18 tháng 3, 2013

KỸ NĂNG SỐNG: Coi 1 đồng tiền là 10 đồng để dùng


Tiền không phải của chúng ta nhưng khi được ta tiêu dùng thì sự tiêu dùng ấy là của chúng ta. Vì sao vậy?

Coi 1 đồng tiền là 10 đồng để dùng
Coi mỗi đồng tiền là mười đồng để dùng

Thực tế, nhu cầu về nhu yếu phẩm trong cuộc sống của con người vốn dĩ không nhiều, cái chúng ta mong đợi thường là những sản phẩm… phi tất yếu, do đó đã hình thành nên sự lãng phí. Vậy nên nhiều người vẫn nói vui với nhau rằng: “Tiền không thiếu, nhưng nhiều thì không có”.

Nhu yếu phẩm như đồ dùng hàng ngày, thực phẩm là thứ không có nó sẽ nguy hiểm đến sự an toàn của sinh mạng. Nhưng nếu mua những thứ không cần thiết gọi là lãng phí. Còn tùy tiện tiêu pha, dù là đồ cần thiết cũng không được xem là hành vi tích phúc.

Một tờ giấy, khi nó là giấy nháp có thể viết hai mặt, đến khi không dùng được nữa có thể gói đồ vật và cuối cùng được thu hồi về để tái sản xuất giấy. Việc tận dụng tờ giấy đó một cách tối đa chính là tích phúc. 

Đa số dân văn phòng đều dùng đến giấy nhưng ít ai nghĩ được việc dùng đến một tờ giấy chính là dùng tiền. Số tiền này có được không hề đơn giản nên chúng ta nên tính toán kỹ càng, coi một đồng tiền thành mười đồng để dùng. 

Tôi từng làm việc với một số doanh nghiệp nước ngoài, được biết họ kiếm được rất nhiều tiền nhưng biết cách dùng tiền, cuộc sống vô cùng đơn giản. Một người bạn Nhật Bản của tôi quản lý một công ty con, cung cấp phụ tùng cho Yamaha có lần ngạc nhiên hỏi tôi: “Tôi không hiểu tại sao nhiều công nhân người Việt của tôi làm lương mỗi tháng có vài triệu mà mua chiếc áo những nửa triệu. Bạn biết chỗ nào bán áo không mắc tiền bảo tôi, tôi muốn mua chiếc áo sơ mi 200 nghìn thôi”. 

Ở một công ty khác do ông giám đốc người Pháp điều hành, ông ta tận dụng tất cả những tờ giấy nhân viên photo hỏng để làm giấy nháp. Ông nói rằng số tiền mà công ty kiếm được là kết quả nỗ lực của toàn bộ nhân viên. Nói theo lời Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, thì “cái gì thuộc về xã hội thì nên trả cho xã hội”, ông cho biết.

Khổ vì tiền là tình trạng chung

Sử dụng tiền và đồ dùng của công thì càng nên tiết kiệm, dùng theo hiệu quả và lợi ích kinh tế, như vậy tình trạng lãng phí sẽ không còn cơ hội phát sinh.

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng nên có thói quen tích phúc. Do chế độ phúc lợi ngày càng hoàn thiện, nhiều người không có quan niệm để dành. Vì vậy tình trạng thu không đủ chi xuất hiện nhiều. Nếu liên tục vay tiền mà không có kế hoạch tài chính rõ ràng, chẳng may xảy ra biến cố, nguồn tài chính của bạn sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng. Do vậy, bên cạnh việc cân nhắc giữa nhu cầu sản phẩm tất yếu và hàng xa xỉ, mỗi người cũng cần hiểu rõ về năng lực tài chính của bản thân để không vì tiền mà khổ suốt đời.

Cũng có những người thu nhập không cao nhưng hay làm việc thiện, năng bố thí người khác. Đây được xem là một hình thức“gửi tiết kiệm”. Tôi biết ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Thaihabooks thường xuyên đi xe buýt ra sân bay đi công tác, thay vì đi xe công hay taxi. Ông nói rằng mặc dù ngồi taxi hay xe buýt đều đến được một điểm, chi bằng ta tiết kiệm, sẽ bố thí được nhiều hơn. Thật ra một người không biết tích phúc mà chỉ biết hưởng phúc là người nghèo khổ nhất, cả đời họ không được sống trong vui vẻ hoặc niềm hạnh phúc giả tạo.

Tiền không phải của chúng ta nhưng khi được ta tiêu dùng thì sự tiêu dùng ấy là của chúng ta. Nghĩa là tiền tuy không phải của chúng ta, nhưng nếu ta lãng phí, không tích đức, món nợ “không tích đức” sẽ được gán lên đầu.

Cho nên khi dùng tiền, cần suy xét liệu có nên dùng hay không, có cách nào để tiết kiệm nhiều hơn không. Tiết kiệm cho công ty tuy không phải là tiết kiệm cho bản thân nhưng nếu như bạn có thể tiết kiệm thì vẫn là bạn tiết kiệm tiền. Bởi sự tích phúc này là vì mọi người, mang lại càng nhiều phúc lợi cho xã hội, và phúc báo sẽ dành cho bạn.

Do đó, người có phúc phải tích phúc, người không có phúc phải tạo phúc, người không đủ phúc phải bồi phúc. 
(TTVN)

0 comments: