Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đứng lên phát biểu vạch tội anh H là trong quá khứ anh H có lý lịch không trong sáng. Nhà hai đời ăn cắp. Bố anh H. từng ăn cắp trâu bị đi tù mất 6 tháng, đến lượt anh H. từng là sinh viên Đại học Giao thông và đã bị đuổi học vì tội ăn cắp tiền... Tôi nghe đến đây ù hết cả hai tai. Thú thật trước đó tôi không hề nhận ra anh H. Dễ đến mười lăm năm không gặp lại kể từ ngày đó, bây giờ tôi không thể nhận ra người đàn ông khắc khổ, lam lũ, đen đúa kia chính là anh H. ngày nào. Tôi kết thúc cuộc gặp gỡ lấy ý kiến cử tri sớm hơn lệ thường mà trong lòng ngổn ngang, đầu ong lên, hoa cả mắt. Đã lâu lắm rồi, sống lưng tôi mới lại toát mồ hôi lạnh.
Tối hôm đấy, tôi yêu cầu lãnh đạo xã đưa tôi đến thăm nhà anh H. Quả thật, cơ ngơi anh H. tạo dựng ra bằng sức lao động cần cù, chăm chỉ thật là mỹ mãn. Giữa vùng rừng núi rậm rạp, ngôi nhà gỗ năm gian của anh nằm trong một khu vườn xanh tốt thật là đẹp và bình yên. Anh H. làm nghề nuôi hươu lấy nhung, cả khu vườn của anh có đến chục chuồng hươu với chục con trong chuồng. Chưa kể rẫy cà phê sai trĩu quả, từng luống chè xanh ngăn ngắt, và có tới hai cái ao nuôi cá, đêm tĩnh lặng, thỉnh thoảng cá quẫy tùm tùm nghe thật vui tai. Anh tiếp tôi bên ấm chè xanh và điếu thuốc lào.
Trái với lúc sáng hùng hồn trên cuộc họp, tối nay, anh H. trầm ngâm, ít nói, hầu như chỉ rít thuốc lào im lặng. Tôi hỏi gì, anh H trả lời câu ấy, không tỏ ra lạnh nhạt cũng chẳng phải thân thiện. Giữa chúng tôi có một khoảng cách vô hình khá rõ. Anh H. chối bỏ chuyện anh đã từng học Đại học Giao thông, anh nói tôi nhầm anh với người nào khác chứ anh cả đời chỉ biết có nương rẫy, và anh lại càng chưa từng quen tôi bao giờ. Anh nói rằng: "Tôi nhận anh là bạn học cũ, hóa ra tôi dối với lương tâm mình, anh lại cho rằng thấy người sang bắt quàng làm họ".
Anh tiễn tôi ra khỏi nhà như tiễn một kỷ niệm hèn hạ. Một lần nữa, mồ hôi nơi sống lưng tôi lại rịn ra buốt lạnh. Đợt tiếp xúc cử tri ấy, tôi yêu cầu bên giao thông sửa thiết kế để cho lòng đường không cắt vườn nhà anh H. mà chỉ đi phía bên ngoài. Quyết định của tôi gây kinh ngạc cho nhiều người trong lãnh đạo xã và huyện.
Tết năm ấy, mang một mặc cảm tội lỗi đớn hèn, tôi quyết định về quê anh H. và tìm đến thăm gia đình anh H. để xác nhận thực hư. Mẹ anh H. vẫn còn sống, bà đã mù cả hai mắt, ở cùng với người con trai út trong ngôi nhà của ông bà xưa để lại. Khi tôi bước vào ngôi nhà cũ của bố mẹ anh H., cất tiếng hỏi thăm mẹ anh H. thì bà ngồi trong buồng, chống gậy lần ra, và cất tiếng hỏi to: "Có phải cậu là V., ngày xưa học cùng với thằng H. con tôi ở trường Đại học Giao thông không?".
Tôi sửng sốt trước câu hỏi của bà cụ già. Tôi lúng túng: "Dạ vâng, cháu là V. học cùng anh H. ngày xưa đây ạ". Bà cụ lập cập: "Quý hóa quá! Mời anh vào nhà xơi nước. Thằng H. có ý đợi anh mãi đấy, lần nào về ghé qua nhà thăm tôi nó cũng hỏi, cậu V đã đến nhà mình tìm con chưa hả mẹ. Khổ thân con trai tôi, nó chờ cậu mãi, mong cậu đến lắm. Ngày nó nghỉ học, nó có đưa cho tôi một cái phong thư, dặn tôi là khi nào có một người xưng tên là V. về đây tìm gặp con, thì mẹ nhớ đưa cho anh ta bức thư này. Thế mà tôi cứ chờ mãi, dễ đã mười mấy năm rồi, không thấy cậu đến".
Một lần nữa, mồ hôi lạnh lại rịn ra từ sống lưng tôi, làm xây xẩm cả mặt mày. Tôi ngồi xuống đón phong thư từ đôi tay quờ quạng răn reo của bà cụ. Trái tim tôi lúc này như vỡ ra vì tức thở, ngột ngạt. Bà cụ vẫn líu ríu: "Anh đọc đi, xem trong thư thằng H. nhà tôi viết cái gì. Nhà tôi được năm anh em, thằng H. là anh cả, sau nó 4 em hai trai hai gái. Thằng H. số khổ, đi bộ đội phục viên về, thi đỗ vào Đại học Giao thông, nó là niềm tự hào của cả nhà. Đang học năm thứ 2, đùng một cái nó nghỉ học khoác ba lô về nhà. Hỏi thế nào cũng không nói lý do vì sao nghỉ học. Nhưng làng trên xóm dưới nghe đâu hay rằng nó ăn cắp tiền của bạn cùng phòng, nên bị nhà trường đuổi học. Tôi không tin thằng H nhà tôi lại làm như vậy. Nó từng đi bộ đội hồi chiến tranh biên giới, vào sinh ra tử, nó được rèn luyện trong quân ngũ, làm sao lại có tính đó được. Hỏi gặng nó, nó trả lời, mẹ cứ giữ phong thư này, một ngày nào đó, có người tìm đến, người đó tên là V, nhận phong thư này xong, anh ta sẽ nói cho mẹ vì sao con bị đuổi học.
Thằng H. con tôi mang tiếng ăn cắp, như ngày xưa bố nó làm mất trâu của ông chủ làng bên, bị vu cho tội ăn cắp, ở làng không được, phải bỏ đi làm ăn biệt xứ. Bây giờ đến lượt thằng H., không chịu nổi lời ong tiếng ve trong làng xóm, nó vác ba lô đi lên rừng, bỏ lại phía sau bao nhiêu nghi ngại lẫn thị phi. Tôi thương nó lắm, nhà chỉ một mình nó đỗ đại học, tưởng là thành đạt, ai ngờ số khổ thế".
Tai tôi ù đặc, mắt tôi hoa lên. Mồ hôi lạnh ở sống lưng nhỏ nhồn nhột. Tôi ôm lấy bà cụ, xin lỗi bà cụ rối rít. Trong một trạng thái mất cân bằng, tôi nhớ, tôi đã đi như chạy khỏi căn nhà của bà cụ sau khi đã kịp nói với bà cụ như thế này: "Bà ơi, cháu xin lỗi bà, cháu đến để thanh minh cho anh H. đây. Anh H. không phải là người ăn cắp tiền đâu. Anh ấy hoàn toàn trong sáng và vô tội. Cháu xin lỗi bà".
Bà già quay gương mặt mù lòa lại phía tôi, giọng run run: "Việc quan trọng đến số phận của một con người như thế mà sao bây giờ anh mới nói, để nhỡ nhàng oan nghiệt cả một đời con tôi". Tôi đứng lặng như trời trồng trong ngôi nhà của mẹ anh H., trước những giọt nước mắt đục trắng rơi từ cặp mắt mù của người mẹ già đau khổ. Bà đã không còn nhìn thấy gương mặt tôi xám ngoét thảm hại lúc đó nữa.
Bức thư ngày ấy của anh H. gửi tôi, được viết ngay sau khi anh H bị đuổi học. Tính đến lúc này cũng đã 17, 18 năm rồi: "V. thân mến! Cậu có biết vì sao tôi nhận thay cậu tội ăn cắp không. Ngày đó, khi mọi người lên án kết tội tôi, tôi đã biết cậu lấy tiền của T. Khi cậu mang tiền đi giấu, cậu đã quên chi tiết chiếc túi đựng tiền vẫn còn giấu vội vàng dưới gối của cậu. Tất cả đều không qua được mắt tôi.
Ngày đó, cả tôi và cậu đều biết, nếu phạm tội ăn cắp, ngay lập tức sẽ bị đuổi học. Tôi đã suy nghĩ kỹ về việc tôi có thể đứng ra nhận tội thay cậu để cậu được tiếp tục đi học không, vì cậu là con liệt sĩ cơ mà, còn tôi là người lính nguyên vẹn trở về từ chiến tranh. Tôi và bố cậu đều là hai người lính, mặc dù thuộc hai thế hệ, hai cuộc chiến tranh khác nhau nhưng tôi may mắn hơn ông ấy là còn sống để trở về, tại sao tôi không thể vì một đồng đội mình đã hy sinh vì Tổ quốc mà không đứng ra nhận tội giúp cậu để cậu được học hành nên người.
Tôi đã trở về ngôi làng của cậu, vào thăm mẹ cậu và được biết gia cảnh cậu rất neo đơn, chỉ có mình cậu là con trai duy nhất, giọt máu của bố cậu để lại. Tôi đã trò chuyện với mẹ cậu và tôi vừa kính trọng đức hy sinh của mẹ, vừa thấu hiểu tình yêu của bà với đứa con trai duy nhất, niềm hy vọng của đời bà. Mẹ cậu kể rất nhiều về cậu, và tôi hiểu vì sao, cậu hèn đến như thế, cậu không dám nhận tội của cậu trước tập thể. Cậu không muốn giết chết tình yêu và hy vọng của mẹ cậu, người mẹ mà cậu đã đặt lên trên hết mọi ý nghĩa sống của cậu đúng không.
Cậu biết đấy, ngoài tình máu mủ ruột rà, hy sinh vì người khác thật là điều không dễ làm. Khi cậu đọc được những dòng này thì tôi đã hoàn toàn tha thứ cho cậu rồi. Chúc cậu thành đạt và hạnh phúc".
HẾT
0 comments:
Đăng nhận xét