29 tháng 3, 2013
28 tháng 3, 2013
NHỊP SỐNG IRS: IRS tuyển dụng Chuyên viên Tư vấn Đầu tư
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, IRS đang có nhu cầu tuyển dụng 01 vị trí Chuyên viên Tư vấn đầu tư (làm việc tại Hà Nội).
MÔ TẢ CÔNG VIỆC
- Thực hiện các Báo cáo Tư vấn đầu tư cho khách hàng VIP.
- Phân tích thị trường chứng khoán, tìm kiếm và đề xuất các cơ hội đầu tư.
- Trực tiếp quản lý, thực hiện đầu tư trên các tài khoản ủy thác đầu tư của khách hàng.
YÊU CẦU CÔNG VIỆC
- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, kinh tế.
- Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính (chứng khoán, vàng, forex...).
- Có tố chất và sự đam mê với lĩnh vực đầu tư.
- Có khả năng tư duy, phân tích tốt.
- Trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, khả năng học hỏi.
- Tuổi không quá 30.
QUYỀN LỢI
- Lương cạnh tranh. Thưởng theo kết quả kinh doanh.
- Cơ hội thăng tiến.
HỒ SƠ DỰ TUYỂN
1. Sơ yếu lý lịch.
2. Đơn xin việc.
3. Bản sao Chứng minh thư nhân dân.
4. Bản sao Bằng Tốt nghiệp/Bảng điểm.
5. Mẫu thông tin ứng viên (Download trên website của IRS)
6. 02 ảnh 4x6cm
Hạn nộp hồ sơ: 28/03/2013 – 15/04/2013 (Ưu tiên ứng viên nộp Hồ sơ sớm).
Nộp hồ sơ tại:
Quầy Lễ tân - Công ty Chứng khoán Quốc Tế Hoàng Gia (IRS).
Phòng 404, Tầng 4, 30 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Góa phụ nghèo rao bán nhà đưa con đi ghép tủy
Trở lại thăm gia cảnh góa phụ nghèo nuôi con bại liệt, tôi mừng vui khi nghe chị bảo, cháu Huy có thể đứng dậy được nếu có tiền ghép tủy, nhưng nghiệt ngã thay, chi phí cho ca ghép lên đến 300 triệu đồng. Vì quá thương con nên chị đang tính bán nhà.
Nghe xong lời tâm sự rơi nước mắt của chị Phượng – nhân vật trong bài viết:“Mẹ ơi, sao không để con chết đi”, lòng tôi như se lại, khóe mắt cứ cay cay. Ngồi bần thần bên đứa con trai tội nghiệp, chị Phượng cho biết, cách đây mấy ngày, chị đưa cháu Huy ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chụp X - Quang và siêu âm. Thật mừng vui biết bao khi chị hay tin, bệnh tình của con mình có thể chữa trị bằng phương pháp cấy tủy theo công nghệ mới vốn đã chữa thành công cho nhiều bệnh nhân ở Mỹ. Niềm hy vọng đã được nhen nhóm trong lòng góa phụ nghèo suốt một đời lam lũ vì con. Tuy nhiên, khi nghe các bác sĩ bảo bệnh tình của cháu Huy phải cấy tủy đến 3 lần mới có hy vọng, và chi phí cho mỗi lần cấy, ghép tủy hết khoảng 100 triệu đồng. Số tiền lớn như vậy chị biết kiếm đâu ra? Chị đành nuốt nghẹn, đưa con về trong bất lực.
Chị Phượng ngồi thẫn thờ khi nghĩ đến số tiền hơn 300 triệu đồng cho ca ghép tủy
“Hôm trước đi Bệnh viện Việt Đức về, cháu Huy hy vọng sẽ có ngày được đứng dậy lắm. Hai mẹ con cứ mừng thầm nhưng trong lòng lại lo đau đáu, bởi chưa biết lấy đâu ra tiền mà cấy tủy bây giờ. Tối mô cũng rứa, cháu cứ nói với tui, hay là mẹ bán căn nhà nhỏ của mình đang ở đi để cứu sống con. Nhưng bán nhà đi rồi, mấy mẹ con tui chắc phải ra đường ở mất thôi! Tuy vậy, nếu bán được nhà mà con tui lành bệnh thì tui cũng cam lòng”, chị Phượng ôm riết lấy con, khóc nức nở.
Hy vọng được đứng dậy của cháu Huy đã nhen nhóm sau khi có kết quả chụp X quang và siêu âm
Nghe chị Phượng tâm sự như vậy, tôi cũng hiểu rằng, để cứu sống được con trai thoát khỏi bệnh tật, chị cũng đã hạ quyết tâm cho dù chưa biết bệnh của cháu Huy sẽ tiến triển đến đâu. Chị Phượng cũng thừa hiểu rằng, căn nhà cấp 4 của chị đang ở nằm lọt thỏm ở tận cuối xóm thì bán cũng chẳng ai mua. Và nếu có bán được thì số tiền đó cũng không đủ cho ca ghép tủy.
Mấy năm qua, chồng mất sớm để lại chị một thân một mình chăm sóc, nuôi nấng cho mấy đứa con khôn lớn. Chị không quản ngại khó nhọc để đi làm thuê kiếm tiền nuôi sống các con, thậm chí ra nước ngoài giúp việc cho người ta. Thế nhưng, chị không nghĩ số phận của mấy mẹ con chị đã cùng cực nay lại rơi vào tình thế bí bách đến vậy.
Kể từ khi con chị gặp tai nạn bị gãy cột sống, bao nhiêu tiền bạc dành dụm được bấy lâu chị đều tập trung vào chữa bệnh cho con. Trớ trêu thay, sau mấy tháng làm thuê nơi xứ người họ cũng quỵt luôn tiền công mà không hề trả cho chị đồng nào. Nhận được tin con gặp nạn, chỉ vội vã bỏ về quê đưa con đi trị bệnh. Nhà không có thứ gì bán, chị Phượng chạy vạy vay mượn từ hàng xóm, người thân, bạn bè. Bây giờ số tiền nợ đã lên đến gần 200 triệu đồng nhưng con chị vẫn cứ nằm bất động một chỗ.
Cháu Huy bị bại liệt phải nằm bất động một chỗ suốt mấy năm qua
Biết được hoàn cảnh thương tâm của mẹ con chị Phượng, PV Dân trí tại Quảng Bình đã đến tìm hiểu và viết bài. Một thời gian sau khi báo Dân tríđăng tải bài viết về hoàn cảnh gia đình chị Phượng, đã có nhiều bạn đọc khắp mọi miền đã động viên về tinh thần lẫn vật chất giúp cháu Huy điều trị bệnh. Chị Phượng cho biết số tiền bạn đọc quan tâm, ủng hộ cho cháu Huy được khoảng 80 triệu đồng. Số tiền này chị đang cất giữ và dành dụm thêm nữa để phẫu thuật cho cháu Huy.
Mấy ngày nay, sức khỏe của cháu Huy lại suy giảm trầm trọng, cháu bỏ ăn, bỏ uống khiến chị Phượng càng thêm lo lắng. Trong căn phòng tối, cháu Huy nằm bất động trên giường, chẳng chịu nói năng chi cả. Theo mô tả trong phiếu khám bệnh của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức về tình trạng bệnh của cháu Huy: “Đường cong sinh lý cột sống cổ giảm, phù nề phần mềm quanh thân đốt sống, và cháu Huy bị viêm bàng quang nặng…”
Căn nhà tình thương để mấy mẹ con chị Phượng trú nắng trú mưa nhưng vì thương con nên chị cũng đành phải rao bán để lo chi phí cho ca ghép tủy
Nếu không bán được nhà thì chị sẽ gửi cháu Huy cho bà ngoại chăm sóc để sang Lào làm thuê kiếm thêm tiền đưa con ra Hà Nội chữa trị. “Nếu tui đi làm thuê, cháu Huy ở nhà nghĩ quẫn mà làm dại dột điều chi thì tui ân hận lắm. Nhưng do hoàn cảnh nên cũng đành làm liều sang Lào một chuyến với hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền để chữa trị bệnh tật cho con”, chi Phượng khẩn cầu.
Hiện tại mẹ con chị Phượng đang cần lắm sự đồng hành, giúp đỡ của cộng đồng xã hội. “Mẹ con tui biết làm răng bây giờ, mọi người ơi hãy rủ lòng thương cứu giúp mẹ con tui với, cả đời này tui sẽ không quên mối ân tình này đâu, tui mang ơn mọi người nhiều lắm!”. Lời khẩn cầu của chị Phượng khiến lòng tôi cứ day dứt suốt chặng đường về. Tôi luôn hy vọng rằng, cháu Huy sẽ sớm vượt qua được cơn khó khăn, hoạn nạn này.
(ST)
27 tháng 3, 2013
NHỊP SỐNG IRS: IRS tuyển dụng Chuyên Viên Môi Giới
HÃY ĐỂ IRS THẮP SÁNG TÀI NĂNG CỦA BẠN !
Bạn có tài năng và sức trẻ? Bạn là người năng động, đam mê trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán? Bạn mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, thân thiện để phát huy hết khả năng của mình?
Hãy để IRS thắp sáng tài năng của bạn!
Hãy để IRS thắp sáng tài năng của bạn!
“Tại IRS, chúng tôi luôn được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực của mình. Văn hoá Công ty và tài năng của từng thành viên được IRS trân trọng. IRS coi con người là tài sản lớn nhất và bởi vậy, chúng tôi luôn có cơ hội để phát triển tốt nhất …”.
Hiện IRS đang tìm kiếm những ứng viên năng động, am hiểu và có đam mê trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, chấp nhận thử thách và áp lực trong công việc để đồng hành cùng sự phát triển của Công ty.
VỊ TRÍ TUYỂN DỤNG
Chuyên viên Môi giới
SỐ LƯỢNG: 02-03
Hiện IRS đang tìm kiếm những ứng viên năng động, am hiểu và có đam mê trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, chấp nhận thử thách và áp lực trong công việc để đồng hành cùng sự phát triển của Công ty.
VỊ TRÍ TUYỂN DỤNG
Chuyên viên Môi giới
SỐ LƯỢNG: 02-03
MÔ TẢ CÔNG VIỆC
* Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giao dịch cho khách hàng.
* Tư vấn và chăm sóc khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ tài chính của IRS.
* Phối hợp với Bộ phận Tư vấn đầu tư nhằm đưa ra chiến lược giao dịch có hiệu quả cao cho khách hàng.
* Duy trì và Phát triển mạng lưới khách hàng.
* Duy trì và Phát triển mạng lưới khách hàng.
YÊU CẦU CHUNG
* Tốt nghiệp ĐH, chuyên ngành Tài chính - Chứng khoán.
* Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng thuyết trình.
* Có khả năng chịu được áp lực công việc.
CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ
Theo thoả thuận.
HỒ SƠ DỰ TUYỂN BAO GỒM
1. Sơ yếu lý lịch
2. Đơn xin việc.
3. Bản sao Chứng minh thư nhân dân.
4. Bản sao Bằng Tốt nghiệp/Bảng điểm.
5. Mẫu thông tin ứng viên (Download trên website của IRS)
6. 02 ảnh 4x6cm
.
Hạn nộp hồ sơ: 27/03/2013 – 15/04/2013 (Ưu tiên ứng viên nộp Hồ sơ sớm). Nộp hồ sơ tại:
Quầy Lễ tân - Công ty Chứng khoán Quốc Tế Hoàng Gia (IRS).
Phòng 404, Tầng 4, 30 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
GÓC LÃNG ĐÃNG: Thôi nghĩ về nhau
Tối nay, anh lại không kìm được lòng mình, lại cầm điện thoại ngập ngừng bấm số của chị. Vẫn như mọi lần, chị không bắt máy, tiếng nhạc chờ bài Trịnh không lời réo rắt như khúc tự tình thảng thốt trong anh.
Anh là mối tình đầu của chị, người ta bảo trái tim đàn bà thường hoài nhớ mông lung về mối tình đầu cho đến nửa đời còn lại. Với chị, nói cho cùng, những suy nghĩ về anh vẫn còn nhưng không phải là kiểu như bao người thường nhớ về dư âm tình cũ, có thể chỉ như một nỗi lấn cấn trong lòng.
Chị không phải là mối tình đầu của anh nhưng vẫn là người anh yêu nhất cho đến bây giờ. Hai người đã từng sóng bước bên nhau, từng trao cho nhau những ngọt ngào, những hẹn thề mong ước, từng cháy hết mình vì thứ mà nhân gian gọi là tình yêu. Thế nhưng, mọi chuyện đã thuộc về quá vãng khi anh lung lạc trước một người con gái khác, buông tay tình yêu dài lâu của mình để đánh đổi danh vọng, tiền tài. Anh kết hôn sau một tháng hai người chia tay.
Bẵng đi một thời gian, cả hai né tránh nhau hay đúng hơn là chị cố tránh những hỏi han ân cần, quan tâm không ngừng của anh. Lần này, đám cưới một người bạn thân của anh và chị, lần đầu tiên, hai người chạm mặt nhau sau năm năm. Trước khi dự đám cưới, chị đã hình dung anh sẽ đến cùng vợ, là cô gái đã từng dằn mặt chị, kêu chị tránh xa anh ra, trong khi anh và chị sắp nên duyên chồng vợ. Cũng cô gái ấy, tự dựng lên mọi chuyện, đổ cho chị cái tội phá hoại hạnh phúc của cô ta trong khi chị chưa hiểu thực hư thế nào, rồi lại đòi tự tử khiến anh dạo ấy đứng ngồi chẳng yên.
Thế mà, không hiểu sao, anh đi một mình. Chị mỉm cười chào anh theo cách xã giao thông thường. Con người ta đâu dễ giấu đi những cảm xúc của mình khi gặp lại cái nửa thân quen đến từng hơi thở. Cảm xúc của chị về anh, tình yêu của chị với anh chẳng còn, ai đó hỏi chị có thù hận không khi anh ham giàu sang, tham danh lợi mà quên hẹn ước. Đôi lúc, chị cũng tự hỏi lòng mình, chẳng biết là có hận hay không nhưng nhất định là không còn yêu. Đơn giản vì anh giờ đây không phải là con người của nhiều năm về trước. Anh lén nhìn chị, ánh mắt, nụ cười của chị vẫn như thế. Cái tươi vui giấu đằng sau đó bao nhiêu nỗi niềm mà ngày xưa, anh đã từng rất hiểu. Chị vẫn mạnh mẽ và bản lĩnh qua bao nhiêu chuyện anh gây ra.
Đột nhiên, chị nhìn anh, bắt gặp ánh mắt anh trao về phía chị tự lúc nào. Giữa không khí ồn ào, náo nhiệt, giữa những tiếng chúc tụng hoan ca của bao người về hạnh phúc của hai nhân vật chính trên kia thì anh đang nhỏ lệ trong lòng. Tim anh đập rộn ràng, đôi mắt ngấn nước, cái nhìn hiện rõ sự nhớ nhung, day dứt, yêu thương xen lẫn. Chị bình thản quay đi, vô tình như không hiểu về con người đã từng gắn bó ấy. Chị dằn lòng lại, để khỏi buông ra thắc mắc từ lâu “Anh đang hạnh phúc cơ mà, sao lại gầy ốm, suy sụp thế kia”.
Sau lần đó, anh lại nghĩ về chị nhiều hơn trước, vẫn là người đầu tiên anh nghĩ mỗi khi thức giấc và người cuối cùng anh thao thức tới khi vào giấc ngủ. Anh liên lạc với chị chỉ mong chị bắt máy, chỉ mong một giây thôi được nghe tiếng nói, tiếng thở khẽ khàng của chị, nhưng tuyệt nhiên, chị không bao giờ nghe điện thoại của anh. Dẫu rằng, đôi khi chị cũng muốn kiểm chứng lại xem nếu nghe giọng nói của con người kia, liệu tim mình còn thổn thức, những uất hẹn trong lòng liệu có dễ dàng trút bỏ. Nhưng không, anh đã bị ràng buộc, cái ranh giới ấy, nhất định chị không cho phép mình xen vào.
Thôi thì, mỗi người hãy sống tốt phần đời của mình. Đến cuối cuộc đời chúng ta mới thực sự thôi nghĩ về nhau.
(St)
26 tháng 3, 2013
NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Hoang mang Style
Cái nghiệp mài chữ mà ăn cũng như anh thợ xây, thợ mộc, ráo mồ hôi là hết tiền.
Con rắn Quý Tỵ đã bò gần hết khúc đầu. Sau giai đoạn “nay thét, mai gầm”, mọi thứ hình như cũng có bề ôn ổn. Ít nhất là dân ta chợ búa về đỡ “oai oái như nhái phải rắn” vì giá cả rồng rắn lên mây. Còn các chứng sĩ dạo này gặp bạn bè, bà con cũng đỡ dần cái cảnh len lét như rắn mùng năm, vì con sóng từ lăn tăn đến ù oạp cuối năm Rồng đến nay làm bà con đỡ cơn đói lòng… Nhưng nuối tiếc thì còn nhiều lắm!
Mà cái chữ “Nếu”, đời dùng nhiều chứ đâu riêng gì dân ấp chứng. Cái ngày còn ngụp lặn dưới hố băng thì chỉ mong trồi lên được mặt đất là tất toán tài khoản cho nhẹ lòng. Nhưng lên đến mặt đất rồi lại nhìn thấy cơ mọc mầm sáng lắm. Mà kể cả đã mọc mầm rồi cũng lại chặc lưỡi, biết đâu đấy, “cây lớn người ôm nào chả xuất phát từ mầm nhỏ”… Nếu nó lên mươi phiên nữa thì sao, nếu giờ mới chỉ là chân sóng thì sao…
Vậy từ đầu năm đến giờ dân ấp chứng nuối tiếc điều gì nhất? Chả điều tra cũng biết nó muôn hình vạn trạng. Kẻ đã bỏ đi thì tiếc sao không ngoảnh lại sớm, người ở lại tiếc sao không vồ đúng sóng, kẻ suýt xoa hết tiền (xoay được tiền thì sóng này mày biết tay ông), người hoang mang, đau đớn vì cắt lỗ sát gốc… vân vân và vân vân…
Còn nếu ai hỏi mình có tiếc gì không? Xin thưa, có chứ. Điều nuối tiếc nhất của mình từ đầu năm đến nay là việc bầu Thụy bỏ chứng khoán!!!
Thật ra cỡ mình làm gì thân quen, họ hàng với ông Thụy. Bạn bè lại càng không. Cũng chả máu me gì bóng đá Việt Nam để mà quen thân các bầu. Nhưng nỗi niềm tiếc nuối ấy có nguyên do của nó. Còn nhớ hình như năm 2011 thì phải, mình cứ ước ao, “giá mà mình được như anh ấy”. Đó là nghe ông Thụy kể trên báo rằng “tôi rất có duyên với chứng khoán”. Chả phải chờ đến lúc mua Chứng khoán Vincom mà ông đã đánh chứng khoán từ năm lẻ sáu, lẻ bảy cơ. Và kèm theo đó là nụ cười mãn nguyện rằng, “tôi cũng lời tương đối”.
Mình nghe thế phục lăn. Sao lại có người đa di năng thế nhỉ. Từ bóng đá, chứng khoán, xây dựng, bảo hiểm…, cái gì ông cũng tâm đắc, cái gì cũng là sở trường và rất có duyên. Sao mình “ngành nghề cốt lõi” là đẽo chữ kiếm ăn còn lận đận, đầu tư ra ngoài ngành thì sạch bay cái tài khoản còi!
Thế mà hôm trước lại đọc được cái tít “Bầu Thụy buông Chứng khoán Xuân Thành”. Mà buông thật. Sở hữu 81,5% vốn điều lệ Công ty, thế mà ông quyết bán hết. Về sau đọc kỹ. Hóa ra chuyên buông, bỏ cũng có nguyên nhân. Rằng “Bầu Thụy lỗ trăm tỷ vì chứng khoán”. Thử hỏi có nuối tiếc không? Có hoang mang không? Ai ở hoàn cảnh mình mới biết. Hoang mang lắm…
Có thể các bác bảo chuyện bình thường. Đại gia, trung gia, tiểu gia còn ra đi đầu không ngoảnh lại nữa là. Mà chắc gì bầu Thụy đã có duyên. Chơi chứng khoán những năm 2006 - 2007, không lãi khẳm mới là chuyện lạ. Của đáng tội thì điều ấy đúng và cũng chẳng ai cãi được. Cho đến bây giờ, chả cứ mình mà nhiều bác (đồ chừng là cả các bác lãnh đạo ngành) hận cái giai đoạn ấy lắm… Bắt đầu từ cái ngày mà ông Bush con vào sàn phương Nam đánh trống gõ chiêng rồi ca cẩm, tiếc nuối, rằng “nếu còn trẻ, tôi cũng sang Việt Nam làm ăn”. Thế rồi, bắt đầu từ những người trẻ, lan sang các bác trung trung và các lão ông, lão bà, cứ “mua xong xuôi tất cả lại cười”… Để đến nỗi mà tại nhiều diễn đàn sau đó, một số bác bảo rằng, chứng khoán là dân nhà giàu, còn đầy chỗ cần cứu hơn là chứng khoán, cứ để nó xuống chán rồi lại lên.
Nếu không có cái đận tăng như điên, sáng mua chiều lãi ấy thì chắc chả ai nỡ lòng nói thế??? Mà có khi bây giờ những người như bầu Thụy đỡ phải ra đi. Cũng đỡ có những câu chuyện mà dân bám sàn thường chế giễu nhau. Rằng cô giáo hỏi một học sinh: "Bố mẹ em làm nghề gì?" - "Thưa cô, bố mẹ em là nhà đầu tư chứng khoán". Cả lớp bỗng nhiên cười ồ lên. Cô giáo liền nghiêm mặt nói: "Các em trật tự! Không được chế giễu người nghèo đang gặp hoàn cảnh khó khăn".
Mình thì mất mát cũng có mỗi cái tài khoản còi, nhưng khi nghe phân biệt đối xử thế lấy làm giận lắm, quyết bỏ chứng khoán. Về nhà tập trung vào ngành nghề chính, lấy việc đẽo chữ, gọt câu làm kế sinh nhai.
Cái nghiệp mài chữ mà ăn cũng như anh thợ xây, thợ mộc, ráo mồ hôi là hết tiền. Bởi thời xưa, thời nay chỉ có chữ là rẻ. Thế mà hôm nọ lại nghe một bác đức cao vọng trọng hẳn hoi bảo, dân báo chí giàu lắm, lãi lắm. Xin xỏ giảm thuế cái gì. Mà hình như bác ấy trước cũng quản lý báo chí. Nhẽ nào lại nói sai nhỉ??? Hay là mình văn dốt, chữ dát nên nghèo. Chả lẽ lại bỏ báo như cái đận bỏ chứng ngày xưa. Lại thêm một lần nghĩ ngợi, một lần hoang mang…
Toàn thế giới đang phát sốt với điệu nhảy người nghèo “Gangnam style”. Riêng mình mấy ngày nay lại nhảy điệu “Hoang mang style”. Nguyên cớ ư, vì bỗng dưng… hóa giàu!
(ĐTCK)
25 tháng 3, 2013
GỠ RỐI TƠ LÒNG: Chồng đánh mất niềm tin ở tôi chỉ vì tiền
Anh cho bác vay 10 triệu, lúc làm nhà anh mang tiền về nói bác trả. Tuy nhiên trong một lần say, anh đã lỡ lời rằng hôm nay bác trả tiền mà anh không lấy. Tôi giật mình nhớ lại anh đã cầm tiền bác trả đưa tôi rồi mà.
Anh năm nay 39 tuổi, là người đàn ông chu toàn, biết lo lắng cho gia đình và vợ con; tôi rất vui và hạnh phúc khi được sống cùng anh. Nhưng niềm vui ấy vốn không trọn vẹn vì trong tôi lúc nào cũng xen lẫn nỗi buồn trong cuộc sống do anh mang lại, lý do đơn giản chỉ vì tiền. Tôi không hiểu sao anh không thật lòng với tôi vì những khoản chi mà chúng tôi có thể san sẻ cùng nhau.
Lần đầu tiên anh dối là ngày chúng tôi đi sắm đồ cưới, anh bảo trong tài khoản chỉ có 5 triệu nhưng khi anh rút tiền ở máy ATM, tôi thấy số tiền ấy gấp 4 lần như thế. Tôi cũng không nói gì, nghĩ rằng số tiền ấy có lẽ anh dành để mua sắm thêm cho ngày cưới. Lần thứ hai anh cho bác vay 10 triệu, đến lúc chúng tôi làm nhà anh mang tiền về nói bác trả, tôi biết như vậy. Tuy nhiên trong một lần anh say đã lỡ lời rằng hôm nay bác trả tiền mà anh không lấy, tôi giật mình nhớ lại anh đã cầm tiền bác trả đưa tôi, nhưng tôi cũng không nói gì, nghĩ rằng số tiền ấy anh cho bác cũng được vì anh mang ơn bác nhiều lắm, có bác mới có anh ngày hôm nay.
Lần thứ ba, một buổi chiều khi anh cùng mẹ và hai em trai đợi tôi đi làm về để thông báo em kế anh mua cho em út một chiếc xe, còn xe anh bán cho em với giá 5 triệu nhưng trả trước 3 triệu. Nghe anh nói vậy, trong lòng tôi cảm thấy thật buồn cười vì bị cả chồng, mẹ chồng và em chồng lừa dối chỉ vì mấy triệu bạc, tôi đứng phắt dậy bỏ vào phòng vì biết đó không phải sự thật, tôi thừa biết các em anh làm còn không đủ ăn lấy gì mà mua xe cho nhau. Đúng như thế, sau này tôi tình cờ biết được anh đã cho em kế anh một chiếc xe mà anh nói trị giá 5 triệu, rồi mua thêm một chiếc cho em út.
Biết thế tôi buồn lắm nhưng phải bỏ qua vì nghĩ nói ra gia đình sẽ có chuyện. Gia đình, cha mẹ, em út, ai cũng có, nếu cuộc sống mình khá thì hỗ trợ cho em cũng tốt, nghĩ vì anh làm có tiền mới cho, nếu ngược lại thì chẳng biết lấy đâu mà cho. Nhưng tôi mãi không hiểu vì sao anh giấu những chuyện như vậy, phải chăng anh sợ gánh nặng phải lo cho gia đình tôi nếu nói thật cho tôi biết? Vì gia đình tôi cũng khó khăn.
Một lần nọ anh muốn về quê thăm gia đình, nói anh cần 10 triệu để chi tiêu và không cần thêm nữa, nhưng lúc đó chúng tôi không có tiền mặt, anh bảo vay tạm bạn bè rồi làm sẽ trả. Hôm sau anh báo đã mượn được của bạn, nhưng một lần nữa tôi phát hiện chồng lại lừa dối khi tình cờ biết được ngoài số tiền đã chuẩn bị trước anh còn có một tài khoản riêng gấp 5 lần số tiền đó. Trước đây anh làm bao nhiêu tiền cũng đem về cho vợ, anh chỉ giữ lại một ít để chi tiêu, lần này không ngờ chồng lại đối xử với tôi như vậy. Tôi suy nghĩ không biết anh ấy có lên một kế hoạch gì chăng?
Tôi năm nay 32 tuổi, có 1 cháu trai, công việc trong những năm gần đây khá tốt, thu nhập rất khá, hơn anh nhiều. Tôi không ngần ngại bỏ tiền do công sức mình làm ra để mua nhà, mua xe và cùng anh đứng tên, tôi yêu anh và đặt niềm tin ở anh nhưng anh đã làm tôi thất vọng. Anh là người rất có hiếu với gia đình và cha mẹ, có lần anh vì mẹ mà cãi nhau với tôi và mắng: “Cha mẹ là tất cả, vợ chẳng là gì”. Anh đã tuyên bố với mẹ: Nếu sống không được thì anh sẽ đi cưới vợ khác.
Nghe như thế lòng tôi như tan nát, anh đã đánh mất niềm tin trong tôi. Tôi vốn là con gái nhà nghèo nên rất siêng năng, ham làm việc. Cuộc sống trước khi lấy chồng, tôi lo làm nuôi gia đình, sau khi có chồng rồi ngoài công việc tôi chỉ biết lo cho chồng con. Tôi mang thai đến ngày gần sinh nở vẫn ham làm và sau sinh 3 ngày đã làm việc trở lại, vậy mà anh còn trách tôi suốt ngày chỉ biết công việc, không giao tiếp với bạn bè, bà con, họ hàng.
Anh so sánh tôi với những người vợ bạn anh, những người chỉ biết ăn không ngồi rồi chờ chồng nuôi. Anh chê tôi không biết làm món này món nọ, bạn anh đến nhà tôi không biết chế biến món nhậu đãi bạn anh như vợ người ta. Tôi buồn lắm nhưng nghĩ mình không biết làm món ngon thì đi mua về đãi bạn bè cũng chẳng sao, hoặc mời bạn bè ra quán, anh thật quan trọng hóa vấn đề.
Từ khi đến với anh tôi nghĩ đời này kiếp này chỉ có anh thôi, hoàn toàn đặt niềm tin và hy vọng ở anh. Nhưng thời gian đã cho tôi thấy anh thật không đáng tin cậy và giờ tôi thấy đã lầm tin anh, tâm trạng tôi đang rối bời không biết có nên hay không tiếp tục chung sống với người đã không còn sự tôn trọng và lòng tin đối với mình nữa. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của mọi người. Trân trọng.
(ST)
22 tháng 3, 2013
KỸ NĂNG SỐNG: Cách hòa nhập ở chốn đông
Nhiều người có suy nghĩ mình không xinh đẹp nên 'co rúm' lại. Đó là áp lực do chính họ tạo ra.
1. Gạt bỏ sự tự ti
Nếu sự tự ti chính là rào cản ngăn cách bạn với phần còn lại của thế giới thì bạn cần khắc phục ngay, chứ không nên giữ khư khư điều đó. Hãy chủ động bắt chuyện với người khác, cho dù bạn có bắt gặp ánh mắt dò xét từ họ về chiều cao khiêm tốn, thân hình mập mạp hay cách ăn mặc chẳng có gì nổi bật. Thật ra, mọi người không quá để ý đến những khiếm khuyết của bạn, có chăng bạn đang tự áp đặt và gây lo lắng cho bản thân mà thôi.
2. Đừng tự 'cô lập' mình
"Co cụm bản thân" không phải là cách tự vệ thông minh để tránh sự đánh giá từ người khác. Thậm chí, điều này còn khiến bạn dễ bị quy chụp là "khó gần", "lạnh lùng". Vì thế, hãy dẹp bỏ ngay suy nghĩ "tránh voi chẳng xấu mặt nào" để ngồi thu lu một góc. Thay vào đó, bạn hãy chọn một vị trí gần mọi người để thỉnh thoảng xen một vài câu nói, góp vui dăm ba câu chuyện, hay chỉ đơn giản là cùng cười trước một lời nói hài hước. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng tạo được thiện cảm và gây dựng quan hệ với những người xung quanh.
3. Không lảng tránh
Từ phía xa, bạn đã nhìn thấy bóng dáng của những đồng nghiệp, bạn bè thì hãy tiến về phía họ để chào hỏi. Đừng ngại ngùng điều gì đó mà "đi đường vòng" để khỏi phải chạm mặt họ. Bạn nên nhớ, một vài câu nói xã giao thôi cũng khiến đối phương đánh giá cao thái độ thân thiện của bạn. Chỉ cần luôn giữ suy nghĩ "không lảng tránh", bạn sẽ thấy việc giao tiếp không hề khó khăn như bạn tưởng.
4. Tham gia vào những cuộc vui
Với các hoạt động tập thể, đừng bao giờ từ chối bởi đây là dịp mọi người đánh giá mức độ hòa đồng của bạn. Chỉ trừ những lý do bất khả kháng, còn không bạn nên sắp xếp thời gian để tham gia vào những buổi vui chơi để thêm hiểu và gắn bó với nhau.
5. Tuân thủ 'luật chơi'
Ở bất kỳ một môi trường nào cũng tồn tại những quy tắc "bất thành văn", chỉ cần bạn tinh tế một chút là có thể nắm vững. Khi đã biết "luật", hãy cố gắng nhập cuộc để không nằm ngoài "cuộc chơi". Đơn giản như, nếu biết các chị em trong công ty luôn rủ nhau đi ăn vào một ngày trong tuần, hãy đề nghị gia nhập cùng, hoặc đừng ngần ngại xin một "chân" trong đội bóng cơ quan… Trên tất cả, chỉ có sự chủ động mới giúp bạn gần gũi với mọi người hơn.
(Tường Vy)
CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Cha tôi đã chọn sống để yêu thương
Tôi đã từng không gần gũi cha mình suốt cả thời ấu thơ cho dù sống chung dưới một mái nhà. Có thể con cái thường theo mẹ, và mẹ tôi là người đàn bà sắc sảo, thông minh, nên bà có cách để thu hút các con vây quanh bà hơn là vây quanh người cha hiền lành, thô mộc và ít nói như cha tôi. Cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi không mấy hợp nhau.
Điều đó tôi lờ mờ cảm nhận từ ngày thơ bé, và rõ rệt hơn khi tôi lớn lên, và đã biết nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Cha tôi không có bằng cấp, học vị. Cha đi bộ đội về, phục viên và cũng nhờ mẹ lo lót mà cha được vào làm bảo vệ ở một cơ quan nơi mẹ làm việc. Công việc đã vất vả lại phập phù, lương bổng ít ỏi, đạm bạc.
Vị trí công việc của cha, người chồng, người trụ cột chính trong gia đình lại thấp hơn mẹ, thế nên cha giữ ý tứ, ở cơ quan cũng như hàng xóm lối phố, cha ít giao tiếp, sống thu mình, lặng lẽ, ít bạn bè. Cha không bao giờ đàn đúm, nhậu nhẹt như phần lớn đàn ông, các ông chồng ở khu phố huyện nơi tôi ở.
Sau này khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu có lẽ, do tự ti với công việc, với bản thân, tự ti trước mẹ, một người phụ nữ mà cha hết lòng yêu thương và thờ phụng nên cha sống thu mình, dồn hết mọi yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho gia đình bé nhỏ của mình để được trong ấm, ngoài êm, để mẹ vui và an tâm công tác. Hầu như lịch trình công việc trong ngày của cha là khi kết thúc công việc ở cơ quan, cha trở về nhà, tranh thủ lo chợ búa, lo nấu nướng quét dọn giặt giũ giúp mẹ.
Cha giành lấy hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà, lẫn công việc nội trợ của người phụ nữ để đỡ đần mẹ, để cho mẹ được an nhàn, thoải mái sau giờ làm việc. Thậm chí còn giành lấy hết mọi phần việc của các con. Cha còn mở rộng khoảnh vườn, trồng rau và nuôi thêm gà đẻ trứng để cải thiện bữa ăn gia đình.
Tính cha như vậy, yêu vợ, chiều con và tôn thờ cuộc sống gia đình. Mẹ làm kế toán ở một cơ quan nhà nước, công việc không quá bận bịu nhưng cũng hết 8 tiếng trong ngày. Thu nhập của mẹ không quá nhiều nhưng so với đồng lương bảo vệ eo hẹp của cha thì khá hơn, đủ trang trải cho các con ăn học.
Công việc của cha là làm bảo vệ, thế nên tuần này làm ca ngày thì tuần sau làm ca đêm. Giờ giấc đảo lộn, vì thế cha và mẹ không mấy khi gần nhau, không đi chơi cùng nhau, thậm chí khi tôi lớn lên không khi nào thấy cha mẹ ngủ chung với nhau. Cha ngủ riêng một giường ở phòng ngoài, còn mẹ và các con ngủ chung với nhau ở buồng trong.
Chúng tôi những đứa trẻ con vô tâm của cha mẹ đã hồn nhiên quấn lấy mẹ từ bé đến lớn, không tạo điều kiện cho cha có những khoảng riêng tư cùng mẹ. Giữa cha mẹ, cứ như có một khoảng cách mà khoảng cách đó theo thời gian ngày một rộng ra. Đã rất nhiều lần tôi muốn ngồi riêng với cha tôi, muốn cùng cha đi chơi đâu đó, chỉ có một mình cha và tôi thôi để được trò chuyện với cha và đem những thắc mắc ấm ức trong lòng nói với cha một lần cho bằng hết nhưng mà sao mỗi lần gần cha định nói với cha như vậy tự nhiên lại thấy ngại.
Cha ít nói chuyện với các con. Tính cha ít nói, trầm lặng. Không làm cho vợ con một điều gì đó quá bất ngờ, vui vẻ, nhưng cha cũng không bao giờ nặng lời với vợ con. Cha cần mẫn với yêu thương, dành hết tình cảm cho gia đình của mình. Tất nhiên cũng phải có thời gian trải nghiệm các con của cha mới hiểu lòng cha và nhận ra điều đó.
Mẹ lại khác. Mẹ luôn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các con. Mẹ biết cách chiều và lấy lòng các con bằng những món quà, thứ mà trẻ con thích nhất. Ngày nhỏ là những viên kẹo xanh đỏ. Lớn lên chút là quần áo, giày dép. Mẹ mê hoặc chúng tôi bởi một thế giới sống động mà mẹ mang từ ngoài phố, chỗ mẹ từng đi qua, nơi làm việc của mẹ, bạn bè của mẹ về nhà.
Nhiều lần tôi đã thủ thỉ hỏi mẹ, mẹ ơi, tại sao cha mẹ không đi chơi cùng nhau, không đèo nhau đến nhà cô bác chú dì mà khi có công chuyện thường cha lên trước, mẹ lên sau hoặc ngược lại. Khi thì mẹ chở các con, cha đi một mình. Sao cha mẹ không ngủ cùng nhau một giường như cha mẹ các bạn con? Mẹ lẩn tránh những câu hỏi của các con và bao giờ mẹ cũng mắng rằng, các con không có gì để hỏi mẹ nữa à. Chúng tôi không biết gì hết, không biết gì cho đến một ngày thấy trong túi xách của mẹ có những bức thư viết vội, nguệch ngoạc của một ai đó gửi mẹ với lời lẽ yêu thương và hẹn hò.
Mẹ bắt đầu có điện thoại ở nhà riêng nhiều hơn những lúc cha vắng nhà. Hồi đó mới có điện thoại bàn, chưa có điện thoại di động thế nên mọi liên lạc bằng thư tay, hoặc điện thoại bàn. Mẹ “nấu cháo” điện thoại cả đêm mỗi lần cha đi trực. Mẹ vui hơn, cười nhiều hơn và mẹ cũng ăn diện nhiều hơn, đi sớm về muộn nhiều hơn.
Chúng tôi, lũ con của cha mẹ dù đã lớn, lớn nhất như tôi là đã lên lớp 10, đã 15-16 tuổi thì vẫn còn thơ ngây và vô tâm vô tư trước cha mẹ. Tôi chỉ thấy mẹ vui vẻ, hay cho các con quà, và cha thì đã ẩn mình phía sau mẹ lặng lẽ, càng lặng lẽ hơn. Mà cha tôi cũng thật lạ lùng, ngay cả khi cha ở nhà, điện thoại đổ chuông, cha không bao giờ nghe.
Cha xem như mẹ mới là trung tâm của gia đình, mẹ có nhiều công việc, nhiều mối quan hệ nên cha nhấc điện thoại để làm gì. Thậm chí chiều mẹ, tin mẹ và tôn thờ mẹ đến mức, mẹ có điện thoại riêng, cha lặng lẽ ra vườn làm việc mà không quan tâm hay tò mò để ý chuyện mẹ đang trò chuyện với ai, người đó ra sao với mẹ. Chính tình yêu vô bờ và nhiều nhường nhịn hy sinh của cha đối với mẹ mà mẹ đã lạc lối trong hạnh phúc của mình.
Ngày đó chúng tôi còn non nớt, thế nên tất cả hùa theo mẹ mà ít gần gũi với cha. Đi học về đói là đã có cha lúi húi ở bếp. Ốm đã có cha đun lá xông. Quần áo thay ra bừa bãi có cha dọn. Chúng tôi hưởng những bữa cơm ngon từ tay cha, từng bát canh rau vườn thơm mát, hay ăn từng quả trứng gà cha nuôi như là một việc hiển nhiên trên đời. Như thể cha sinh ra là để hầu hạ mẹ con chúng tôi.
Những ký ức đó vẫn làm tôi đau buốt óc mỗi khi nhớ lại. Chỉ tiếc là khi tôi trưởng thành rồi, tôi mới biết nhận ra nỗi xót xa của mình về cha. Có một lần cha gặp tai nạn trong lúc làm việc. trong ca trực bảo vệ của cha, vì bắt gặp một người phụ nữ bị cướp mà cha đã lao ra cứu người phụ nữ, đuổi theo hai thanh niên gây án, cha bị chúng lạng lách, tạt cha ngã xuống đường, bị tai nạn đa chấn thương.
Người đi đường đã chở cha vào bệnh viện cấp cứu. May cha không bị chấn thương sọ não, chỉ bị gãy hai chân và tay. Cả nhà phải huy động hết các cô bác, chú dì và ông bà nội ngoại thay nhau vào viện chăm sóc cha. Cũng chỉ những ngày ở viện, tôi mới hiểu thêm công việc của cha. Một công việc cứ tưởng là tầm thường, ai không có bằng cấp, những tầng lớp dưới của xã hội cũng có thể làm được.
Thế mà trong âm thầm lặng lẽ, cha đã là người đàn ông dũng cảm bảo vệ cho biết bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu số phận buôn thúng bán mẹt nơi khu phố có cơ quan của cha làm bảo vệ. Thấy chuyện bất bình với ai, cha đứng ra bảo vệ, ai khó khăn vất vả, cha giúp chẳng nề hà.
Đôi khi chỉ là những việc lặt vặt, những sẻ chia đời thường giữa con người và con người bé nhỏ với nhau, nhưng nếu không có một tấm lòng, không có một chữ Tâm lớn lao và sáng trong, cha đã không được mọi người yêu quý và kính trọng như vậy. Từ ông xích lô, người chạy xe ôm đến bà bán nước chè đầu đường, cô bán xôi vỉa hè, bà bán hoa quả khi biết tin cha bị nạn, đều qua lại viện thăm cha động viên cha nhiều lần.
Có người còn bỏ cả thời gian vào tình nguyện chăm sóc cha, tán gẫu cho cha vui mà quên đi bệnh tật. Đến lúc đó, tôi mới hiểu một điều đơn giản rằng, tâm hồn con người, tấm lòng con người tôn vinh vị trí của họ trong xã hội chứ không phải là mũ cao áo dài hay những thứ phù phiếm khác. Tôi bắt đầu biết tự hào về cha.
Chúng tôi đã quen với việc cha chăm mẹ, chăm các con mà không quen khái niệm mẹ phải chăm sóc cha tận tình chu đáo những lúc cha đau ốm như nghĩa vợ chồng chia ngọt sẻ đau. Nhưng cái đau về thể xác của cha còn không kinh khủng bằng cái đau trong tâm hồn khi cha vừa xuất viện về nhà, chứng kiến mẹ bị một trận đánh ghen tơi tả của một đồng nghiệp trong cơ quan.
Trước những bằng chứng mà người phụ nữ kia đưa ra cho cha xem, thì rõ ràng mẹ đã phản bội cha và có tình cảm đi lại hẹn hò với một người đàn ông khác. Chúng tôi không thấy cha nói gì về việc này với mẹ, hoặc hai người nói với nhau lúc nào thì chúng tôi không được biết hay chứng kiến. Chỉ biết rằng sau chuyện đó, cha già sọm đi, mái tóc dày rụng phân nửa trông xơ xác.
Những ngày đó, ông bà cô chú phản đối mẹ, sang nhà kêu cha mẹ họp gia đình. Trước cuộc họp, cha một mực bênh mẹ, bảo vệ mẹ. Ngay cả thái độ của cha như vậy cũng không mảy may làm mẹ rung động. Có lẽ mẹ đã để cho trái tim lạc lối đến mù lòa. Sau chuyện đó, mẹ rời nhà sang nhà ông bà ngoại gần đó ở. Mẹ không muốn về lại ngôi nhà của mình.
Rồi không lâu sau đó, chính mẹ bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Mẹ bị tai biến mạch máu não khá nặng, nằm liệt giường sau một lần đi về muộn và gặp mưa. Chỉ, duy nhất mình cha, sau ông bà ngoại, là người ở bên cạnh mẹ, cho mẹ ăn, vệ sinh cá nhân cho mẹ, chăm sóc mẹ, lo cho mẹ từng ly từng tí một để giành lấy sự sống cho mẹ.
Cũng chính cha là người hộ lý ân cần nhất, người y tá mẫu mực và nhiều yêu thương nhất của mẹ đã vực mẹ dậy, lần tập cho mẹ những bước đi đầu tiên sau mấy tháng nằm liệt giường. Sau khi mẹ hồi phục, cuộc sống gia đình chúng tôi đã bước sang một trang mới. Lần đầu tiên, tôi đã thấy cha mẹ ngủ cùng giường với nhau.
Cha nói, cha nằm cạnh mẹ để canh sức khoẻ cho me, không nhỡ ra mẹ lại bị như lần trước. Từ đó, tôi bắt đầu nhìn thấy ngọn lửa yêu thương được nhen nhóm lên trong căn nhà của cha mẹ tôi. Từ đó, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được tình cha và mẹ hoà quện bên nhau, bên các con là thế nào.
Có một chi tiết này mà rất nhiều lần tôi đã định hỏi cha, nhưng rồi lại thôi. Tôi sợ động vào một ký ức khó quên của cha. Tôi sợ, cha lại sẽ nhói đau khi nhớ lại chuyện cũ. Đó là ngày đưa mẹ đi bệnh viện, tôi giúp cha lục tủ lấy thẻ bảo hiểm và tiền để đi viện. Tôi đã đọc được một xấp không dưới 10 cái lá đơn ly hôn do mẹ viết để xin ly hôn cha. Cả 10 lá đơn ấy chỉ có chữ ký bên nguyên đơn của mẹ. Phần bị đơn là cha bao giờ cũng để trắng. Ngày đó, sau tất cả những gì xảy ra giữa mẹ và cha, tôi đã không hiểu vì sao cha lại níu kéo mẹ để làm gì.
Giờ đây khi đã có gia đình, có con, chúng tôi cuối tuần lại đưa con cái về ríu rít bên ông bà ngoại. Nhìn ông bà tóc đã pha sương, rạng ngời bên đống cháu con trong mâm cơm quây quần, tôi cứ chỉ chực nghẹn trào nước mắt. Tôi hiểu cha tôi đã chọn cách hy sinh mình, cha đã chọn yêu thương để sống và giữ cho các con của cha một mái ấm trọn vẹn.
Kính thư: Hải Âu
21 tháng 3, 2013
KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Việt Nam tuyệt đẹp trong mắt tôi
Những hình ảnh này được chụp trong những lần tôi đi du lịch một mình. Những nơi tôi đã đến, cảnh vật đẹp lung linh như bức tranh.
(ST) |
NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chửi mắng và lời dạy của đức Phật
Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn ra đón đường chửi Phật vì thấy đệ tử theo Phật nhiều. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi.
Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
- Cù-đàm có điếc không? ....
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm, như thế mới được an vui.
Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.
Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.
Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai , thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.
(ST)
20 tháng 3, 2013
KỸ NĂNG SỐNG: Vợ.... chặt
Mỗi lần đến thăm nhà cậu bạn thân về, tôi lại có cảm giác chạnh lòng. Vợ bạn tính cách phóng khoáng bao nhiêu thì Nga - vợ tôi lại chặt chẽ bấy nhiêu. Đành rằng Nga chắt chiu, dành dụm là vì chồng con nhưng tôi vẫn có cảm giác bức bối.
Nga lúc nào cũng căn cơ trong việc quản lý tài chính. Phương châm được Nga áp dụng triệt để là kiếm được 10 đồng thì chỉ nên tiêu 3 hoặc 4 đồng, phần còn lại tiết kiệm phòng khi có công việc mà nhiệm vụ quan trọng trước mắt là mua nhà để “an cư lạc nghiệp”. Rồi còn phải tích lũy cho học hành của con cái, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên lúc tuổi già. Tuy không bắt tôi hàng tháng phải “nộp” lương song Nga khéo léo thiết lập nội quy gia đình để đưa tôi vào khuôn khổ, hình thành thói quen lĩnh lương xong là đưa ngay cho vợ. Thi thoảng, tôi bốc đồng “vung tay quá trán” mời bạn bè, đồng nghiệp đi nhậu nhẹt, hát hò liền bị Nga “tuýt còi” ngay. Những dịp lễ Tết, kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật con, tôi ngỏ ý tổ chức liên hoan mời họ hàng, bè bạn, Nga chủ động bàn đi chợ mua đồ về chế biến, vừa ấm cúng lại đỡ tốn kém, hợp vệ sinh. Được cái Nga nấu ăn ngon, nói năng khéo léo nên tôi cũng “mát mặt”. Thế nhưng những lúc men rượu ngà ngà, nghe cậu bạn thân khích bác là “không chịu chơi”, là “bị vợ lãnh đạo” rồi vỗ ngực khoe bỏ ra gần hai chục triệu đồng làm lễ đầy tháng hoành tráng cho cậu quý tử ở nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố, được vợ mua tặng chiếc đồng hồ hàng hiệu trị giá 2 nghìn đô... tôi lại giấu tiếng thở dài.
“Anh này! Chiều nay bác cả gọi điện nói sẽ bán nhà chuyển vào Nam sống với các con. Em nghĩ, vợ chồng mình nên mua. Con Bống sắp vào lớp 1 rồi, cu Bi cũng đã 3 tuổi, cần có không gian sinh hoạt, học tập ổn định...”. Chưa nghe Nga nói hết câu tôi đã phá lên cười: “Em đang nằm mơ giữa ban ngày à? Em có biết ngôi nhà đó bao nhiêu tiền không? Tỷ rưỡi...”. Tôi chưa nói hết câu, Nga đã mở tủ lấy ra một chiếc hộp đặt xuống trước mặt tôi: “Đây là toàn bộ tài sản 8 năm qua chúng mình dành dụm được. Được tất cả một tỷ hai, còn thiếu 3 trăm triệu nữa. Nhưng hai bác đồng ý cho nợ lại, trả dần trong 2 năm”.
Cầm trên tay tập sổ tiết kiệm, cái vài chục triệu, cái đôi, ba triệu, thậm chí có cái chỉ vài trăm nghìn, tôi thấy lòng rưng rưng. Sửng sốt, vui mừng xen lẫn nể phục vợ. Hàng tháng, tôi đưa về chưa đến hai chục triệu rồi phó thác mọi khoản chi tiêu từ ăn uống, sinh hoạt, đối nội, đối ngoại, học hành của con cái cho Nga. Thấy vợ hết làm việc ở cơ quan lại tất tưởi nhận làm quyết toán sổ sách thuê cho vài doanh nghiệp tư nhân nhưng tôi chưa một lần bận tâm tới chuyện Nga kiếm được bao nhiêu tiền. Nhìn vợ tiêu pha tằn tiện, ăn mặc giản dị, tôi đinh ninh lương Nga không cao, vậy mà...
Đúng hôm chúng tôi chuyển nhà thì cậu bạn thân gọi điện cầu cứu: “Thằng bé bị ốm phải nhập viện. Cho mình vay gấp 5 triệu nhé”. Tôi tức tốc mang tiền đến, cậu bạn rầu rĩ than thở: “Tháng nào mình cũng đưa lương cho vợ, thi thoảng cô em gái định cư ở nước ngoài gửi biếu mấy nghìn đô mình cũng đưa hết, vậy mà giờ hỏi đến chẳng còn xu nào. Phụ nữ mà tiêu pha không kế hoạch thì bao nhiêu tiền cũng không vừa”.
Tôi thấy mình thật may mắn có Nga. Sự đảm đang, chín chắn trong việc quản lý tài chính của cô ấy đã đưa gia đình tôi phát triển.
(PNVN)
MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Sao trời cứ bắt tội các con của tôi?!
Ánh mắt vô vọng, bất lực nhìn những đứa con bệnh tật, đứa nằm liệt giường, đứa lê lết. "Nhiều lúc bế tắc, tôi muốn kết thúc đời mình cho nhẹ gánh, nhưng có người mẹ nào nỡ bỏ con như vậy…” bà Huế ngậm ngùi phân trần.
Tình cảnh éo le là của gia đình bà Phan Thị Huệ (48 tuổi) chồng là anh Đặng Văn Đến (44 tuổi), suốt nhiều năm qua là hộ nghèo đặc biêt ở đội 7 thôn An Hậu, xã An Phong, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định).
Chị Huệ phát "điên loạn" vì các con bệnh tật và mẹ già lẫn trí
Gia đình chị có 4 người con nhưng thật bất hạnh khi 3 trong số 4 người con của anh chị đều mang những căn bệnh hiểm nghèo. Sau hơn 10 năm đi nhiều nơi chữa bệnh cho các con tất cả tài sản, kể cả vườn tược, ruộng rẩy của gia đình lần lượt đội nón ra đi. Thế nhưng 2 trong số 3 người con của anh phải đành chấp nhận cuộc sống nằm liệt suốt đời. Nhìn các con quằn quạy đau đớn những lúc trái gió trở trời, lòng người mẹ lại xót xa nhưng chị hoàn toàn bất lực chỉ biết phó mặc cho số phận.
Tai họa cứ nối tiếp ập xuống đôi vợ chồng nghèo. Năm 2001, khi đang học lớp 3 con gái đầu của chị là cháu Đặng Thị Kim Nhạn (1990) đột ngột ngã bệnh với triệu chứng da xanh, khó thở. Lo lắng, vợ chồng đưa con đi bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị tật tim bẩm sinh nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, tăng áp động mạch phổi, tím tái nặng do thiếu ô xy và có thể gây tử vong.
Sau hơn 1 năm chuyển con ra điều trị và mỗ tim tại Bệnh viện Trung Ương Huế, mặc dù được hưởng chế độ bảo hiểm nhưng gia đình cũng phải chi phí cho ca phẫu thuật 60 triệu đồng. Gia đình nghèo làm ruộng với vài sào ruộng, ít nương rẫy khiến kinh tế khó khăn từ đó.
Hai anh em Nhu và Nhi bị tại biến nằm liệt giường
Niềm vui chưa trọn vẹn, thì cháu Đặng Thành Nhu (1993) con thứ 3, sau một trận sốt kéo dài, biến chúng chân tay co quắp không đứng và ngồi thẳng được, mọi vận động diễn ra khá đau đớn. Bác sĩ bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán qua phim chụp “xương chậu không hở, dính khớp háng” nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như: suy hô hấp, lao phổi, liệt hai chi dưới.
Thương con bệnh nặng, chị như đứt từng khúc ruột nhưng biết lấy đâu số tiền lớn chữa trị cho con. Bây giờ tứ chi của em Nhu đã biến dạng và liệt hoàn toàn. Mọi việc sinh hoạt các nhân hàng ngày đều một tay chị lo.
“Nhìn các con như vậy, ruột gan mình như cắt ra từng khúc nhưng biết làm sao bây giờ. Từ khi sinh các con ra đứa nào đứa nấy bệnh tật triền miền, vợ chồng tôi bán hết gia sản rồi. Bây giờ thì bất lực hoàn toàn rồi. Thôi đành phó mặc cho số phận…” ánh mắt tuyệt vọng của người mẹ nghèo nhìn về phía xa than thở.
Thế nhưng, nỗi đau vẫn chưa chịu buông tha vợ chồng chị Huế, đứa con út là cháu Đặng Phan Nhi (8 tuổi), lại bị tật bẩm sinh yếu gân xương. Dù đến nay đã trải qua 4 lần phẫu thuật, tốn cả hơn chục triệu nhưng vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Hiện cháu phải đi bằng xe lăn.
Ước mơ làm người bình thường của Nhi thật là xa vời
Cũng từ đó, vì quá lo lắng và buồn rầu dài ngày, khiến tinh thần của chị Huế trở nên “điên loạn” không nhớ, cũng không lao động được. Suốt ngày chỉ quẩn quanh bên cạnh các con. Còn anh Đến, ruộng vườn cũng đã bán, quanh năm suốt tháng phải phải lên Tây Nguyên làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi gia đình cùng một mẹ già lẫn trí 92 tuổi.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Cấu, Trưởng thôn An Hậu xã Ân Phong cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Huế rất ngặt nghèo, gần chục năm qua được địa phương xét và đưa vào diện hộ nghèo đặc biệt. Tuy nhiên, đó chỉ niềm an ủi thôi chứ còn chế độ chính sách thì không thể nào bù đắp, chia sẻ hết những nỗi bất hạnh liên tục ập đến gia đình chị Huế được. Cũng vì quá buồn dầu do các con đổ bệnh nên chị Huệ bị khủng hoảng tinh thân, không nhớ, không làm gì được, nên lại thêm một gánh nặng cho chồng. Bà con thương tình khi cho bát gạo, củ mì chứ làm gì có nhiều mà cho. Vì vậy, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội quan tâm, giúp đỡ gia đình trong cơn hoạn nạn”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 934: Chị Phan Thị Huệ và anh Đặng Văn Đến, ở đội 7 thôn An Hậu, xã An Phong, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định).
|
(Dantri)