4 tháng 2, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Táo Quân tân truyện

Trên chứng trường có phong trào hô hào cùng “lên” hay “xuống” tàu, chớ dại mà tin mấy tay chuyên ngành hẹp chém gió.


    Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai tên là Tiều Phu. Năm Y2K sau Công Nguyên, nghe đồn ở đất Gia Định chuẩn bị khánh thành một cái chợ bán giấy lấy tiền. Chàng nuôi khát vọng đổi đời, nhắm ngày hoàng đạo, hăm hở lên đường. Tuy nhiên, vì có nhõn quan tiền giắt thắt lưng nên khi đến chợ, Tiều Phu bèn tìm một cái nhà nghỉ cạnh Bến Chương Dương tá túc. Hàng ngày, chàng “mò cua bắt ốc” kiếm sống qua ngày chờ thời vận.
    Đêm ấy, như mọi lần khi đang “mò cua bắt ốc” bỗng đâu chàng thấy một chiếc thuyền rẽ nước tiến đến. Trên thuyền đèn đuốc sáng trưng với cả bầy thiếu nữ phấp phới xiêm y, cười nói trêu đùa. Tiều Phu xấu hổ, vội vùi mình xuống cát lẩn tránh. Không ngờ thuyền ghé vào bãi. Đám thiếu nữ dạo chơi, trêu chọc nhau một hồi rồi mắc màn nhung, tắm gội. Nước chảy đến đâu cát trôi đến đấy, lộ ra Tiều Phu. Đang cơ bối rối có một thiếu nữ mặt đẹp như ngọc bước tới hỏi han sự tình. Nghe thủng chuyện, thiếu nữ ấy thở dài than: “Chàng không phải là Chử Đồng Tử, thiếp cũng không phải là Tiên Dung. Nhưng thời buổi Internet nở rộ, trẻ con tuổi ngồi bô cũng biết vào facebook. Để chàng khỏi tung video clip về thiếp lên mạng, chỉ có cách chàng theo thiếp thôi”. Tiều Phu thẹn thùng tặc lưỡi, nhưng cũng theo người con gái ấy lên thuyền kết nghĩa phu thê.
    Nguyên cô gái ấy là Kiều Nữ, con của viên quan trong vùng. Nghe chuyện con gái không kể danh tiết làm chuyện vợ chồng, cha nàng đùng đùng nổi giận cấm cửa luôn. Vợ chồng Tiều Phu và Kiều Nữ đành sống tạm trên thuyền. Câu chuyện “một túp lều tranh hai trái tim vàng” đã thuyết phục họ gắn bó với nhau trong cảnh nghèo túng. May sao, năm thứ 6, thứ 7, chẳng biết tiền bạc ở đâu ùn ùn chảy vào cái chợ bán giấy lấy tiền bên bến Chương Dương. Ai ai cũng hoan hỷ. Sực nhớ khát vọng xưa, Tiều Phu bàn với vợ cầm tiền thử đi tìm vận may. Số son, chàng phất lên như diều gặp gió. Nhưng tiền bạc làm con người ta nhanh chóng hư hỏng, không còn chịu làm ăn Tiều Phu sinh ra bê tha. Một tối chàng tu liền hai chai Chivas, hơi xỉn nên lỡ vung tay tát vợ mấy cái. Giận chồng, Kiều Nữ bỏ nhà ra đi.
    Vừa bước chân ra khỏi ngõ chợt Kiều Nữ nghe thấy tiếng tiêu réo rắt. Không khỏi tò mò nàng bèn quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một nam nhân nét mặt khôi ngô đi theo đang say sưa tấu khúc: “I love you more than I can say”. Kiều Nữ mới nhớ ra 7 - 8 năm trước cũng hay nghe tiếng tiêu này trên sông vắng. Người thổi tiêu thì chưa được gặp mặt, nhưng thấy tiếng tiêu lúc bổng lúc trầm thực say đắm lòng người. Nhớ lại, bất giác Kiều Nữ tuôn hàng lệ châu bồi hồi. Nam nhân ấy tinh ý bèn vứt tiêu đi, ôm chầm lấy Kiều Nữ thổ lộ tình cảm. Chàng xưng danh là Trương Chi vốn phải lòng Kiều Nữ bấy lâu nay. Không muốn chuyện tình của mình buồn như trong cổ tích, Trương Chi hiện đại đã bỏ tiền dao kéo thân thể và luyện tập thể hình đều đặn. Cảm động trước mối tình u uẩn, lại nghĩ đến cảnh thân gái dặm trường, Kiều Nữ bèn tặc lưỡi theo Trương Chi đi về.
    Lại nói, ở nhà, Tiều Phu tỉnh rượu thì hối hận vô cùng, bèn đi khắp nơi tìm vợ. Lúc đó cũng là thời kỳ cái chợ giấy xuống dốc, liêu xiêu như ngọn nến trước gió. Không mấy chốc, Tiều Phu lại trở nên trắng tay. Quyết tâm tìm vợ, chàng gia nhập Cái Bang, lang thang đó đây. Một bữa Tiều Phu gặp ông thầy bói vừa mù, vừa câm vừa điếc, ông sờ bàn tay Tiều Phu, rồi chỉ cho Tiều Phu đi về hướng Bắc. Quả nhiên không lâu sau đó, Tiều Phu tìm được đến nhà Trương Chi.
    Nhận ra Tiều Phu và hiểu chặng đường gian truân đi tìm mình, Kiều Nữ thấy hối hận vô cùng. Đúng lúc đó, Trương Chi đi đánh cá trở về nhà, Kiều Nữ vội chỉ Tiều Phu tạm lánh trong đống rơm. Trương Chi vốn nghiện thuốc lào đứng ra trước gió làm mấy “bi” liền. Ai dè, tàn thuốc bay vào đống rơm bốc cháy đùng đùng. Tiều Phu gặp được vợ cũ và thấy Kiều Nữ sống hạnh phúc coi như đã thỏa ước nguyện, nên chịu chết thiêu để vợ cũ không gặp cảnh khó xử. Kiều Nữ thấy Tiều Phu vì mình bị chết cháy thì nhào vào cứu chồng. Trương Chi không hiểu nếp tẻ gì thấy vợ nhảy vào lửa chỉ kịp bấm số 114. Chờ mãi chưa thấy đầu bên kia alo, nên cũng nhảy vào cứu vợ. Ai dè không những không cứu được Kiều Nữ mà còn chịu chết cháy cùng. Linh hồn của ba người lên gặp Thượng Đế, thấy 3 người đều có nghĩa tình, nên Thượng Đế sắc phong cho làm 3 vị Táo Quân. Chỉ bắt hàng năm đúng ngày 23 tháng Chạp lên chầu trời bằng cá chép do Trương Chi bẫy được.
    Chuyện kết thúc hơi buồn nhưng có một số bài học nho nhỏ. Thứ nhất, không nên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với phụ nữ (Tiều Phu) để sinh ra bi kịch. Thứ hai, trong chuyện cổ tích, người nghèo nào gặp cơ hội cũng có thể trở nên giàu có, nhưng giàu có đến cỡ nào cũng có thể trở thành trắng tay như Tiều Phu, vì vậy, phải học cách quản lý tiền bạc, đặc biệt là trên chứng trường. Thứ ba, thấy người khác làm việc gì chưa hiểu chớ vội bắt chước như Trương Chi. Ví dụ trên chứng trường có phong trào hô hào cùng “lên” hay “xuống” tàu, chớ dại mà tin mấy tay chuyên ngành hẹp chém gió. Điều cuối cùng, ở chợ bán giấy lấy tiền, chỉ nên nuôi tham vọng vừa phải. Bi kịch của các nhân vật trong chuyện này đều từ tham vọng đổi đời của Tiều Phu mà ra cả.
    (ĐTCK)