23 tháng 6, 2011

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: HAI PHẬN GIÀ, MỘT NỖI ĐAU

Ở cái tuổi “sức tàn, lực kiệt” thế nhưng hai mái đầu bạc vẫn phải chăm sóc đứa con 34 tuổi tật nguyền... Cuộc sống khốn khổ, đói nghèo, túng thiếu của 3 con người chưa có đoạn đường kết thúc.
Về xóm Đông Phú (Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An), nhắc đến hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Thế Thơi (62 tuổi) và bà Phan Thị Lan (66 tuổi) không ai là không bùi ngùi thương cảm. Đã ở cái tuổi “sức tàn, lực kiệt”, thế nhưng, hai mái đầu bạc vẫn phải chăm sóc một đứa con 34 tuổi tàn tật.
Chúng tôi bước vào nhà bà Lan khi bà đang ngồi đút cơm cho con. 34 tuổi nhưng anh Nguyễn Thế Thăng (SN 1977) chỉ có thể nằm co quắp, há miệng chờ mẹ đút từng thìa cơm. Từ lúc sinh ra, Thăng đã không có khả năng lo cho bản thân mà tất cả phải nhờ đến bàn tay người mẹ khốn khổ. Từ cơm nước, tắm rửa thay quần áo, hay giặt giũ cho đến chuyện sinh hoạt cá nhân của đứa con trai độc nhất để một tay bà Lan lo toan.



Hằng ngày bà Lan phải đút từng thìa cơm, cháo cho đứa con 34 tuổi tật nguyền.

Ông Thơi bà Lan cưới nhau năm 1976. Họ có với nhau 2 người con, một trai một gái (chị Nguyễn Thị Long đã lấy chồng ở tỉnh Hà Tĩnh, thi thoảng mới về nên không giúp được gì cho cha mẹ già). Ngày sinh anh Thăng, bà đau bụng dữ dội, đứa bé nằm lâu trong bụng quá nên đã bị ngạt. Nhìn đứa bé tím tái thở thoi thóp ai cũng bảo nó sẽ chết chứ không sống được. Các bác sỹ phải làm đủ cách nhịp thở của Thăng mới trở lại bình thường như những đứa trẻ khác. Nghe tiếng khóc yếu ớt của con bà mới có thể tin là con còn sống. Thằng bé yếu quá không thể tự bú được, phải đến 7 ngày sau cái miệng của bé mới ngậm được đầu vú của mẹ để hưởng cái vị ngọt ngào của sữa.
Chưa kịp mừng thì tai họa ập đến. Khi vừa được gần 3 tháng tuổi, Thăng bị sốt cao lên cơn co giật rồi biến chứng sang não. Chạy đông chạy tây vẫn không thể chữa trị, 2 ông bà đành ôm con về nhà. Di chứng để lại quá nặng nề, Thăng bị bại liệt nằm một chỗ từ đấy.
Thấy chúng tôi đến thăm, Lê Thị Nghĩa - một người hàng xóm chép miệng thông cảm cho số phận không may của vợ chồng bà Lan: “Thật không ai khổ như bà Lan này. Về làm dâu nhà nghèo lại phải chăm bà mẹ chồng bại liệt 15 năm ròng rã. Bố chồng mất sớm, các chị gái lấy chồng xa, ông chồng thì lúc tỉnh lúc mê chẳng làm được gì, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đổ lên vai bà ấy". Ông Thơi bị chứng thần kinh, mất trí nhớ nên không làm được việc gì, hàng ngày ông chỉ có thể đi chăn trâu đổi công cho người ta để đến mùa có người phụ bà Lan công việc đồng áng.



Nỗi đau của đôi vợ chồng già và đứa con bị bệnh cần lắm những tấm lòng.

Gạt vội dòng nước đang lăn trên đôi má gầy sạm nắng, bà Lan kể: “Con bị bại liệt, nằm một chỗ nên đi đâu cũng phải về sớm để xem con thế nào. Rồi bón từng thìa cơm, thìa cháo, từ sinh hoạt cá nhân cũng đều một tay mình phải lo... Giờ nó nằm đó mà nỏ biết chi cả, khổ rồi thêm khốn khó. Trẻ cậy cha, già cậy con nhưng nhìn con tui thắt cả ruột gan chứ mong chi đến nhờ cậy lúc già".
Còn ông Nguyễn Viết Phượng - Bí thư xóm Đông Phú cho biết: “Gia đình bà Lan là hộ đặc biệt khó khăn. Ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước 180 ngàn còn lại hai ông bà già chỉ làm được 2 sào ruộng. Chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện cho gia đình làm thêm cái gì đó nhưng ông bà đều già cả nên không đảm đương nổi. Ngoài căn nhà 3 gian đã xuống cấp của ông cha để lại, ông bà Lan chẳng có gì hết. Ông Thơi thì bị bệnh thần kinh, mất trí nhớ. Làm nông mà cũng chẳng biết cày, đến mùa vụ đều phải nhờ hàng xóm họ cày giúp... ”.
Ở cái tuổi “sức đã tàn, lực đã kiệt”, đáng lẽ ông bà Lan hưởng được sự an vui những ngày còn lại... Nhưng trái lại, hai thân già lại thui thủi một mình nuôi đứa con nằm một chỗ, thiếu thốn bủa vây tứ bề.
Hai phận già đã ngả hai màu tóc trên đầu nhưng lại thui thủi đút từng thìa cơm cho con ăn. Rời xa ngôi nhà bà Lan khi mặt trời khuất sau lũy tre làng. Mang theo ý nghĩ về hoàn cảnh của gia đình nhà bà Lan chúng tôi như nghẹn ngào, chua xót cho thân phận 3 con người...

0 comments: