Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng trị vừa trưng bày thêm bức thư của một
liệt sĩ. Và mỗi lần đọc bức thư ấy, khách tham quan không cầm được nước mắt
Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vừa trưng bày thêm một lá thư mới của
liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người lính quê Thái Bình, vào chiến trường Quảng Trị khi
đang là sinh viên năm thứ 4 Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hằng ngày, hướng dẫn viên của khu di tích vẫn đọc cho khách tham quan Thành cổ
nghe bức thư ấy. Bao nhiêu người nghe là bấy nhiêu người đã khóc. Mọi người
khóc vì thương mến và cảm phục chị Nguyễn Thị Xơ, vợ của liệt sĩ Huỳnh. Người
phụ nữ hết sức bình dị mà rất đỗi phi thường ấy, làm vợ chưa đầy 1 tuần nhưng
trọn cuộc đời chị đã gắn bó thuỷ chung, ân tình với cả người mất và người còn.
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm..."
7 ngày làm vợ, cả đời làm dâu
Bây giờ, người thiếu phụ ấy đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời.
Hơn 30 năm đã qua, chị vẫn ở vậy thờ chồng và không có được niềm hạnh phúc làm
mẹ.
Sức mạnh nào đã giúp chị vượt qua mất mát, đau thương, vượt qua
bao khó khăn đời thường để vững vàng kiên trinh? Niềm khao khát được gặp chị đã
thôi thúc tôi tìm về xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị là dáng người hanh hao, khô
gầy và đôi mắt đen, buồn, sâu thăm thẳm.
Hơn 30 năm trước, anh Huỳnh đang là sinh viên Khoa Xây dựng,
Trường Đại học Bách khoa. Còn chị là cô thôn nữ đảm đang, đẹp người, đẹp nết
vừa mới bước sang tuổi 22.
Đầu năm 1972, nhân dịp nghỉ Tết, anh chị tổ chức đám cưới trong
niềm hân hoan của gia đình, làng xóm. Đêm tân hôn, chú rể chẳng dám vào buồng
cô dâu, mẹ và em phải dắt tay vào tận nơi.
Cô dâu được hưỏng niềm hạnh phúc làm vợ được 3 ngày thì lại tiễn
chồng lên trường học tiếp. Ngày cưới rủ anh lên huyện chụp ảnh, anh nói để khi
khác. Thế rồi không còn khi khác nữa.
Ngày ấy, tình cảm vợ chồng trẻ dồn cả vào những lá thư. Bước sang
năm 1972, đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng bắn phá, cuộc chiến tranh vệ quốc của
nhân dân ta gặp nhiều khó khăn hơn. Đảng và Nhà nước phát lệnh tổng động viên.
Giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam thời ấy, anh
Huỳnh hăng hái tham gia huấn luyện để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu.
Trước ngày nhập ngũ, anh được về thăm nhà và anh ở bên chị được
thêm 3 ngày nữa rồi hối hả lên đường tòng quân. Những lá thư vẫn thay anh về
bên chị. Dừng chân ở đâu, có thời gian anh đều tranh thủ viết thư về cho chị.
Anh kể bom đạn ác liệt, đồng đội của anh nhiều người đã hy sinh.
Rồi có tin anh cũng đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị. Chị nén nỗi thắc
thỏm, phập phồng, lo sợ để trấn an, động viên mẹ già và có lẽ cũng là để trấn
an mình. Có ai ngờ rằng những lời anh dặn mẹ, dặn vợ trong những lá thư lại là
lời tuyệt mệnh.
Một năm sau ngày cưới, giấy báo tử của anh được gửi về xã. Gia
đình giấu chị, mọi người muốn hoãn cái thời khắc đau đớn ấy càng lâu càng tốt.
Còn chị, bằng linh cảm của người vợ, chị đã cảm thấy có điều gì đó không lành.
Biết bao nhiêu đêm trắng chị một mình một bóng với chiếc gối cưới ướt đẫm nước
mắt.
Một chiều tháng 4 mưa tầm tã, chị đang làm dân công ở xã bên cạnh
thì đồng đội của anh tìm về, chị biết đó là việc chính thức báo tử cho anh. Chị
nhìn di ảnh của anh, nỗi đau quá lớn, chị không khóc được, nước mắt chảy ngược
vào tim chị.
Những ngày ấy, chị sống như người mất hồn. Đêm đêm, trong căn
buồng cưới ngày xưa, chị tiếc vì chưa kịp có với anh một đứa con. Mẹ chồng chị
thương con mà sinh ra ốm yếu. Bao nhiêu tình cảm chị dành cả cho mẹ. Chị chăm
sóc bà cụ chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ. Bà con thôn Phú Ân bảo rằng, hiếm có
nàng dâu nào hiếu nghĩa được như chị.
Bà cụ cũng thương con dâu lắm, thấy có nhiều người ướm hỏi, bà
giục chị đi bước nữa để có người nương tựa lúc tuổi già. Song chị chỉ lắc đầu,
ứa nước mắt.
Cuối năm 1977, bà cụ ốm nặng, bà đã thanh thản trút hơi thở cuối
cùng trong vòng tay cô con dâu hiếu thảo.
30 năm lặn lội tìm mộ chồng
Những hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn, súng đạn và bom mìn
cũng đều đã hoen gỉ, chỉ có tâm tư trong những lá thư mà người lính chưa kịp
gửi là còn tươi mới.
Ngày ấy, anh Huỳnh là sinh viên ngành hầm cầu nên khi vào đến chiến
trường Quảng Trị, anh được phân công chiến đấu, bảo vệ, đưa bộ đội và hàng hoá
qua sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Không biết Huỳnh và những sinh viên cầm súng ra trận như anh được
bổ sung vào Thành cổ đợt thứ mấy, bởi 82 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa ấy, mỗi ngày
một đại đội bơi qua sông và mỗi ngày một đại đội không bao giờ còn quay về nữa.
Anh Huỳnh đã viết bức thư cuối cùng cho gia đình, cho người vợ
thân yêu của mình vào ngày thứ 77 của chiến dịch 82 ngày đêm bảo vệ Thành cổ
Quảng Trị, khi sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tận cùng.
Bức thư anh viết vội và chưa kịp gửi, có lẽ quân địch lại đến dội
bom và nã pháo. Thư được viết từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ
nhỏ, viết bằng những tiên cảm kỳ lạ mà sau hơn 30 năm
Đọc những dòng thư ấy người ta vẫn chưa hết kinh ngạc. Anh biết
trước mình sẽ “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” nhưng anh viết thư với một
sự bình tĩnh đến lạ lùng.
Giữa những con chữ lặng im ấy chợt nhận ra khí phách và tâm hồn
của một người lính hiên ngang, bất khuất: “Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em
là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến là nỗi buồn nhất. Người
ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng
được cái diễm phúc ấy mà đã phải sớm xa rồi… Nhưng anh chỉ mong một điều là hãy
đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như khi anh còn sống để cho linh hồn anh
đuợc bừng nở trong giấc mơ trìu mến của em… Nếu có điều kiện vào Nam lấy hài
cốt của anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch
Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã lần ngược lại hỏi
vào thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ
tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn…”. Chị nhận được lá thư
này tháng 11/1972, tức là 5 tháng trước khi nhận được giấy báo tử của anh.
Kể từ đó, chị sống chỉ để làm một việc là tìm đưa anh về quê
hương. Sau ngày miền Nam giải phóng, chị đã vào Quảng Trị tìm anh nhưng không
thấy. Dành dụm được đồng nào, chị dành hết vào việc tìm mộ anh theo lời chỉ
dẫn. Nhưng mọi cuộc tìm kiếm đều không kết quả. Hai bên gia đình khuyên chị
không nên tìm nữa vì anh nằm đâu cũng trên đất Việt Nam nhưng chị không nản.
Chị sang xóm bên tìm người đã gặp anh ở chiến trường, lên Hà Bắc
tìm người cầm ba lô của anh nhưng hai nguời này đều không biết anh đã hy sinh
như thế nào. Chị đi tìm những người bạn học cùng đi chiến đấu với anh. Nhiều
người đã trở về thành dạt, vẫn hăng hái đi tìm anh cùng với chị. Chị nhớ mãi
những ngày ở Quảng Trị. Chiến trường xưa giờ đã là một bãi sắn mênh mông của
một người nông dân chất phác tên Hậu.
Biết có người đến tìm mộ, anh Hậu mang ra hai tấm bia trong đó có
tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Mừng vui khôn xiết, ngày hôm đó cả đoàn hăm hở
đào nhưng đào mãi mà không thấy.
Một ngày, hai ngày, ba ngày qua đi mà không có kết quả. Tuyệt
vọng, nhiều người nản chí nhưng chị thì không, chị tin chắc rằng anh đang nằm
đâu đây giữa bãi sắn bạt ngàn này. Song không thể đào tung cả bãi sắn vì đây là
đất trồng trọt, chị nhờ người mua sắt về thuốn, lòng thì thầm cầu khấn sự linh
thiêng của anh sẽ đưa đường để chị được đưa anh về quê cha đất tổ.
Điều kỳ diệu đã đến khi tất cả mọi người đã mệt rã rời thì chiếc
thuốn chạm vào một ngôi mộ. Rồi 3 ngôi mộ lần lượt được đưa lên, những ngôi mộ
nằm giữa ba hố bom cày xới. Hơn 30 năm kiếm tìm, chị đã được nhìn thấy anh,
người vợ ấy chỉ còn biết ôm nắm xương chồng lặng lẽ.
Tôi ngồi bên chị lặng yên, bao nhiêu kỷ niệm dồn nén bấy lâu trong
lòng chị giờ trào lên thổn thức. Từ đôi mắt chân chim ứa ra hai hàng lệ lăn dài
trên gò má. Vhị cho rằng mình còn hạnh phúc vì đã tìm được anh, còn có biết bao
người vợ, người mẹ khác đã không tìm được chồng, con mình, các anh đã “Hoá tuổi
đôi mươi thành sóng nước”.
Một cựu chiến binh Mỹ khi trở lại thăm Quảng Trị, được dịch lá thư
đã khóc và thốt lên: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì
các bạn đã biết trước tất cả”.
Và từ lặng im của đất đai, quá khứ vẫn kể lại những câu chuyện của
hôm qua một cách bi tráng và tràn đầy yêu thương./.
(Theo CAND)
3 comments:
Thật xúc động!
Chuyện cổ tích trong thời chiến và thời bình!
Xúc động quá. Chỉ muốn khóc
Đăng nhận xét