29 tháng 1, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Tết đến rồi!

IRS kính chúc Quý Nhà đầu tư một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!







GÓC LÃNG ĐÃNG: Vị Tết xưa

Sáng ngủ dậy, loay hoay nhìn tấm lịch treo tường, giật mình nhận ra chỉ 10 ngày nữa là Tết đã về. Nhanh quá! Thời gian cứ như đồng hồ bị hỏng. Vì tấm lịch ai vội xé hay vì ai đó không còn mong những ngày xuân rộn ràng như xưa nữa. Ngẫm, Tết nay đã cận kề nhưng sao vị nó cứ nhàn nhạt, là lạ... chẳng bù cho ngày xưa.

Nhớ hồi 4, 5 tuổi, lúc ấy chỉ vừa đủ biết chạy, biết nói cười, biết vui khi có đồ mới... chứ chẳng hiểu mô tê gì về cái từ "3 ngày Tết". Trước Tết mười ngày, mẹ lấy ra cho bốn anh em bốn bộ quần xanh áo trắng y hệt nhau, chỉ khác kích cỡ, mỗi người thay phiên nhau ướm vào để mẹ ngắm nghía rồi xuýt xoa: "Bộ của thằng Nâu hơi rộng một chút vì con trai mau lớn, thằng Đen cũng vậy... còn của Cu Ba và Bé Vàng thì sít sao thật là đẹp".

Lời mẹ nói làm anh em chúng tôi ai nấy đều hớn hở. Rồi mẹ dặn, để mẹ cất lại vào tủ cho sạch sẽ, đúng mười ngày sau mới được mặc. Thế là chờ, là đợi, cứ qua một đêm ngủ dậy là lẩm nhẩm, " mẹ ơi, còn 9, 8, 7 ngày nữa là con được mặc áo mới phải không mẹ?" dù thật sự lúc ấy chẳng hiểu vì sao lại được mặc áo mới. Chỉ mang mán rằng, vào khoảng thời gian đó thì ai ai cũng mang áo mới, nhà nhà mặc áo mới và chẳng phải đi làm kiếm tiền như mọi khi.

Đợi dài cổ rồi cũng đến cái ngày đặc biệt ấy. Mẹ chưa kịp gọi đã thấy nhỏ tôi dậy từ bao giờ, chuẩn mọi thứ đợi các cô chú đến nhà chúc Tết (bố mẹ tôi đều là con trưởng). Nhỏ tôi hớn hở lắm, mặc bộ đồ vào rồi cứ giành lấy cái gương duy nhất trong nhà xoay qua xoay lại, nghía trước nghía sau đến lúc nào mẹ gọi mới thôi. Xong đâu đấy, cả bốn anh em kéo qua xóm đối diện đi... lượm pháo. Nào pháo trống, pháo tiểu... xác pháo bay tứ tung, đỏ cả một khoảng trời. Mấy anh em tranh nhau lượm, ai lượm được quả nào là cứ hét toáng lên: "A, anh được quả pháo trống còn nguyên xi, đẹp quá bé Vàng ơi". Nhỏ tôi chân ngắn, tay nhỏ, béo ục ịch, chạy lệt bệt như một con cún suốt cả buổi mà chỉ được chừng 2, 3 quả pháo tép, pháo hư. Đến lúc ra về, vừa níu áo hết anh cả đến anh hai, anh ba vừa mếu máo: "Cho em bớt quả, cho em bớt quả đi". Nhưng rốt cuộc, chả anh nào cho cả, còn bị la: "Em còn nhỏ, chơi pháo nguy hiểm lắm".


Lớn hơn chút nữa, tôi đi học, đã hiểu thế nào là Tết nhất, là xuân đang về thế nên cái sự háo hức và chờ đợi những ngày đặc biệt nhất trong năm ấy càng dài, càng đằng đẵng, càng hồi hộp hơn gấp bội. Có khi, đang ngồi trong lớp cũng lẩm bẩm đếm ngày: " À, còn chừng 3 tháng, 2 tháng nữa là Tết rồi, sẽ được lì xì, được mang áo mới, được tung tăng đi mua bong bóng bay...". Khi chính thức kết thúc kỳ học, thích nhất là cảm giác được cùng mẹ đi chợ sắm hạt dưa, mua nguyên liệu về làm đồ mồi cho ba và khách khứa nhâm nhi vài ly rượu xuân. Đến chợ, vào các gian hàng bánh kẹo, nào mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt gừng... thôi thì đủ cả, cứ xanh đỏ, đỏ xanh đẹp lung linh đến hoa cả mắt, nứt cả mũi. Chợ Tết đông đúc, mọi người chen lấn, la lối oang oang rộn cả phố nhưng nhìn ánh mắt ai đó cũng toát ra một niềm hân hoan đến khó tả.

Trừ tôi ra, nhà chỉ có mẹ là phụ nữ nên hiếm khi mẹ làm mứt bánh như hàng xóm nên sáng ngủ dậy, nghe phảng phất đâu đó hương thơm từ các loại trái cây, bột vani, từ gừng... là trong lòng rộn ràng như có lửa. Chưa kịp ăn sáng đã chạy loanh quanh nhà này chút, nhà kia chút xem người ta làm mứt. Các câu chuyện lui tới các chủ đề; sắm đồ mới chưa, mấy bộ, nhà làm gì nhiều không, Tết hẹn nhau đi chơi nhé! Giờ, lớn cả rồi, đâu còn cảm giác thèm thuồng, mong ngóng ba ngày xuân để diện "đồ đẹp" mà đi tung tảy với phố phường!

Nhắc Tết năm xưa, điều làm tôi nhớ và thèm nhiều nhất đó là tiếng pháo vào đêm giao thừa. Còn gì vui hơn khi đến thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, tiếng pháo nổ vang một khoảng sân phá tan bầu không khí tĩnh mịch của trời đêm. Những quả báo trống, pháo con cuộn trong lòng những nỗi buồn, những đắng đót, những nước mắt của năm cũ rồi nổ tanh bành. Bao nhiêu nỗi niềm theo đó mà trôi tuột đi, cho lòng người thảnh thơi, cho lòng người rộng mở đón chào một năm mới nhiều ước vọng.

Từ dạo nhà nước cấm đốt pháo, giao thừa sao cứ lặng lẽ, buồn buồn, tiếng pháo hoa xa tít mù khơi chẳng làm vơi đi được phần nào nỗi khắc khoải. Thấy nhớ quay quay hình ảnh người cha thân yêu bắc chiếc ghế đẩu trước hiên nhà, treo dây pháo hồng lên cột trụ bằng sắt ở phía góc phải, cúng giao thừa xong, cả nhà đứng quây quần bên nhau, đợi cha châm lửa, tiếng pháo nổ bùm bùm, nghe sao phơi phới, rộn ràng, háo hức đến thế... Giao thừa những năm sau này, tiếng pháo giờ chỉ còn là dĩ vãng. Tiếng pháo từ quá khứ vọng về, to, nhỏ, nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến thành một nốt lặng. Không còn tiếng pháo, những cái Tết của phố phường như mất đi cả một trời thương nhớ đậm đà.

Xã hội đổi mới, phải chẳng một phần vì thế mà hương vị Tết bây giờ đã "mai một" ít nhiều. Người lớn quanh năm suốt tháng lo làm ăn, đến những ngày cận Tết mới được nghỉ, có nơi còn làm đến tận đêm giao thừa rồi lại đến sáng 2, mồng 3 đi mở hàng lấy hên đầu năm. Nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, thường ngày thiếu thứ gì sắm thứ ấy, đâu đợi đến Tết mới được thảnh thơi tân trang nhà cửa và sắm đồ đạc... trang trí cho ba ngày xuân.
Niềm khát khao của con trẻ để được sở hữu một quả bong bóng xanh đỏ cũng vơi dần. Tết, đợi mỏi con mắt cũng chẳng thấy đâu hình ảnh từng đoàn, từng đoàn những em bé nhí nha nhí nhố nắm tay nhau đi bộ trên đường cười nói líu lo. Xưa nghèo, lấy đâu ra xe máy chạy bon bon trên đường trải nhựa như bây giờ.

Chiều rảnh, dạo quanh xóm một vòng, không nghe được mùi thơm quen thuộc, không thấy đâu hình ảnh những mẹt mứt đang phơi khô, hỏi ra mới hay, ai ai đều mua mứt trữ sẵn tự bao giờ. Bận công ăn việc làm, thời gian đâu mà cắt cắt, gọt gọt, ngâm ngâm... phơi phơi cho những miếng mứt bánh cây nhà lá vườn. Bỗng thấy hụt hẫng, một khoảng trống trong lòng đang bị loang lổ, to dần, to dần ra...

"Xuân đang đến là xuân đang qua", câu hát tôi vẫn thường nghe vang vọng đâu đó giữa phố phường. Nhưng nay nghe sao nhạt quá! Xuân đang ở đây, đang hiển hiện quanh tôi sao tìm mãi, chạy mãi, chạy mỏi cả tâm hồn cũng chỉ bắt gặp được chút ít hơi thở của hương quê! Tôi tìm gì ở cái Tết những ngày xưa, nhớ hương vị gì từ xuân năm cũ khi cuộc sống đã bớt đi nhọc nhằn.

Ừ thì, Tết xưa là những kí ức ngọt ngào. Dẫu không có khói bếp, mà mắt vẫn thấy cay cay!
(St)

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Phong tục đón Tết khắp nơi trên thế giới

Năm mới đến với mọi người ở các nước khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Các dân tộc trên thế giới đều có những ngày Tết độc đáo của riêng mình. Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày Tết ở các nước trên thế giới.

Tết tại Mỹ
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày.
Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ, họ ôm hôn nhau, nhảy múa theo những điệu nhạc vui vẻ và cụng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Ở Pháp
Người Pháp dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3.1 mới kết thúc. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió, nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.
Tại Brazil

Vào đêm Giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng. Đặc biệt là ởRio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Người Brazil thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.
Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31.12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên. Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khỏe.
Tết ở Nga
Đất nước Nga rộng lớn bao la, nhưng dù ở đâu, đến ngày Tết, từ vùng lạnh giá đến những miền đất ấm áp, từ những làng quê xa xôi đến đất thị thành, hay tại thủ đô, nhà nhà đều tổ chức đón Tết vui vẻ, thoải mái, ấm áp tình gia đình.
Người Nga ở đâu cũng muốn được đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
Ở Ấn Độ
Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 31.10, ngày thứ tư được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Vào dịp Tết, không ai được phép giận dỗi và nổi cáu. Ở một số vùng ở Ấn Độ, buổi sáng đầu tiên của năm mới ai cũng nước mắt lưng tròng để đón mừng năm mới. Một số nơi khác thì lại có tục nhịn ăn một ngày, một đêm. Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc tụng nhau, dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn như ý. Thanh niên đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân.
Tại Nhật Bản
Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa.
Người Nhật chuẩn bị Tết từ trước đó khá lâu. Họ có thú vui mua sắm Tết và tặng quà nhau. Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm. Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Tới ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá “lộc xuân” đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng. Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới cũng vào ngày 1.1 Tây lịch và kéo dài tới 2 tuần.
Tại Hàn Quốc
Năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks, một loại trang phục cổ truyền. Vào buổi sáng của năm mới, họ thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook - một loại súp làm bằng gạo. Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, mọi người thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.
(St)

Nhịp sống IRS: 2011 - Tết ấm tình thương cùng Xóm chạy thận

Các bệnh nhân ở xóm chạy thận đều có hoàn cảnh gia đình nghèo, khi bị bệnh trọng, thường được người thân, họ hàng chia sẻ, giúp đỡ chi phí hàng tháng.

Do ảnh hưởng chức năng thận và thuốc điều trị nên các bệnh nhân thận đều bị các bệnh khác kèm theo như: huyết áp cao, tim mạch, dạ dày, gan.

Nhiều bệnh nhân Tết này phải ở lại xóm do nhà xa, không kịp lịch chạy thận và không có tiền về quê.




Bác Tấn, xóm trưởng xóm chạy thận cho biết, chi phí hàng tháng cho một bệnh nhân chạy thận khoảng 3.5 – 4.5 triệu đồng/người.






Để có thêm tiền thuốc thang điều trị, người nhà bệnh nhân phải làm thêm một số công việc như: chạy xe ôm, bán hàng vặt, lau dọn nhà…Tuy nhiên hầu hết thời gian là dành cho bệnh nhân nên thu nhập thêm rất ít và không ổn định. Những bệnh nhân còn lại phải tự mình chăm sóc và điều trị, người thân ở quê kiếm tiền gửi lên.



Nhằm kịp thời chia sẻ với các gia đình tại xóm chạy thận, đoàn công tác Công ty Phú Điền, Phú Xuân, SFC và IRS đã trao 103 suất quà cho các bệnh nhân, mỗi suất 1 triệu đồng để các gia đình ấm lòng hơn khi Tết đến, Xuân về.  




Các bệnh nhân đã rất xúc động khi đón nhận những món quà đầy ắp tình người và cho biết họ đã có tiền về quê ăn Tết cũng như mua quà về cho gia đình sau những tháng ngày bệnh tật phải sống tại nơi đây.   

28 tháng 1, 2011

27 tháng 1, 2011

Nhịp sống IRS: Tiệc giao lưu tất niên Phú Điền, Phú Xuân, SFC, IRS

Đến hẹn lại lên, để cùng nhau chào năm cũ Canh Dần và chào đón xuân Tân Mão, đại gia đình các công ty lại cùng nhau họp mặt và có những khoảnh khắc khó quên bên nhau. 
Sau đây là chùm ảnh về buổi tiệc giao lưu "Có một không hai" này.

Tiếng trống hội... 

...Và "mai vàng sắc xuân" mở đầu cho đêm giao lưu
 Chủ tịch HĐQT Lê Thanh tổng kết năm 2010 

 Và trao thưởng cho những cá nhân, tập thể xuất sắc của các công ty
 Không khó để nhận ra những gương mặt hết sức quen thuộc của IRS
 Chương trình văn nghệ được tiếp tục với "Đêm A Rập"
 "Moonwalk cùng Tú Michael"
 Và Belly Dance cùng những đôi cánh thiên thần
Ban lãnh đạo các công ty cùng bật Champagne khai tiệc
 Chút lắng lòng với những khúc dân ca
 Và bùng nổ cùng mà khiêu vũ vô cùng sôi động...
 Cùng màn thời trang gây shock "Bốn màu trong anh" của IRS
  Tất cả mọi người đã có một đêm vui vẻ
 Và ấm áp tình thân
 Cùng chúc nhau một năm mới 
 Vững bước thành công, ngập tràn niềm vui và hạnh phúc !!!
 NHƯ ĐÊM NAY !!!

NHỊP SỐNG IRS: IRS trao trợ cấp cho CBNV lao động và các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn quận Hai Bà Trưng

Sáng ngày 25/01/2011, IRS đã phối hợp với Liên đoàn Lao động Quận Hai Bà Trưng trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Quận nhân dịp Tết Tân Mão 2011. Đó là 79 gia đình nghèo có các cháu nhỏ bị tật nguyền, nhiễm chất độc da cam dioxin...
Đây là lần thứ ba IRS tham gia hoạt động cộng đồng ý nghĩa này. Mong rằng, những món quà nhỏ sẽ góp phần mang lại niềm vui, sự sẻ chia ấm áp cho các gia đình trong dịp năm mới.

Mặc dù giá trị quà không nhiều (11.850.000 đồng) nhưng nó đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp của IRS đối với cộng đồng, nhất là với những em nhỏ thiệt thòi mỗi dịp Tết đến, Xuân về.


Một số hình ảnh ghi lại những giây phút xúc động tại buổi trao quà:






CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: TÔI CÓ THỂ ĐƯỢC THA THỨ KHÔNG?

PHẦN IV

Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đứng lên phát biểu vạch tội anh H là trong quá khứ anh H có lý lịch không trong sáng. Nhà hai đời ăn cắp. Bố anh H. từng ăn cắp trâu bị đi tù mất 6 tháng, đến lượt anh H. từng là sinh viên Đại học Giao thông và đã bị đuổi học vì tội ăn cắp tiền... Tôi nghe đến đây ù hết cả hai tai. Thú thật trước đó tôi không hề nhận ra anh H. Dễ đến mười lăm năm không gặp lại kể từ ngày đó, bây giờ tôi không thể nhận ra người đàn ông khắc khổ, lam lũ, đen đúa kia chính là anh H. ngày nào. Tôi kết thúc cuộc gặp gỡ lấy ý kiến cử tri sớm hơn lệ thường mà trong lòng ngổn ngang, đầu ong lên, hoa cả mắt. Đã lâu lắm rồi, sống lưng tôi mới lại toát mồ hôi lạnh.

Tối hôm đấy, tôi yêu cầu lãnh đạo xã đưa tôi đến thăm nhà anh H. Quả thật, cơ ngơi anh H. tạo dựng ra bằng sức lao động cần cù, chăm chỉ thật là mỹ mãn. Giữa vùng rừng núi rậm rạp, ngôi nhà gỗ năm gian của anh nằm trong một khu vườn xanh tốt thật là đẹp và bình yên. Anh H. làm nghề nuôi hươu lấy nhung, cả khu vườn của anh có đến chục chuồng hươu với chục con trong chuồng. Chưa kể rẫy cà phê sai trĩu quả, từng luống chè xanh ngăn ngắt, và có tới hai cái ao nuôi cá, đêm tĩnh lặng, thỉnh thoảng cá quẫy tùm tùm nghe thật vui tai. Anh tiếp tôi bên ấm chè xanh và điếu thuốc lào.

Trái với lúc sáng hùng hồn trên cuộc họp, tối nay, anh H. trầm ngâm, ít nói, hầu như chỉ rít thuốc lào im lặng. Tôi hỏi gì, anh H trả lời câu ấy, không tỏ ra lạnh nhạt cũng chẳng phải thân thiện. Giữa chúng tôi có một khoảng cách vô hình khá rõ. Anh H. chối bỏ chuyện anh đã từng học Đại học Giao thông, anh nói tôi nhầm anh với người nào khác chứ anh cả đời chỉ biết có nương rẫy, và anh lại càng chưa từng quen tôi bao giờ. Anh nói rằng: "Tôi nhận anh là bạn học cũ, hóa ra tôi dối với lương tâm mình, anh lại cho rằng thấy người sang bắt quàng làm họ".

Anh tiễn tôi ra khỏi nhà như tiễn một kỷ niệm hèn hạ. Một lần nữa, mồ hôi nơi sống lưng tôi lại rịn ra buốt lạnh. Đợt tiếp xúc cử tri ấy, tôi yêu cầu bên giao thông sửa thiết kế để cho lòng đường không cắt vườn nhà anh H. mà chỉ đi phía bên ngoài. Quyết định của tôi gây kinh ngạc cho nhiều người trong lãnh đạo xã và huyện.


Tết năm ấy, mang một mặc cảm tội lỗi đớn hèn, tôi quyết định về quê anh H. và tìm đến thăm gia đình anh H. để xác nhận thực hư. Mẹ anh H. vẫn còn sống, bà đã mù cả hai mắt, ở cùng với người con trai út trong ngôi nhà của ông bà xưa để lại. Khi tôi bước vào ngôi nhà cũ của bố mẹ anh H., cất tiếng hỏi thăm mẹ anh H. thì bà ngồi trong buồng, chống gậy lần ra, và cất tiếng hỏi to: "Có phải cậu là V., ngày xưa học cùng với thằng H. con tôi ở trường Đại học Giao thông không?".

Tôi sửng sốt trước câu hỏi của bà cụ già. Tôi lúng túng: "Dạ vâng, cháu là V. học cùng anh H. ngày xưa đây ạ". Bà cụ lập cập: "Quý hóa quá! Mời anh vào nhà xơi nước. Thằng H. có ý đợi anh mãi đấy, lần nào về ghé qua nhà thăm tôi nó cũng hỏi, cậu V đã đến nhà mình tìm con chưa hả mẹ. Khổ thân con trai tôi, nó chờ cậu mãi, mong cậu đến lắm. Ngày nó nghỉ học, nó có đưa cho tôi một cái phong thư, dặn tôi là khi nào có một người xưng tên là V. về đây tìm gặp con, thì mẹ nhớ đưa cho anh ta bức thư này. Thế mà tôi cứ chờ mãi, dễ đã mười mấy năm rồi, không thấy cậu đến".

Một lần nữa, mồ hôi lạnh lại rịn ra từ sống lưng tôi, làm xây xẩm cả mặt mày. Tôi ngồi xuống đón phong thư từ đôi tay quờ quạng răn reo của bà cụ. Trái tim tôi lúc này như vỡ ra vì tức thở, ngột ngạt. Bà cụ vẫn líu ríu: "Anh đọc đi, xem trong thư thằng H. nhà tôi viết cái gì. Nhà tôi được năm anh em, thằng H. là anh cả, sau nó 4 em hai trai hai gái. Thằng H. số khổ, đi bộ đội phục viên về, thi đỗ vào Đại học Giao thông, nó là niềm tự hào của cả nhà. Đang học năm thứ 2, đùng một cái nó nghỉ học khoác ba lô về nhà. Hỏi thế nào cũng không nói lý do vì sao nghỉ học. Nhưng làng trên xóm dưới nghe đâu hay rằng nó ăn cắp tiền của bạn cùng phòng, nên bị nhà trường đuổi học. Tôi không tin thằng H nhà tôi lại làm như vậy. Nó từng đi bộ đội hồi chiến tranh biên giới, vào sinh ra tử, nó được rèn luyện trong quân ngũ, làm sao lại có tính đó được. Hỏi gặng nó, nó trả lời, mẹ cứ giữ phong thư này, một ngày nào đó, có người tìm đến, người đó tên là V, nhận phong thư này xong, anh ta sẽ nói cho mẹ vì sao con bị đuổi học.


Thằng H. con tôi mang tiếng ăn cắp, như ngày xưa bố nó làm mất trâu của ông chủ làng bên, bị vu cho tội ăn cắp, ở làng không được, phải bỏ đi làm ăn biệt xứ. Bây giờ đến lượt thằng H., không chịu nổi lời ong tiếng ve trong làng xóm, nó vác ba lô đi lên rừng, bỏ lại phía sau bao nhiêu nghi ngại lẫn thị phi. Tôi thương nó lắm, nhà chỉ một mình nó đỗ đại học, tưởng là thành đạt, ai ngờ số khổ thế".

Tai tôi ù đặc, mắt tôi hoa lên. Mồ hôi lạnh ở sống lưng nhỏ nhồn nhột. Tôi ôm lấy bà cụ, xin lỗi bà cụ rối rít. Trong một trạng thái mất cân bằng, tôi nhớ, tôi đã đi như chạy khỏi căn nhà của bà cụ sau khi đã kịp nói với bà cụ như thế này: "Bà ơi, cháu xin lỗi bà, cháu đến để thanh minh cho anh H. đây. Anh H. không phải là người ăn cắp tiền đâu. Anh ấy hoàn toàn trong sáng và vô tội. Cháu xin lỗi bà".

Bà già quay gương mặt mù lòa lại phía tôi, giọng run run: "Việc quan trọng đến số phận của một con người như thế mà sao bây giờ anh mới nói, để nhỡ nhàng oan nghiệt cả một đời con tôi". Tôi đứng lặng như trời trồng trong ngôi nhà của mẹ anh H., trước những giọt nước mắt đục trắng rơi từ cặp mắt mù của người mẹ già đau khổ. Bà đã không còn nhìn thấy gương mặt tôi xám ngoét thảm hại lúc đó nữa.

Bức thư ngày ấy của anh H. gửi tôi, được viết ngay sau khi anh H bị đuổi học. Tính đến lúc này cũng đã 17, 18 năm rồi: "V. thân mến! Cậu có biết vì sao tôi nhận thay cậu tội ăn cắp không. Ngày đó, khi mọi người lên án kết tội tôi, tôi đã biết cậu lấy tiền của T. Khi cậu mang tiền đi giấu, cậu đã quên chi tiết chiếc túi đựng tiền vẫn còn giấu vội vàng dưới gối của cậu. Tất cả đều không qua được mắt tôi.

Ngày đó, cả tôi và cậu đều biết, nếu phạm tội ăn cắp, ngay lập tức sẽ bị đuổi học. Tôi đã suy nghĩ kỹ về việc tôi có thể đứng ra nhận tội thay cậu để cậu được tiếp tục đi học không, vì cậu là con liệt sĩ cơ mà, còn tôi là người lính nguyên vẹn trở về từ chiến tranh. Tôi và bố cậu đều là hai người lính, mặc dù thuộc hai thế hệ, hai cuộc chiến tranh khác nhau nhưng tôi may mắn hơn ông ấy là còn sống để trở về, tại sao tôi không thể vì một đồng đội mình đã hy sinh vì Tổ quốc mà không đứng ra nhận tội giúp cậu để cậu được học hành nên người.

Tôi đã trở về ngôi làng của cậu, vào thăm mẹ cậu và được biết gia cảnh cậu rất neo đơn, chỉ có mình cậu là con trai duy nhất, giọt máu của bố cậu để lại. Tôi đã trò chuyện với mẹ cậu và tôi vừa kính trọng đức hy sinh của mẹ, vừa thấu hiểu tình yêu của bà với đứa con trai duy nhất, niềm hy vọng của đời bà. Mẹ cậu kể rất nhiều về cậu, và tôi hiểu vì sao, cậu hèn đến như thế, cậu không dám nhận tội của cậu trước tập thể. Cậu không muốn giết chết tình yêu và hy vọng của mẹ cậu, người mẹ mà cậu đã đặt lên trên hết mọi ý nghĩa sống của cậu đúng không.

Cậu biết đấy, ngoài tình máu mủ ruột rà, hy sinh vì người khác thật là điều không dễ làm. Khi cậu đọc được những dòng này thì tôi đã hoàn toàn tha thứ cho cậu rồi. Chúc cậu thành đạt và hạnh phúc".
HẾT

26 tháng 1, 2011

Góc Paparazzi: Họ đang làm gì vậy nhỉ?

Làm gì mà áo chóe vàng

 Đầu mông đỏ rực không màng ...chị em
 Cười to bên tấm cửa rèm
 Nâng khăn sửa áo lèm bèm nhiều câu
Nơi đây chẳng có u sầu
Niềm vui luôn đó, buồn rầu làm chi?

Những hình ảnh rất shock về đội bóng IRS sẽ tiếp tục được update trong thời gian gần nhất, chỉ có tại http://blog.irs.vn

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: TÔI CÓ ĐƯỢC THA THỨ KHÔNG?

PHẦN III


Ngày anh H. khoác ba lô và xách hòm sách ra về, cả lớp tôi có họp mặt chia tay anh nhưng trong phòng ký túc xá không một ai đưa tiễn anh ra bến xe ngoại trừ lớp trưởng và bí thư. Ngay cả bản thân tôi, đến lúc này cũng mang cảm giác anh H. mới là người có tội, anh H. xứng đáng bị đuổi học, việc tôi ăn cắp chẳng qua là bước đường cùng, chứ anh H. mới là người có bản chất xấu xa. Tôi cũng lạnh lùng không tiễn anh H. hay gặp anh và an ủi anh lấy một lời. Tôi nghiễm nhiên trở thành kẻ vô tội và coi như anh H. là vật thí mạng. Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi, còn anh H 23 tuổi.

Vậy là anh H. đã ra đi khỏi lớp tôi với một lý do nhục nhã như vậy. Chuyện lan nhanh khắp cả trường. Tôi, kẻ ăn cắp đích thực có nhiều lúc nghe mọi người bàn tán xôn xao sôi nổi về chuyện anh H. ăn cắp tiền, tôi cũng thoáng chạnh lòng, lương tâm cắn rứt. Tuổi trẻ nên mọi chuyện chóng quên, cả sự day dứt hối lỗi rồi cũng trôi qua lúc nào không hay...

Xin được nói lại chi tiết này để các bạn rõ là hồi đó chúng tôi đã bước vào kỳ hai của năm thứ hai đại học chứ không phải năm thứ nhất, và số tiền nộp học phí năm đó là 30 ngàn đồng chứ không phải là 300 ngàn đồng. Do mọi chuyện xảy ra quá lâu rồi, nên trí nhớ của tôi trong nỗi xúc động, xáo trộn nên không được chính xác lắm.

Tôi tốt nghiệp ra trường và vì là con liệt sỹ, mẹ tôi là vợ liệt sỹ neo đơn nên tôi được ưu tiên về thành phố Thanh Hóa làm việc ở Sở Giao thông. Tuổi trẻ với bao háo hức chờ đợi ở phía trước. Tôi đã muốn chứng tỏ mình, muốn mình sẽ thành danh trên con đường sự nghiệp. Tôi lao vào phấn đấu.




Tôi lấy vợ lập gia đình, vợ tôi là một cô giáo dạy cấp 3 ở ngay thành phố. Công việc phụ trách thi công các công trình giao thông cũng mang lại cho tôi chút tiền bạc và quyền lực nho nhỏ. Tôi mua đất, xây nhà ở ngay thành phố Thanh Hóa và đón mẹ già lên ở cùng. Tôi đặt ra những mục tiêu trong sự nghiệp mình để phấn đấu. Và tôi say mê công tác, say mê rèn luyện phấn đấu để đạt được những mục tiêu mà tôi đề ra. Lý lịch trong sáng, lại là con liệt sỹ, tôi gần như được ưu tiên mọi mặt.

Tôi được kết nạp Đảng sớm ngay sau khi về cơ quan công tác hai năm. Đi làm các công trình giao thông, từ một kỹ sư chuyên môn, tôi phấn đấu lên làm đội phó, rồi đội trưởng, rồi phó ban, trưởng ban một cách dễ dàng. Sau gần chục năm công tác ở Sở, tôi được cất nhắc lên một chức vụ ở Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách về kinh tế.

Thú thật lúc đã trưởng thành, mọi thứ đã ổn định và phát triển, tôi hay nghĩ đến câu chuyện năm xưa hồi sinh viên và thoáng chút ân hận cùng với lo ngại. Tôi thầm tự hỏi, không biết bây giờ anh H ở đâu? Số phận anh kể từ ngày bị đuổi học giờ như thế nào. Càng nghĩ tôi càng ân hận và lo lắng cho cuộc gặp mặt bất kỳ lúc nào giữa tôi và anh H.

Nhưng sự đời vốn dĩ trớ trêu và công bằng. Đời có vay thì có trả. Tôi đã gặp lại anh H. trong một trường hợp vô cùng hy hữu. Tôi trúng cử vào Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong một lần xuống cơ sở vùng sâu vùng xa nơi miền núi hẻo lánh nhất của tỉnh Thanh Hóa để lấy ý kiến cử tri, tôi đã gặp lại anh H trong một tình huống trớ trêu.

Trong cuộc họp cử tri lần đấy, anh H. đã đứng lên phát biểu gay gắt và có những chỉ trích khá nặng nề đến lãnh đạo ủy ban xã nơi anh H. ở về việc xã quy hoạch làm con đường mới có đi qua vườn nhà anh H. Anh H. không chịu nhận đền bù đi nơi khác ở để nhường đất làm đường. Theo anh H., số tiền đền bù quá bèo bọt so với công sức anh gầy dựng nên trang trại theo mô hình VAC, vườn cây ăn quả, đào ao nuôi cá và chăn nuôi gia súc gia cầm. Cái quan trọng không phải là giá trị tiền bạc ở đây, mà anh H. không muốn cả cơ ngơi của mình bỗng chốc biến thành số không. Trong khi đó, việc này có thể giải quyết ổn thỏa nếu Ban giao thông của xã hướng về quyền lợi của người dân mà có thể sửa lại bản vẽ quy hoạch cho con đường đi chệnh lên khoảng 30 độ thì khu vườn và gia đình anh H. sẽ không nằm trúng vào giữa lòng đường mà chỉ là nằm cạnh mặt đường.

Nếu theo thiết kế này, gia đình anh H. sẽ không phải chịu những thiệt thòi nặng nề cho cả một cơ nghiệp hơn chục năm nay vợ chồng con cái anh tạo dựng. Anh H. cho rằng, ngày xưa anh đã vì yêu quê hương đất nước mà xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở nơi heo hút này.

Giờ đây, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được một cơ ngơi như vậy, nếu con đường đi qua vườn nhà anh, coi như anh mất nhà, mất cơ nghiệp. Anh H vừa nói, vừa lớn tiếng chỉ trích lãnh đạo xã, huyện thì đã bị các đồng chí Công an xã xốc nách lôi ra khỏi hội trường không cho tiếp tục phát biểu nữa.

25 tháng 1, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: TÔI CÓ ĐƯỢC THA THỨ KHÔNG?

PHẦN II


Việc tôi ăn cắp tiền của thằng T. phải đến 3 ngày sau thằng T. mới phát hiện ra số tiền bị mất. Trước đó hai ngày, không thấy động tĩnh gì về số tiền bị tôi lấy cắp, tôi đã lén ra nhà vệ sinh và đưa số tiền ấy lên phòng tài vụ nhà trường và nộp học phí học kỳ hai. Sự việc êm ru thêm được một ngày nữa thì thằng T mới la toáng lên việc mất cắp. Cả phòng ký túc xá, hay đúng hơn, cả lớp tôi nhao lên như ong vỡ chợ. Một cuộc lùng sục, phân tích, nghi vấn ráo riết mở ra. Cuối cùng tra đi khảo lại, săm soi kỹ thời gian biểu của cả phòng, chốt lại chỉ có ngày thứ 6 mồng 3 tháng 2 năm 1986 cách đó ba ngày trong phòng ký túc xá chỉ có tôi và anh H.

Thằng T. "khuỳnh" khẳng định buổi sáng thứ 6, trước khi đi học nó còn nhìn thấy bọc tiền ở dưới đáy rương. Mọi ánh mắt nghi ngại đổ dồn vào tôi và anh H. Tôi và anh H. lần lượt viết bản tường trình trước lớp. Ban cán sự lớp xuống ký túc xá họp lên họp xuống. Mọi việc đến tai lãnh đạo khoa và nhà trường chỉ đạo lớp chúng tôi phải làm rõ việc mất cắp này. Rõ ràng ai ai cũng run sợ, chỉ lo tai bay vạ gió có thể đổ lên đầu mình vì một mất thì mười ngờ. Nếu phát hiện ra ai là người ăn cắp số tiền này thì ngay lập tức nhà trường sẽ ra quyết định đuổi học.

Tôi như ngồi trên đống lửa đống than, đêm nằm vã cả mồ hôi lạnh. Sau một tuần họp lên họp xuống, cuối cùng ban cán sự lớp đổ dồn mọi nghi ngờ lên anh H. Rõ ràng, cả một tuần tôi ốm nằm ở ký túc xá, nếu tôi có ý định ăn cắp thì tôi đã ăn cắp trước đó vì không có ai trong phòng. Thế nhưng ngay sáng hôm thứ 6, T kiểm tra vẫn còn tiền, thì người lấy cắp chắc chắn phải là anh H chứ không thể là tôi. Anh H đang đi học tự dưng bỏ về phòng nằm, đúng lúc đấy, tôi lại ra khỏi phòng. Chiếc rương của T lại để hớ hênh ngay trên chiếc giường của T và anh H, vì thế rất dễ anh H là thủ phạm.

Việc bổ sung vào kết luận anh H là thủ phạm cũng phần nhiều là do T nghi ngờ anh H. Với lại theo như T nói, thì hồi ở quê, vì T "khuỳnh" và anh H là người đồng hương cùng huyện, nhưng không cùng xã, nên T biết rất rõ gia cảnh của anh H. Nghe nói, anh H đi bộ đội nhưng bị đuổi về mà không rõ lý do gì. Trong lý lịch nộp ở trường lớp thì ghi anh H là bộ đội phục viên nhưng ai mà biết được có chuyện gì khuất lấp sau đó. Với lại nhà anh H rất nghèo, hôm Tết T có đến nhà chơi thì được biết cả dịp Tết bố mẹ anh H đều ốm, nhà không có Tết, rất có thể do túng quẫn không lo được tiền học phí nên anh H. mới làm bậy.






Còn một lý do nữa để có thể nghi cho anh H. là ngày xưa bố anh H. từng ăn trộm trâu của một người ở xóm bên, và bị bắt đi tù mấy tháng. Rất có thể anh H. cũng có tính ăn cắp như bố mình. Theo lý luận của T. thì tôi là con liệt sỹ, thành phần gia đình cơ bản, với lại tôi rất hiền lành, không gian xảo, không thể có chuyện tôi ăn cắp được.

Sau bao nhiêu cuộc họp, nhưng anh H. kiên quyết không nhận. Lúc này, cả phòng ký túc xá rộ lên những lời đồn thổi này nọ. Rồi những nghi ngờ bỗng nhiên lan ra cả người nọ người kia khiến cho cuộc sống ở ký túc xá trôi qua trong sự nghi kỵ, dò xét, vô cùng căng thẳng và mệt mỏi. Có một vài bạn ở trong phòng bất mãn, còn đòi tự tử để chứng tỏ mình trong sạch, mình vô tội. Ban cán sự lớp hết sức đau đầu, mà từ trên khoa, các thầy giáo chỉ định xuống bắt buộc phải làm cho rõ ai là người ăn cắp nếu không sẽ mời Công an vào làm việc trực tiếp. Đến lúc đó, tìm ra thủ phạm ăn cắp số tiền của T., thì không những người đó bị nhà trường đuổi học mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải đi tù là cái chắc.

Thú thật tôi vô cùng hoang mang và sợ hãi đến tột cùng. Đến nước này tôi càng phải giữ cho đến cùng việc tôi đã ăn cắp tiền của T. Một là thoát, hai là đời đi tong, tôi đến chết cũng kiên quyết không để lộ mình là thủ phạm. Tình hình tâm lý ở trong phòng quá gay cấn, một bạn người Thái Bình ngủ cạnh giường T do yếu tâm lý, sợ mọi người nghi ngờ mình ăn cắp nên đã viết thư tuyệt mệnh để lại để chứng giám cho tấm lòng trong sạch của mình rồi mua sedusen về uống để tự tử. May mà cả phòng phát hiện sớm đưa lên bệnh viện thành phố rửa ruột kịp thời. Phong trào muốn tự tử có vẻ như lan ra khắp phòng, nhuốm một màu kích động.

Trước tình hình hoang mang bất ổn ấy, đột nhiên anh H. xin nghỉ học một tuần đi đâu không ai rõ. Sau một tuần đi vắng, anh H trở lại trường, về lớp và bình thản nhận anh là kẻ đã ăn cắp số tiền của T. Anh H. viết bản tường trình kể lại chi tiết việc ăn cắp số tiền của T. như thế nào, số tiền ấy đã gửi về nhà cho bố mẹ chữa bệnh ra sao. Mọi thứ được trình bày cặn kẽ, chi tiết và hợp lý đến nỗi, ngay cả bản thân tôi, kẻ đã ăn cắp số tiền trên, khi đọc đi đọc lại đến 5 lần 7 lượt bản tường trình này đâm ra hoang mang, cứ ngỡ là mình vô tội thật. Rằng, kẻ ăn cắp tiền mới chính là anh H. chứ không phải là tôi.

Cả lớp thở phào như trút được một gánh nặng. Từ đó mọi ánh mắt ghẻ lạnh đổ dồn vào anh H. Những câu chuyện thêu dệt về nhân thân của anh H., về người bố chuyên đi ăn trộm trâu, chuyện anh H mắc chứng ăn cắp vặt nên bị quân đội đuổi ra khỏi hàng ngũ trở nên rầm rì hết cả khoa này lan truyền sang khoa khác. Anh H. bị Hội đồng khoa kiến nghị lên nhà trường đuổi học.
Sưu tầm(còn nữa)

24 tháng 1, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Ngây ngất với Kitaro

Bạn yêu nhạc Việt Nam hẳn không còn ai lạ gì cái tên Kitaro cùng nhạc phẩmMatsuri, Dance of sarasvati, Whispering Earht...) đã được sử dụng liên tục trong các chương trình biểu diễn thời trang, nhạc hiệu, tại các phòng SPA... 

"Thiên nhiên gây cảm hứng cho tôi", Kitaro từng tâm sự như thế - "đối với tôi, những bài hát một số giống như mây trời, số khác như nước trôi". Vẻ đẹp của tự nhiên là một phần tuổi thơ Kitaro. Kitaro sinh ra trong một gia đình nông dân theo đạo Phật và Thần đạo ở Toyohashi tại miền Trung Nhật Bản. Những năm tháng sống và chan hòa ở nông thôn đã phả vào tâm hồn ông những cảm nhận, rung động hài hòa rất sớm về sự hồn nhiên và hùng vĩ của thiên nhiên. "Tôi nhận ra mình trong thiên nhiên khi tôi còn rất trẻ".

Âm nhạc của Kitaro gợi cảm và có khả năng giải phóng năng lực hình dung của người nghe rất lớn.

Tại sao bạn không thử làm quen với Kitaro nhỉ?








CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: TÔI CÓ THỂ ĐƯỢC THA THỨ KHÔNG?

Một buổi chiều khá muộn, chúng tôi có một vị khách không hẹn trước. Người đàn ông đó trạc 50 tuổi, mái tóc hoa râm, gương mặt mang nhiều nét suy tư. Ông ta nằng nặc xin gặp bằng được những người phụ trách chuyên mục "Chuyện khó tin nhưng có thật". Không cầu kỳ, không rào trước đón sau, người đàn ông ấy xin được kể lại câu chuyện của mình. Chúng tôi đã nán lại để nghe những điều tâm sự mà người đàn ông muốn chia sẻ. Câu chuyện càng nghe càng gây cho chúng tôi một nỗi xúc động khó tả. Đó cũng là một câu chuyện kỳ lạ trong vô vàn những chuyện lạ lùng mà chúng tôi đã được chứng kiến.

Người đàn ông ấy đã kể rằng: Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, ngày tôi còn trẻ. Ngày đó, tôi còn là cậu sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Giao thông Hà Nội. Tôi là con trai duy nhất vì bố tôi là liệt sỹ chống Mỹ. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi của bố và mẹ đã kịp sinh ra trái ngọt tình yêu là tôi. Sau này lớn lên, cả bà nội và bà ngoại đều nói với tôi rằng, tại tôi sinh ra giống bố như một bản sao nên mẹ không dứt tình ra được để đành lòng đi bước nữa. Mẹ ở vậy thờ chồng và nuôi tôi lớn lên.

Quê tôi nghèo lắm, có lẽ là nghèo nhất trong tất cả các tỉnh nghèo của Thanh Hoá. Ngay cái tên huyện Nông Cống cũng đã nói lên cái vất vả cơ cực của mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên. Mặc dù nhà nghèo, nhưng mẹ tôi dành tình yêu thương cho tôi hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Trong khi lũ bạn cùng trang lứa với tôi bé tí đã phải dắt trâu ra đồng làm lụng việc đồng áng như một người nông dân cực khổ thì tôi được no đủ cơm áo và được đến trường. Mặc dù đầy đủ hơn các bạn cùng trang lứa nơi xóm nghèo ở quê nhà nhưng nhà tôi cũng nghèo lắm.

Ngày tôi vào đại học, để có tiền nhập học, mua sắm và trang trải cho một cuộc sống sinh viên ban đầu, mẹ tôi đã phải bán đi một con nghé mới đủ tiền cho tôi lên Hà Nội nhập học. Dù rất chiều chuộng và yêu thương tôi, nhưng mẹ tôi vô cùng nghiêm khắc. Trong tất cả những năm tháng sống trong vòng tay mẹ, mẹ luôn nói với tôi một điều rằng: "Mẹ có thể hy sinh tất cả vì con để cho con nên người. Con hãy noi gương bố mà sống. Nếu con có điều gì sai phạm trong học tập cũng như trong cuộc sống thì mẹ sẽ không thể và không bao giờ tha thứ cho con".




Tôi vừa thương mẹ, kính trọng mẹ, vừa sợ nhất là mắc lỗi thì mẹ sẽ giận và không tha thứ. Cũng chính vì những suy nghĩ ấy mà tôi đã phạm phải một sai lầm đau đớn trong cuộc đời. Nhưng cũng chỉ mãi đến sau này, khi tôi đã từng trải, đã trưởng thành, đã biết chiêm nghiệm mọi thứ trong cuộc đời thì tôi mới hiểu sâu sắc rằng, tôi đã trả giá đắt cho sai lầm ấy biết chừng nào.

Mọi chuyện bắt đầu sau khi tôi nhập học được một học kỳ. Một học kỳ gắn bó bên nhau, đủ để bạn bè tứ phương từ chỗ xa lạ trở nên quen biết nhau, gần gũi với nhau, hiểu hoàn cảnh của nhau, và thông cảm chia sẻ với nhau hơn trong cuộc sống và học tập. Một học kỳ cũng đủ để nhận biết tính cách của từng đứa trong căn phòng ký túc xá. Đứa nào nghịch ngợm láu cá, đứa nào uỷ mị hay buồn, đứa nói nhiều nói ít, đứa vô tư, đứa hay cáu giận.

Mọi chuyện bắt đầu sau khi ra Tết năm 1986, chúng tôi về quê ăn Tết 10 ngày và trở lại trường để vào học tiếp học kỳ hai của năm thứ nhất. Sau Tết, tất cả các bạn đều về quê và lấy tiền để đóng học phí học kỳ 2. Năm đó, sau khi mẹ tôi chạy vạy ngược xuôi, bán hết mọi thứ có thể bán để lo đủ tiền cho tôi nộp học phí học kỳ hai là 300 ngàn, nhưng buồn thay tôi đã sơ ý để mất. Cho đến lúc trở về ký túc xá, giở tư trang hành lý ra, tôi mới hoảng hốt vì phát hiện ra bọc tiền mẹ cho tôi nộp học phí đã không cánh mà bay.

Tôi thần người ra, không biết được tôi đánh rơi trên đoạn đường từ bến xe ôtô khách về đến trường hay bị kẻ gian móc túi ngay trên chuyến ôtô tốc hành từ quê tôi ra Hà Nội. Có nghĩa là trường hợp mất tiền và thời gian mất tiền tôi không thể nào xác định được. Tôi bủn rủn hết cả người và đổ ốm ngay hôm ấy vì quá lo lắng sợ hãi. Chỉ cần nghĩ đến chuyện mẹ sẽ biết, và không tha thứ, và tôi sẽ phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí là tôi đã phát sốt phát rét.

Suốt một tuần đổ ốm liệt giường, tôi không ăn không ngủ rồi thức trắng đêm để nghĩ cách kiếm tiền. Và rồi, trong một phút giây cùng quẫn, trong lúc đang nằm một mình ở nhà, chợt nhìn thấy chiếc rương của thằng T. không khoá, tôi lẻn sang lục rương của T. và như một kẻ u mê vô thức, tôi đã loá mắt trước bọc tiền chưa kịp nộp học phí của thằng T. Tôi ẵm trọn cả bọc tiền của thằng T. về giường của mình. Đúng lúc tôi lom khom chui từ chiếc giường tầng này sang chiếc giường tầng khác để quay về chỗ nằm của mình thì anh H. bạn nằm cùng giường với T. đi vào phòng. Tôi giật bắn người như bị bắt quả tang. Mặt tôi đỏ lựng lên bối rối kinh khủng. Cũng may, anh H. không để ý, lẳng lặng leo lên giường T. nằm. Anh H. nói với tôi, anh bị đau đầu nên xin nghỉ 2 tiết học còn lại để đi về phòng nằm nghỉ. Tôi lí nhí hỏi thăm anh H. xong rồi nằm úp người xuống giường, để bọc tiền vào túi quần và cứ thế nằm một lúc. Không hiểu quá sợ hãi, quá lo lắng hay sao mà được một lúc, tôi tụt xuống giường ra khỏi phòng ký túc xá và đi vào nhà vệ sinh tìm cách để giấu bọc tiền đi.
Sưu tầm(còn nữa)

21 tháng 1, 2011

Mỗi tuần 1 nhân vật: Chúc mừng sinh nhật Chủ tịch CLB NĐT IRS !


Người của công chúng là anh một thời !


và là chính khách luôn xuất hiện trong những sự kiện quan trọng (giống Obama đấy !)


một ngôi sao hành động luôn tỏa sáng đúng lúc...


một "Giải cứu binh nhì" luôn hết lòng vì đồng đội... 


một "Tể tướng Lưu Gù" với những tham mưu chắc cú... 


một Monaliza hiền hậu, nhân từ nhưng nụ cười thì không... bí hiểm !  
một ông già Nô-en vui vẻ và hài hước




và một sự tưởng thưởng xứng đáng với những gì anh đã và đang đóng góp cho CLB


Photobucket

Chúc anh bước sang năm mới, tuổi mới sức khỏe duy trì, hạnh phúc bền lâu, đầu tư đâu thắng đó !!!
Photobucket
BBT