20 tháng 6, 2011

KỸ NĂNG SỐNG: KINH NGHIỆM ĐI BIỂN NGÀY HÈ

Tắm biển là niềm vui thích của rất nhiều người từ trẻ em đến thanh niên và người lớn. Mọi người sẽ tràn ngập thích thú khi chạy đua cùng sóng biển, trẻ con đào cát, xây lâu đài, rồi ngụp lặn trong làn nước thiên nhiên mát mẻ.
Tuy nhiên tắm biển cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khó lường, đặc biệt là đối với dòng chảy xa bờ. Để tránh những điều không hay khi đi biển, chúng ta cùng khám phá những kinh nghiệm bổ ích sau đây!
Chúng ta biết rất rõ, khi sóng vỗ, nước biển sẽ lần lượt được đưa vào bờ. Mật độ lớn, liên tiếp những đợt sóng này tạo ra lượng nước rất lớn và chúng đập vào bờ, ở đây xuất hiện lực cản hay chính xác là phản lực làm cho nước biển dội ngược trở lại. Đó chính là dòng chảy xa bờ, nó cực kỳ nguy hiểm và có thể cuốn trôi chúng ta ra xa nếu không cảnh giác.



Dòng chảy xa bờ nằm giữa những đợt sóng bạc đầu.

Dòng chảy xa bờ được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên biển, nó được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó đi xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m/giây đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây (nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic).



Khi ta rắc chất màu tím sát bờ biển, chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển. Chúng ta cũng thấy nơi dòng nước đi từ bờ ra biển là vùng nước lặng, hầu như không có sóng.

Chúng ta có thể nhận ra dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:
+ Dòng chảy xa bờ có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
+ Dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
+ Đôi khi chúng ta có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.
+ Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 mét. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.
Cách thoát ra khỏi dòng chảy xa bờ:
Dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước, mà nó chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ. Tuy nhiên người ta thường chết đuối khi rơi vào dòng chảy xa bờ vì bản năng tự nhiên khiến con người bị hoảng loạn, không còn khả năng phán đoán chính xác vị trí cũng như hướng di chuyển.



Hãy bơi song song theo bờ biển (nếu có thể) để được sóng đẩy vào bờ.

Đặc biệt, khi bị rơi vào dòng chảy xa bờ là tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.
+ Bạn cần bình tĩnh. Không hoảng loạn
+ Không cố bơi ngược dòng chảy xa bờ
+ Đối với người bơi giỏi: nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ vùng có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn trở lại vào bờ.
+ Đối với người bơi yếu: bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
+ Nếu dòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
Điều quan trọng, bạn nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn. Bạn cần quan sát các cảnh báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm. Ngoài ra bạn cũng cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.



Ta có thể thấy được, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng không phải là vùng nguy hiểm mà vùng lặng sóng mới chính là vùng nguy hiểm.

(Sưu tầm)

0 comments: