28 tháng 2, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: "Dù thế nào tôi cũng từng là một kẻ ăn cắp"


Vì những năm tháng nghèo đói túng quẫn ấy, anh hiểu giá của những thứ ấy như thế nào. Anh cũng nói không có gì có thể trả đủ cho những năm tháng xấu xa của anh. Sự sám hối của B.T. là thật. Chính vì vậy anh thành tâm trả nợ những gì anh đã ăn cắp khi xưa.


Khoảng 30 năm trước, chuyện mất cắp ở làng quê thường xuyên xảy ra. Nhưng những chuyện ăn cắp ấy so với bây giờ thì giá trị vật chất chẳng đáng là bao. Vì vật bị ăn cắp cũng chỉ là quả trứng, buồng chuối, có khi chỉ là một rổ bèo cho lợn ăn, còn giá trị nhất cũng chỉ đến con gà, con vịt mà thôi. Bởi ngày ấy, tài sản của những người nông dân ở vùng quê nghèo đói cũng chỉ có vậy, đâu có xe đạp, xe máy, tivi... như bây giờ.

B.T. lúc đó là một cậu học sinh trong một gia đình nghèo đói. Sáng B.T. đi học, chiều đi làm giúp cha mẹ, nhưng tối thì mò đi ăn cắp. Gặp cái gì B.T cùng lấy, đến nỗi mà thành tài, có nghĩa là hiếm khi bắt được quả tang B.T. ăn cắp, chỉ khi thấy dùng những thứ mà họ bị mất thì biết là B.T lấy cắp. Nên người làng biết rất rõ B.T. là người ăn cắp thường xuyên. Đã có lần một người đến nhà B.T khi cả gia đình đang ăn cơm, họ đi thẳng vào mâm cơm nhà B.T. rồi bưng ra nồi canh bầu đổ xuống giữa sân và chửi mắng thậm tệ. Người đó cho rằng B.T. đã ăn cắp một quả bầu của gia đình họ. Mặc dù người đó không có chứng cớ gì, nhưng gia đình B.T. cũng không ai dám lên tiếng mà chỉ biết ngồi khóc rồi vét phần bầu bị đổ ra sân để ăn.

Những năm tháng đó, có những gia đình đói khát vô cùng. Gia đình tôi cũng nghèo đói, nhiều bữa chỉ có khoai luộc ăn với cà muối mặn và rau muống luộc mà thôi. Nhìn thấy B.T. hay bố mẹ B.T. ở đâu là người làng chửi bóng chửi vía.

Có lẽ B.T. ý thức được cái nghèo đói nên cậu ta rất cố gắng học hành. Sau khi học xong lớp 10 (lớp 12 bây giờ), B.T. thi được vào Trung cấp Xây dựng, nhà nghèo đói nhưng cậu ta cố tự xoay xở bằng rất nhiều nghề để có tiền tiếp tục đi học. Học xong, B.T. làm việc ở thành phố rồi học tiếp đại học. Thế rồi như một giấc mơ, hai mươi năm sau, B.T. trở thành một người giàu có. Cho đến những năm gần đây thì B.T. đã trở thành một ông chủ của một công ty lớn ở Việt Nam.

Người làng túm năm tụm ba với nhau bàn tán về sự giàu có của B.T. Con cái tôi làm việc ở thành phố kể cho tôi nghe về tài sản của B.T. mà tôi có giàu óc tưởng tượng chắc cũng không thấy được. Nhà cửa của ông bà cha mẹ của B.T. ở quê được B.T. xây dựng lại như là lâu đài. Nhà B.T. lúc nào cũng nầm nập người đến kẻ đi, trong những người qua lại nhà B.T không thiếu những người chức trọng quyền cao. Người làng bảo B.T. muốn gì được nấy. Quanh vùng, ai cũng biết đến danh B.T. Chuyện B.T. từ con của một gia đình nghèo khó mấy đời, hồi nhỏ chuyên đi ăn cắp vặt giờ vụt lên giàu có như vậy tưởng đã là chuyện khó tin mà có thật. Nhưng một chuyện khác khó tin mà có thật còn lớn hơn.

Đó là chuyện từ khi B.T. giàu có, anh đã âm thầm đến những gia đình trong làng mà thuở hàn vi nghèo đói anh đã ăn trộm quả bầu, quả trứng hay chai tương, bát cà... Mỗi lần đến một gia đình, B.T. đều đặt đồ lễ lên ban thờ gia đình đó và thắp hương khấn vái. Sau đó, anh kể với gia đình đó anh đã lấy trộm những gì của gia đình họ thuở hàn vi. Cậu ta đã vừa khóc vừa nói: "Người nào ăn cái không phải mình làm ra, uống cái không phải mình làm ra thì nhục không gì hơn. Gia đình tôi nghèo quá, tôi chẳng biết giúp cha mẹ nuôi các em nên phải mắc tội như thế. Nay tôi đến xin tạ tội và mong gia đình tha thứ".

Đến gia đình nào anh cũng xin đền bù phần tài sản của gia đình đó mà anh đã chiếm đoạt. Số tiền anh đền bù khá lớn đối với một gia đình nông dân. Hầu hết các gia đình thấy số tiền như vậy không ai nhận và bảo anh quên đi những chuyện nhỏ nhặt ấy. Nhưng anh nói một quả bầu, một ổ trứng hay một con gà lúc đó đối với gia đình họ lớn hơn tất cả những gì anh đền bù cho họ. Vì những năm tháng nghèo đói túng quẫn ấy, anh hiểu giá của những thứ ấy như thế nào. Anh cũng nói không có gì có thể trả đủ cho những năm tháng xấu xa của anh. Sự sám hối của B.T. là thật.

Anh đã đến 67 gia đình trong làng và làng bên cạnh để xin lỗi. Đến mỗi gia đình, anh kể chi tiết ngày tháng anh đã đến ăn trộm và những gì anh đã ăn trộm. Có gia đình anh chỉ lấy đúng một chai tương và gia đình đó cũng không hề hay biết. Hầu hết mọi người đều từ ngạc nhiên đến nghi ngờ và cuối cùng vô cùng xúc động và kính trọng hành động của anh. Nhưng cũng có người cho rằng anh nhiều tiền quá không biết làm gì mới nghĩ ra trò đó để lấy danh. Cũng có người cho anh là người dại. Chuyện trộm cắp xảy ra quá lâu rồi và những thứ anh lấy trộm có đáng giá gì mà phải "vạch áo cho người xem lưng" trong khi anh đang là một người danh giá.

Cũng có bạn bè và người thân trong gia đình anh khuyên anh không nên làm như thế chỉ thêm xấu hổ đến cá nhân anh và gia đình, dòng họ. Nhưng anh nói rằng chỉ làm như thế anh mới thấy cuộc đời có một cái giá nào đấy chứ giá cuộc đời này đâu phải mua bằng tiền. Anh thường nói: "Dù thế nào tôi cũng đã từng là một kẻ ăn cắp". Bây giờ, anh đã trở thành một người đáng kính trọng đối với dân làng. Anh cũng là người mang sự hảo tâm giúp đỡ cho những người nghèo trong làng. Anh không muốn làng có thêm những đứa trẻ phải đi ăn trộm như anh thuở xưa.
(CAND)

0 comments: