25 tháng 2, 2013

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật"


Cụ ông đã 76 tuổi và cụ bà cũng đã 72 nhưng hàng ngày hai cụ vẫn phải dắt díu nhau ra ngã ba gần nơi ở trọ thật sớm để bắt đầu một ngày làm việc vất vả của mình.

Chúng tôi đến thăm nhà Bà Hai Kim ở địa chỉ Nơ Trang Long – phường 12 – quận Bình Thạnh vào một chiều muộn, khi đèn đường đã lên, nhưng đèn trong căn phòng ông bà đang thuê vẫn tắt ngúm. Hỏi ra mới biết, bà ở thuê căn phòng này với giá 1 triệu 2/ tháng. Chủ nhà thấy nghèo nên “chỉ lấy có 100 ngàn tiền điện” (dù phòng bà chỉ có 1 cái bóng đèn và 1 cây quạt cổ lỗ sĩ). Vì thế, bà phải có trách nhiệm tiết kiệm điện cho chủ nhà bằng cách hạn chế xài quạt dù căn phòng không có nổi một lỗ thông hơi và rất hiếm khi mở đèn nếu không cần thiết – dù ông bà đã già yếu, mắt mờ, tay run và thậm chí ông còn bị lãng tai nặng, không còn nghe được gì.
Ông tên là Nguyễn Văn Lượng, 76 tuổi và bà là Trần Thị Xàng, năm nay 72 tuổi.
Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 1
Bên ngoài căn nhà ông bà thuê trọ sáng rực đèn - khác hẳn bên trong nơi có hai người cần ánh sáng
Sau một lúc thấy chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp, bà mới “dám” hé lộ nhà mình có đèn và nặng nhọc đi mở khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Thì ra ở giữa cái thành phố đông người và rực sáng đèn này, vẫn có những người tới cả ngọn đèn cũng không dám bật.
Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 2
Rồi ngồi lặng im nghe vợ nói chuyện, mắt ông vô hồn vì không còn nhìn thấy rõ
Khi chúng tôi hỏi thì mới biết hai ông bà vừa đi làm về và ăn cơm xong, bất giác nhìn sang góc bếp nhà bà và buồn bã khi nhìn thấy chiếc nồi cơm điện nhỏ và lọ chao còn dang dở trên bàn. Hỏi ra mới biết, hôm nay ông bà đi vá xe cả ngày ngoài đường chỉ được chưa đến 20 ngàn, không đủ đóng tiền trọ (góp 40ngàn/ngày vì ông bà không có tiền đóng trước như người khác) nên không dám ăn gì ngoài cơm trắng và lọ chao kia. Như cảm nhận rõ sự bất ngờ của chúng tôi về khẩu phần ăn mỗi ngày của hai người già đáng ra phải cần được bồi bổ nhất, bà từ tốn bảo: “Quen rồi cô, có chỗ trú thân già là mừng rồi. Tụi tui già yếu nên đi vá xe cũng được ít khách vì làm chậm, người ta không ham (không thích). Ngày cao nhất kiếm được cũng chỉ 40 – 50 ngàn thôi. Đồ ăn thì ai cho gì ăn nấy, hôm nào không có thì ăn chao qua ngày”. 
Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 3
Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 4
Ông ngồi im không biểu hiện gì khi bà và người lạ nói chuyện, chỉ đến khi nào bà vỗ vỗ vào ông và nhắc lại chậm rãi từng câu từng chữ vào tai thì ông mới gật gù ra vẻ đồng ý. Tuy nhiên, một lần duy nhất chúng tôi thấy ông tự phản xạ mà không cần bà “nhắc”, đó là khi bà khóc.
Bà Hai Kim khóc nhiều khi được hỏi về gia đình, về anh chị em và những đứa con mà đáng lẽ ra ở cái tuổi này bà phải có và phải được sống an nhàn, sung túc. Bà bảo ông bà có hai con nhưng chúng đều chết sớm từ khi chỉ mới lọt lòng. Nhà nghèo và y học chưa phát triển, khi đó bà chỉ biết con mình bệnh chứ chẳng hiểu bệnh gì. Đứa thứ nhất rồi đứa thứ hai, chúng lần lượt bỏ ông bà đi hết mà không có một lý do để lại. Bà buồn lắm nên cũng không đủ can đảm để sinh thêm nữa. Ông thương bà, không muốn lặp lại nỗi đau nên cũng đồng ý. Vậy là ông bà sống cô độc bên nhau suốt mấy chục năm trời, tự đi làm nương nhau mà sống.
"Bây giờ tui té thì có ông này lo cho, ổng té thì có tui. Mai sau nếu có chuyện gì, không biết ai sẽ lo giúp cho người còn lại nữa…”
Và bà khóc – mắt đỏ hoe, bà cố lau nhanh những giọt nước mắt nhưng chúng lại liên tiếp lăn dài trên đôi gò má nhăn nhúm của bà. Trong giây phút chứng kiến hành động ấy, chúng tôi nhận ra tóc bà đã bạc nhiều lắm rồi và tay bà cũng không còn nhanh nữa nên dù đã rất cố gắng lau đi nhưng chúng tôi vẫn thấy được những giọt nước mắt đang tuôn như mưa trên mặt bà.
Rồi ông khóc. Không hiểu sao những cái quẹt tay lau nước mắt và vài tiếng hít rất nhẹ của bà khi khóc lại gây cho ông cảm xúc nhanh và mạnh như vậy. Mặt ông đỏ và nước mắt bắt đầu rơi, nhưng có vẻ yếu hơn bà, khó khăn lắm ông mới nhấc tay lên để lau được mắt cho mình.
Xung quanh, hình như mọi người cũng đang tự lau mắt….

Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 8
Bà đã có dấu hiệu đãng trí vì tuổi già, hay quên trước quên sau, lấy nhầm toa thuốc của ông để áp dụng cho bệnh của mình

Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 9
Chăm sóc ông chu đáo vì thương ông nhất trên đời
Nói về cái nghề của mình, bà cho biết hai vợ chồng đã bắt đầu với nó từ năm 1975 và miệt mài quanh năm suốt tháng cho đến tận hôm nay và “đến cả ngày chết”. Nơi làm việc của ông bà mỗi ngày là góc đường Nơ Trang Long – Trần Quý Cáp (quận Bình Thạnh). Xin xỏ năn nỉ mãi người ta mới cho dựng cái bạt nhỏ che nắng che mưa ở đó vì “chính quyền họ sợ nhà báo xuống chụp hình lấn chiếm, họ bị phạt nên đuổi hoài”. Nghe mà thương….
Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 11
Ông cụ co rúm, và trở nên nhỏ thó giữa cái nắng như thiêu đốt này
Ông bị bệnh lãng tai đã lâu, mắt mờ như không thấy và bị đau cột sống nặng nên hay phải nằm. Bà bị tăng xông và mấy bệnh vặt của người già. Những đêm trời lạnh, bệnh tật - chúng hành hạ ông bà không thương tiếc. Ông đau nhức lắm nhưng ông không sợ, ông thương bà hơn vì “bả cũng đau nhức nhưng phải lo cho tui nữa cô à”.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, bà bảo: “Ước mơ lớn nhất của bà là ông bà được mạnh khỏe, mỗi ngày vá xe đủ tiền góp tiền nhà và mua được đồ ăn bồi bổ cho ông. Bà thương ông lắm nên muốn ông khỏe mạnh và sống cả đời với bà. Chỉ vậy thôi. Bà không dám ước gì nữa”.
Đôi vợ chồng già "tới cả ngọn đèn trong nhà cũng không dám bật" 15
Bà thương ông lắm nên muốn ông khỏe mạnh và sống cả đời với bà. Chỉ vậy thôi.
Tình yêu là thứ quý giá duy nhất của hai ông bà mà điều đó, không phải người giàu nào muốn có cũng được. Mong rằng mọi người sẽ đến thăm và lắng nghe nhiều hơn, cảm nhận rõ hơn về câu chuyện cổ tích này từ người trong cuộc.
Ông bà Hai Kim
Địa chỉ: 290/ 56/ 5 Nơ Trang Long – phường 12 – quận Bình Thạnh.
Hoặc: ngay góc ngã ba đường Nơ Trang Long – Trần Quý Cáp, nơi kiếm cơm của ông bà mỗi ngày.

0 comments: