16 tháng 9, 2009

ĐIỀU CON MUỐN NÓI...


Rất cảm ơn tác giả wavebluechips đã sưu tầm và post lên Blog một bài viết về các bà mẹ, được rất nhiều các nhà đầu tư của IRS hưởng ứng nhiệt tình. Đúng là đề tài về cha mẹ, nhất là về người mẹ, thực sự là một đề tài mênh mông, muôn thuở không bao giờ có thể dùng lời nào tả hết, giống như đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với dân tộc VN vậy….

Để hưởng ứng đề tài tuyệt vời này, tôi đã nung nấu ý tưởng viết về người mẹ thân yêu của mình ngay khi lần đầu đọc câu chuyện “Hai người phụ nữ của đời tôi” trên Blog, nhất là sau khi đọc bài viết của chị Ánh Ngọc về cha mẹ mình.

Tôi muốn nhấn mạnh là, những điều tôi viết dưới đây chỉ là một số trong rất nhiều những điều đã xảy ra trong cuộc sống mà mẹ tôi đã trải qua và chịu đựng để nuôi nấng tôi lớn lên, nên người, khoẻ mạnh và trưởng thành như ngày hôm nay...

Ngược lại thời gian cách đây hơn 40 năm, ngày tôi chào đời, theo lời mẹ tôi kể lại, đó là một ngày gần Tết, trời rét buốt và mưa phùn. Tôi ra đời ở một nhà hộ sinh nghèo nàn, đơn sơ thiếu thốn mọi bề, thuộc một làng quê thuần nông cách HN khoảng 30 cây số. Quê tôi tiếng là cách không xa HN nhưng cũng nghèo khổ như bao làng quê khác của Việt Nam thời đó.

Nếu như theo tiêu chuẩn của trẻ sơ sinh hiện nay, có lẽ tôi đã phải nằm trong …lồng kính để nuôi, vì các em bé sơ sinh ra đời hiện nay thông thường từ 3,5 – 4 kg còn tôi lúc đó, ra đời không khác gì một “con chuột” theo đúng nghĩa đen của từ đó. Như lời mẹ kể lại, tôi chỉ nặng khoảng 1,2 hay 1,5 kg gì đó thôi.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ, do hai chị em tôi được cha mẹ sinh ra quá dày, quá gần nhau (chị tôi cách tôi 1năm rưỡi). Hơn nữa, ở quê tôi, các bà mẹ không có khái niệm nghỉ dưỡng thai hay nghỉ trước khi sinh nở, cộng với việc ăn uống thiếu thốn, kham khổ của mẹ. Các bà mẹ, kể cả khi mang bầu, vẫn phải làm việc quần quật suốt ngày ở nhà, ở ngoài đồng. Trước khi sinh ra tôi một ngày, mẹ vẫn phải ra đồng cấy lúa, làm các công việc đồng áng nặng nhọc.

Chao ôi, thật vất vả cho mẹ ! Tuy rằng, mẹ tôi không phải là nông dân mà là giáo viên cấp 2 trường làng nhưng vì là lấy chồng ở một nhà làm nông nghiệp nên công việc đồng áng vẫn phải làm sau những giờ lên lớp. Tuy thế, nhưng mẹ tôi vẫn làm rất chăm chỉ và thành thạo.

Ngày xưa ở quê, người ta hay có lệ lấy con dâu về để có thêm người làm trong nhà, vì thế thường con gái lấy chồng rất sớm, có khi chỉ khoảng 12 tuổi đã phải lấy chồng. Bởi vậy, gia đình ông bà nội tôi cũng không thể khác lệ được.

Với những lý do như vậy, nên tôi sinh ra đã thiếu cân, suy dinh dưỡng nặng, bệnh tật triền miên. Tôi phải uống thuốc kháng sinh như ăn cơm hàng ngày. Một đứa bé sinh ra đỏ hỏn như con chuột là tôi, tại một nhà hộ sinh của làng không đủ điều kiện, cộng thêm việc vuốt ve, bồng bế thái quá của các bà, các chị chân lấm tay bùn khi vừa ở đồng về, thử hỏi làm sao mà tôi lúc đó không bị nhiễm trùng?

Tôi bị tưa lưỡi dẫn đến viêm tai giữa (VTG) cấp tính, dần dần biến thành mãn tính. Bệnh đó đã đi theo tôi, hành hạ tôi suốt gần 30 năm sau này làm mẹ vất vả vô cùng. Có những lúc, tưởng chừng tôi không qua khỏi, mẹ đã phải rơi nước mắt rất nhiều cho đứa con trai bé bỏng, bệnh tật, tội nghiệp… của mình.

Với một thân hình còm nhom, ốm yếu và bệnh tật suốt như vậy, mẹ đã phải khổ sở, vất vả khôn lường trong suốt quá trình nuôi nấng tôi hồi nhỏ.

Ngay từ khi mới chào đời, do sinh hoạt, ăn ở mất vệ sinh, nên tôi đã bị mụn nhọt như những đầu đinh khắp đầu. Nghe mẹ kể lại, vì đau, tôi đã khóc suốt nhiều đêm, ròng rã từ ngày này qua ngày khác, hàng tuần liền. Mẹ không thể đặt nổi tôi xuống giường một cách bình thường như bao đứa trẻ khác vì tôi không thể nằm được. Bà đã phải thức trắng nhiều đêm, bế cho tôi nằm ngủ trên ĐÔI - TAY - CỦA - MÌNH !

Thế rồi, cái bệnh VTG mãn tính cứ thỉnh thoảng lại hành hạ tôi mỗi khi tôi chót nghịch ngợm tắm ao hay nghịch nước, đồng thời lại hành hạ cả mẹ tôi (lúc đó chỉ có mẹ chăm sóc tôi và chị tôi do bố tôi đi công tác xa dài ngày).

Còn nhớ, năm tôi học lớp 6, khoảng 12 tuổi, bệnh VTG của tôi ngày càng trầm trọng. Tôi đã phải đi viện cấp cứu. Vào đến bệnh viện, khám xong, bác sỹ đã phán ngay một câu “xanh rờn”với mẹ tôi “Trường hợp này khó qua khỏi chị ạ. Tôi rất tiếc…” Tôi không thể tưởng tượng được, mẹ tôi lúc đó như thế nào ? Trời sập ngay trước mắt, đất sụp ngay dưới chân ??? Tôi lại là cậu con trai duy nhất trong nhà, trong họ của ông bà nội tôi, bố thì đi xa không biết bao giờ mới về…

Lúc đó, bệnh viện nơi tôi chữa và điều trị cách nhà mẹ con tôi ở cả chục cây số, đường xá khó khăn vô cùng, phương tiện đi lại duy nhất là xe đạp. Sau khi tôi được nhập viện, mẹ tôi phải về trường dạy học (lúc đó bà đã học xong tại chức ĐH và là giảng viên của trường ĐH Sư phạm ở Cầu Giấy). Dạy xong buổi chiều tối, bà lại hớt hải đạp xe lên viện với tôi.

Hôm đó, trời mưa như trút nước, có lẽ, đó là trận mưa lịch sử lớn nhất của Hà Nội lúc bấy giờ. Hầu hết cả quãng đường hơn chục cây số, đường ngập nước, mẹ tôi đã phải dắt xe. Nhưng vì tôi, vì đứa con trai bé bỏng ốm đau bệnh tật, đang thập tử nhất sinh chưa biết xa mẹ ngày nào nên quãng đường dù xa cũng trở nên gần, đi mãi rồi cũng phải đến.

Hai tuần tôi nằm viện là cả hai tuần, buổi chiều nào mẹ cũng đạp xe hơn 10 cây số để chăm nom, săn sóc tôi. Có lẽ, ông trời thương cho sự vất vả của mẹ nên cuối cùng, nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sỹ và sự chăm sóc của mẹ, tôi cũng đã qua khỏi. Tôi đã đi học trở lại bình thường sau đúng 14 ngày nghỉ học…

Với một thể trạng ốm yếu, sau này, trong quãng thời gian lớn lên , tôi còn mắc rất nhiều căn bệnh khác như viêm gan, ốm đau quặt quẹo hay mổ tai (để chữa triệt để bệnh VTG mãn tính).

Những lúc như vậy, mẹ lại là người lo lắng nhất, vất vả nhất trong việc chăm sóc tôi. Những ngày tôi phải nằm điều trị bệnh viêm gan hơn 2 tuần trong viện là những ngày, hai bữa cơm, mẹ phải mang vào cho tôi vì sợ tôi ăn uống trong viện không đảm bảo cho việc hồi phục sức khoẻ.

Tôi vẫn còn nhớ, có một lần, hồi tôi khoảng gần 5 tuổi , trong khi chơi bập bênh với chị gái tôi ở trường mẫu giáo làng, tôi (một cậu bé còm nhom ốm yếu) đang ngồi một bên của bập bênh thì chị tôi (to béo nặng ký) nhảy lên ngồi ở đầu bên kia. Và thế là tôi bị hất tung lên trời một cách bất ngờ như một …quả bóng, ngã xuống đất đầu be bét máu. Đúng lúc đó mẹ tôi đi qua, mẹ đã sợ hãi vô cùng, vội vã bế tôi vào trạm xá để băng bó. May thay là tôi cũng không bị làm sao. Nhưng tôi biết, lúc đó, mẹ đã lo lắng cho tôi đến nhường nào !...

Quê tôi hồi đó đường xá rất thô sơ, hầu như là đường đất, mỗi lần trời mưa là khốn khổ vì sống trâu với ổ gà, ổ voi. Đạp xe đạp không nổi vì trơn trượt ,nên hầu hết trên suốt cả quãng đường, mẹ đã phải đặt đứa con trai bé bỏng trên xe để dắt khi về quê thăm ông bà hay vào những dịp giỗ, tết. Vất vả như vậy, nhưng không bao giờ thấy mẹ có một lời kêu ca, phàn nàn…

Rồi còn rất nhiều, rất nhiều những kỷ niệm khác trong cuộc sống mà một đứa con như tôi đã mang lại cho người mẹ sự vất vả lo toan vô bờ bến… cho đến tận ngày hôm nay.

Đến nay, tuy đã trưởng thành, đã khoẻ mạnh, đã lập gia đình nhưng thực sự tôi cũng chưa chăm lo, nuôi nấng cha mẹ được ngày nào nên hồn.

Cha mẹ hãy tha lỗi cho con !

Mẹ ơi, điều con muốn nói ………………. là MẸ, các bà mẹ trên trái đất này sao mà vất vả thế, nhân hậu thế, tốt thế, vĩ đại thế ?????

Các con đã, đang và sẽ không bao giờ có thể làm gì để đền đáp được sự lo toan, vất vả suốt một đời của mẹ để nuôi nấng các con khôn lớn, nên người . Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trường hợp nào, mãi mãi và … mãi mãi vẫn là như vậy ...

Con của mẹ…

Hà Nội đêm, tháng 9 năm 2009.

LTN

17 comments:

Đọc những dòng tâm sự này của anh, em đã rất ngậm ngùi và khóc...

Trên thế gian này, không có gì có thể so sánh được với tình mẫu tử, không có gì có thể so sánh được với tấm lòng và sự hy sinh cao cả của người mẹ... MẸ của anh chắc sẽ hạnh phúc lắm! Hạnh phúc vì MẸ đã vượt qua tất cả để giành giật sự sống cho đứa con của mình! Hạnh phúc vì MẸ đã được nhìn thấy anh cười, sống khỏe mạnh và hạnh phúc!

Cám ơn cuộc đời thật nhiều vì đã có những người Mẹ!

Anh nói đúng, tất cả chúng ta đã, đang và sẽ không bao giờ có thể làm gì để đền đáp được sự lo toan, vất vả suốt một đời của mẹ, bởi vì "Dẫu con đi hết cuộc đời/ Cũng không hết nổi những lời mẹ ru"...

Em Chung! Em chưa từng làm mẹ. Cũng chưa từng làm vợ. Em vẫn là thiếu nữ. Thế mà đã cảm nhận hết nỗi đau của người vợ mất chồng, của người mẹ suýt mất con. Em rất là phụ nữ.

Thật hạnh phúc cho gia đình nào có em làm vợ. Và cũng sung sướng cho những đứa trẻ nào gọi em bằng mẹ.

Sau này em lại là chính người mẹ mà các con của em - Khi đã trải nghiệm cuộc đời - sẽ tốn nhiều giấy mực để viết về em đó.

Chúc em sớm có gia đình và hạnh phúc.

Em cảm ơn anh XT nhiều ạ! Cảm ơn anh vì những lời động viên và những lời chúc tốt đẹp anh đã dành cho em!

Em đã lặng người đi và suy nghĩ rất lâu về những việc làm của MẸ. Bất chấp tất cả, MẸ đã cứu sống được đứa con trai bé nhỏ của mình...

Em biết, anh LTN đã rất xúc động khi viết lên những tâm sự này... Anh ấy đã phải mất hai đêm liền và chỉ để ngồi viết thôi, anh XT ạ ... Cái gì xuất phát từ trái tim, cũng sẽ đến được với trái tim, anh nhỉ!

Lời BBT:

Bài viết này, BBT dự định sẽ đăng nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ VN 20-10 năm nay.

Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể đừng được nên quyết định đăng ngay vào ngày tác giả gửi bài. Bởi chúng tôi hiểu rằng, một TÌNH MẸ bao la, bình dị như thế đâu nhất thiết cần phải "vinh danh" nhân một ngày kỷ niệm !

Hơn nữa, viết về người mẹ trên blog này, dù rằng đã có nhiều bài HAY nhưng sẽ chưa bao giờ là ĐỦ.

BBT xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tác giả LTN. Bài viết này, theo chúng tôi, chính là phần thưởng cao quý nhất mà anh dành tặng cho bà mẹ thân yêu của mình.

Chúc anh luôn hạnh phúc và toại nguyện !

BBT

Anh Nghĩa viết bài về mẹ xúc động quá, em đọc xong muốn...khóc quá ! Những ký ức về mẹ lại trào dâng trong em, thấy thương mẹ vô cùng. Em cũng là người con hạnh phúc vì có 1 người mẹ tuyệt vời ành àh !

Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần bài viết này.

Những hình ảnh về một bà mẹ VN chịu thương, chịu khó, nhân từ và giàu lòng hy sinh lại hiện ra trước mắt tôi theo từng mạch truyện như một cuốn phim quay chậm qua lời kể của người con trai.

Đúng ! Chúng ta đang được xem một cuốn phim như thế, không phải trên màn ảnh với những tình tiết hư cấu, mà ở giữa đời thường.

Thật dung dị và cảm động !

Liệu còn điều gì ẩn chứa mà tác giả LTN chưa nói ra được ở bài viết này ?

Trở thành một đại gia như hiện nay là lời cảm ơn tuyệt vời nhất của anh Nghĩa tới mẹ.

1 down, 1 to go!

VC! Tình mẹ thật là bao la! Cảm ơn chị Chung!

Cha Mẹ là cả bầu trời rộng lớn cho chúng ta trú chân . Trong bầu trời ấy,cảm giác bình yên luôn đong đầy .Khi trưởng thành "Bầu trời" ấy luôn theo ta và mãi ngự trị trong trái tim chúng ta .Chúng ta những người con đã,đang và mãi mãi để "Bầu trời "
ấy luôn bừng sáng . Xin cảm ơn Nghĩa đã chia xẻ ký ức tưổi thơ của mình trên blog .Chúc Nghĩa sức khỏe ,hạnh phúc và mãi mãi luôn làm "Bầu trời " của bạn sáng mãi !

Thật cảm động. Các bạn hãy luôn nhớ đến công ơn cha mẹ nhé.

2 down, 0 to go.

ĐỌc xong bài viết này cảm xúc đầu tiên của em đấy là sự "áy náy", cảm thấy xấu hổ vì chưa làm được j để đền đáp công lao cha mẹ, ấy vậy mà toàn làm cho cha mẹ phải buồn lòng. Tuổi trẻ nông nổi và bồng bột.... không biết khi nào em mới lớn được.....!

để ý thấy những bài viết của a Nghĩa e thường vào comment rất sớm. Lần này thì em xếp ở vị trí comment thứ 12. Hơi muộn một chút vì lý do sức khỏe nhưng em càng thấm thía hơn những điều a viết! em mới chỉ "giả vờ" mệt có 1 hôm mà mẹ em đã lo quá trời àh! thế là nghỉ đc buổi sáng, buổi chiều em phải đi làm ngay, em mà ở nhà chắc mẹ em còn lo nữa! hì! thật may mắn vì em cũng có 1 người mẹ tuyệt vời như a!

Lời BBT:

BBT chúng tôi đã nhận được cuộc điện thoại của một bà mẹ vào sáng hôm qua.

Bà nói rằng, bà đã cùng chồng đọc bài viết này đến gần 11h đêm. Bà tỏ ra khá bất ngờ và xúc động, liệu những dòng chữ đó được viết ra từ chính cậu con trai của mình ?

"Nó rất hiền, không hiểu sao lại viết được như vậy?", bà nói.

Chúng tôi hiểu thắc mắc của bà. Có thể là do anh con trai bà ít thổ lộ cảm xúc ra ngoài, nên đến ngay cả bà cũng không biết hết được.

Bà nói thêm "Bài viết cũng chưa thấy nói đến cha nó, ông ấy cũng hy sinh nhiều lắm..."

Hy vọng, trong thời gian tới, BBT sẽ nhận được thêm bài viết với những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả LTN về người cha thân yêu của mình.

BBT

Thưa các độc giả trung thành và vô cùng yêu quý của blog IRS.

Thông thường, để hoàn thành một bài viết có độ dài tương tự như bài viết " Điều con muốn nói...., tôi chỉ mất khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ với một mạch viết và cảm xúc liên tục là đủ và tôi thường viết về đêm, lúc trong nhà và xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng, đến cái lá rơi khẽ tôi cũng nghe thấy....

Lúc đó tôi mới thả hồn vào bài viết và viết rất nhanh như dòng sông tuôn trào không ngừng nghỉ cho đến khi kết thúc.... nếu cần chau chuốt, chỉ cần sửa lại đôi chút.

Tuy nhiên ở bài viết này tôi đã phải mất đến 2 đêm trăn trở mới hoàn thành nổi.

Đêm thứ nhất khi đặt bút xuống viết và viết được khoảng hai ba chục dòng, lúc đó những ký ức xa xưa hiện về như một cuốn phim quay chậm càng lúc càng trào dâng làm tôi bật khóc và không kìm được nước mắt, khóc đến nỗi tay chân và toàn thân run rẩy không thể viết tiếp được nữa, phải ra lấy khăn lau mắt.....và phải dừng lại giữa chừng. Vợ và các con tôi vô cùng sững sờ và ngạc nhiên không nghĩ bố lại đa cảm đến như vậy.....???????? mặc dù vẫn biết bố vốn là người đa cảm.

Đến đêm hôm sau vẫn trong tình trạng xúc động nhưng đã đỡ hơn nhiều, tôi đã có đủ tỉnh táo và bĩnh tĩnh để viết đến những dòng cuối cùng của bài viết và cũng do vậy bài viết đã có những đoạn kết tuyệt vời như vậy. Đoạn kết của bài viết là kết tinh toàn bộ những suy nghĩ, những trăn trở, những tình cảm của chân thực vô cùng của tôi mà tôi nghĩ trong hoàn cảnh bình thường, điều kiện bình thường không bao giờ tôi có thể viết ra nổi...và nói ra được.

Ngoài ra tôi cũng phải hết sức cảm ơn Thu.NK đã tạo nguồn cảm hứng cho tôi khi tôi được đọc bài em viết rất hay, chân thực và cảm động về các nhà ĐT ở IRS nhất là giành một không gian quá nhiều để viết về tôi ở bài viết : Điều em muốn nói..... và trong quá trình trăn trở để tìm tiêu đề cho bài viết về mẹ nói trên tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã từng suy nghĩ và định đặt tiêu đề cho bài viết là : Mẹ ơi...., hay ký ức tuổi thơ....vv nhưng sau đó tôi đã quyết định lấy tiêu đề bài viết như quý độc giả đã biết. Đó phải chăng cũng là một lời tri ân .......trong cuộc sống......????

Cuối cùng xin chân thành cảm tạ và biết ơn tất cả những ai đã đọc, đã suy nghĩ đã comment cho bài viết này của tôi.

Cuộc sống này thật đáng quý biết bao, đáng sống biết bao ......khi xung quanh ta vẫn có những con người như vậy ........

Hà nội trưa 18-09-09

LTN

Wild_cat ơi.

Em không phải tự dằn vặt bản thân nữa vì khi em đã nhận thức được như vậy nghĩa là em đã đủ lớn và khôn rồi đó.

Các anh khác các em ở chỗ các anh sinh ra trong thời kỳ bao cấp khốn khó của đất nước nên cha mẹ khổ sở, vất vả nhiều dẫn đến nhận thức của các anh, chị thời kỳ đó khác các em nhiều, thông cảm và thương bố mẹ vất vả để nuôi dạy con cái nên người trong những hoàn cảnh cực kỳ vất vả.

Tuy nhiên thông qua lời kể của cha mẹ, sách báo và những người đi trước như các anh, chị và trình độ nhận thức xã hội của các em, các em hoàn toàn có thể là những người con hiếu thảo, ngoan hiền của cha mẹ.....và không phụ công ơn trời biển của cha mẹ. Anh hy vọng và hoàn toàn tin tưởng như vậy

Anh của các em.

LTN

Theo dòng cảm xúc của tác giả bài viết "Điều con muốn nói..." với những kỷ niệm thời bao cấp...

Tôi chạy ào ra ngõ và vỗ tay ầm ĩ đón bố mình vừa đi "đong gạo" về. Tôi mừng hú vì thấy trên xe đạp của bố, bên cạnh bọc gạo là bọc bánh mỳ. Những chiếc bánh mỳ giòn tan, nghĩ đến làm tôi phát thèm.

Mẹ tôi quát "Từ từ thôi con, sao làm ầm lên thế ?"

Bữa ăn sau đó được dọn ra với bánh mỳ và súp rau.

Tôi ăn rất ngon lành, nhưng chưa hết nửa cái, tôi đã có cảm giác "ắc ê".

"Đấy con thấy chưa? Bánh mỳ thì ăn được bao nhiêu đâu? Bố phải đổi bớt bánh mỳ để lấy gạo cho nhà mình ăn đấy!", mẹ tôi ôn tồn nói.

Vâng, đúng vậy ! Dù biết, bố mẹ rất quan tâm, săn sóc nhưng tôi không thể hiểu hết nỗi lòng của cha mẹ mình lúc bấy giờ với nỗi lo thiếu gạo...

Giờ đây, khi đi qua Cửa Nam hay Ngã Tư Sở, tôi vẫn thường mua về cho bố mẹ mình những chiếc bánh mỳ còn nóng hổi.

Món quà tuy đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa...

Bánh mỳ thì vẫn thế. Có khác chăng,nó không được ăn vào bữa chính với súp rau nữa !

Cứ ăn xong,là tôi lại chìa bát.

Chị tôi nhắc khéo "Này, ăn xem nồi, ngồi xem hướng".

Dưới bếp, nồi chè củ từ (một loại củ nay hay được mang bán rong)do mẹ tôi nấu đang sôi sình sịch.

"Các con cứ ăn đi, mẹ ăn rồi".

Nói xong, mẹ tôi vội bưng nồi chè, múc ra các bát.

Chè nguội, lũ trẻ con chúng tôi lại đổ xô vào húp lấy, húp để.

"Phần mẹ với chứ", chị cả tôi lên tiếng.

Lúc đó, tôi thấy mẹ tôi nhìn chúng tôi với nụ cười suy tư. Nụ cười đó, giờ này tôi vẫn còn nhớ.

Bữa tối xong, chị tôi mang bát ra rửa.

Tôi nghe rất rõ tiếng "khoèn khoẹt" từ dưới bếp. Ngoảnh lại, thì ra mẹ tôi đang cạo nồi và ăn những miếng chè cuối cùng còn sót lại!!!