ra, khi phụ vợ làm việc nhà, người đàn ông cần được động viên, khích lệ, thậm chí có khen quá lời một chút chẳng sao. Lời khen không chỉ làm chồng mát lòng mát dạ, thấy mình có giá trị với gia đình mà còn là “động lực” thúc đẩy chồng làm... dài dài. Dĩ nhiên những lần sau chồng sẽ có kinh nghiệm hơn, làm tốt hơn và biết đâu lại còn khéo hơn cả vợ!


Hãy thắp sáng ngọn nến

Thông thường, khái niệm “nịnh” thường gắn với ý nghĩa tiêu cực nhưng nịnh chồng, nịnh vợ lại là thuộc phạm trù khác, hàm chứa tính tích cực. Nịnh chồng cũng không phải là hạ thấp mình, dễ khiến chồng xem thường, ức hiếp như một số bà vợ đã nghĩ. Chuyện đơn giản chỉ là tìm ưu điểm của người bạn đời để khen (ai chẳng có ưu điểm) và hãy bắt đầu từ những cố gắng dùâ nhỏ nhất của chồng.


Tuy nhiên, khen cũng phải có nghệ thuật, không được lạm dụng, vì sẽ khiến chúng trở nên nhàm chán, có khi lại phản tác dụng. Phải tùy vào hoàn cảnh, thời điểm, khéo léo lồng sự góp ý vào lời khen để chồng/vợ thấy ưu điểm và cả khuyết điểm của mình.


Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là phải khen thật lòng và phải tạo điều kiện để chồng/vợ thay đổi, phát huy ưu điểm. Các chuyên viên tâm lý đúc kết, một trong những cách giữ gìn gia đình hạnh phúc hiệu quả và dễ nhất chính là chịu khó khen chồng (vợ). Sau những lời khen, các ưu điểm sẽ lớn dần lên và có sức lan tỏa lấn át các khuyết điểm.


Chị Phạm Phương Thúy, công tác tại một nhà xuất bản kết luận sau khi kết hôn được gần hai năm: “Chồng tôi chuyện gì cũng được, chỉ mỗi tội mê bạn hơn vợ. Hết giờ làm là đi lai rai với bạn bè, cuối tuần cũng cà phê, tụ tập. Tôi năn nỉ, “dụ dỗ” anh ở nhà nhiều lần đều không thành công. Nhưng, từ khi chúng tôi mua được nhà riêng ở Thủ Đức, mỗi khi bạn bè đến chơi, khen nhà đẹp là tôi chỉ sang chồng: “Mọi thứ đều do anh Quân lo. Mình dở vụ này lắm. Không có anh ấy mình chẳng biết xoay xở thế nào”.


Được vợ khen trước mặt bạn, anh ấy rất tự hào. Tôi lấy cớ nhà ở khu vắng vẻ, tôi rất sợ và chỉ an tâm khi có chồng ở nhà. Anh trêu tôi nhát gan nhưng đã ở nhà nhiều hơn. Tôi “giành” được chồng nhờ biết cách luôn tỏ ra cần chồng, xem anh ấy là chỗ dựa của mình”.


Chị Nguyễn Kim Ngọc ở Q.10, TP.HCM cũng nhờ chiêu này đã làm được điều mà cả nhà chồng chị “bó tay”: biến chồng từ một người chơi bời lêu lổng trở thành người đàn ông của gia đình. Bốn năm đầu chung sống, chị Ngọc cũng đã phải gặm nhấm nỗi buồn vì chồng suốt ngày chơi bi-a, cá độ bóng đá và bài bạc. Cửa hàng nội thất lớn của gia đình được cha mẹ cho, anh cũng phó mặc cho vợ quản lý. Chị Ngọc đã nhiều lần khuyên nhủ, nhắc nhở nhưng anh chẳng thay đổi. Thậm chí, mẹ anh dọa sẽ cắt “viện trợ” anh cũng chẳng lo.


Thế mà, anh lại “hoàn lương” như chính anh tự nhận. Điều kỳ diệu này bắt đầu từ một lần anh chơi xếp hình cùng con. Nghe con khen ba giỏi, chị Ngọc không bỏ lỡ cơ hội khen chồng và lôi kéo anh ở nhà thông qua việc cùng chơi với con trai. Chị cũng cố tình khen chồng khi gặp các anh chị chồng và luôn nhấn mạnh: “Cu Bon thần tượng ba lắm. Ba về trễ là mẹ ơi, con nhớ ba quá, con muốn chơi với ba. Em nghĩ, nếu anh Minh nghiêm túc làm việc thì không thua ai đâu”.


Lần đầu tiên nghe vợ và người thân đánh giá cao năng lực của mình, anh Minh vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng. Anh bớt đi chơi, ghé qua cửa hàng nhiều hơn, chịu khó coi sổ sách. Tuy doanh thu không tăng đột biến, nhưng chị Ngọc lại có thêm lý do để khen chồng với mẹ: “Từ ngày anh Minh ra coi cửa hàng, nhân viên không dám chểnh mảng, mà làm việc chăm chỉ hơn nên khách hàng hài lòng lắm”.


Những lời động viên của vợ hơn một năm qua, là động lực giúp anh Minh dần lột xác hoàn toàn: bỏ hẳn cờ bạc, không đàn đúm bạn bè, mà còn nhận trách nhiệm đưa rước con đi học, trông coi cửa hàng, chơi với con và thỉnh thoảng còn vào bếp phụ vợ.


Đã hai năm trôi qua, giờ nhắc lại chuyện cũ, anh Minh không quên ơn vợ: “Trước đây, trong mắt của ba mẹ, tôi là một thằng con hư hỏng. Nếu vợ tôi không tin tưởng, động viên và tạo điều kiện cho chồng thể hiện mình thì tôi cũng nghĩ mình là thằng vứt đi, chẳng có tài cán gì. May là vợ tôi rất tâm lý, biết khơi gợi những ưu điểm ít ỏi của chồng nên tôi đã dừng lại đúng lúc”.


Những công trình nghiên cứu về tâm sinh lý con người cho thấy: Bất kỳ ai cũng có điểm tốt và chưa tốt. Nếu chẳng may gặp chồng/vợ có khuyết điểm là “gen trội” thì người bạn đời không nên chỉ trích vì cũng sẽ không cải thiện được tình hình, lại có thể khiến mọi việc trở nên xấu hơn. “Hãy thắp sáng ngọn nến, thay vì nguyền rủa bóng đêm” là thông điệp của tiến sĩ tâm lý người Mỹ Richard Carlson gửi đến các cặp vợ chồng.

(St)

4 comments:

Người nói “nịnh” là người chủ động, biết người, biết mình, nhận thức rõ vấn đề, và tìm cách nói làm sao để đạt được mục đích. Còn người thích nghe “nịnh” là người bị động, và nhận thức còn mơ hồ.

Với cách hiểu trên, những người phụ nữ trong bài viết không hề hạ mình khi “nịnh” chồng. Thậm trí, họ còn hơn hẳn người chồng ở một tầm suy nghĩ. Hay nói cách khác là họ đã làm “chồng” trong gia đình của họ.

Thông thường người ta hay nói :”Đàn ông nịnh vợ, đàn ông sợ vợ…”, chứ ít khi được nghe chiều ngược lại. Làm chồng mà để vợ phải “nịnh”, mới hiểu ra được vấn đề thì cũng là một thiệt thòi cho người phụ nữ. Thật đáng phục những người vợ, biết thích nghi trong mọi hoàn cảnh, kể cả việc “nịnh” chồng, vì hạnh phúc gia đình mình.

"Hãy thắp sáng ngọn nến thay vì nguyền rủa bóng đêm". Một thông điệp như một chân lý, càng ngẫm càng thấy đúng và cực kỳ ... khó thực hiện. Xin bái phục bà vợ nào làm được điều này.

Đọc bài viết, em đã liên tưởng đến các mối quan hệ khác, như: Cha con, chị em, bạn bè, đồng nghiệp..., chứ không hẳn chỉ riêng trong quan hệ vợ chồng.

Các cụ xưa đã dạy:
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Bất kỳ ai cũng có những điểm tốt và chưa tốt... Khơi gợi những điều tốt đẹp ở người khác, dù ai cũng biết là nên làm, nhưng có lẽ đúng là cực kỳ... khó thực hiện.

Đúng là làm được cái việc như trong bài viết nói thì khó thật, không những đối với các bà vợ hay các ông chồng trong các gia đình mà ngay cả với tất cả mọi người trong xã hội, nhưng có khó thì mới cần và có khó mà làm thành công thì mới xứng đáng được thưởng chứ.

Thật bái phục những bà vợ như vậy.