21 tháng 2, 2013

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Thương cảnh bà cháu côi cút nuôi nhau trên triền núi


Bố mất khi em chưa tròn 1 tuổi, ít lâu sau mẹ lại ra đi vì tai nạn lao động để lại đứa con thơ còn khát sữa ở với bà ngoại. Cuộc sống khó khăn khiến hai bà cháu hàng ngày phải rau cháo nuôi nhau trong cảnh cô đơn không ai bấu víu.


Vượt qua chặng đường dài gần 200km, chúng tôi trở về thôn Ninh Na, xóm Bản Mới, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên để thăm bà Thành Thị Lẫy và bé Nguyễn Hồng Đức. Căn nhà thấp nhỏ nằm khuất sau dãy núi và phải mất gần 30 phút đi bộ đường rừng tôi mới hỏi thăm được đến nơi. Cảnh núi rừng âm u trong tiết trời se se lạnh của mùa thu càng khiến không gian buồn đến não ruột. Ngồi ở bậu cửa ngóng cháu đi học về, gương mặt bà Lẫy lúc nào cũng như trực khóc nhìn đến tội nghiệp. Đôi bàn tay nhăn nheo gầy guộc, bà giữ chặt vào cánh cửa như để cả thân già không bị ngã xuống mỗi khi ngước lên bàn thờ hai con. 
Lấy chồng khi đã có tuổi, bà chấp nhận làm vợ lẽ để rồi khi cả hai đứa con còn nhỏ dại ông nhà đã mãi mãi ra đi bỏ lại 3 mẹ con tần tảo nuôi nhau. Ấy vậy mà bà không một lời than vãn hay kêu ca,chỉ một mình bươn trải với đủ thứ nghề; làm nương rẫy, đi cấy gặt thuê hay lên rừng kiếm củi về bán để lấy tiền nuôi con. Rồi người con trai là anh Nguyễn Thành Trung cũng đến tuổi lập gia đình với chị Vũ Thị Vững, bà mừng lắm bởi nghĩ cảnh về già sắp có cháu bồng, cháu bế. Năm 2004, anh chị sinh được cháu Nguyễn Hồng Đức, hạnh phúc ngỡ tưởng ngập tràn trong mái ấm gia đình nghèo nhưng nào ngờ cũng từ đó mọi sóng gió bắt đầu ập đến.
Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khiến chị Vững phải đi lao động xa để lại 3 bà cháu ở nhà. Nhưng rồi anh Trung như có “ma xui, quỷ khiến” đã lao vào con đường nghiện ngập và chết vì bệnh xã hội. Nhớ lại giây phút kinh hoàng đó bà Lẫy sụt sùi kể lại : “Nó nghiện lúc nào tôi cũng không biết rồi chết vì bệnh tật. Lúc đó sợ hãi quá tôi gọi điện cho con dâu về và cho hai mẹ con nó đi làm xét nghiệm ngay thì kết quả không sao. Từ đó mọi gánh nặng lại đổ lên vai mẹ cháu Đức thành ra chưa hết tang chồng nó đã lại vội vàng đi làm bởi nghỉ lâu sẽ mất việc”.
Vẫn còn bàng hoàng sau cái chết của con trai thì ngay sau đó mấy tháng chị Vững lại ra đi vì tai nạn khi đang lao động. Nỗi đau dồn dập chồng chất lên nhau khiến bà Lẫy ngã quỵ nhưng rồi tiếng khóc thét của đứa cháu mới lên 5 khiến bà sực nhớ và gắng gượng dậy. Ngày ấy nhìn người ta khênh quan tài đưa mẹ đi, Đức nào đã biết gì chỉ ngô nghê hỏi bà : “Mẹ đi đâu đấy?” rồi cả hai bà cháu lặng người đi trong tiếng nín lặng đớn đau tột cùng.
Không còn cha, còn mẹ bé Đức chỉ có bà nội là chỗ dựa duy nhất nhưng bà già rồi cũng nay ốm mai đau nên chỉ biết động viên cháu về tinh thần. Không có tiền cho cháu đi học, các thầy cô giáo ở trường Tiểu học xã Kim Phượng đã đến tận nhà giúp đỡ và động viên Đức tiếp tục đến trường. Thầy Nguyễn Văn Cường (Tổng phụ trách trường Tiểu học xã Kim Phượng) cho biết: “Cả trường ai cũng thương hoàn cảnh của em Đức nên chúng tôi cũng động viên để em được đi học tiếp. Mỗi lần họp phụ huynh, các bạn có bố có mẹ đi họp còn Đức hôm đó bà Lẫy khỏe thì đi được còn không chẳng có ai, nghĩ cũng tội lắm”. Về phía Hội chữ thập đỏ của huyện Định Hóa, chị Lương Thị Hằng (Chủ tịch hội chữ thập đỏ huyện) cũng bày tỏ sự lo lắng khi nhắc đến hoàn cảnh của hai bà cháu : “Chúng tôi cũng nắm được hoàn cảnh của hai bà cháu và cũng đã có sự hỗ trợ như có quà Tết, những ngày lễ. Tuy nhiên điều đó cũng chỉ mang tính chất động viên tinh thần bà bởi hiện tại cuộc sống của hai bà cháu quá khó khăn”.
Hàng ngày nghe lời bà dặn, mỗi lần có điểm 10 nào là em lại thắp một nén hương để báo cho bố mẹ được mừng. Nhìn cảnh thằng bé mới lớp 3 còn ngô nghê, đôi bàn tay non nớt run run cắm hương rồi chắp tay đứng lặng tôi cũng thấy có điều gì nghèn nghẹn. Không thốt thành lời nhưng đôi mắt ngây thơ ấy của em đỏ hoe và miệng lắp bắp, có lẽ em đang mong bố mẹ phù hộ cho bà đừng già nữa để sống mãi với em. Mấy hôm rồi bà lại ốm, Đức lo lắm nhưng em nào biết làm gì bởi ở cái núi rừng âm u này tiếng gọi của em dễ lạc mất trong bạt ngàn cây xanh và những tiếng côn trùng kêu rả rích. 
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 910: Bà Thành Thị Lẫy (thôn Ninh Na, xóm Bản Mới, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)
ĐT: 01645503887

0 comments: