18 tháng 3, 2013

NHỊP SỐNG IRS: Cuộc sống là cho đi...


Đã từ lâu, anh chị em nhân viên IRS và các Nhà đầu tư thân thiết tại sàn khá quen thuộc với hình ảnh một nhà đầu tư  rất thân thiện, vui vẻ và năng động. Đó chính là cô Băng Thanh – người đã  cùng IRS trải qua những thăng trầm trong thời kì đầu, cũng như đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động Câu lạc bộ Nhà đầu tư.

Trong một ngày bận rộn chuẩn bị cho con gái yêu sắp lên xe hoa, cô đã dành chút thời gian quí báu của mình để chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm
hết sức thú vị về công việc, cuộc đời và cả  phương châm sống mà cô đã theo đuổi bấy lâu nay. 


Thưa cô, cô có thể nhớ được khoảng thời gian nào mình tham gia vào lĩnh vực chứng khoán?
Cô tham gia đầu tư chứng khoán lần đầu tiên vào năm 2000 tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Thời gian đó, cô vừa làm việc ở ngân hàng, vừa đầu tư chứng khoán. Tài khoản của cô nằm trong Top tài khoản 3 con số của Bảo Việt. Khi ấy, cô không biết gì về chứng khoán, nhưng dựa trên kiến thức có được từ công việc ở ngân hàng, cô tự học hỏi, tìm tòi, rồi tự chơi. Có gì không hiểu, cô nhờ công ty chứng khoán  tư vấn. Mãi sau này, cô mới sách bút theo học ông Tôn Tích Quý (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Chứng khoán).

Vâng, vậy khi mới tham gia, cô đã xác định Chứng khoán là một kênh kiếm tiến chưa? Hay đơn giản chơi chứng khoán vì bạn bè rủ, hay vì một lí do nào khác?
Cô theo chứng khoán ban đầu chỉ vì ham học hỏi, chứ cũng không có bạn bè rủ, càng không nghĩ sẽ đầu tư lâu dài. Lúc ấy cô chỉ gọi điện trực tiếp đến công ty, gặp nhân viên môi giới rồi mua bán, chứ thời gian lên sàn, xem bảng điện tử cũng không có. Mãi 2 năm sau đó, cô bắt đầu hiện đại hóa, sử dụng máy tính để thuận tiện hơn cho công việc và cuộc sống.

Cô có thể kể lại một chút kỷ niệm về quãng thời gian cô đã tham gia vào ngành này?
Khi mới bắt đầu tham gia, cô đầu tư cùng với bạn bè trong Ngân Hàng. Năm đầu tiên cô đầu tư được đến tiền tỉ vì lãi nhanh lắm. Tới tháng 8 năm 2001 thì lại mất sạch lãi. Tiếp tục đầu tư đến năm 2003, lãi cũng nhiều nhưng thị trường lại bị sập, mất hết, quay trở về vốn ban đầu, về hoàn toàn “mo” luôn. Đến năm 2005, gặp được OTC lại bắt đầu có tiền. Và tới năm 2006 thì ở thời kỳ đỉnh cao.

Mấy năm đầu cô chơi hưng phấn lắm. Thời gian ấy đầu tư rất dễ, không phải tính toán nhiều, cứ cuối phiên là đã thấy lãi về rồi. Đến lúc thua, thì lãi được 3, mình chỉ mất 1 hoặc hơn một chút cũng không thấy tiếc. Tiền lãi khi ấy cô sử dụng đầu tư quay vòng. Mãi cho tới sau 2006, khi ấy lãi đã nhiều thì mình rút số tiền lãi ra để mua nhà, mua đất. Sau đỉnh cao thì chỉ để lại 1 triệu đô, khi ấy là 15 tỉ để đầu tư chứng khoán.

Cô về IRS năm 2009, đầu tư được nhiều mà lãi cũng rất nhiều. Đến ngày 28 tháng 10 năm 2009, cô về Nghệ An 3 ngày không kịp rút, thị trường đổ đèo mất hai phần ba lãi. Sang tháng 3 năm 2010, cô rút hết, đầu tư toàn bộ mua vàng và đô. Vàng khi ấy chỉ 25, 26 (25, 26 triệu đồng/lượng – PV) mà cuổi năm khi cô bán đã là trên 30 nên năm ấy cô không mất mà còn có lãi. Năm 2011 và 2012 thì cô “hòa”, không mất cũng không lãi.

Đi cùng thị trường từ những ngày đầu thành lập, với 13 năm tham gia, cô hẳn đã tích lũy những kinh nghiệm cho riêng mình?
Cô chỉ là cán bộ viên chức, tuy làm Ngân hàng nhưng thời ấy của cô liêm khiết lắm, không có nhiều tiền đâu. Đầu tiên cô chỉ bỏ ra 200 triệu tiền vốn, vay của anh em họ hàng nữa thì lên được đến 500 triệu. Về sau chơi, biết vào biết ra nên luôn có lãi, đỉnh cao có số tiền đến hàng triệu đô. Theo kinh nghiệm của cô, mỗi năm có 2 đến 3 đợt sóng. Đúng sóng mình vào chứ không đánh thường xuyên, không đánh quanh năm. Mình chỉ bám sàn chứ không mua lặt vặt, không tham. Chứng khoán hay ở chỗ, cứ tham là mất dần. Chỉ nên mua ở vùng đáy, không tham bắt đáy, và “ra” ở vùng đỉnh. Kể cả bán trước cho an toàn.

Cô rút ra được 3 điều:
Một là: Không tham. 
Hai là: Chỉ bám vào sóng chứ không mua bán quanh năm.
Và cuối cùng là Nguyên tắc cho riêng bản thân: lấy mục tiêu không để mất tiền là kim chỉ nam, kể cả mất cũng chỉ được mất phần lãi, ngoại trừ khi không tránh được những tác động khách quan bên ngoài. Kể cả bạn bè có phong cách chơi liều lĩnh tác động đến thì mình vẫn phải giữ vững bản lĩnh vì cô có tuổi rồi không thể liều, chứ các bạn trẻ thì cứ vô tư đi.

Chứng khoán với cô là một kênh kiếm tiền, vậy tỉ lệ đầu tư chứng khoán so với tổng số tài sản của cô liệu có chiếm phần lớn?
Tính theo số tài sản cô có bao gồm sổ tiết kiệm, sổ đô, sổ vàng thì chứng khoán chỉ chiếm khoảng 30 %. Vì ở ngưỡng tuổi của cô đã bắt đầu cần thận trọng hơn. Còn khi trẻ thì đầu tư vô tội vạ lắm, vì lúc ấy đầu óc mình thông minh hơn lại nhanh nhạy. Bên cạnh đó, có kiến thức tài chính ngân hàng làm vốn, nên lúc ấy đơn giản nghĩ là mình có hai bàn tay, mất thì làm lại, không thấy lo sợ. Hai, ba năm trở lại đây thì cô mới cân nhắc, bắt đầu thận trọng hơn.

Trong lĩnh vực kinh doanh, cô cảm thấy mình đã được gì và mất gì?
Đầu tiên là mình được về kinh nghiệm, hiểu biết, được nhiều hơn mất. Riêng về chứng khoán, cô mới chỉ mất lãi chứ chưa bị “âm” vào vốn. Nghề này kiếm tiền nhanh, chỉ tại mình khi mới chơi chưa quen, vẫn còn tham, nên không rút kịp thành ra mất thôi.
Cô là người dường như có quan điểm rất thoáng về tiền bạc, liệu cô có thể chia sẻ được không?

Nhiều người từng nói: Không có tiền vẫn vui, nhưng cô thấy không có tiền chẳng làm được gì cả. Cô cần kiếm tiền để giúp đỡ anh em họ hàng, giúp đỡ ngời nghèo ở quê. Cô kiếm được 10, thì cô bỏ ra 5.

Hàng năm, cô đều về quê,  nhờ trưởng thôn lên danh sách những gia đình nghèo khó rồi cân đối tiền. Mỗi nhà cô giúp đỡ một ít, tùy hoàn cảnh. Người nghèo hơn, cần hơn thì giúp đỡ người ta nhiều hơn. Cô thường không thông qua tổ chức nào để ủng hộ, nếu có thì cũng chỉ rất ít vì cô muốn tự mình trao tận tay. Cái gì giúp được thì mình giúp. Người bị ốm đau, bị bệnh lên Hà Nội thì giúp người ta chạy chữa, cho ở nhờ nhà. Quê mình có lũ thì về giúp đỡ. Tùy từng năm, năm nào cô kiếm được nhiều thì ủng hộ nhiều, kiếm ít thì ủng hộ ít. Khi không có thì cũng làm nồi bánh chưng thể hiện tấm lòng.

Hẳn cuộc sống của cô rất bận rộn? Làm thế nào để cô có thể cân bằng cuộc sống của mình?

Với cô, có sức khỏe là có tất cả.
Bản thân cô bao giờ cũng phải đặt sức khỏe lên hàng đầu. Đặc biệt ở tuổi của cô, sức đề kháng thì yếu mà hấp thụ cũng kém hơn với ngày trước nên cô có học thêm về dinh dưỡng để tự chăm sóc cho chính mình và gia đình. Khi có vấn đề là điều chỉnh ngay.

Bên cạnh đó, cô thư giãn bằng cách đi chùa chiền, đi du lịch. Vừa thăm thú được nhiều nơi vừa mở mang thêm kiến thức.

Đến giờ phút này, liệu cô đã cảm thấy viên mãn với những gì mình đạt được hay vẫn còn điều trăn trở?
Thật lòng thì cô chưa cảm thấy hoàn hảo, vẫn thấy khiếm khuyết vì muốn mình có thể làm nhiều việc tốt hơn. Cô ước mong mình chỉ mới 40 tuổi thôi, và khi ấy cô có thể có nhiều thời gian hơn để tiếp tục học tập và làm việc, có thể cho đi và giúp đỡ nhiều hơn nữa.

Thành công như hôm nay, cô có thể dành cho giới trẻ đôi lời khuyên?
Điều cô muốn nói với giới trẻ là hãy luôn cố gắng không ngừng học hỏi, luôn làm mới, thay đổi bản thân mình. Trong cuộc đời, thay vì đi một đường thẳng mà hãy thử sức mình với mọi thử thách. Bên cạnh đó phải đặt cho chính mình một mục tiêu để cố gắng, kiếm tiền không phải cho bản thân, mà còn vì những người khác, vì gia đình, vì bố mẹ, vì người thân của mình.

Chẳng con đường nào trải đầy hoa hồng nên phải tự tạo cho mình nghị lực, phải có chí để vươn lên trong cuộc sống, lúc nào cũng phải hoàn thiện mình để tốt hơn. 

Ví dụ từ chính cô, chồng cô mất sớm, từ hơn 10 năm trước. Khi ấy cô đã vô cùng suy sụp, nhưng rồi cô đã tự mình cố gắng, vượt qua tất cả. Vì không ai có thể giúp đỡ được mình, nên mình phải đứng bằng chính hai chân của mình mới có thể vững vàng chống chọi lại sóng gió cuộc đời. Khi vượt qua được mỗi cửa ải, chính ta sẽ trưởng thành hơn rất nhiều và càng tiến gần hơn với thành công.

Lời khuyên nữa là tuổi trẻ kiếm được tiền hãy cứ hưởng thụ đi, vì khi có tuổi thì kể cả có tiền, cũng không thể có được niềm vui như khi mình còn trẻ được tận hưởng đồng tiền do mình kiếm được. Và đồng tiền phải kiếm bằng năng lực, bằng chất xám và sự chịu khó, chăm chỉ của chính mình, thì đồng tiền ấy mới có giá trị.

Và cuối cùng là, hãy học cách cho và nhận. Bởi khi cho đi, mình sẽ nhận lại những thứ còn đáng quí hơn cả tiền bạc và vật chất.

Vâng, cảm ơn cô đã dành thời gian cho buổi nói chuyện với IRS ngày hôm nay. Chúc cô và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều niềm vui trong cuộc sống!

4 comments:

Cảm ơn cô Băng Thanh đã giành cho IRS 1 chia sẻ hết sức thú vị!

"Sống trên đời sống cần có 1 tấm lòng...để gió cuốn đi..., cho đi tấm lòng, nhận lại tình yêu thương". Chúc cô luôn mạnh khỏe cô nhé!

Cháu vẫn luôn rất ngưỡng mộ cô, vì lúc nào cũng thấy cô hoạt bát, vui vẻ và hết mình cho mọi việc. Cảm ơn cô vì những chia sẻ, những kinh nghiệm hết sức thiết thực, bổ ích. Chúc cô luôn mạnh khỏe và nhận được thật nhiều từ cuộc đời này, cô nhé!

cam on loi nhan xet cua cac ban.chuc cac ban khoe manh,hanh phuc va thanh cong trong moi linh vuc cong tac nhe.