20 tháng 2, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: Tấn bi kịch từ những chiếc mặt nạ cuộc đời (Kỳ 2)

Tấn bi kịch từ những chiếc mặt nạ cuộc đời (Kỳ 1)

Nhưng ngay trong lần đầu tiên nhìn thấy cháu rể, tôi đã có một cảm giác lợn cợn về một điều chi đó không rõ rệt. Có lẽ là khoảng cách chênh lệch tuổi tác và ngoại hình của hai đứa làm cho tôi một chút bất an. Cháu gái tôi dù ở tuổi cứng cáp nhưng nhan sắc trẻ trung xinh đẹp và rạng ngời vô cùng. Trong lúc cháu rể tôi lại già hơn, đường bệ, hầm hố trông không có vẻ gì là trí thức doanh nhân biết 3 ngoại ngữ, chẳng tương xứng với cô dâu. 



Vì cả gia đình quá kỳ vọng vào cháu gái đầu lòng của chị gái tôi nên ai cũng mong muốn kỳ vọng cháu sẽ cưới được tấm chồng tương xứng ít nhất cũng là cả ngoại hình lẫn nội dung. Trong lần ra mắt đầu tiên ấy, cả gia đình tôi đều mang một chút ngỡ ngàng thất vọng. Thấy vợ chồng chị gái tôi lặng đi vì buồn, tôi đã phải kéo cháu tôi lại gần và hỏi cháu: “Thực sự con yêu người đấy lắm không?”.

Cháu tôi gật đầu. Tôi gặng hỏi thêm lần nữa: “Con thực sự thấy hạnh phúc và mãn nguyện chứ?”. Cháu tôi ôm chặt lấy tôi và nói: “Dì yên tâm, con đang rất hạnh phúc”.

Ở quê nhà chỉ làm lễ ra mắt và tổ chức tiệc mừng. Ai ai cũng kéo đến mừng cho gia đình chị gái tôi. Chị tôi thuê một chuyến xe to cho cả đại gia đình vào TP HCM để dự đám cưới của con gái. Tôi có chút ngỡ ngàng và thất vọng khi đám cưới của cháu gái tôi diễn ra trong một căn phòng nhỏ ở ngoại ô. Lễ cưới giản dị và rất ít khách khứa.

Hầu như chỉ có bạn bè của cô dâu và họ hàng bên ngoại từ quê vào mà không có bạn bè khách khứa của chú rể lẫn bố mẹ chồng và họ nội. Tôi rất thắc mắc vì sao gia đình chồng tôi mang tiếng là gia đình đại gia buôn bán bất động sản mà lại tổ chức lễ cưới cho con đơn sơ và không mời mọc khách khứa của gia đình. Mang nỗi niềm thắc mắc đó, tôi tâm sự với chị gái tôi khiến chị cũng rất bối rối, trong lòng bao câu hỏi nghi hoặc. Vợ chồng chị gái tôi trong tiệc cưới của con trầm tư hẳn.

Rồi đám cưới cũng tổ chức xong, mọi việc cứ lu bu, lu bu nên cả tôi và chị gái tôi cất đi những nghi vấn lợn cợn trong lòng để quay về quê tiếp tục công việc và cuộc sống. Chỉ có mẹ tôi, bà ngoại của cháu V là tràn ngập hạnh phúc sung sướng khi từ nay cháu gái đã có được tấm chồng tử tế, gia đình chồng giàu có và hạnh phúc. Mẹ tôi đi đâu cũng mang mỗi chuyện của cháu gái ra khoe với một nỗi niềm hoan hỉ vô bờ.

Mấy tháng sau, nghe tin con gái mang thai song sinh và sắp sinh con, vợ chồng anh chị tôi vội vã bay vào TP HCM. Khi hai cháu ngoại đều là cháu trai đã tròn tháng, chị mới bay về và đến thẳng nhà tôi nằm bép gí cả ngày khóc như mưa như gió. Chị nói với tôi tất cả sự thật mà cũng chỉ đến khi con gái sinh con chị mới biết. Chị quá sốc và đau đớn không biết chia sẻ với ai. Chị không thể về nhà lúc này vì còn mẹ chị nữa. Nếu tâm trạng của chị lộ ra như vậy mà mẹ biết thì mẹ sẽ đau khổ biết bao. Chị than, ông trời sao lại làm khổ chị và mẹ chị đến thế. Sao lại trao nghiệp chướng từ đâu lên con gái ngoan hiền hiếu thảo của chị như thế này.

Con gái chị đã tổ chức một đám cưới giả để hợp thức hóa đứa trong bụng với một thần tượng của mình. Người đó là quan chức một đơn vị văn hóa trong TP HCM. Người đàn ông đó hơn con gái chị tôi 20 tuổi. Cháu đã tìm thấy người đàn ông mình yêu và mê muội chấp nhận tất cả để được sống với người đàn ông đó, cho dù phải lập một đám cưới giả, thuê chú rể giả, bố mẹ chồng giả để hợp thức hóa mọi việc. Người đàn ông đó cũng yêu con gái chị tôi, mong muốn cháu làm vợ bé của mình nên mới tạo điều kiện đứng ra dàn xếp thuê chú rể và gia đình chú rể để tiến hành đám cưới che mắt gia đình và thiên hạ.

Ông ta không thể đàng hoàng cưới con gái chị tôi vì ông ta còn người vợ ở miền Tây và còn công việc, chức vụ hiện tại. Chức vụ dù không quá lớn nhưng nếu vụ việc có vợ bé mà đổ bể thì trước mắt cũng đủ để gây tai tiếng và ảnh hưởng đến đường hoạn lộ của ông ta.

Chị tôi nói trong nước mắt giàn giụa: “Thậm chí để sinh được hai đứa con này, cháu V. còn phải nhờ can thiệp của y học để có được một đôi con trai nối dõi tông đường như ý nguyện của ông ấy, vì vợ ông ở quê không đẻ được con trai”. Khi biết chuyện của con, chị khóc quá chừng, thế nhưng con V. nói với chị: “Mẹ ơi, con đang yêu và con đang rất hạnh phúc. Để có được người mình yêu, để được sống với người đó dù là trong những khoảnh khắc, con chấp nhận hết. Với con như thế này là đủ. Con tự nguyện gắn kết số phận mình với anh ấy.

Con chỉ lo sợ bà và ba mẹ buồn nên mới làm đám cưới linh đình để bà vui vẻ, hạnh phúc mà ba mẹ thì an lòng. Không có ai ép con trong chuyện này cả. Cũng không ai lừa dối con. Tự con chọn cuộc sống và số phận của mình. Con xin lỗi vì cuối cùng ba mẹ biết sự thật và con đã làm ba mẹ buồn, thất vọng. Nhưng ba mẹ ơi, nếu lấy được một người chồng danh chính ngôn thuận mà con không hạnh phúc, con bất hạnh hay con không có tình yêu thì có làm cho bà và ba mẹ vui sướng hạnh phúc an tâm về con. Mẹ đừng buồn nữa, con người ai cũng có định mệnh cả rồi.

Định mệnh của bà ngoại là góa chồng khi tuổi còn xanh. Định mệnh của mẹ là thiếu hơi ấm bàn tay chăm sóc của người ba. Định mệnh của con là niềm hạnh phúc trái khoáy khó khăn này. Trên tất cả bà, mẹ đã vượt qua để sống một đời sống giàu tình thương yêu, nhiều ý nghĩa và hạnh phúc. Tại sao con không thể vượt lên như ba mẹ. Nếu người ấy thực sự yêu con và muốn có con mãi mãi thì người ấy sẽ tìm mọi cách để danh chính ngôn thuận với con, mẹ ạ”.

Chị tôi kể cho tôi nghe trong cay đắng của nước mắt. Chị cảm thấy bất lực trước tình huống này. Chị không biết phải làm gì hơn là thuận theo lòng con, im lặng để mẹ chị không biết được bi kịch này. Chị cũng kể giấu với tôi tất cả sự thật câu chuyện vì chồng chị, anh rể tôi, không muốn chị tôi kể ra nỗi đau này thêm cho bất kỳ ai. Mình anh chị chịu đựng nỗi bẽ bàng này, thế là đủ. Nhưng chị đã không thể giấu người em gái của chị là tôi.

Hai chị em tôi có một mối bận tâm chung lớn nhất là mẹ. Mẹ chúng tôi quá vĩ đại, bà đã hy sinh tất cả cuộc đời vì chị em tôi. Chúng tôi, các con của bà, các cháu của bà, không ai có quyền làm cho mẹ tôi buồn đau hay thất vọng thêm nữa. Bà đã chịu đau, nén đau cả một cuộc đời rồi. Bà đã dành dụm hết yêu thương cho hai chị em tôi, rồi cho các cháu ngoại của bà. Bây giờ nói ra sự thật với bà, chị em tôi không thể làm điều bất nhẫn ấy được.

Thỉnh thoảng tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến câu chuyện của cháu gái tôi. Cơn ớn lạnh cứ đổ dọc sống lưng, lan từ gót chân cho lên tới đỉnh đầu. Cả chị tôi và tôi không thể nào hiểu được tại sao một cháu gái được nuôi dạy trong một gia đình gia giáo mẫu mực, được học hành đến nơi đến chốn, có tri thức, có hiểu biết mà lại lựa chọn tình riêng cho mình éo le trái khoáy đến vậy? Không lẽ cháu ăn phải bả bùa mê thuốc lú của người đàn ông lắm tham vọng và háo danh kia? Hay cháu bị người đàn ông đó lừa dối, lấy tình yêu nguyên thủy để lừa mị tâm hồn trong sáng của cháu tôi, để che đậy dục vọng thấp hèn của ông ta với cháu tôi???

Cháu gái tôi không hề biết là tôi đã biết chuyện riêng của cháu. Mỗi lần lấy lý do chồng sang nước ngoài công tác, cháu mang hai đứa con trai về quê thăm ba mẹ và bà ngoại, cháu vẫn cố tạo ra những câu chuyện về chồng, về gia đình chồng để kể cho mọi người nghe mỗi khi bà con cô bác họ hàng và đồng nghiệp của ba mẹ tới thăm. Chỉ có tôi, vợ chồng chị gái tôi là buốt hết lòng dạ ruột gan mỗi khi cháu khoác lên mình chiếc mặt nạ cuộc đời.

Chị gái tôi cũng tâm sự với tôi rằng, cháu V. không bao giờ than thở chuyện riêng hay lộ ra chút gì buồn phiền về cuộc sống và hoàn cảnh hiện tại. Cháu còn tỏ ra rất mãn nguyện và hạnh phúc. Khi biết bà ngoại đau đáu một nỗi niềm muốn vào TP HCM để phụ cho cháu gái bế chắt, cháu gái tôi vui vẻ thu xếp ngay. Cháu nói với bà ngoại và đồng nghiệp bạn bè của vợ chồng chị gái tôi rằng, chồng cháu đang có công việc làm ăn ở nước ngoài và vừa phải sang Canada công tác mấy năm bên đó.

Thế nên nếu bà ngoại vào bế chắt thì càng vui, vì nhà chỉ còn hai mẹ con nên cũng buồn. Có lẽ phải đối phó với những tình huống như vậy quá quen thuộc với cháu tôi rồi nên cháu đeo mặt nạ  như không, khéo léo sắp xếp dẫn dụ mọi chuyện theo một logic chặt chẽ và đáng tin cậy nhất để khoác lên mình một vỏ bọc hạnh phúc. Mẹ tôi vào TP HCM được hơn một năm để chăm chắt và bế chắt. Nhưng rồi do sức khỏe ngày một yếu, lại nhớ con nhớ cháu ở quê, bà mới chịu về quê.

Bà nói với hai chị em tôi  ngày bà về nhà sau hơn một năm bế chắt: “Chắt của mẹ được hai tuổi rồi, mẹ nó bắt đầu cho đi nhà trẻ. Thế là mẹ cũng yên tâm. Chỉ có điều, mẹ vào đó hơn một năm mà chẳng thấy cháu rể về thăm vợ con gì cả. Tuần nào nó cũng gọi điện từ nước ngoài về hỏi thăm động viên sức khỏe của mẹ nên mẹ cũng yên tâm hơn, và thấy ấm lòng. Thôi thì vợ chồng nó chịu xa nhau mấy năm do công tác, sau này đoàn tụ càng thành đạt hạnh phúc”.

Nghe mẹ nói vậy, nhìn tóc mẹ ngày một bạc, dáng đi đã còng hơn, chậm hơn mà nước mắt chị em tôi cứ thế ứa ra. Tôi ngậm ngùi với ý nghĩ không hiểu sao gia đình tôi, từ mẹ tôi, chị gái tôi, rồi bản thân cuộc đời tôi, ai cũng cố gắng sống một đời sống thật tốt, thật vui vẻ hạnh phúc mà số phận không cưỡng được cứ khuyết mòn cho mỗi chúng tôi trong từng cuộc đời riêng. Nhìn đi nhìn lại, ai cũng có nỗi niềm, ai cũng có bất hạnh. Chỉ là những nỗi niềm bất hạnh lặn giấu vào trong, vào phía sau nụ cười và nước mắt. Tại sao cháu gái tôi cứ phải bắt mọi người khoác lên mình chiếc mặt nạ hạnh phúc thế này? Càng ngẫm càng thấy bẽ bàng chua xót. Tại sao cuộc đời vợ chồng chị gái tôi, cuộc đời của mẹ tôi, cả tôi nữa lại phải đeo mang cái mặt nạ này, và phải đeo mang trong bao lâu nữa?

Còn phải đeo mang như vậy, tôi thấy tất cả chúng tôi đều cảm thấy buồn bã hơn, nặng nề hơn. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Bản thân cuộc đời riêng của tôi cũng đang phải đối mặt với một nỗi đau. Thư đã quá dài. Tôi tạm dừng tại đây, hy vọng có một dịp nào đó, tôi sẽ xin kể cùng quý báo và quý anh chị nốt phần còn lại của cuộc đời mình.
(CAND)

0 comments: