5 tháng 6, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Quản lý nghiệp - Biến cơ duyên thành vận may !




   Tôi thực hiện “Quản lý nghiệp - biến cơ duyên thành vận may” - buổi chia sẻ sách của MH với một tâm thế thoải mái và tự nhiên, không như những buổi event khác. Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ “tuỳ duyên”.
Anh Vương Vũ Thắng, khách mời của sự kiện, cũng hoàn toàn khác với tư duy và khái niệm trong đầu tôi về một vị Phó Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp thành công, hiện sở hữu gần 20 trang báo điện tử và mạng xã hội rất lớn tại VN như dantri.com/ socnhi.vn …

Sự chia sẻ của anh Thắng khiến cho tôi vỡ ra được rất nhiều điều mà trước nay, dù có biết nhưng không thực tin. Lối dẫn giải vừa kinh viện, vừa đời thường của anh, khiến mọi thành viên tham dự đều thích thú và dễ tiếp nhận.
Việc chúng ta đến được đây ngày hôm nay, cùng ngồi với nhau trong một căn phòng này, là do rất nhiều yếu tố quyết định; và phải thực có duyên. Bạn có thể vì một lý do bất thường, như là mưa to, kẹt xe, … mà có thể không tới được đây. Cũng có thể vì người thân có việc gấp, hay bị công an phạt, công việc cơ quan có vấn đề… mà bạn cũng không thể tới…
Những lý do nói trên hoàn toàn hợp lý, và có thể xảy đến với chúng ta trong nhiều trường hợp; thế nên mỗi cá nhân, trong quá trình thực hiện nghiệp, đều chịu sự tác động và chi phối của hàng trăm, hàng ngàn điều kiện tự nhiên và xã hội. Kết quả của công việc của cá nhân, tưởng rằng do cá nhân đó quyết định đến 90%; hoá ra lại là kết quả của hàng trăm ngàn “duyên”. Thành hay bại, “quả” như thế nào, không phải do cá nhân đó tự quyết định được.
 


Vậy có cách nào để có được “đủ duyên”, hay nói cách khác, có nhiều “duyên lành” không?
Duyên đến với ta, chính là « quả ». « Quả «  tốt hay xấu, là do những cái « hạt giống »-« nhân » mà trước đây ta, hoặc là kiếp trước ta, hoặc là gia quyến, những người có nghiệp lực gần nhất với ta, đã gieo. Càng nhiều nhân tốt thì cơ hội có quả tốt càng lớn. Một quả có thể là kết quả của nhiều « nhân » và tương tự, một « nhân » cũng có thể đem lại nhiều « quả ».
« Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả » - Anh Thắng nhấn mạnh. Điều này nghĩa là, phần lớn chúng ta đều không để ý đến những hành động, hành vi hàng ngày, mà chỉ lo đối phó và/hoặc lo sợ những điều sẽ xảy đến với ta. Trong khi đó, theo quan điểm « nhân quả » thì các sự việc đã/sẽ đến với ta hoàn toàn là « quả » và chịu sự tác động của hàng trăm ngàn yếu tố, không do ta quyết định. Ngược lại, điều mà ta có thể quyết định và chi phối được, chính là « Nhân », hay « nghiệp ». Năng gieo « nhân » tốt thì sẽ có « quả » tốt.
Không chỉ trong đời sống, mà trong công việc kinh doanh, ta có thể có rất nhiều dẫn chứng cho điều hiển nhiên (mà lại rất khó tin) này. Anh Thắng đã chia sẻ 3 lần thất bại cay đắng trong kinh doanh, dù đã hết sức cố gắng và không phải là không có đủ kinh nghiệm. Tương tự, cũng có thể thấy hàng trăm ngàn doanh nghiệp và cá nhân, kinh doanh không thành công, trong khi hàng trăm ngàn người khác lại gặt hái được quả ngọt. Cùng một sự việc, cùng một cách xử lý tình huống, nhưng ở trong mỗi không gian và hoàn cảnh, lại đem đến những kết quả rất khác nhau, thậm chí là trái ngược.
Anh Thắng dẫn giải, tất cả đều là do “chưa đủ duyên”.
Điều này giúp tôi thấy sáng rõ hơn, nội dung những phần “bài học” đầu tiên của cuốn “Quản lý nghiệp”. Trong đó, các tác giả nhận định “mọi sự thành bại ở đời, đều khó đoán định và khả năng xảy ra là 50/50”. Bài học đầu tiên Quản lý nghiệp khuyên bạn là “ngưng làm những việc không hiệu quả”.

Mặt khác, ta còn có thể kỳ vọng có « quả » tốt khi biết cách sử dụng « nghiệp lực » ; tức là gieo nhiều « nhân » tốt cho những người có liên quan nhiều nhất đến ta. Trước hết là Cha mẹ, gia đình, vơ, chồng, con cái, đồng nghiệp, bạn bè...
Một minh chứng dễ thấy cho sự tác động lẫn nhau của « nghiệp lực » là khi bạn trả lời câu hỏi « nếu tôi bị ốm, bị mất việc, bị tai ương... thì những ai sẽ là người bị ảnh hưởng ? ». Ngược lại, nếu người có nghiệp lực lớn với tôi (như đồng nghiệp/ cha mẹ...) gặp chuyện xấu, thì ngoài tôi ra, có những ai sẽ bị ảnh hưởng ?
Những dẫn giải của Anh Thắng và Quản lý nghiệp, với các bài học « tìm nguyên nhân của những nguyên nhân » và « nỗ lực đem đến thành công cho những đối tác tâm linh » đã khiến tôi có một cái nhìn khác, đầy đủ hơn về thế giới quanh tôi.
Cũng thử nhìn lại vào chính cuộc đời mình, qua những điều mình đã trải nghiệm, xem có thực là « nhân nào gặt quả nấy » hay không. Cá nhân tôi nhận ra được nhiều kiến giải thú vị. Chưa khi nào tôi suy nghĩ thật sự thấu đáo về việc tại sao bản thân mình chưa bao giờ bị người khác « hại » hoặc bị người khác thù ghét; trong nhiều trường hợp, tôi thường « gặp may » hoặc được mọi người giúp đỡ. Có lẽ, « quả » này là do những người có « nghiệp lực lớn » với tôi (ông bà, cha mẹ, gia đình) đều thật sự là những người rất hiền lành và rất tốt ; hơn nữa cũng còn do một nét tính cách khá « đặc biệt » của tôi, mà trước nay bạn bè đều có ý phê phán, đó là tôi chưa bao giờ thù ghét và thực sự thấy « không thể chấp nhận được » bất kỳ người nào, kể cả với một vài người đã từng đem đến cho tôi những nỗi đau.

Đương nhiên, trong đời tôi cũng gặp không ít « quả xấu ». Cũng không hẳn đã thực sự thành công trong nghề nghiệp với những lúc thăng, giáng... Nhìn lại, tôi dường như thấy được lý do. Phần nhiều lý do là xuất phát từ những « nhân » mà tôi đã gieo. Khi tôi làm điều (dù là hoàn cảnh bắt buộc) nhưng đã làm tổn hại đến một số người khác theo một số cách nhất định, tôi đã nhận được « quả » tổn hại tương tự, trong một hoàn cảnh và không gian khác.
Nhưng nếu như mọi « quả » đều là do « duyên » và không đoán định trước được. Vậy thì cách ta giải quyết những vấn đề hàng ngày sẽ là thế nào ? Mặc kệ để « tuỳ duyên » hay là chỉ cần lo « gieo nhân tốt » ?
Một điều đặc biệt quan trọng trong tư duy phật giáo, là bạn phải biết « Buông xả » ; và để có thể « Buông xả » thì phải biết « xiết chặt ». Anh Thắng lại tiếp tục câu chuyện chia sẻ rất hấp dẫn của anh.
Điều đó nghĩa là, trong công việc và cuộc sống, trước hoàn cảnh, bạn không cần quá lo lắng về « quả », nhưng cần biết « xiết chặt », tức là tập trung trí tuệ, tâm sức để định hướng và giải quyết công việc. Tuy nhiên sau khi bạn ra quyết định xong rồi, thì cần ngay lập tức « buông xả » - không nên bận tâm xem « quả » sẽ ra sao vì dù bạn có bận lòng, thì quả vẫn đến ngoài sự định đoạt của bạn.

Nếu bạn làm được điều này, lúc nào tâm trí của bạn cũng thanh thản và cân bằng.
Vì vậy, bạn đừng cho rằng « số phận đã định sẵn » để không làm gì cả hoặc buông xuôi ; mà phải biết gieo « nhân », sử dụng « nghiệp lực » một cách « thông tuệ ».
Bản chất của đạo Phật, không phải là hướng đến sự « Từ Bi » mà là sự « Thông tuệ ». Nếu hiểu được điều đó, bạn sẽ không còn những băn khoăn về việc như « liệu tôi không làm từ thiện, thì có phải là tôi không đủ từ tâm không ? » hay « tại sao tôi đã cho người khác nhiều như vậy, mà tôi lại nhận rất ít ? »
Một quan điểm khác mà tôi vẫn tâm đắc « Phật tại Tâm » - trước đây chỉ đơn giản là « trong tâm mình có lòng thì dù mình làm hay không, có đi lễ hay không, không quan trọng lắm » nay đã được anh Thắng cắt nghĩa cụ thể là  « tâm của bạn thế nào, đặt ở đâu » khi bạn hành động, điều đó mới thực sự là quan trọng nhất.
Buổi chia sẻ với anh Vương Vũ Thắng còn có nhiều điều thú vị khác không thể kể hết trong một bài viết. Nhiều câu hỏi thực sự là vấn đề băn khoăn lâu nay khi đứng trước triết lý Phật pháp, như « người tu tập có giết muỗi hay không ? » đến « giữa việc chúc phúc và việc ủng hộ bằng tiền, bằng hành động, cái nào quan trọng hơn »... đã được anh Thắng dẫn giải dễ hiểu, hợp lý, dễ vận dụng trong đời sống hàng ngày.
Điều đọng lại lớn nhất trong tôi, qua buổi chia sẻ lần này, là việc đột nhiên thấy « sáng ». Hạnh phúc là ở Hành trình, không phải ở đích đến thực sự đã « thấm » vào suy nghĩ của tôi, từ những việc nhỏ nhất.

(Theo Đặng Thanh Vân's Blog: http://www.dangthanhvan.com)

5 comments:

Bài viết rất hay và sâu sắc, cảm ơn tác giả

Tiếc quá, không biết mà tham dự buổi chia sẻ sách này. Đăng ký ở đâu nhỉ?

Cảm ơn tác giả bài viết và anh Thắng

Ah, nhận ra chị Đặng Thanh Vân đến sàn IRS hồi thi slogan đây mà. Cảm ơn chị về bài viết rất ý nghĩa