7 tháng 8, 2012

KỸ NĂNG SỐNG: Chi tiêu khôn ngoan để tích lũy làm giàu

..."Một cái hắt hơi của người tiêu dùng cũng được họ thu vào tầm mắt. Một động tác chọn lựa cũng được tán thưởng. Và cứ thế, một bên liên tục móc hầu bao, một bên hưởng lợi nhờ sự sáng tạo dựa trên nhu cầu của người khác. Và cho đến khi hầu bao cạn, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi tại sao?"...


Chúng ta đang mua sắm kiểu gì?
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại cách chi tiêu của bản thân và gia đình mình khi tình hình khó khăn kinh tế là có thật, thu nhập ngày càng khó khăn nhưng chi tiêu thì không dễ cắt giảm. Trong cuộc sống, khó nghĩ nhất là khi phải trả lời câu hỏi “có – không”. Việc tiêu dùng cũng vậy: bạn khó lòng dứt khoát “Tôi sẽ không chi tiêu để tiết kiệm tiền”. Cách làm khôn ngoan nhất chính là tự điều tiết việc chi tiêu cho phù hợp với thu nhập của bản thân.
Khi shopping ngoài nghĩa thông thường còn được định nghĩa như một cách giải trí, xả stress cho những người có thu nhập cao hay thậm chí cả những người thu nhập không bắt kịp nhu cầu mua sắm, các nhà kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị được dịp thỏa sức vẫy vùng. Tấn công vào túi tiền của người tiêu dùng, họ có cả “công nghệ” –“công nghệ” khai thác tâm lý người tiêu dùng. 

Một cái hắt hơi của người tiêu dùng cũng được họ thu vào tầm mắt. Một động tác chọn lựa cũng được tán thưởng. Và cứ thế, một bên liên tục móc hầu bao, một bên hưởng lợi nhờ sự sáng tạo dựa trên nhu cầu của người khác. Và cho đến khi hầu bao cạn, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi tại sao? 

Đơn giản, câu trả lời là do quan điểm về giá trị sống của người dân đã thay đổi. Ngày nay, người ta có xu hướng theo đuổi những giá trị vật chất có thể dễ dàng phô diễn ra bên ngoài hơn. Chẳng hạn như mặc một cái áo đắt tiền, xuất hiện ở những nơi sang trọng, dùng những câu chữ xì-tai hơn… Đơn giản, những giá trị dạng này dễ tìm kiếm hơn giá trị từ bên trong của con người.
Mua một chiếc xe đắt tiền dù sao cũng dễ hơn việc phải tập cách nhìn lạc quan trong cuộc sống, nhất là trong những trường hợp phải đối diện với thử thách lớn. Một đằng bạn chỉ cần cố công kiếm tiền, một đằng có khi bạn phải loay hoay cả đời mới nghiệm ra chân lý. Thế nhưng, đổi lại bạn sẽ dễ bị nghiện: nghiện shopping, nghiện đổi điện thoại, nghiện chơi xe… Nghĩa là bạn đánh mất dần khả năng tự chủ cảm xúc của mình. Và khi đó, bạn sẽ là “nô lệ” cho bên còn lại. 
Cụ thể, những người nghiện shopping sẽ là “nô lệ” trước tiên cho các trung tâm thương mại, sau nữa là các nhà sản xuất, kinh doanh… Đồng nghĩa với việc tiền trong túi bạn dễ dàng bị tác động, chuyển sang túi người khác. 
Cho dù, bạn không phải là con nghiện shopping thì việc mua sắm ngày nay cũng đã là cuộc chơi không cân sức giữa người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, tiếp thị. Bởi các nhà kinh doanh, tiếp thị rất kì tài trong việc khai thác tâm lý người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng thì rất mù mờ chiều ngược lại. Người tiêu dùng nghiên cứu ngược trở lại những nhà sản xuất, kinh doanh là điều chưa từng có. 
Tuy nhiên, vẫn có cách giải quyết sự không công bằng kia. Đơn giản lắm, bạn chỉ cần luôn nhận thức được điều này: mua sắm là một cuộc chơi dành cho cả hai bên. Bên bán sẽ tấn công liên tục,  còn bạn, bên mua sẽ phải biết làm chủ cảm xúc của mình.
Muốn vậy, đừng bao giờ đi shopping khi chưa có danh sách những thứ cần mua. Nghĩa là khoan hãy tiến hành mua sắm nếu chưa lập kế hoạch chi tiêu như thế nào cho phù hợp với thu nhập của bản thân và gia đình bạn. 

Thế nào là lập kế hoạch chi tiêu?
Không phải dễ để quyết định xem nên mua gì và bỏ qua gì khi nhu cầu trong một gia đình là rất đa dạng. Với trẻ con (con cháu trong nhà), nhu cầu thế này. Với người lớn tuổi (ông bà, cha mẹ hai bên) nhu cầu lại thế khác. Nhưng thu nhập thì lại có hạn, sẽ cân đối thế nào đây trước nhiều loại nhu cầu chi tiêu như thế?
Trước tiên, hãy phân chia nhu cầu vào các khoản mục: Nhóm nhu cầu cá nhân, nhóm nhu cầu gia đình, nhóm nhu cầu giải trí, nhóm nhu cầu đi lại… Trong từng khoản mục, xem xét xem đâu là thứ bắt buộc phải có, đâu là thứ không có cũng không sao. Từ đó, bạn có thể lập danh sách những thứ cần chi tiêu cho bản thân và gia đình phù hợp nhất với thu nhập thực tế.
Đây là cách lập kế hoạch chi tiêu từ thu nhập phân bổ xuống nhu cầu. Với kỹ thuật này, bạn có thể kiểm soát được chi tiêu của bản thân và gia đình mình trong khoản thu nhập cho phép.
Như thế, không có nghĩa là luôn phải chi tiêu kiêng khem, bó buộc. Đối với những nhu cầu xa xỉ, bạn chi tiền để có cảm giác sung sướng, thỏa mãn, cuộc sống vì thế thêm màu sắc, hương vị. Hãy chi tiêu cho những nhu cầu dạng này một cách thật khôn ngoan. Nghĩa là có sự chuẩn bị và giới hạn rõ ràng. Chẳng hạn, gia đình bạn có mức thu nhập trung bình nhưng vẫn có thể đến thưởng thức món ăn ở các nhà hàng Âu-Á nổi tiếng với điều kiện bạn phải có sự tích lũy, chuẩn bị cho những lần chi tiêu xa xỉ như thế và mỗi năm chỉ nên có một vài lần như vậy mà thôi.
Không phải tất cả thu nhập trong một tháng đều được dùng cho việc mua sắm. Thu nhập dùng để phân bổ cho kế hoạch chi tiêu hàng tháng của bản thân và gia đình nên được phân bổ theo gợi ý như sau: 
•    10% - 20% tổng thu nhập được để riêng và quên hẳn nó đi. Đây gọi là tích lũy hưu trí. 
•    20% - 30% tổng thu nhập gọi là tích lũy lâu dài cho những trường hợp bất khả kháng như ốm đau, hữu sự hay cũng có thể để mua sắm những thứ có giá trị lớn như mua xe, mua nhà…
•    10% - 15% tổng thu nhập cho nhu cầu phát triển bản thân để đầu tư cho học tập
•    Phần còn lại dùng cho chi tiêu bắt buộc trong gia đình hàng tháng. 

Làm chủ cảm xúc khi ra quyết định mua sắm
Có kế hoạch chi tiêu cũng chưa hết rủi ro. Nhất là khi việc mua sắm ngày nay của người tiêu dùng được các nhà quảng cáo, tiếp thị tấn công liên tục bằng đủ mọi hình thức từ trực quan sinh động như mời dùng thử, khuyến mãi, quảng cáo… cho đến tác động gián tiếp như tổ chức các sự kiện rầm rộ, thu hút sự chú ý và dẫn dắt người mua. Sau đây là một phương pháp đơn giản mà hiệu quả giúp người tiêu dùng làm chủ cảm xúc trong mua sắm. 
Khi đứng trước một món hàng, để bình tĩnh ra quyết định, bạn hãy liên tục đặt các câu hỏi:
•    Thật sự, mình có cần món hàng này hay không?
•    Ba ngày sau, mình còn cần món hàng này nữa hay không?
•    Mua món hàng đó, mình mất bao nhiêu phần trăm tháng lương?
•    Và cuối cùng, nếu vẫn còn đắn đo chưa thể ra quyết định, hãy quay trở lại vào ngày hôm sau. Bởi vì, các nhà sản xuất rất giỏi trong việc tạo cảm giác khan hiếm cho mặt hàng của mình, rằng nếu không nhanh tay thì sẽ hết. 
Nghiên cứu cho thấy, 80% các bạn sẽ không quay trở lại để mua hàng trong những trường hợp như thế.

0 comments: