16 tháng 10, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: “Cha giàu, Cha nghèo, Cha phá sản”

Các cụ bảo, “tốt số không bằng bố giàu”. Nhưng đến bố của “ông bố giàu” mà còn phải xin phá sản để chạy nợ thì đúng là nghịch lý của nghịch lý!



    Một trong những chuyện hài hước nhất được nghe ngay trong ngày doanh nhân cuối tuần rồi là vụ nộp đơn xin phá sản của Robert Kiyosaki - tác giả cuốn bí quyết làm giàu lừng danh “Rich Dad, Poor Dad”, tựa ở Việt Nam là “Cha giàu, Cha nghèo”.
    Cuộc sống vốn đầy những nghịch lý… có lý. Kiểu như người tư vấn chứng khoán chả bao giờ chơi cổ phiếu, người bán phở chả bao giờ ăn phở nhà mình… Nhưng việc một ông thày dạy đạo làm giàu nộp đơn phá sản thì mới nghe lần đầu. Chả phải đơn giản mà “Cha giàu, Cha nghèo” từng bán được hơn 26 triệu bản với 45 thứ tiếng ở hơn 90 nước, trở thành sách gối đầu giường của toàn những Oprah Winfrey, Donald Trump... Fan hâm mộ “Cha giàu, Cha nghèo” là giới doanh nhân Việt cũng chẳng ít. Không tin, cứ lân la vào Hội những người phát cuồng vì Kiyosaki hay Hội những người làm theo “Cha giàu” trên facebook mà xem!
    Cũng phải thừa nhận là sách dạy làm giàu nhưng đọc rất thú, bởi ít hô khẩu hiệu kiểu “làm giàu không khó”. Mà lại có những triết lý vui vui, đại khái như “Người ta sợ thất bại đến nỗi họ thất bại thật”; trên đời này “chả ai biết đi xe đạp mà chưa từng bị ngã, không ai biết chơi golf mà chưa từng mất trái banh, chưa bao giờ gặp một người giàu nào chưa từng bị mất tiền… vân vân và vân vân…”. Hay là câu chuyện kể về người Texas. Khi một người Texas chiến thắng, đó là một chiến thắng lớn. Và khi họ thất bại, thất bại đó cũng rất ngoạn mục. Người Texas tự hào khi chiến thắng và họ khoác lác khi thua cuộc. Texas có câu nói: “Nếu anh sắp bị phá sản thì hãy phá sản sao cho to tát”…
    Rất nhiều chuyện hay trong “Cha giàu, Cha nghèo”, nhưng tóm lại là trong đó, người cha nghèo thì khuyên rằng, ‘hãy tìm một việc làm tốt, làm việc chăm chỉ và tiết kiệm”. Còn ông bố giàu lại bảo, “hãy học cách quản lý rủi ro và đồng tiền phải phục vụ anh”.
    Đã là dân chứng khoán, chả mấy người chưa đọc “Cha giàu, Cha nghèo”. Bởi nói cho cùng, chơi chứng khoán chính là nghệ thuật quản lý rủi ro, hay quản lý lòng tham. Khác với đa số các nhà tư vấn khuyên chúng ta cần phân tán rủi ro bằng cách bỏ trứng vào nhiều giỏ, Kiyosaki bảo, nếu bạn có ít tiền mà muốn làm giàu, bạn cần phải “tập trung” chứ không nên “cân đối”. Những người muốn bước một lúc bằng hai chân (mà không nhảy cóc) đều… dậm chân tại chỗ. Để tiến lên, đầu tiên bạn phải làm cho không cân đối. Hãy đặt nhiều quả trứng vào ít giỏ thôi!
    Mình còn đồ rằng Kiyosaki là “thủ phạm” của cơn lũ phát hành thêm cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt từ những năm lẻ sáu, lẻ bảy trở lại đây. Bởi ông bố giàu từng bảo, chả có gì khác nhau giữa chứng khoán và trò chơi cá ngựa. Nên đừng bao giờ trở thành người chỉ biết mua chứng khoán. Việc cần nhắm tới là trở thành người tạo ra chứng khoán để cho kẻ khác bán mua…
    Nói chung, toàn những lời hay ý đẹp mà ai đọc qua, ít nhất cũng phải tấm tắc khen thầm. Thế mà đoạn kết ngoài sách vở lại là lá đơn phá sản “to tát như người Texas”. Thế mới buồn!
    Tất nhiên, hội những fan hâm mộ cũng chẳng lo Kiyosaki khánh kiệt. Túi riêng ông ấy vẫn còn 80 triệu đô. Phá sản là phá sản cái Công ty “Rich Dad - Bố giàu” thôi. Người ta còn còn bảo, bằng hành động này, ông ấy đã cho mọi người thấy thêm một sự khác biệt nữa giữa người giàu và người bình thường. Họ phá sản không phải vì sức khỏe hay thất nghiệp, mà đó là chiến lược kinh doanh.
    Chiến lược ấy là gì? Kiyosaki bảo, “điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là giữ được bao nhiêu tiền, và bạn giữ được số tiền kiếm được cho bao nhiêu thế hệ”. Dù “Bố giàu” đã chết, nhưng túi tiền của Kiyosaki chẳng suy suyển gì.
    Thấy bài trốn nợ tài ba của Kiyosaki, lại nhớ đến cảnh sống lay lắt của các CTCK nhà mình. Hơn trăm công ty, may thì có mươi anh sống ổn, còn lại giật gấu vá vai, đụng đâu nợ đấy. Thế mà vẫn quyết “gắng sống đến bình minh”. Có bác đã nghỉ rồi vẫn nói cứng, rằng chợ đông anh sẽ quay lại “trồng tre nên gậy” làm tiếp hồi hai. Đồ rằng, đó cũng là cảm giác sợ thất bại đến mức bại rồi mà vẫn không nhận mà thôi.
    Mà nói trộm vía ngày doanh nhân. Thời suy thoái này thì ngành nào cũng thế chứ chả riêng ngành chứng. Người ta bảo, dân đào vàng chả mấy ai giàu, có giàu chăng là những kẻ bán cuốc chim. Cỡ Kiyosaki, tay bán cuốc chim thượng thặng mà còn ngập nợ thì các con nhang, đệ tử không lên bờ xuống ruộng mới lạ.
    Vậy nên, ngày lễ trọng mà cả người tung hô lẫn người được tung hô cứ thấy ngài ngại. Biết đâu đấy… ngày mai, ngày kia… mấy ai học được chữ ngờ (?) Như nhà bác doanh nhân kiêm nghệ sĩ Phước Sang. Tài sản cả ngàn tỷ, sổ đỏ hàng chục quyển thế mà đang chịu tiếng quỵt nợ vài tỷ bạc. Đấy là những vụ “to tát”, chứ còn âm thầm, lặng lẽ bỏ cuộc chơi thì phải tính bằng đơn vị chục ngàn.
    Mà nói đến sự lặng lẽ, hôm trước nhìn thấy hình ảnh bà chủ Thủy sản Bình An còm nhom, tật bệnh, ngồi lặng lẽ bế cháu ở nhà mà thấy chạnh lòng. Chả hiểu các bác hôm trước viết báo đổ riệt rằng bà ấy vờ ốm trốn nợ, nhìn thấy cảnh ấy thì nghĩ gì nhỉ?
    Trở lại chuyện “Cha giàu, Cha nghèo”. Các cụ bảo, “tốt số không bằng bố giàu”. Nhưng đến bố của “ông bố giàu” mà còn phải xin phá sản để chạy nợ thì đúng là nghịch lý của nghịch lý! Nếu có tập nữa của “Rich Dad, Poor Dad”, biết đâu lại có cảnh ông bố giàu ngửa mặt lên trời mà rằng, “con ơi, làm giàu đâu phải dễ”.     
    (ĐTCK) 

0 comments: