Các bạn ạ, ngồi mâm rượu mà mình cứ cắm cúi bốc bải, trong khi “người lớn” đang lục tục rời mâm thì… bất nhã lắm!
Một buổi sáng mùa Đông năm 2007, tại ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bản nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet…
Trong thời gian ấy, có chừng 2.000 người đi qua, đa số đang trên đường đến sở làm. Dường như không ai chú ý đến anh ta.
Sau khoảng 3 phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua, thấy nhạc sỹ đang chơi vĩ cầm. Ông đi chầm chậm, dừng lại vài giây, rồi vội vã đi tiếp cho kịp giờ làm...
4 phút sau: Nhạc sỹ nhận được đồng đô la đầu tiên do một người đàn bà ném vào thùng đàn của anh, nhưng không dừng lại mà tiếp tục bước đi.
10 phút: Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng người mẹ vội vàng lôi em đi tiếp. Bé cứ quay đầu nhìn lại, nhưng mẹ đẩy mạnh nên em đành phải bước đi.
45 phút: Nhạc sỹ vĩ cầm vẫn tiếp tục gảy đàn. Chỉ có 6 người dừng lại, lắng nghe trong vài ba phút, rồi cũng bỏ đi.
1 giờ sau: Anh ta ngừng chơi và không gian im lặng trở lại. Không một tiếng vỗ tay và cũng chẳng có một lời tán thưởng.
Không ai biết chàng thanh niên ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sỹ vĩ cầm nổi danh nhất thế giới. Trong hơn 45 phút qua, anh đã chơi những kiệt tác phức tạp nhất bằng cây đàn vĩ cầm trị giá khoảng 3,5 triệu đô la. Hai ngày trước đó, Joshua Bell trình diễn tại một nhà hát ở TP. Boston, vé bán hết, mỗi vé là 100 đô la. Ban tổ chức sẵn sàng trả 1.000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!
Đây là kết quả của cuộc thử nghiệm do Báo The Washington Post tổ chức. Ban tổ chức chọn địa điểm biểu diễn là trạm ga ''L'Enfant Plaza'' trong giờ cao điểm 7h45.
Các nhà thử nghiệm nghĩ rằng, tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng, Joshua Bell có thể sẽ thu hút rất đông khán giả và có lẽ họ sẽ phải nhờ cảnh sát đến đó để giữ trật tự.
Nhưng than ôi, chỉ có một người nhận ra Bell , vì trước đó ba tuần, cô ta có đi xem anh trình diễn. Còn lại, có thêm một người quan tâm đến anh, chính là bà lao công của trạm tàu. Bà ấy có ý kiến vì bản nhạc của Joshua Bell… đánh quá to!
Một số bài học rút ra từ câu chuyện này:
1. Đa số chúng ta đang sống quá nhanh đến mức những điều tốt đẹp xung quanh chỉ còn mờ mờ nhân ảnh.
2. Có đầy cơ hội để thưởng thức những điều kỳ diệu trong cuộc sống, nhưng ta luôn mặc định cuộc sống không có điều kỳ diệu nên đã vô tình bỏ qua khi nó hiện ra.
3. Nhưng kết luận cuối cùng được rút ra là cái gì cũng phải hợp cảnh, hợp tình. Các cụ bảo, “Đàn đâu đàn gảy tai trâu. Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi”. Ý muốn nói là đừng trách con trâu không biết nghe đàn, mà phải trách ai đã mang đàn đến gảy làm điếc tai trâu… Thính phòng khó nghe ở giao lộ, trong khi rock chẳng hợp với những khán giả chỉn chu.
Có một câu chuyện khác. Ở TTCK Việt Nam . Tuần vừa rồi có chuyên gia chứng khoán ngao ngán than rằng, “chứng khoán là món ăn ngon nhưng đang bị chê”. Rồi ông ấy kể, có cậu lái taxi được biết ông làm ngành chứng khoán thì bảo, “em cũng không rõ chứng khoán thế nào nhưng nghe nói nó giống lô đề phải không anh?”.
Kể cũng cay, ai lại đi so sánh một thứ phức tạp, trìu tượng với môn chơi phổ thông như thế. Ít nhất, nhìn bằng mắt thường ta cũng thấy, sàn chứng có hơn 700 con và còn nữa. Còn bộ môn đánh đề thì chỉ… 99 con là cùng. Nhưng hẵng tạm bỏ cái cay sang một bên. Ta hãy cùng chiêm nghiệm một số bài học rút ra từ câu chuyện này.
1. Nếu món ấy ngon nhưng bị chê thì có hai khả năng xảy ra. Một là bản thân món ấy bị đa số cho là không ngon, hai là nó được nếm vào cái khung cảnh chẳng hợp lý gì, ba là (cái này mới quan trọng), cơ thể ốm yếu, mồm miệng đắng nghét thì rượu nồng dê béo cũng như nhai rơm, ép uổng tống vào có khi bội thực mà chết.
2. Thế nào là món ăn ngon? Người xưa từng nói “bá nhân bá bụng bá bao tử”. Cứ như câu này thì trong thiên hạ mỗi người một ý riêng, khen ngon và chê dở, không ai giống ai cả. Không phải cao lương mỹ vị lúc nào cũng ngon, ăn mãi thành nhàm chán, phải trở bữa, phải đổi món và có khi phải chờ món “mầm đá hầm nhừ” mới biết gạo đồng rau mắm là ngon.
3. Trách cậu taxi, nhưng cũng giật mình vì vừa rồi các chuyên gia và nhà quản lý vẫn còn đang sôi nổi bàn luận, liệu sàn chứng khoán có phải là sòng bạc? Khổ, ai vào thị trường với tâm thế của con bạc thì nó sẽ là một sòng bạc, ai đầu tư thì nó sẽ trở thành chốn đầu tư chứ nhỉ? Còn nếu người ta đầu tư mà vẫn trắng tay bởi những tay bạc bịp thì lỗi này rõ là của nhà cái rồi.
Chứng khoán mấy năm nay, kẻ khôn thì đã thoát ra cả. Cố đấm ăn xôi còn lại thì chỉ có một trong hai trường hợp. Một là kẻ dại như mình, hai là do cái thói quen vô thức, đầu nghĩ ngợi mông lung, tay rờ rẫm đặt lệnh…
Cái chi tiết thằng bé dừng lại ngó ông nhạc sĩ nhưng cứ bị mẹ lôi đi ấy cứ khiến mình cứ hình dung ra cảnh các NĐT cỏ đang “một mình một mâm”. Trong khi “người lớn” cỡ EVN, PVN… thì đang thề “cai” chứng, cai đất.
Trở lại việc ăn uống, có câu chuyện rằng, một anh đi ăn cỗ cưới ở làng bên, cứ gục đầu gắp không để ý đến ai cả.
Khi anh ta về, chị vợ hỏi:
- Hôm nay anh ngồi ăn cỗ với ai?
Anh ta thản nhiên đáp:
- Chả biết nữa! Khi tôi ngẩng đầu lên thì không thấy còn ai hết cả.
Các bạn ạ, ngồi mâm rượu mà mình cứ cắm cúi bốc bải, trong khi “người lớn” đang lục tục rời mâm thì… bất nhã lắm!
(ĐTCK)
0 comments:
Đăng nhận xét