Trong cuộc sống, bạn có thể đã từng gặp những người có kỹ năng giao tiếp rất tốt. Trong mọi tình huống, họ dường như luôn biết cách cư xử khéo léo để chúng ta không cảm thấy bị xúc phạm hoặc bực bội. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta không tìm ra giải pháp cho vấn đề, họ cũng làm chúng ta cảm thấy lạc quan và có thêm niềm tin.
Cũng có khi bạn gặp những “bậc thầy” trong việc điều khiển cảm xúc. Khi phải làm việc dưới áp lực, họ không cáu giận mà có khả năng nhìn thẳng vào vấn đề và bình tĩnh tìm ra giải pháp. Họ là những người có khả năng ra quyết định đúng đắn và biết khi nào có thể tin vào trực giác của mình. Họ luôn sẵn lòng thừa nhận những nhược điểm của mình và biết tiếp thu những lời phê bình để phát triển bản thân.
Có điểm gì chung giữa những người đề cập ở trên? Đó là họ đều giàu trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence). Họ hiểu rất rõ về bản thân và có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác.
Ngày nay, cũng như năng lực chuyên môn, trí tuệ cảm xúc càng lúc càng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của con người trong sự nghiệp. Những nhà tuyển dụng có xu hướng sử dụng chỉ số trí tuệ cảm xúc như một tiêu chí đánh giá năng lực con người khi tuyển dụng và đề bạt.
Vậy trí tuệ cảm xúc là gì và làm sao để nâng cao trí tuệ cảm xúc?
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.
Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường thành công trong cuộc sống vì họ làm người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với họ. Khi họ gửi e-mail, mọi người thường trả lời ngay. Khi họ cần giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng nhận được. Chính vì thế, cuộc sống của người giàu trí tuệ cảm xúc thường dễ chịu hơn những người dễ cáu giận bực bội.
Đặc điểm của trí tuệ cảm xúc
Theo Daniel Goleman, một nhà tâm lý học người Mỹ, trí tuệ cảm xúc có 5 đặc điểm sau:
1. Hiểu rõ chính mình
Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự. Đồng thời, họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy hoặc khắc phục, nhờ vậy họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng sự hiểu rõ bản thân chính là thành tố quan trọng nhất của trí tuệ cảm xúc.
2. Kiểm soát bản thân
Những người có khả năng kiểm soát bản thân thường không để mình nổi giận hoặc nảy sinh lòng ghen tỵ thái quá, và họ cũng không ra những quyết định ngẫu hứng, bất cẩn, mà luôn nghĩ suy nghĩ trước khi hành động. Nhờ biết kiểm soát bản thân, họ luôn suy nghĩ chín chắn, thích ứng tốt với sự thay đổi, chính trực và biết nói “không” khi cần thiết.
3. Giàu nhiệt huyết
Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường làm việc rất tận tụy, với hiệu quả cao. Họ sẵn lòng hy sinh thành quả trước mắt để đạt được thành công lâu dài. Họ thích được thử thách và luôn làm việc một cách hiệu quả.
4. Biết cảm thông
Đây có lẽ là thành tố quan trọng thứ hai của trí tuệ cảm xúc. Cảm thông là việc bạn đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh bạn. Những người biết cảm thông thường rất giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác, kể cả những cảm xúc tinh tế nhất. Nhờ vậy, họ luôn biết cách lắng nghe người khác và thiết lập quan hệ với mọi người. Họ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn hay phán đoán tình huống quá vội vàng. Họ luôn sống chân thành và cởi mở.
5. Kỹ năng giao tiếp
Thật là thoải mái khi được tiếp xúc với những người giỏi giao tiếp – một đặc điểm khác của trí tuệ cảm xúc. Những người giỏi giao tiếp thường có khả năng làm việc nhóm tốt. Họ quan tâm đến việc giúp người khác phát triển và làm việc hiệu quả hơn là thành công của chính mình. Họ biết cách tranh luận hiệu quả và là những bậc thầy trong việc thiết lập và duy trì quan hệ xã hội.
Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng để giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp. Quản lý con người và các mối quan hệ là kỹ năng quan trọng của mọi nhà lãnh đạo, vì thế nâng cao và vận dụng trí tuệ cảm xúc trong công việc là một cách thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn. Vậy đâu là phương cách tối ưu để bạn có thể tích lũy và nâng cao dạng trí tuệ đặc biệt này của mình? Hãy đón đọc phần tiếp theo của bài viết để có câu trả lời!
(Mindtools)
0 comments:
Đăng nhận xét