26 tháng 3, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Hoang mang Style

Cái nghiệp mài chữ mà ăn cũng như anh thợ xây, thợ mộc, ráo mồ hôi là hết tiền.

 
    Con rắn Quý Tỵ đã bò gần hết khúc đầu. Sau giai đoạn “nay thét, mai gầm”, mọi thứ hình như cũng có bề ôn ổn. Ít nhất là dân ta chợ búa về đỡ “oai oái như nhái phải rắn” vì giá cả rồng rắn lên mây. Còn các chứng sĩ dạo này gặp bạn bè, bà con cũng đỡ dần cái cảnh len lét như rắn mùng năm, vì con sóng từ lăn tăn đến ù oạp cuối năm Rồng đến nay làm bà con đỡ cơn đói lòng… Nhưng nuối tiếc thì còn nhiều lắm!
    Mà cái chữ “Nếu”, đời dùng nhiều chứ đâu riêng gì dân ấp chứng. Cái ngày còn ngụp lặn dưới hố băng thì chỉ mong trồi lên được mặt đất là tất toán tài khoản cho nhẹ lòng. Nhưng lên đến mặt đất rồi lại nhìn thấy cơ mọc mầm sáng lắm. Mà kể cả đã mọc mầm rồi cũng lại chặc lưỡi, biết đâu đấy, “cây lớn người ôm nào chả xuất phát từ mầm nhỏ”… Nếu nó lên mươi phiên nữa thì sao, nếu giờ mới chỉ là chân sóng thì sao…
    Vậy từ đầu năm đến giờ dân ấp chứng nuối tiếc điều gì nhất? Chả điều tra cũng biết nó muôn hình vạn trạng. Kẻ đã bỏ đi thì tiếc sao không ngoảnh lại sớm, người ở lại tiếc sao không vồ đúng sóng, kẻ suýt xoa hết tiền (xoay được tiền thì sóng này mày biết tay ông), người hoang mang, đau đớn vì cắt lỗ sát gốc… vân vân và vân vân…
    Còn nếu ai hỏi mình có tiếc gì không? Xin thưa, có chứ. Điều nuối tiếc nhất của mình từ đầu năm đến nay là việc bầu Thụy bỏ chứng khoán!!!
    Thật ra cỡ mình làm gì thân quen, họ hàng với ông Thụy. Bạn bè lại càng không. Cũng chả máu me gì bóng đá Việt Nam để mà quen thân các bầu. Nhưng nỗi niềm tiếc nuối ấy có nguyên do của nó. Còn nhớ hình như năm 2011 thì phải, mình cứ ước ao, “giá mà mình được như anh ấy”. Đó là nghe ông Thụy kể trên báo rằng “tôi rất có duyên với chứng khoán”. Chả phải chờ đến lúc mua Chứng khoán Vincom mà ông đã đánh chứng khoán từ năm lẻ sáu, lẻ bảy cơ. Và kèm theo đó là nụ cười mãn nguyện rằng, “tôi cũng lời tương đối”.
    Mình nghe thế phục lăn. Sao lại có người đa di năng thế nhỉ. Từ bóng đá, chứng khoán, xây dựng, bảo hiểm…, cái gì ông cũng tâm đắc, cái gì cũng là sở trường và rất có duyên. Sao mình “ngành nghề cốt lõi” là đẽo chữ kiếm ăn còn lận đận, đầu tư ra ngoài ngành thì sạch bay cái tài khoản còi!
    Thế mà hôm trước lại đọc được cái tít “Bầu Thụy buông Chứng khoán Xuân Thành”. Mà buông thật. Sở hữu 81,5% vốn điều lệ Công ty, thế mà ông quyết bán hết. Về sau đọc kỹ. Hóa ra chuyên buông, bỏ cũng có nguyên nhân. Rằng “Bầu Thụy lỗ trăm tỷ vì chứng khoán”. Thử hỏi có nuối tiếc không? Có hoang mang không? Ai ở hoàn cảnh mình mới biết. Hoang mang lắm…
    Có thể các bác bảo chuyện bình thường. Đại gia, trung gia, tiểu gia còn ra đi đầu không ngoảnh lại nữa là. Mà chắc gì bầu Thụy đã có duyên. Chơi chứng khoán những năm 2006 - 2007, không lãi khẳm mới là chuyện lạ. Của đáng tội thì điều ấy đúng và cũng chẳng ai cãi được. Cho đến bây giờ, chả cứ mình mà nhiều bác (đồ chừng là cả các bác lãnh đạo ngành) hận cái giai đoạn ấy lắm… Bắt đầu từ cái ngày mà ông Bush con vào sàn phương Nam đánh trống gõ chiêng rồi ca cẩm, tiếc nuối, rằng “nếu còn trẻ, tôi cũng sang Việt Nam làm ăn”. Thế rồi, bắt đầu từ những người trẻ, lan sang các bác trung trung và các lão ông, lão bà, cứ “mua xong xuôi tất cả lại cười”… Để đến nỗi mà tại nhiều diễn đàn sau đó, một số bác bảo rằng, chứng khoán là dân nhà giàu, còn đầy chỗ cần cứu hơn là chứng khoán, cứ để nó xuống chán rồi lại lên.
    Nếu không có cái đận tăng như điên, sáng mua chiều lãi ấy thì chắc chả ai nỡ lòng nói thế??? Mà có khi bây giờ những người như bầu Thụy đỡ phải ra đi. Cũng đỡ có những câu chuyện mà dân bám sàn thường chế giễu nhau. Rằng cô giáo hỏi một học sinh: "Bố mẹ em làm nghề gì?" - "Thưa cô, bố mẹ em là nhà đầu tư chứng khoán". Cả lớp bỗng nhiên cười ồ lên. Cô giáo liền nghiêm mặt nói: "Các em trật tự! Không được chế giễu người nghèo đang gặp hoàn cảnh khó khăn".
    Mình thì mất mát cũng có mỗi cái tài khoản còi, nhưng khi nghe phân biệt đối xử thế lấy làm giận lắm, quyết bỏ chứng khoán. Về nhà tập trung vào ngành nghề chính, lấy việc đẽo chữ, gọt câu làm kế sinh nhai.
    Cái nghiệp mài chữ mà ăn cũng như anh thợ xây, thợ mộc, ráo mồ hôi là hết tiền. Bởi thời xưa, thời nay chỉ có chữ là rẻ. Thế mà hôm nọ lại nghe một bác đức cao vọng trọng hẳn hoi bảo, dân báo chí giàu lắm, lãi lắm. Xin xỏ giảm thuế cái gì. Mà hình như bác ấy trước cũng quản lý báo chí. Nhẽ nào lại nói sai nhỉ??? Hay là mình văn dốt, chữ dát nên nghèo. Chả lẽ lại bỏ báo như cái đận bỏ chứng ngày xưa. Lại thêm một lần nghĩ ngợi, một lần hoang mang…
    Toàn thế giới đang phát sốt với điệu nhảy người nghèo “Gangnam style”. Riêng mình mấy ngày nay lại nhảy điệu “Hoang mang style”. Nguyên cớ ư, vì bỗng dưng… hóa giàu! 
    (ĐTCK)

0 comments: