Dạo này hay nghe thiên hạ thắc mắc là chứng khoán trầm cảm hay sao mà tin tốt tung ra phơi phới nhưng vẫn cứ trơ trơ.
Chả hiểu lý do tại sao? Riêng mình thì lại biết mới tài. Đấy là ảnh hưởng tai hại của tin “Cấm bói chứng khoán” đang loang rộng. Cả trăm CTCK là bằng ấy đội ngũ chuyên gia, giận vì không được bói nữa nên cũng chả thiết đẩy lên, đẩy xuống. Hàng vạn NĐT trước tình cảnh thần tượng bị bắt bí nên cũng buồn bã mà chả thiết giao dịch… Thiếu vắng những đối tượng này, thị trường không lờ đờ như cá mắc cạn mới lạ.
Lệnh cấm nghe đâu chỉ còn chờ ngày là bấm nút. Chỉ có điều, chả riêng gì chứng khoán, xưa nay, nghề bói xứ ta đời nào chẳng thịnh. Dân dã thì bói dạo, bói bài; sang hơn thì lập đền, lập điện, hay chiêm tinh, ngoại cảm…
Hồ đồ mà đoán rằng, có đến quá nửa các cô các bác đã có ít nhất một lần đi bói toán trong đời. Nghề thầy vì thế cũng mọc như nấm bởi nhàn thân dễ kiếm, chẳng cần vốn liếng gì! Lại chỉ lấy tiền mặt, khỏi biên nhận hay hóa đơn! Trong cuốn “Cẩm nang nghề bói”, Hiệp hội bói toán đã đúc kết 5 lý do khiến dân tình đi coi bói:
1. Kẻ mới vào đời muốn có một tia hy vọng hoặc một động lực để thêm can đảm.
2. Kẻ đã đi gần hết đường muốn tìm một sự an ủi, khi cuộc đời đã gần rách nát.
3. Có một số kẻ đi coi vì hiếu kỳ, dù cứ ra đến ngõ là chửi thầm.
4. Đàn bà đi xem bói cho gia đình, trong khi đàn ông lo cho đời sống cá nhân.
5. Càng nghèo khổ thì càng thích bói toán. Chả có ai vừa mới trúng số độc đắc mà lại đi coi bói làm gì!
Các thầy bói thường vừa hỏi vừa bắt mạch thân chủ để rồi lần vách… mà đi tới! Anh em thì thầy phán, hồi bé cậu có bệnh suýt chết (bé ai chả ốm). Cậu có số đào hoa (ai chả ráng mà gật); rồi thầy trầm tư: năm nay cậu có hạn, lớn lắm, may mà gặp tôi… Còn số các cô thì bản lai diện mục đều vượng phu ích tử, làm lợi cho chồng và có ích cho con… Cuộc đời lận đận lúc đầu, nhưng hậu vận thì tốt. Hai vợ chồng hạnh phúc đến già dù thỉnh thoảng cũng lời qua tiếng lại… Nghe mà mát ruột, mát gan!
Nghe qua đã thấy, bói chứng khoán chỉ là phân nhánh nhỏ trong Hiệp hội bói mà thôi. Nhưng ngành bói nói chung vốn thạo đuổi hình bắt chữ, việc đã qua nhất quyết chỉ nói khơi khơi. Chuyện tương lai mới là đất tung hoành. Vụ này thì bói chứng khoán có điểm đặc thù. Dân bói chứng phải chém gió thẳng cánh về quá khứ, mập mờ về hiện tại và ỡm ờ về tương lai.
Muốn là một thầy bói giỏi, cần phải có cái lưỡi cho dẻo! Nói cho cùng thì nghề nào cũng vậy. Chỉ cần khéo quảng cáo là được. Cái món quảng bá bói toán thì các nhà marketing hiện đại còn thua xa lắm. Kể ra thì có mấy cách cơ bản. Một là lấy thần cây đa, ma cây đề nào đó làm bản mệnh. Hai là bỏ nhà đi bụi, gặp thầy rồi tu luyện thành tài. Ba là bị điện giật, chó cắn hay đâm vào cột điện, ngất đi tỉnh dậy, thế là gắn thêm chữ Phật hay Thánh trên người…
Nhưng người đời từ lâu thường thắc mắc là tại sao các thầy biết hết mọi sự cát hung cho thiên hạ, tại sao họ không thể đoán được tương lai của chính mình. Cái này thì chịu. Cũng như có NĐT thắc mắc, các chuyên gia chứng khoán đoán định trúng thế, sao không bán nhà mà ôm cổ, sao cứ phải bô bô. Chả lẽ lại có lòng tốt thế a?
Nhưng cấm bói chứng khoán thì kể ra cũng bất nhẫn. Nghề bói chứng khoán vốn đã khổ. Con nhang đệ tử chẳng được thành tâm như thầy thợ ngoài đời. Được ăn thì làm gì có hậu tạ. Lúc thua thì rát tai mà nghe mắng. Tư vấn chứng khoán chỉ có khổ hơn chứ nhất định không kém mấy chú bình luận viên nhà đài dự đoán Euro.
Mà nói thật, làm cái anh tư vấn mà không khuyên khách hàng “trồng cây gì, nuôi con gì” thì biết nói cái gì. Đến các thầy ở trung tâm đào tạo chứng khoán hồi trước còn phải than thở, học viên vào lớp thì chuyện như nổ như pháo, hở ra là “thầy ơi, nên ôm con gì cho lãi”.
Nhiều khi quy luật tự nhiên, trời sinh ra thế nên không thể khác. Cụ Nam Cao bảo, dân bán cháo lòng thì phải biết đánh tiết canh. Dân tư vấn mà không được dự đoán, không nhận định thì quá bằng mấy cậu lính trong truyện Trạng. Chuyện rằng, Quỳnh nhiều lần thất lễ với Chúa, nên Chúa ghét lắm. Một lần, Chúa sai lính đến kéo đổ nhà Quỳnh. Quỳnh thấy lính đến thì bảo:
Chúa sai các anh đến kéo đổ nhà ta thì các anh cứ việc kéo, không được reo, được cười, ai mà reo cười thì ta cắt lưỡi.
Lại một lần nữa, Chúa sai lính đến ỉa giữa nhà Quỳnh. Quỳnh cầm dao ra bảo lính:
Chúa sai các anh đến bậy nhà ta, cứ việc ỉa, nhưng cấm đái, anh nào mà đái ta cắt…
Nặng làm sao thiếu nhẹ, bọn lính tiu nghỉu xách quần ra về. Có vài chú khôn vặt, đem theo gáo dừa đề phòng (kiểu như điều khoản miễn trách… he he…). Quỳnh thấy nó lập mưu trước, đành chịu nhưng trong bụng căm lắm. Ít lâu sau, Quỳnh đi mua một cây cải thật to sai người đem dâng Chúa. Khi Quỳnh vào hầu, Chúa hỏi cải đâu mà to lạ thế và khen ngon.
Quỳnh thưa:
Cải nhà trồng, trước nó không to mấy, nhờ độ nọ Chúa sai lính đến ỉa nhà thần, thần đem phân ấy bón, nên lớn bổng lên thế. Cây nhà lá vườn đem dâng để Chúa xơi...
Mình nhiều khi cũng chết tê chết tái với mấy cái báo cáo khuyến nghị đầu tư. Nhưng lại chả dám chê bôi. Bạn bè ấp chứng nhiều. Biết đâu có ngày có đứa mời đi bia bọt, đến nửa bữa nó mới móc họng rằng, cái đám tư vấn ông chửi vừa rỉ tai giúp tôi thắng đậm nên mới có bữa này đấy… Lúc ấy mặt chả tái quá nhà Chúa chứ đùa!
(ĐTCK)
0 comments:
Đăng nhận xét