Theo tôi, khi thành công chúng ta không học được nhiều bài học bằng khi thất bại. Chính những bài học quan trọng mà chúng ta học được lúc thất bại nặng nề cho ta nhiều cơ hội để đi đến những thành công lớn lao. Cũng vậy, chẳng phải khi có tiền mới giúp cho đời ta thêm niềm vui và ý nghĩa, mà cả những lúc tiền của “đội nón ra đi” cũng mang lại cho ta rất nhiều giá trị - đó là những bài học giúp kiếm được gấp bội số tiền đã mất!
Bạn có thể mất tiền vì cho bạn bè mượn mà họ không trả lại, cũng không tránh trường hợp có khi bạn bị lừa đảo, hay bạn dồn tiền vào công cuộc kinh doanh rồi thua lỗ, có khi đầu tư vào cổ phiếu rồi bị rớt giá thê thảm … Trong những tình huống đó, bạn phản ứng ra sao, bạn có biết mình cần phải làm gì?
Một trò chơi mà tôi vẫn thường đưa vào những chương trình huấn luyện về cảm xúc đối với tiền đó là trò chơiđổi tiền. Hai người ngồi cạnh nhau sẽ thành một cặp chơi, mỗi người lấy ra một tờ tiền bất kỳ mình có và cầm trên tay, mọi người đều phải cam kết thực hiện đúng theo yêu cầu của tôi dù trước đó tôi không tiết lộ trò này chơi như thế nào. Sau đó, tôi yêu cầu tất cả đều phải đổi tờ tiền của mình với người cùng cặp chơi.
Lúc này, trong khán phòng vỡ oà nhiều tiếng la hét, có người ré lên vì sung sướng, có người thét lên vì đau đớn, cũng có những tiếng cười sảng khoái…, đó là cảm xúc của những người được lời, bị lỗ, hoặc huề vốn. Nhiều người thậm chí lỗ rất nặng, họ đổi một trăm nghìn để chỉ lấy lại được năm trăm đồng. Không ít những người mất tiền đau đớn và bực dọc ra mặt, thậm chí có người rất cay cú với tôi vì thấy trò chơi này quá ác; một số người vẫn cố gượng cười vì sĩ diện, ra điều tiền không quan trọng với mình; số khác nài nỉ người bên cạnh đổi lại tiền, nhưng yêu cầu của trò chơi này là không cho đổi lại. Lúc đó tôi tuyên bố: “Mất tiền không quan trọng, bạn có thể kiếm gấp nhiều lần số tiền bạn mất với điều kiện bạn học được gì từ chuyện mất tiền!”
Thử quan sát cảm xúc của mình khi bạn bị mất tiền, cũng như quan sát cảm xúc của người khác khi họ mất tiền, bạn sẽ thấy: những ai kiếm tiền dễ dàng, khi mất họ không quá tiếc nuối; ngược lại, nếu phải khó khăn mới làm ra tiền, phải chắt bóp từng đồng mà bỗng chốc mất đi thì họ sẽ đau đớn, dằn vặt. Bạn cứ việc có cảm xúc, cứ việc trải nghiệm với những trạng thái tâm lý rất thật của mình, rồi sau đó hãy tỉnh táo nhìn lại: Vì sao mình mất tiền? Do mình thiếu khôn ngoan? Bởi quá tin người? Vì khờ khạo? Tại kém năng lực? Hay không biết quản lý tiền? Giỏi kiếm tiền nhưng không biết giữ tiền? Giỏi làm ra tiền nhưng không giỏi đầu tư tiền?...
Và khi tìm được nguyên nhân, hãy ra sức khắc phục chứ đừng để mình rơi vào những sai lầm tiếp theo. Đôi khi bạn sẽ thấy ấm ức vì không hiểu tại sao kết quả không như dự đoán của mình, từ một cơ hội có thể kiếm được khối tiền nhưng rồi lại bị mất trắng ngang xương. Lúc này, bạn thử nhìn lại khả năng thẩm định cơ hội, cách chọn người cùng làm, chọn ngành để đầu tư, chọn cơ hội kinh doanh của mình. Với những câu hỏi về đối tác, về thị trường, về cạnh tranh như vậy, bạn sẽ thu được cả một “sàng khôn” mà chỉ khi mất tiền bạn mới có cơ hội soi vào.
Nhưng cuối cùng, quan trọng nhất là bạn hãy xem vết thương cũ của lần mất tiền ấy ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Nó có đau đến mức khiến bạn sợ hãi hay “co rúm” người lại không? Nó có khiến bạn chạy trốn và bịt tai trước mọi cơ hội đến với bạn trong tương lai không? Hay nó giúp bạn tăng tự tin vì bạn biết rằng bây giờ mình đã cứng cáp hơn, khôn ngoan hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn? Lời đáp chỉ có khi bạn rút ra được bài học và làm chủ được cảm xúc của mình mỗi khi “đụng chạm” đến tiền. Lúc đó, việc mất tiền sẽ giúp cho bạn đến với những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn gấp bội trong tương lai.
(QTK)
0 comments:
Đăng nhận xét