8 tháng 2, 2013

GÓC LÃNG ĐÃNG: Cảm xúc ngày Tết


Khoảnh khắc đất trời vào xuân, vạn vật đổi mới, con người ta dễ dàng mở lòng mình hơn với mọi sự trên đời. Tắm Tất niên, như bao việc làm truyền thống khác trong những ngày cuối năm, bản chất cũng chỉ là vì một mong ước gột rửa mọi nỗi ưu phiền và đen đủi trong năm cũ. Giao thừa trở thành cái cớ, trở thành cột mốc thời gian để người ta đánh dấu bắt đầu cho một sự đổi mới, cho những lời hứa hẹn.

Cái ngây ngất men say của đất trời nồng nàn vào giây phút thiêng liêng đó khiến con người ta muốn bao dung và được bao dung, muốn được nói câu thứ tha cho những điều ám ảnh trong năm cũ, được bỏ chúng lại sau lưng như một giấc mộng đã tan mau, để tỉnh giấc khi năm mới đã tới, để nhấn nút restart cho những ước mơ hạnh phúc của mình.

Bởi thế nên tôi mang ơn cái gọi là Tết, dù chẳng hề thích những ngày bạc mặt ra dọn nhà dọn cửa, ăn nói ý tứ giữ gìn, gặp ai cũng phải nhoẻn miệng cười duyên. Tôi mang ơn Tết vì sự bao dung và bình yên nó mang lại cho mọi mối quan hệ. Tết, với những người tham vọng giàu sang là một bước ngoặt cho tiền tài công danh tiến lên bước nữa. Tết, với những người đau khổ là cánh cửa để khép lại những muộn phiền ở sau lưng, ... Còn với tôi, Tết là cơ hội để nói những lời Cảm ơn và Xin lỗi. Để tìm lại yêu thương, niềm tin và sự thanh thản trong tâm hồn.

Chẳng biết từ bao giờ Tết chỉ còn là những Đợt nghỉ dài ngày trong con mắt tôi. Những cái Tết đáng nhớ nhất đã qua lâu lắm rồi. Nhớ thuở còn thơ bé, buổi sáng của ngày đầu tiên được nghỉ đón Tết, dụi mắt tỉnh dậy thấy sàn nhà đầy lá dong và những chậu thịt, chậu đỗ, chậu gạo. Bố rửa lá, mẹ vo gạo, bà ngoại ngồi gói bánh. Không bao giờ dùng khuôn nhưng cái nào cái nấy vuông chằn chặn. Rồi bắc bếp nổi lửa. Họ hàng đằng ngoại ra vào tíu tít. Đi mua đi xin từng bao trấu về đổ vào bếp cho lửa đượm hơn. Trẻ con hau háu đợi một cái gật đầu của người lớn để vùi mấy củ khoai lang vào đống tro ấm. Cái nồi luộc bánh cao gấp rưỡi người mình, lửa phả ra má hồng ửng đỏ. Đêm ngồi ngoài sân mà không thấy rét mướt gì cả. Năm nào cũng hô hào quyết tâm trông bếp cho tới khi vớt bánh mới đi ngủ. Năm nào tỉnh dậy cũng thấy bánh đã được xếp ngay ngắn từng hàng từng hàng bên một góc nhà. Cái nồi đã được cọ rửa vẫn đen trùi trũi. Còn trơ ra giữa sân ba chồng gạch vô duyên đã nguội ngắt nguội ngơ. Và thế là Tết đã đến thật rồi.

Nhiều lúc nhìn lại những nghi thức đón Tết trong đêm 30 của gia đình mình, tôi vẫn không khỏi bật cười. Giục nhau đi tắm, năm nào đủng đỉnh thì nấu cả nồi nước lá mùi đổ vào bồn cho thơm. Rồi mặc quần áo đẹp, thượng cả giầy vào trong nhà. Pháo hoa bắn bùm bụp thì bật nhạc Happy New Year của Abba trong lúc bố đứng ngoài sân khấn vái đất trời, rồi loay hoay mở champnage, rồi chúc mừng nhau năm mới. Ngồi đợi người tới xông đất, dăm ba câu chuyện phiếm, bật đi bật lại mấy kênh vô tuyến xem cầu truyền hình. Tấm tắc khen bọn Trung Quốc nó đón Tết hay nhỉ. Xong. Lại thay quần áo, đi ngủ.

 Nhưng cũng có không ít người ngạc nhiên thích thú khi biết rằng trong đêm Giao thừa cả gia đình tôi đều ở nhà với nhau. Đối với nhiều người trong số họ, hình như đó đã là một ký ức xa vời, là một ước mơ nhỏ bé năm nào cũng đem ra nhắc lại với chính mình ...
(St)

0 comments: