5 tháng 2, 2013

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: “Không có chồng con thì khổ, mà có rồi còn khổ trăm bề”



Nhìn ngôi nhà rách nát bong tróc nhiều nơi, người phụ nữ đang cố giành giật lấy đứa con tàn tật toàn thân mà người chồng đang lên cơn thần kinh vứt lên bờ tường, đánh đập vào mặt đứa bé…


Đó là hoàn cảnh bi thương của gia đình chị Tống Thị Gái, thôn Thái Khang, xã Thiệu Hòa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chị Gái sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, bố mẹ mất khi còn chưa biết mặt. Mang trong mình nhiều căn bênh như: khớp, tim, gan, thận nhưng vì nghèo túng, anh chị lại đều có gia đình nên không thể chăm sóc mãi.
Để có chỗ dựa sau này, chị được bà con hàng xóm giới thiệu cho anh Nguyễn Đình Binh. Biết anh Binh bị thần kinh bẩm sinh, lại mất khả năng lao động nhưng vì đồng cảm hoàn cảnh của anh, chị quyết định về chung sống cùng anh.
Chị Gái lấy chồng năm 30 tuổi, ở cùng xã khác thôn với anh Binh, giờ đây trong căn nhà u tối lúc nào cũng có tiếng ném đồ đạc, tiếng khóc nghe như ai oán của đứa con tật nguyền.
“Số tôi khổ lắm, nhà tôi nghèo bố mẹ mất sớm, nghĩ lấy chồng được dựa vào nhau mà sống nhưng cả chồng và con đều bị tàn tật bẩm sinh. Chồng thì mất khả năng lao động, con thì liệt toàn thân, cháu còn bị mù nữa. Nhà tôi nghèo, tôi lại xấu và ốm đau nên ở làng không ai muốn lấy tôi về. Biết là anh bị tâm thần, không lao động được nhưng được lấy chồng cũng là may mắn với tôi rồi”, chị Gái ứa nước mắt nói.
Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của chị như bao người con gái là được lấy chồng, được làm mẹ, nhưng ước muốn giản đơn ấy lại quá xa vời với chị. Lấy chồng cũng mong có đứa con làm vui cửa vui nhà, an ủi bản thân.
“Nhớ năm 2006 tôi mang thai cháu đầu, lúc đó tôi hạnh phúc lắm, cả cuộc đời chỉ mong sao có đứa con khỏe mạnh, chăm sóc chúng tôi lúc về già. Thấy bụng mang dạ chửa, chồng thì bị thần kinh, nên được bà con hàng xóm giúp đỡ quyên góp quần áo, đồ dùng để sinh đẻ. Do lao động vất vả, không có tiền đi khám đến tháng thứ 5 thì ngày nào tôi cũng bị ra huyết mà không biết bị sẩy thai”, chị Gái giọng lắp bắp.
Không chấp nhận số phận, chị quyết định sinh thêm một cháu nữa. Nhưng có lẽ vết khổ của chị không mờ đi mà ngày càng in đậm trong cuộc đời chị. Năm 2008 chị mang thai cháu thứ 2, là những tháng ngày phải đối mặt với thần chết. Khi mang thai tháng thứ 6 thì triệu chứng nhau truyền đạo lại tái phát, chị bị ra huyết nhiều, không được di chuyển, bệnh khớp lại nặng làm cho 2 tay chị gần như bị liệt.
Từng ngày trôi qua, nỗi sợ mất con như lần đầu luôn canh cánh trong lòng. Đến tháng thứ 7 thì huyết cứ trào ra, chị bị ngất vì đuối sức. Hàng xóm khó khăn, nhưng không nỡ nhìn chị đau đớn, lại góp tiền đưa chị ra Hà Nội, may mắn được các bác sỹ cứu sống cả hai mẹ con. Khi sinh ra cháu chỉ được 1,5 kg nằm trong lò ấp 2 tháng vì yếu, còn chị phải nằm lại để chữa trị vì vẫn trong thời gian nguy hiểm. Không có tiền, hàng xóm không thể cho mãi được, chị lại ra về trong khi bệnh tình hai mẹ con chưa hề thuyên giảm.
Cháu Nguyễn Đình Công, con chị nay đã được 5 tuổi nhưng không biết nói nói, biết ngồi, chỉ nằm một chỗ và bất hạnh hơn đối với chị là cháu bị mù khi 1 tuổi. Chồng thì không có khả năng lao động, con thì không có khả năng tự phục vụ bản thân, chị thì ốm yếu, mắc rất nhiều căn bệnh không được chạy chữa.
Nhìn căn nhà không có vật gì giá trị, chiếc ti vi đen trắng mà chị cắm cho con nghe thì không lên được hình, trên nóc nhà phải dùng túi nilong, bạt che lại chỗ ngủ. cả nhà chỉ thắp bóng đèn nhỏ ánh sáng không thể chiếu nổi vào chiếc giường nơi 2 bố con ngủ.
Chị nói tiếp: “Ngày nắng thì đỡ khổ chứ mưa thì nhìn hai bố con ngồi trên giường co ro ôm nhau gió tạt vào, nước lênh láng trong nhà tội lắm”. Giờ đây gia đình sống trong cảnh đói ăn từng ngày. “Có những hôm trời mưa nhà hết gạo, tôi phải đi đến từng nhà xin, vay từng bò để về nấu”, chị nhọc nhằn nói.
“Khổ như thế này nhưng chồng “ngoan” ngồi một chỗ, biết trông con thì còn đỡ, nhiều hôm anh lên cơn anh vứt con lên tường rồi tát nó. Thấy vậy hàng xóm chạy sang thì anh chửi bới, tôi vào can anh ném gạch đấm đá vào người tôi. Có lần anh đốt hết cả rơm mà tôi cất công phơi đến mùa mưa dùng, những lần anh cãi nhau với mẹ thì anh lấy gạch ném lên mái nhà, ném vào bát đũa. Không có chồng, con cũng khổ nhưng có rồi thì khổ trăm bề”, chị Gái tâm sự.
Ngôi nhà lạnh giá với 3 con người bệnh tật, phải đối mặt với cái đói. Hình ảnh ông bố tâm thần cố địu đứa con gồng mình lên vì đói. Chào chị ra về, tay chị vịn chặt lấy tôi nói lời cảm ơn đến nghẹn lòng: “Cảm ơn cô đã đến, cảm ơn cán bộ, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các cấp nhiều lắm khiến tôi thấy nghẹn lòng...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 890: Chị Tống Thị Gái: Thôn Thái Khang, xã Thiệu Hòa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá.