Tôi đã từng không gần gũi cha mình suốt cả thời ấu thơ cho dù sống chung dưới một mái nhà. Có thể con cái thường theo mẹ, và mẹ tôi là người đàn bà sắc sảo, thông minh, nên bà có cách để thu hút các con vây quanh bà hơn là vây quanh người cha hiền lành, thô mộc và ít nói như cha tôi. Cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi không mấy hợp nhau.
Điều đó tôi lờ mờ cảm nhận từ ngày thơ bé, và rõ rệt hơn khi tôi lớn lên, và đã biết nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Cha tôi không có bằng cấp, học vị. Cha đi bộ đội về, phục viên và cũng nhờ mẹ lo lót mà cha được vào làm bảo vệ ở một cơ quan nơi mẹ làm việc. Công việc đã vất vả lại phập phù, lương bổng ít ỏi, đạm bạc.
Vị trí công việc của cha, người chồng, người trụ cột chính trong gia đình lại thấp hơn mẹ, thế nên cha giữ ý tứ, ở cơ quan cũng như hàng xóm lối phố, cha ít giao tiếp, sống thu mình, lặng lẽ, ít bạn bè. Cha không bao giờ đàn đúm, nhậu nhẹt như phần lớn đàn ông, các ông chồng ở khu phố huyện nơi tôi ở.
Sau này khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu có lẽ, do tự ti với công việc, với bản thân, tự ti trước mẹ, một người phụ nữ mà cha hết lòng yêu thương và thờ phụng nên cha sống thu mình, dồn hết mọi yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho gia đình bé nhỏ của mình để được trong ấm, ngoài êm, để mẹ vui và an tâm công tác. Hầu như lịch trình công việc trong ngày của cha là khi kết thúc công việc ở cơ quan, cha trở về nhà, tranh thủ lo chợ búa, lo nấu nướng quét dọn giặt giũ giúp mẹ.
Cha giành lấy hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà, lẫn công việc nội trợ của người phụ nữ để đỡ đần mẹ, để cho mẹ được an nhàn, thoải mái sau giờ làm việc. Thậm chí còn giành lấy hết mọi phần việc của các con. Cha còn mở rộng khoảnh vườn, trồng rau và nuôi thêm gà đẻ trứng để cải thiện bữa ăn gia đình.
Tính cha như vậy, yêu vợ, chiều con và tôn thờ cuộc sống gia đình. Mẹ làm kế toán ở một cơ quan nhà nước, công việc không quá bận bịu nhưng cũng hết 8 tiếng trong ngày. Thu nhập của mẹ không quá nhiều nhưng so với đồng lương bảo vệ eo hẹp của cha thì khá hơn, đủ trang trải cho các con ăn học.
Công việc của cha là làm bảo vệ, thế nên tuần này làm ca ngày thì tuần sau làm ca đêm. Giờ giấc đảo lộn, vì thế cha và mẹ không mấy khi gần nhau, không đi chơi cùng nhau, thậm chí khi tôi lớn lên không khi nào thấy cha mẹ ngủ chung với nhau. Cha ngủ riêng một giường ở phòng ngoài, còn mẹ và các con ngủ chung với nhau ở buồng trong.
Chúng tôi những đứa trẻ con vô tâm của cha mẹ đã hồn nhiên quấn lấy mẹ từ bé đến lớn, không tạo điều kiện cho cha có những khoảng riêng tư cùng mẹ. Giữa cha mẹ, cứ như có một khoảng cách mà khoảng cách đó theo thời gian ngày một rộng ra. Đã rất nhiều lần tôi muốn ngồi riêng với cha tôi, muốn cùng cha đi chơi đâu đó, chỉ có một mình cha và tôi thôi để được trò chuyện với cha và đem những thắc mắc ấm ức trong lòng nói với cha một lần cho bằng hết nhưng mà sao mỗi lần gần cha định nói với cha như vậy tự nhiên lại thấy ngại.
Cha ít nói chuyện với các con. Tính cha ít nói, trầm lặng. Không làm cho vợ con một điều gì đó quá bất ngờ, vui vẻ, nhưng cha cũng không bao giờ nặng lời với vợ con. Cha cần mẫn với yêu thương, dành hết tình cảm cho gia đình của mình. Tất nhiên cũng phải có thời gian trải nghiệm các con của cha mới hiểu lòng cha và nhận ra điều đó.
Mẹ lại khác. Mẹ luôn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các con. Mẹ biết cách chiều và lấy lòng các con bằng những món quà, thứ mà trẻ con thích nhất. Ngày nhỏ là những viên kẹo xanh đỏ. Lớn lên chút là quần áo, giày dép. Mẹ mê hoặc chúng tôi bởi một thế giới sống động mà mẹ mang từ ngoài phố, chỗ mẹ từng đi qua, nơi làm việc của mẹ, bạn bè của mẹ về nhà.
Nhiều lần tôi đã thủ thỉ hỏi mẹ, mẹ ơi, tại sao cha mẹ không đi chơi cùng nhau, không đèo nhau đến nhà cô bác chú dì mà khi có công chuyện thường cha lên trước, mẹ lên sau hoặc ngược lại. Khi thì mẹ chở các con, cha đi một mình. Sao cha mẹ không ngủ cùng nhau một giường như cha mẹ các bạn con? Mẹ lẩn tránh những câu hỏi của các con và bao giờ mẹ cũng mắng rằng, các con không có gì để hỏi mẹ nữa à. Chúng tôi không biết gì hết, không biết gì cho đến một ngày thấy trong túi xách của mẹ có những bức thư viết vội, nguệch ngoạc của một ai đó gửi mẹ với lời lẽ yêu thương và hẹn hò.
Mẹ bắt đầu có điện thoại ở nhà riêng nhiều hơn những lúc cha vắng nhà. Hồi đó mới có điện thoại bàn, chưa có điện thoại di động thế nên mọi liên lạc bằng thư tay, hoặc điện thoại bàn. Mẹ “nấu cháo” điện thoại cả đêm mỗi lần cha đi trực. Mẹ vui hơn, cười nhiều hơn và mẹ cũng ăn diện nhiều hơn, đi sớm về muộn nhiều hơn.
Chúng tôi, lũ con của cha mẹ dù đã lớn, lớn nhất như tôi là đã lên lớp 10, đã 15-16 tuổi thì vẫn còn thơ ngây và vô tâm vô tư trước cha mẹ. Tôi chỉ thấy mẹ vui vẻ, hay cho các con quà, và cha thì đã ẩn mình phía sau mẹ lặng lẽ, càng lặng lẽ hơn. Mà cha tôi cũng thật lạ lùng, ngay cả khi cha ở nhà, điện thoại đổ chuông, cha không bao giờ nghe.
Cha xem như mẹ mới là trung tâm của gia đình, mẹ có nhiều công việc, nhiều mối quan hệ nên cha nhấc điện thoại để làm gì. Thậm chí chiều mẹ, tin mẹ và tôn thờ mẹ đến mức, mẹ có điện thoại riêng, cha lặng lẽ ra vườn làm việc mà không quan tâm hay tò mò để ý chuyện mẹ đang trò chuyện với ai, người đó ra sao với mẹ. Chính tình yêu vô bờ và nhiều nhường nhịn hy sinh của cha đối với mẹ mà mẹ đã lạc lối trong hạnh phúc của mình.
Ngày đó chúng tôi còn non nớt, thế nên tất cả hùa theo mẹ mà ít gần gũi với cha. Đi học về đói là đã có cha lúi húi ở bếp. Ốm đã có cha đun lá xông. Quần áo thay ra bừa bãi có cha dọn. Chúng tôi hưởng những bữa cơm ngon từ tay cha, từng bát canh rau vườn thơm mát, hay ăn từng quả trứng gà cha nuôi như là một việc hiển nhiên trên đời. Như thể cha sinh ra là để hầu hạ mẹ con chúng tôi.
Những ký ức đó vẫn làm tôi đau buốt óc mỗi khi nhớ lại. Chỉ tiếc là khi tôi trưởng thành rồi, tôi mới biết nhận ra nỗi xót xa của mình về cha. Có một lần cha gặp tai nạn trong lúc làm việc. trong ca trực bảo vệ của cha, vì bắt gặp một người phụ nữ bị cướp mà cha đã lao ra cứu người phụ nữ, đuổi theo hai thanh niên gây án, cha bị chúng lạng lách, tạt cha ngã xuống đường, bị tai nạn đa chấn thương.
Người đi đường đã chở cha vào bệnh viện cấp cứu. May cha không bị chấn thương sọ não, chỉ bị gãy hai chân và tay. Cả nhà phải huy động hết các cô bác, chú dì và ông bà nội ngoại thay nhau vào viện chăm sóc cha. Cũng chỉ những ngày ở viện, tôi mới hiểu thêm công việc của cha. Một công việc cứ tưởng là tầm thường, ai không có bằng cấp, những tầng lớp dưới của xã hội cũng có thể làm được.
Thế mà trong âm thầm lặng lẽ, cha đã là người đàn ông dũng cảm bảo vệ cho biết bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu số phận buôn thúng bán mẹt nơi khu phố có cơ quan của cha làm bảo vệ. Thấy chuyện bất bình với ai, cha đứng ra bảo vệ, ai khó khăn vất vả, cha giúp chẳng nề hà.
Đôi khi chỉ là những việc lặt vặt, những sẻ chia đời thường giữa con người và con người bé nhỏ với nhau, nhưng nếu không có một tấm lòng, không có một chữ Tâm lớn lao và sáng trong, cha đã không được mọi người yêu quý và kính trọng như vậy. Từ ông xích lô, người chạy xe ôm đến bà bán nước chè đầu đường, cô bán xôi vỉa hè, bà bán hoa quả khi biết tin cha bị nạn, đều qua lại viện thăm cha động viên cha nhiều lần.
Có người còn bỏ cả thời gian vào tình nguyện chăm sóc cha, tán gẫu cho cha vui mà quên đi bệnh tật. Đến lúc đó, tôi mới hiểu một điều đơn giản rằng, tâm hồn con người, tấm lòng con người tôn vinh vị trí của họ trong xã hội chứ không phải là mũ cao áo dài hay những thứ phù phiếm khác. Tôi bắt đầu biết tự hào về cha.
Chúng tôi đã quen với việc cha chăm mẹ, chăm các con mà không quen khái niệm mẹ phải chăm sóc cha tận tình chu đáo những lúc cha đau ốm như nghĩa vợ chồng chia ngọt sẻ đau. Nhưng cái đau về thể xác của cha còn không kinh khủng bằng cái đau trong tâm hồn khi cha vừa xuất viện về nhà, chứng kiến mẹ bị một trận đánh ghen tơi tả của một đồng nghiệp trong cơ quan.
Trước những bằng chứng mà người phụ nữ kia đưa ra cho cha xem, thì rõ ràng mẹ đã phản bội cha và có tình cảm đi lại hẹn hò với một người đàn ông khác. Chúng tôi không thấy cha nói gì về việc này với mẹ, hoặc hai người nói với nhau lúc nào thì chúng tôi không được biết hay chứng kiến. Chỉ biết rằng sau chuyện đó, cha già sọm đi, mái tóc dày rụng phân nửa trông xơ xác.
Những ngày đó, ông bà cô chú phản đối mẹ, sang nhà kêu cha mẹ họp gia đình. Trước cuộc họp, cha một mực bênh mẹ, bảo vệ mẹ. Ngay cả thái độ của cha như vậy cũng không mảy may làm mẹ rung động. Có lẽ mẹ đã để cho trái tim lạc lối đến mù lòa. Sau chuyện đó, mẹ rời nhà sang nhà ông bà ngoại gần đó ở. Mẹ không muốn về lại ngôi nhà của mình.
Rồi không lâu sau đó, chính mẹ bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Mẹ bị tai biến mạch máu não khá nặng, nằm liệt giường sau một lần đi về muộn và gặp mưa. Chỉ, duy nhất mình cha, sau ông bà ngoại, là người ở bên cạnh mẹ, cho mẹ ăn, vệ sinh cá nhân cho mẹ, chăm sóc mẹ, lo cho mẹ từng ly từng tí một để giành lấy sự sống cho mẹ.
Cũng chính cha là người hộ lý ân cần nhất, người y tá mẫu mực và nhiều yêu thương nhất của mẹ đã vực mẹ dậy, lần tập cho mẹ những bước đi đầu tiên sau mấy tháng nằm liệt giường. Sau khi mẹ hồi phục, cuộc sống gia đình chúng tôi đã bước sang một trang mới. Lần đầu tiên, tôi đã thấy cha mẹ ngủ cùng giường với nhau.
Cha nói, cha nằm cạnh mẹ để canh sức khoẻ cho me, không nhỡ ra mẹ lại bị như lần trước. Từ đó, tôi bắt đầu nhìn thấy ngọn lửa yêu thương được nhen nhóm lên trong căn nhà của cha mẹ tôi. Từ đó, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được tình cha và mẹ hoà quện bên nhau, bên các con là thế nào.
Có một chi tiết này mà rất nhiều lần tôi đã định hỏi cha, nhưng rồi lại thôi. Tôi sợ động vào một ký ức khó quên của cha. Tôi sợ, cha lại sẽ nhói đau khi nhớ lại chuyện cũ. Đó là ngày đưa mẹ đi bệnh viện, tôi giúp cha lục tủ lấy thẻ bảo hiểm và tiền để đi viện. Tôi đã đọc được một xấp không dưới 10 cái lá đơn ly hôn do mẹ viết để xin ly hôn cha. Cả 10 lá đơn ấy chỉ có chữ ký bên nguyên đơn của mẹ. Phần bị đơn là cha bao giờ cũng để trắng. Ngày đó, sau tất cả những gì xảy ra giữa mẹ và cha, tôi đã không hiểu vì sao cha lại níu kéo mẹ để làm gì.
Giờ đây khi đã có gia đình, có con, chúng tôi cuối tuần lại đưa con cái về ríu rít bên ông bà ngoại. Nhìn ông bà tóc đã pha sương, rạng ngời bên đống cháu con trong mâm cơm quây quần, tôi cứ chỉ chực nghẹn trào nước mắt. Tôi hiểu cha tôi đã chọn cách hy sinh mình, cha đã chọn yêu thương để sống và giữ cho các con của cha một mái ấm trọn vẹn.
Kính thư: Hải Âu
0 comments:
Đăng nhận xét