Các cụ bảo, "bệnh tật từ miệng mà vào, tai họa từ miệng mà ra". Mới chớm hè mà đến lắm dịch bệnh đe dọa, từ chân tay miệng, E.coli đến liên cầu lợn. Thế nên, xin nói ngay, "bệnh than" này không phải là thứ vi rút gây chết người hàng loạt mà bọn khủng bố dọa nước Mỹ trước đây. Mặc dù bệnh cũng từ đằng miệng mà ra và rất dễ lây…
Sở dĩ có nhã hứng lan man là vì hôm trước nghe ông Benedict Bingham, đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam khuyên rằng, khó khăn bây giờ là khó khăn chung, ai chả phải đối mặt. Vấn đề là phải chứng tỏ được bản lĩnh vượt qua khó khăn đó. Chứ cứ suốt ngày ngồi kêu ca khó khăn, xin hỗ trợ, ai chả làm được. Cái này nói nôm na là "tự cứu mình trước khi trời cứu". Thế nhưng, hình như vị chuyên gia khả kính kia mới đến xứ Việt nên chưa quen thung thổ. Xin nói rõ để ông biết rằng, với nhiều người xứ này, than đã trở thành một loại phản xạ… vô điều kiện. Động đến việc gì là cứ phải than cái đã, rồi làm thế nào, làm ra sao, tính sau!
Đã nói là bệnh thì trước hết phải xem căn nguyên và triệu chứng lâm sàng. Từ bé, khi chưa biết nói, ta thường kêu khóc khi muốn đòi cái gì đó. Đó là "mầm bệnh"! Khi đến trường, mưa, không được đi chơi: kêu ca. Nắng quá mà phải học buổi chiều: càu nhàu. Đi làm lương thấp than, lương cao cũng than (chắc do đếm tiền mệt quá). Do đó, có thể kết luận, than là căn bệnh truyền nhiễm lây qua... miệng. Bệnh được chia làm 2 thể nhẹ và nặng:
Ở thể nhẹ: Bệnh nhân chán nản, làm việc cầm chừng, hay tụ tập để so sánh này nọ, hay kêu ca trong các cuộc họp. Chữa bằng thuốc tăng lương, tăng thưởng!
Ở thể nặng: Bệnh nhân thường trầm uất, khi có dịp thì "nổ" mạnh, hay tìm đối tượng khác để truyền bệnh. Thuốc chữa: thăng chức hoặc cho nghỉ việc... để tránh lây lan!
Nhưng đấy là với cá nhân, chứ còn bệnh đã lây ra một đám đông thì ca này khó hơn. Nhớ mấy tháng trước, nhiều bác ngân hàng suốt ngày kêu ca, rằng thắt chặt tiền tệ làm ăn khó khăn, hòa vốn là may lắm rồi. Thế nhưng quý I vừa rồi, vị nào cũng xoa tay hài lòng. Đến mức có ý kiến từ một vị có trách nhiệm rằng, phải xem xét lại xem sao, chứ cứ bảo chia sẻ, rồi kêu khó khăn mà sao vẫn lãi thế???
Lại thêm mấy anh DN xăng dầu, lúc thế giới lên thì vật nài tăng giá bằng được, thế giới hạ cả tháng mà cứ chùng chình mọi nhẽ. Vừa rồi lại có thêm chuyện than thở, tố nhau nhập ít, nhập nhiều, lãi ít, lãi cao. Mà toàn dân đầu mối với nhau cả!
Chưa hết, có người bảo mấy bác điện lực chẳng khác gì ông bán phở. Cả vùng chỉ có mỗi quán của ông. Khách khứa đến ăn phải thưa gửi đàng hoàng đã đành, mà ăn nhiều ông cũng lườm nguýt. Đã thế, nay ông đòi tăng vài ngàn/bát, mai ông ngúng nguẩy, "các bác cứ ăn như tằm ăn rỗi thế này thì tôi chỉ còn nước… cắt phở". Rồi bác dỗi, "Có chuyện bé teo là tôi mở cửa hàng điện thoại, lấy tiền mua bát đĩa mà dân tình cứ lôi ra đay nghiến, tôi đau lòng tôi nghỉ bán thì các bác nhịn", he he...
Cái bệnh này đến là dễ lây. Mấy ông bạn mình hình như cũng đang có triệu chứng lâm sàng. Dạo này đi đâu, cũng thấy than thở: cuộc sống dạo này vất vả quá, giá cả tăng vọt mà lương chả tăng bao nhiêu. Rồi thằng này, thằng kia mới tí tuổi đầu đã giàu nứt đố đổ vách. Còn anh em mình vẫn cứ lê lết, đứa công chức quèn lương chỉ đủ đổ xăng và uống bia hơi pha nước. Đứa tưởng mấy năm trước phất lên nhờ nghề buôn cổ, bán cánh, cả năm nay mặt lúc nào cũng như đưa đám, nhìn mà phát rầu…
Mà nói đến chứng khoán còn nản hơn. Cứ ló mặt lên sàn là mấy vị quen biết xúm vào than thở, hết kêu sưu cao thuế nặng lại đến than thở thị trường xứ mình thua cả xứ Lào. CTCK thì kêu ngắc ngoải đến nơi rồi mà không có ai cứu vớt. Các nhà quản lý thì đủ thứ chuyện để kêu, từ việc NĐT không thông cảm với mình lẫn việc có quyền nghe mà chẳng được quyền quyết… vân và vân vân… Mình thì lại nghĩ, việc nó diễn ra bây giờ là do cái nhân đã gieo từ nhiều năm trước. Người ta bảo, cái gì quá cũng không tốt, kể cả tốt quá. Nhưng ở xứ ta, cái gì cũng phải quá, phải nhất mới thích. Như năm nào chứng khoán đã tăng trưởng nhất nhì thế giới thì năm nay, kém nhất nhì châu Á, âu cũng sự thường.
Một chuyện vốn âm ỉ mấy tháng nay mà mình cho là bệnh than đã biến chứng sang thể nặng. Đó là việc mấy DN trên sàn đang yên đang lành, tự nhiên dọa rút niêm yết vì "giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực nhiều lần". Bảo rằng đây là sự thường cũng được, về lý thì chẳng ai nói được câu nào. Nhưng sao mình cứ nghĩ đến câu "khi vui thì vỗ tay vào"!
Còn nhớ ngày xưa các bậc cha chú kể rằng, khi đất nước thời chiến, toàn dân vì chiến trường. Nhưng thể nào cũng có vài anh đào ngũ. Những anh này gọi là lính thu dung. Khi về đến làng, thế nào cũng bị gắn cái biển "Ai cũng như tôi thì mất nước" trước ngực rồi dẫn đi cho làng trên, xóm dưới quan chiêm… Nói chuyện này chẳng phải để so sánh mà ý muốn nói rằng, trong những hoàn cảnh đặc biệt, phải có những hành động đặc biệt mới tương xứng!
Chuyện kể rằng, một hôm, sự xuống dốc của các cổ phiếu làm các NĐT rất lo lắng. Phóng viên phỏng vấn một NĐT:
- Xin cho biết phản ứng của ông trước sự sụt giá trầm trọng này?
- Tôi ngủ như một đứa trẻ con!
- Sao? Ngủ trong tình hình này ư?
- Đúng! Tôi cứ ngủ vài tiếng lại thức dậy khóc một chập!
Có nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khi đau đớn nếu ta xuýt xoa thì cơn đau sẽ giảm đi khoảng 30%. Mình vốn thua lỗ nhiều, nay cũng than thở về cái sự thở than mấy câu cho nó nhẹ lòng!
(ĐTCK)
1 comments:
chí lý! Than nhiều chẳng ích ji, có căng để xả stress
Đăng nhận xét