18 tháng 2, 2013

NHỊP SỐNG IRS: Đầu tư chứng khoán phải cần một ‘cây gậy’

Nhiều nhà đầu tư tại sàn chứng khoán IRS biết đến anh Cường, bởi anh luôn sẵn sàng chia sẻ nhận định“giúp” họ ra những quyết định đúng đắn. Anh cũng chỉ là một nhà đầu tư bình thường, nhưng luôn có trong tay một “cái gậy” dò đường.



Anh Đinh Tiến Cường cũng là một nhà đầu tư bình thường như bao người trên sàn chứng khoán tôi đã gặp, nhưng ở anh luôn toát lên một phong thái một ung dung tự tại. Biết cân bằng giữa cuộc sống và chứng khoán là điều anh tâm đắc. Đầu tư chứng khoán với anh khá “nhàn nhã”, bởi theo anh khi đã biết cách thì kiếm tiền từ chứng khoán là không khó. Sau giờ giao dịch, tôi thường bắt gặp anh với chiếc máy ảnh dong duổi trên khắp những nẻo đường để “săn tìm” những bức ảnh đẹp.

Anh bắt đầu nghiệp kinh doanh chứng khoán như thế nào?
Tôi sinh ra trong một gia đình buôn bán, lớn lên lại có thời gian dài hoạt động văn hóa nghệ thuật trong quân đội. Năm 2007, kênh chứng khoán được thông tin trên các phương tiện báo chí rất nhiều. Tôi cũng đã thử tìm hiểu về chứng khoán nhưng vẫn chưa biết đường vào như thế nào. Tình cờ, gặp được một người cháu họ làm ở công ty chứng khoán, tôi bắt đầu thử tìm kiếm cơ hội với chứng khoán từ năm 2008. Khi đó, xu hướng thị trường đang ở nửa bên kia của con dốc sau đỉnh năm 2007, đây cũng là một giai đoạn khá đau thương, học phí cũng không phải là ít.

Tuy nhiên, đến năm 2009, nhà nước hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp, thị trường có một con sóng rất lớn. Từ đó, tôi phát hiện ra kênh chứng khoán là một kênh nếu biết làm ăn thì là một cơ hội lớn.  

Theo anh, để chiến thắng trên TTCK, nhà đầu tư cần gì?
Đầu tư chứng khoán mà không chuyên nghiệp thì anh không thể làm được. Người ta có thể giải ngân 1-2 lần, nhưng chắc chắn cả năm người ta vẫn phải theo dõi bảng điện tử. Tìm cơ hội mà làm nửa mùa thì rất khó. Nếu một người không đầu tư chứng khoán mà nhìn vào đồ thị VN-Index, chỉ trong vòng 1-2 tháng qua, đã thấy VN-Index tăng gần 30% thì không thể nói là chứng khoán là kênh không thể kiếm tiền được. Nhưng không nhà đầu tư nào có thể thắng từ đầu tới cuối. Đó là cái khó! Chứng khoán là kênh kiếm tiền, nhưng chỉ dành cho những nhà đầu chuyên nghiệp. Nếu chỉ thỉnh thoảng nhảy vào chứng khoán, ném tiền vào thì cực khó.

Trong cuộc sống, chơi là chơi, mà kiếm ăn là phải chuyên nghiệp. Ngày xưa, có thể chân trong chân ngoài vẫn kiếm được tiền từ chứng khoán, nay thì không thể. Không phải riêng chứng khoán, anh có thể kiếm tìm một cơ hội nào đó, nhưng trong xã hội kiếm tiền là khó nhất. Cho nên đừng nói là đầu tư chứng khoán là dễ. Vì kênh chứng khoán là tiền, mặt hàng của nó cũng là tiền, các cổ phiếu cũng là tiền.

Đầu tư chứng khoán là khó, nhưng cũng là dễ với những người biết cách! Kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán, nhìn vào đồ thị, ai cũng có thể thấy năm nào chứng khoán cũng có cơ hội. Quan trọng là anh có nắm bắt được cơ hội đó hay không.

Nếu một người đã có lịch sử về buôn bán làm ăn, hiểu được giá trị đồng tiền, hiểu được giá trị khi anh kiếm được đồng tiền thì những người đó hãy nên đầu tư chứng khoán. Còn nếu anh đơn giản chỉ muốn vào chứng khoán để kiếm tiền thì tôi khuyên người đó không nên. Vì theo tôi, kiếm tiền luôn luôn là cái khó nhất!

Đầu tư chứng khoán cũng cần như nhiếp ảnh, cần "nắm bắt" lấy cơ hội/khoảng khắc khi nhìn thấy.

Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm đầu tư của mình?
Quan trọng nhất với người đầu tư chứng khoán là phải phát hiện ra đâu là đáy, là đỉnh. Đó là cái sống còn. Nếu nói phát hiện ra thì ngay từ năm thứ nhất vào chứng khoán tôi đã nhìn thấy, bởi ai cũng biết là đáy là lúc để vào, đỉnh là lúc thoát ra. Nhưng để biến nó thành kinh nghiệm cho riêng mình, thì phải 4 năm sau, tôi mới có thể tự tin vào kinh nghiệm của mình, để đưa cái tự tin đó vào kỉ luật thì phải mất thêm một năm trải nghiệm nữa.

Tâm lý chung của nhà đầu tư là khi thị trường đỏ thì chỉ nghĩ đến chạy, khi nó xanh thì lại chỉ nghĩa đến mua. Tôi lại ngược lại, khi thị trường đỏ, tôi chỉ rình để vào. Khi thị trường xanh, giá cổ phiếu “nhẩy tưng tưng” thì tôi chỉ rình để ra. Có thể tôi đúng hoặc có thể tôi sai, bởi thị trường chứng khoán là phải trải nghiệm, phải tự tìm thấy cái nào đúng cái nào sai.

Đầu tư chứng khoán như một người mù đi ngoài đường, phải có một “cái gậy”. Người đầu tư chứng khoán nếu không tự tạo cho mình một “cái gậy” thì rất khó. Cái gậy của tôi chính là kĩ thuật. Bởi hàng ngày anh có thể làm giá, có thể điều chỉnh thị trường nhưng anh không thể giấu được đồ thị. Anh có thể vẽ đồ thị 1-2 phiên, nhưng không thể vẽ mãi được, không thể vẽ được xu hướng của nó. Xu hướng là bạn đồng hành của nhà đầu tư, cái đó không thể sai. Bởi khi anh đánh theo kỹ thuật thì anh phải đánh theo xu hướng.

Đầu tư chứng khoán cũng cần phải hiểu biết cơ bản về kinh tế, phải biết giá trị của một cổ phiếu dựa trên nguyên lý cung cầu. Quan điểm của tôi cổ phiếu là một cái rổ, trong đó lẫn lộn giữa cổ phiếu và tiền. Khi người ta ném tiền vào thì rút cổ phiếu ra, khi đó tiền nhiều lên thì cổ phiếu ít đi và ngược lại. Nguyên tắc của giá là cái gì nhiều thì rẻ, cái gì ít thì đắt.

Nếu đầu tư chứng khoán mà chăm chăm nhìn cả bảng điện tử thì rất khó. Tôi chỉ xem chú ý một vài cổ phiếu nào đó có cơ bản tốt, theo dõi cách giao dịch của nó. Mà quan trọng là theo dõi dòng tiền, nếu phát hiện được dòng tiền vào ra, cộng với đồ thị đẹp thì có thể giải ngân. Quan trọng nhất là phải phát hiện được xu hướng. Hàng ngày tôi theo dõi đồ thị của từng mã, tìm cho mình được những kinh nghiệm. Đồ thị của chứng khoán không khác gì một lá số tử vi. Lá số này ai cũng có thể lấy được, nhưng đọc được lá số tử vi mới là khó. Có kinh nghiệm anh mới biết được nó xấu hay nó tốt. Nhưng khi phát hiện được cái tốt thì anh phải đánh đúng kỷ luật. Ví dụ, nó tốt mà trong 3-4 ngày thị trường điều chỉnh thì anh phải mua, theo đúng kỷ luật cho dù giá cổ phiếu giảm vì đó là cơ hội để anh vào. Bởi vì thị trường chứng khoán có thời gian tạo đáy, cũng có thời gian tạo đỉnh.

Anh nhận định như thế nào về cơ hội đầu tư năm 2013?
Năm 2009, nhà nước hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp, dòng tiền được khơi thông, đã làm thị trường lên tưng bừng. Năm 2013, lãi suất trên thị trường chỉ có 7-8% thì tại sao thị trường chứng khoán không lên được?

Chứng khoán luôn song hành với nền kinh tế, khi lãi suất cao, nguồn tiền chảy vào ngân hàng thay vì chứng khoán. Khi lãi suất giảm, nguồn tiền sẽ chảy ngược lại chứng khoán. Đây là cơ hội kể từ năm 2007 đến giờ, nếu kiểm tra lại lịch sử thì năm 2007 lãi suất huy động của ngân hàng cũng chỉ có 7-8%.

Năm nay, theo đánh giá của tôi, kinh tế vĩ mô của Việt Nam là rất tốt. Lạm phát giảm, lãi suất giảm. Lãi suất giảm sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ để sản xuất kinh doanh có lãi, như vậy giá cổ phiếu sẽ tăng. Các kênh đầu tư khác như bất động sản thì gặp khó khăn, thị trường vàng và USD thì ổn định nên không thể cạnh tranh được với chứng khoán.

Theo kinh nghiệm của tôi, một năm thường chỉ có 1 sóng tương đối dài. Nhưng năm nay thì tôi đang chờ, kinh tế tốt hơn, thị trường có thể sẽ có nhiều sóng hơn.

Tôi rất tán thành việc bãi bỏ quy định vốn cho chứng khoán là vốn phi sản xuất. Có thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, thì các doanh nghiệp mới sống được. Bởi nhà đầu tư có đi vay để đầu tư chứng khoán, tức là họ tin tưởng vào doanh nghiệp, chấp nhận chịu phần lãi vay ngân hàng, để đầu tư vào doanh nghiệp với kỳ vọng thu lợi nhuận cao hơn. Thị trường chứng khoán mới là kênh để doanh nghiệp tìm vốn dài và trung hạn. Vay ngân hàng chỉ là kênh tìm vốn ngắn hạn. Theo tôi, một thời gian nữa thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi vào đúng quỹ đạo và phát triển bền vững hơn.

Sau giờ giao dịch, anh thường dong duổi trên những nẻo đường để “kiếm tìm” những bức ảnh đẹp.

Nhân dịp năm mới, anh muốn gửi tới những nhà đầu tư lời chúc tốt đẹp nào?
Nguyện vọng lớn nhất của các nhà đầu tư là thị trường chứng khoán được tăng trưởng tốt, bởi khi thị trường tốt thì mọi người đều vui. Cho nên, tôi xin chúc cho thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ tăng trưởng tốt.
̣NDHMoney

0 comments: