29 tháng 1, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Phong tục đón Tết khắp nơi trên thế giới

Năm mới đến với mọi người ở các nước khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Các dân tộc trên thế giới đều có những ngày Tết độc đáo của riêng mình. Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày Tết ở các nước trên thế giới.

Tết tại Mỹ
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống… Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày.
Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ, họ ôm hôn nhau, nhảy múa theo những điệu nhạc vui vẻ và cụng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Ở Pháp
Người Pháp dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3.1 mới kết thúc. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió, nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an, nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt, nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.
Tại Brazil

Vào đêm Giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng. Đặc biệt là ởRio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Người Brazil thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.
Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31.12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên. Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khỏe.
Tết ở Nga
Đất nước Nga rộng lớn bao la, nhưng dù ở đâu, đến ngày Tết, từ vùng lạnh giá đến những miền đất ấm áp, từ những làng quê xa xôi đến đất thị thành, hay tại thủ đô, nhà nhà đều tổ chức đón Tết vui vẻ, thoải mái, ấm áp tình gia đình.
Người Nga ở đâu cũng muốn được đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
Ở Ấn Độ
Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 31.10, ngày thứ tư được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Vào dịp Tết, không ai được phép giận dỗi và nổi cáu. Ở một số vùng ở Ấn Độ, buổi sáng đầu tiên của năm mới ai cũng nước mắt lưng tròng để đón mừng năm mới. Một số nơi khác thì lại có tục nhịn ăn một ngày, một đêm. Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc tụng nhau, dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn như ý. Thanh niên đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân.
Tại Nhật Bản
Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa.
Người Nhật chuẩn bị Tết từ trước đó khá lâu. Họ có thú vui mua sắm Tết và tặng quà nhau. Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm. Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Tới ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá “lộc xuân” đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng. Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới cũng vào ngày 1.1 Tây lịch và kéo dài tới 2 tuần.
Tại Hàn Quốc
Năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks, một loại trang phục cổ truyền. Vào buổi sáng của năm mới, họ thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook - một loại súp làm bằng gạo. Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, mọi người thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.
(St)

0 comments: