15 tháng 6, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Cha tôi đã nhận tội cho vợ mình !





Kính thưa các anh, các chị ở Tòa soạn,

Gia đình tôi có một bi kịch khá đau đớn. Đã nhiều năm qua, cả hai dòng họ của cha và mẹ tôi đều học cách im lặng để lãng quên ký ức đau buồn, hoặc im lặng để che giấu đi một sự thật chua xót. Mọi người bảo, không đáng để khơi lại, cũng chẳng đáng để thù hận.

Cuộc sống bình dị ở nơi làng quê vốn muôn đời nay vẫn bao bọc và bao dung từng số phận con người nơi này. Nhưng với tôi, càng lớn lên, bao nhiêu năm, tôi càng không quên được chuyện cũ, vì nó đã tác động đến tôi quá lớn, nó đã làm cho tôi choáng váng vì kinh hãi. Tôi lớn lên và mang theo câu hỏi không giải đáp, liệu tất cả mọi người trong gia đình tôi đồng thuận theo quyết định của cha tôi, như thế đã thật sự công bằng với lương tâm của mọi người chưa. 

Chuyện xảy ra cũng vài chục năm rồi, lúc đó tôi chỉ mới lên 5 tuổi. Cha tôi là ông giáo làng. Vì tình nghĩa lâu đời của các cụ ông thân sinh ra cha và mẹ tôi mà hai bên đã nhất tâm, nhất dạ hứa gả con cho nhau để được khăng khít tình thông gia. Cha và mẹ tôi lớn lên trong mối tình thâm thân thiết của hai dòng họ.

Khi mẹ tôi đến tuổi cập kê, gia đình bên cha tôi mang lễ trầu cau sang dấm trước, coi như đặt chỗ cho cha sau này học hành thành tài xong, ổn định công việc rồi thì sẽ cưới mẹ làm vợ. Cha tôi là con trưởng của một gia đình danh giá trong làng, mấy đời đều theo nghề dạy học.

Tiếc thay, ông trời se duyên cho cha và mẹ nhưng lại không se tình. Cha đem lòng yêu một cô gái khác ở làng bên mà không phải là mẹ. Cuộc tình tay ba đẫm nước mắt chưa bao giờ kết thúc giữa cha và người đàn bà đó cho dù đã có một rào cản lớn như vách núi dựng đứng trước họ, đó là cuộc hôn nhân sắp đặt giữa hai gia đình, hai dòng họ của cha và mẹ.

Mẹ là cô gái quanh năm chỉ biết việc nội trợ. Trước khi về làm vợ cha, bà có hay tin phong thanh rằng cha đem lòng yêu thương người con gái khác. Nhưng bà là phận con, thời bấy giờ, ở những ngôi làng vẫn còn nặng lễ giáo phong kiến như quê tôi thì ý nghĩa của việc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" vẫn còn sức nặng trong truyền thống và nếp nghĩ của mọi người.

Mẹ biết phong thanh cha yêu người khác đấy, người ta ở làng bên đấy nhưng mẹ vẫn nhu mì thuận theo sự sắp đặt của gia đình. Cha tôi, không hiểu vì sao ông không đủ sức để bảo vệ được tình yêu của mình với người con gái ông yêu, mà vẫn thuận theo sự sắp đặt của các bậc tiền bối, của các cụ thân sinh, bằng lòng cưới mẹ tôi làm vợ, để rồi sau đó cuộc đời ông, và kéo theo cả cuộc đời của bao nhiêu người khác nữa đắm chìm trong bi kịch.

Cuộc tình tay ba của cha, mẹ, và người con gái ấy tồn tại ngay cả khi cha mẹ tôi đã thành vợ thành chồng, và tôi, đứa con gái đầu lòng của cha mẹ đã ra đời bất chấp những sóng gió xung quanh.

Không biết có phải cha tôi vẫn đi lại với người tình của ông, và ông hứa với người tình rằng sẽ thu xếp ổn thoả cuộc hôn nhân không tình yêu với mẹ tôi để có thể đàng hoàng cưới người ta hay không mà người tình của cha tôi vẫn đeo đẳng ông cùng mối tình đau khổ.  Tôi lớn lên trong bi kịch gia đình.

Mẹ tôi vẫn cúi đầu cam phận làm vợ chính thức của cha, chiếm được thân xác cha, danh chính ngôn thuận là vợ của cha nhưng lại không chiếm được trái tim của ông ấy. Mẹ tôi vẫn nhẫn nại sinh con đẻ cái, làm tròn bổn phận của người vợ hiền như thể bà lặng lẽ chấp nhận tất cả. Với bà, được làm vợ của ông là hạnh phúc, là tốt lắm rồi. Và việc hy sinh vì chồng, vì con là bổn phận và nghĩa vụ của mẹ.

Nhưng khi mẹ tôi sinh em trai thứ hai thì sóng gió và tai ương mới thực sự ập đến. Hồi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu rõ mọi chuyện, nhưng tôi biết chắc cha đã làm chuyện tày trời và gia đình của tôi thế là tan nát. Tối hôm đó, sau bữa cơm tối, cả nhà tôi bị nhập viện vì ăn phải bả thuốc chuột.

Không biết có phải ông trời thương tình hay không mà liều thuốc chuột được lén bỏ vào thức ăn trong bữa cơm tối của gia đình tôi lại là liều thuốc chuột rởm, nên tôi, em trai tôi, mẹ tôi ăn phải bả chuột nhưng chỉ bị đau bụng vật vã, nôn thốc nôn tháo và được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời chứ không bị ảnh hưởng đến tính mạng... (còn nữa)

Theo ANTG

0 comments: