Ngày anh H. khoác ba lô và xách hòm sách ra về, cả lớp tôi có họp mặt chia tay anh nhưng trong phòng ký túc xá không một ai đưa tiễn anh ra bến xe ngoại trừ lớp trưởng và bí thư. Ngay cả bản thân tôi, đến lúc này cũng mang cảm giác anh H. mới là người có tội, anh H. xứng đáng bị đuổi học, việc tôi ăn cắp chẳng qua là bước đường cùng, chứ anh H. mới là người có bản chất xấu xa. Tôi cũng lạnh lùng không tiễn anh H. hay gặp anh và an ủi anh lấy một lời. Tôi nghiễm nhiên trở thành kẻ vô tội và coi như anh H. là vật thí mạng. Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi, còn anh H 23 tuổi.
Vậy là anh H. đã ra đi khỏi lớp tôi với một lý do nhục nhã như vậy. Chuyện lan nhanh khắp cả trường. Tôi, kẻ ăn cắp đích thực có nhiều lúc nghe mọi người bàn tán xôn xao sôi nổi về chuyện anh H. ăn cắp tiền, tôi cũng thoáng chạnh lòng, lương tâm cắn rứt. Tuổi trẻ nên mọi chuyện chóng quên, cả sự day dứt hối lỗi rồi cũng trôi qua lúc nào không hay...
Xin được nói lại chi tiết này để các bạn rõ là hồi đó chúng tôi đã bước vào kỳ hai của năm thứ hai đại học chứ không phải năm thứ nhất, và số tiền nộp học phí năm đó là 30 ngàn đồng chứ không phải là 300 ngàn đồng. Do mọi chuyện xảy ra quá lâu rồi, nên trí nhớ của tôi trong nỗi xúc động, xáo trộn nên không được chính xác lắm.
Tôi tốt nghiệp ra trường và vì là con liệt sỹ, mẹ tôi là vợ liệt sỹ neo đơn nên tôi được ưu tiên về thành phố Thanh Hóa làm việc ở Sở Giao thông. Tuổi trẻ với bao háo hức chờ đợi ở phía trước. Tôi đã muốn chứng tỏ mình, muốn mình sẽ thành danh trên con đường sự nghiệp. Tôi lao vào phấn đấu.
Tôi lấy vợ lập gia đình, vợ tôi là một cô giáo dạy cấp 3 ở ngay thành phố. Công việc phụ trách thi công các công trình giao thông cũng mang lại cho tôi chút tiền bạc và quyền lực nho nhỏ. Tôi mua đất, xây nhà ở ngay thành phố Thanh Hóa và đón mẹ già lên ở cùng. Tôi đặt ra những mục tiêu trong sự nghiệp mình để phấn đấu. Và tôi say mê công tác, say mê rèn luyện phấn đấu để đạt được những mục tiêu mà tôi đề ra. Lý lịch trong sáng, lại là con liệt sỹ, tôi gần như được ưu tiên mọi mặt.
Tôi được kết nạp Đảng sớm ngay sau khi về cơ quan công tác hai năm. Đi làm các công trình giao thông, từ một kỹ sư chuyên môn, tôi phấn đấu lên làm đội phó, rồi đội trưởng, rồi phó ban, trưởng ban một cách dễ dàng. Sau gần chục năm công tác ở Sở, tôi được cất nhắc lên một chức vụ ở Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách về kinh tế.
Thú thật lúc đã trưởng thành, mọi thứ đã ổn định và phát triển, tôi hay nghĩ đến câu chuyện năm xưa hồi sinh viên và thoáng chút ân hận cùng với lo ngại. Tôi thầm tự hỏi, không biết bây giờ anh H ở đâu? Số phận anh kể từ ngày bị đuổi học giờ như thế nào. Càng nghĩ tôi càng ân hận và lo lắng cho cuộc gặp mặt bất kỳ lúc nào giữa tôi và anh H.
Nhưng sự đời vốn dĩ trớ trêu và công bằng. Đời có vay thì có trả. Tôi đã gặp lại anh H. trong một trường hợp vô cùng hy hữu. Tôi trúng cử vào Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong một lần xuống cơ sở vùng sâu vùng xa nơi miền núi hẻo lánh nhất của tỉnh Thanh Hóa để lấy ý kiến cử tri, tôi đã gặp lại anh H trong một tình huống trớ trêu.
Trong cuộc họp cử tri lần đấy, anh H. đã đứng lên phát biểu gay gắt và có những chỉ trích khá nặng nề đến lãnh đạo ủy ban xã nơi anh H. ở về việc xã quy hoạch làm con đường mới có đi qua vườn nhà anh H. Anh H. không chịu nhận đền bù đi nơi khác ở để nhường đất làm đường. Theo anh H., số tiền đền bù quá bèo bọt so với công sức anh gầy dựng nên trang trại theo mô hình VAC, vườn cây ăn quả, đào ao nuôi cá và chăn nuôi gia súc gia cầm. Cái quan trọng không phải là giá trị tiền bạc ở đây, mà anh H. không muốn cả cơ ngơi của mình bỗng chốc biến thành số không. Trong khi đó, việc này có thể giải quyết ổn thỏa nếu Ban giao thông của xã hướng về quyền lợi của người dân mà có thể sửa lại bản vẽ quy hoạch cho con đường đi chệnh lên khoảng 30 độ thì khu vườn và gia đình anh H. sẽ không nằm trúng vào giữa lòng đường mà chỉ là nằm cạnh mặt đường.
Nếu theo thiết kế này, gia đình anh H. sẽ không phải chịu những thiệt thòi nặng nề cho cả một cơ nghiệp hơn chục năm nay vợ chồng con cái anh tạo dựng. Anh H. cho rằng, ngày xưa anh đã vì yêu quê hương đất nước mà xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở nơi heo hút này.
Giờ đây, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được một cơ ngơi như vậy, nếu con đường đi qua vườn nhà anh, coi như anh mất nhà, mất cơ nghiệp. Anh H vừa nói, vừa lớn tiếng chỉ trích lãnh đạo xã, huyện thì đã bị các đồng chí Công an xã xốc nách lôi ra khỏi hội trường không cho tiếp tục phát biểu nữa.
0 comments:
Đăng nhận xét