27 tháng 7, 2012

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Nhà thơ THANH ỨNG và chùm thơ nhân ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27-7

thanh ung
Nhà thơ Thanh Ứng
Tên khai sinh: Phạm Văn Ninh – sinh năm: 1945
Bút danh: Thanh Ứng
Nơi sinh và quê quán: Tam Hưng,Thanh  Oai, Hà Tây(nay là Hà Nội)
Thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn (ngành văn)
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Nguyên Chi hội trưởng chi hội Văn học Hà Tây
Ông đã có 40 năm làm thơ với tư cách là thầy giáo và đã viết nhiều đề tài xung quanh cuộc sống nhân gian. 5 tập thơ đã xuất bản để đời và hàng trăm bài viết vì nỗi niềm riêng, Thanh Ứng tự phác họa chân dung mình bình  dị mà cổ xưa như một cây bàng già đứng giữa rừng nguyên sinh thi ca. Sau đây là 1 trong số những bài thơ để đời của ông nhằm tưởng nhớ đến những vị anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc: 

      Vô danh

Anh không về đi, chị còn đây

Đã gần chục năm lại men giường như ngày bé

Bàn chân quen đồng cạn, đồng sâu, chợ Chuông, chợ Bụa…

Giờ tong teo xương thịt khô cằn

Anh không về đi, các cháu vẫn kia

Đứa lớn học hành trầy truội

Đứa trên rừng, đứa mãi miền xa

Bao điều còn thơ dại…
Anh không về đi,… anh ở nơi nào
Đồng đội ai còn, ai nhớ
Trong hàng vạn tấm bia thiếu tên trên mộ
Đâu là anh tôi…
Ngày rằm, mồng một đặt đĩa hoa tươi
Thắp nén hương mỗi lần cúng giỗ
Em lại khấn trong đèn nhang mờ tỏ
Anh yên bình phù hộ cháu con
Đã hy sinh và biền biệt tháng năm
Cây cỏ, trời mây nơi nào giữ anh lại
Tiếc thương đi vào mãi mãi
Đi vào vô danh…
                

       Đối diện

Bàn thờ kê trên đất
Ảnh thờ: Anh bộ đội binh nhất
Mũ, sao, quân hàm, quân hiệu đẹp tươi
Và hồn nhiên  nụ cười
Từ hơn bốn mươi năm trước.
 Trước ảnh: Một bà lão già nua tóc bạc
 áo nâu, gương mặt nhăn nheo
 Người vợ
 đã bảy mươi tròn đang lặng lẽ cầu xin
 Giữa hai người:
 Bảy cây nến, bảy điếu thuốc, bảy nén hương
 Ngun ngún cháy
 Đĩa xôi, con gà cùng xấp tiền giấy…
    Giữa hai người:
 Nụ cười trẻ - giọt nước mắt tuổi bảy mươi
 Lời thề khi ra đi - lời cầu mong gần trọn kiếp người
 Bao nhiêu năm đối diện với thời gian 
           đợi chờ, khắc khoải
 Nay đang thành tâm đối diện với linh thiêng
 Được đón anh về…
                                      
            Những ngày đi gọi vong anh ở Duy Tiên, Hà Nam 5/2011
                    
                    
                  
       Anh về

Anh đi: Tuổi ba mươi
Anh về: Bảy mươi tư tuổi
Không được khênh linh cữu anh như bao nhiêu người già của làng
Con cháu nâng anh trọn đủ hai bàn tay bọc vải đỏ
Những nén nhang cháy
Những giọt nước mắt rơi
Suốt dặm đường…
Hơn bốn mươi năm tha hương
Nơi anh nằm có đồi cây, suối nước
Có nắng khô rang không rõ những con đường
Có tiếng chim xa lắc 
Hơn bốn mươi năm mắt chị đau dòng lệ
Chiu chắt nuôi sáu con
Vắt kiệt sức ốm liệt giường 
Lại lần từng bước đi
Trong những cơn đau
Nhắm mắt còn mơ đón anh về
Hôm nay đón  anh 
Đồng đội - những người tóc bạc
Làng xóm quanh anh, bà con cô bác
Con cháu buồn vui, nước mắt, nụ cười
Thiếu chị, anh ơi!…
Điệu nhạc trầm hùng: Hồn tử sĩ
Một lần nữa tiễn anh…
                                    
                                                                 
           
 Đưa bạn
   
Đưa mày về từ Trương Sơn
Xóm làng, bầu bạn khóc thương đón mày
Thôi thì, thế cũng là may
Được về nằm dưới cỏ dày đất quê
Ngỡ là yên ổn mọi bề
Ngờ đâu hội nhập lại di chuyển mày
Nào là trống rộn, cờ bay
Bọn tao cuốc xẻng, chung tay lại đào
Đưa mày lên chỗ đất cao
Để nơi bằng phẳng người vào đầu tư
Đất chia miếng nhỏ, miếng to
Người lo đem bán, người lo mua về
Còn mày, mày có cần chi
Một vuông thôi, đủ những kỳ khói hương
Làng quê lên quận, lên phường
Phần mày như vẫn Trường Sơn… năm nào…


Người hát “Su-li-cô”

Kính tặng hương hồn liệt sỹ anh hùng Đặng Thùy Trâm

Chị đã từng hát “Su-li-cô” (*)
Bài hát chiến tranh của người Xô Viết
Một đêm trăng Trung thu
Trước ngày đi cứu nước
Câu chuyện tình tha thiết
Hai người yêu xa cách giữa chiến trường
Lửa chiến tranh càng rực cháy yêu thương
Cô gái hy sinh. Chàng trai tìm về mộ người yêu nức nở
Thuỳ ngã xuống bên người dân Đức Phổ
Mảnh đất thiêng đón chị yên nằm
Cuộc đời vằng vặc trăng rằm
                    Những trung thu đất nước
Trong những người về trước mộ Thùy Trâm
Có một người lính Mỹ
Anh giữ nhật kí của Thùy hơn một phần tư thế kỉ
Nước mắt đã rơi trước di ảnh nữ anh hùng…


(*) “Su-li-cô” : Tên một bản tình ca của người Grudia, thời sinh viên Đặng Thuỳ Trâm hay hát
(ST)

0 comments: