20 tháng 3, 2013

KỸ NĂNG SỐNG: Vợ.... chặt


Mỗi lần đến thăm nhà cậu bạn thân về, tôi lại có cảm giác chạnh lòng. Vợ bạn tính cách phóng khoáng bao nhiêu thì Nga - vợ tôi lại chặt chẽ bấy nhiêu. Đành rằng Nga chắt chiu, dành dụm là vì chồng con nhưng tôi vẫn có cảm giác bức bối.

Vợ... chặt

Nga lúc nào cũng căn cơ trong việc quản lý tài chính. Phương châm được Nga áp dụng triệt để là kiếm được 10 đồng thì chỉ nên tiêu 3 hoặc 4 đồng, phần còn lại tiết kiệm phòng khi có công việc mà nhiệm vụ quan trọng trước mắt là mua nhà để “an cư lạc nghiệp”. Rồi còn phải tích lũy cho học hành của con cái, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên lúc tuổi già. Tuy không bắt tôi hàng tháng phải “nộp” lương song Nga khéo léo thiết lập nội quy gia đình để đưa tôi vào khuôn khổ, hình thành thói quen lĩnh lương xong là đưa ngay cho vợ. Thi thoảng, tôi bốc đồng “vung tay quá trán” mời bạn bè, đồng nghiệp đi nhậu nhẹt, hát hò liền bị Nga “tuýt còi” ngay. Những dịp lễ Tết, kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật con, tôi ngỏ ý tổ chức liên hoan mời họ hàng, bè bạn, Nga chủ động bàn đi chợ mua đồ về chế biến, vừa ấm cúng lại đỡ tốn kém, hợp vệ sinh. Được cái Nga nấu ăn ngon, nói năng khéo léo nên tôi cũng “mát mặt”. Thế nhưng những lúc men rượu ngà ngà, nghe cậu bạn thân khích bác là “không chịu chơi”, là “bị vợ lãnh đạo” rồi vỗ ngực khoe bỏ ra gần hai chục triệu đồng làm lễ đầy tháng hoành tráng cho cậu quý tử ở nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố, được vợ mua tặng chiếc đồng hồ hàng hiệu trị giá 2 nghìn đô... tôi lại giấu tiếng thở dài.

“Anh này! Chiều nay bác cả gọi điện nói sẽ bán nhà chuyển vào Nam sống với các con. Em nghĩ, vợ chồng mình nên mua. Con Bống sắp vào lớp 1 rồi, cu Bi cũng đã 3 tuổi, cần có không gian sinh hoạt, học tập ổn định...”. Chưa nghe Nga nói hết câu tôi đã phá lên cười: “Em đang nằm mơ giữa ban ngày à? Em có biết ngôi nhà đó bao nhiêu tiền không? Tỷ rưỡi...”. Tôi chưa nói hết câu, Nga đã mở tủ lấy ra một chiếc hộp đặt xuống trước mặt tôi: “Đây là toàn bộ tài sản 8 năm qua chúng mình dành dụm được. Được tất cả một tỷ hai, còn thiếu 3 trăm triệu nữa. Nhưng hai bác đồng ý cho nợ lại, trả dần trong 2 năm”.

Cầm trên tay tập sổ tiết kiệm, cái vài chục triệu, cái đôi, ba triệu, thậm chí có cái chỉ vài trăm nghìn, tôi thấy lòng rưng rưng. Sửng sốt, vui mừng xen lẫn nể phục vợ. Hàng tháng, tôi đưa về chưa đến hai chục triệu rồi phó thác mọi khoản chi tiêu từ ăn uống, sinh hoạt, đối nội, đối ngoại, học hành của con cái cho Nga. Thấy vợ hết làm việc ở cơ quan lại tất tưởi nhận làm quyết toán sổ sách thuê cho vài doanh nghiệp tư nhân nhưng tôi chưa một lần bận tâm tới chuyện Nga kiếm được bao nhiêu tiền. Nhìn vợ tiêu pha tằn tiện, ăn mặc giản dị, tôi đinh ninh lương Nga không cao, vậy mà...

Đúng hôm chúng tôi chuyển nhà thì cậu bạn thân gọi điện cầu cứu: “Thằng bé bị ốm phải nhập viện. Cho mình vay gấp 5 triệu nhé”. Tôi tức tốc mang tiền đến, cậu bạn rầu rĩ than thở: “Tháng nào mình cũng đưa lương cho vợ, thi thoảng cô em gái định cư ở nước ngoài gửi biếu mấy nghìn đô mình cũng đưa hết, vậy mà giờ hỏi đến chẳng còn xu nào. Phụ nữ mà tiêu pha không kế hoạch thì bao nhiêu tiền cũng không vừa”.

Tôi thấy mình thật may mắn có Nga. Sự đảm đang, chín chắn trong việc quản lý tài chính của cô ấy đã đưa gia đình tôi phát triển.
(PNVN)

0 comments: