"Mẹ ơi, thế là đã mấy năm rồi chúng con mồ côi mẹ. Khi mất mẹ, chúng con mới hiểu mồ côi mẹ là thế nào. Chúng con như những cái cây non giờ không còn chỗ bám víu, phải tự bám rễ sâu, phải tự mạnh mẽ trong cuộc đời. Dù chúng con đã lớn, đã thành chồng vợ, nhưng khi có mẹ bên cạnh, mẹ là cái cội lớn nhất để chúng con nương tựa..."
Đã thành thói quen, tôi luôn đợi ngày phát hành báo chỉ để lật trang cuối cùng mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” để đọc.
Mỗi một tháng trôi qua tôi lại sống trong miên man suy tưởng, không biết số báo tới tôi sẽ đọc được bí mật gì của một ai đó trong cuộc đời. Chồng con tôi thì chỉ thích đọc các trang khác nóng rẫy những sự kiện.
Chồng tôi bảo tôi già rồi, đọc trang 31 là phải. Đó là một trang báo dành cho những ký ức buồn, những khoảng đời buồn của con người, chỉ những ai già rồi, hay ngoái thương lại quá khứ, mới thích đọc.
Thực ra không phải như vậy. Tôi cũng là một người chứa đựng những ký ức buồn mà tôi dù có muốn chôn sâu, lãng quên thì cũng không thể khác. Tôi đã háo hức đọc những bí mật trong cuộc đời của những con người khác, để soi vào chính cuộc đời tôi, để tìm trong những tiếng lòng ấy có tiếng lòng nào của tôi, có nỗi buồn nào của tôi để vợi bớt.
Có lẽ, viết ra những bí mật của đời mình, viết ra những sự thật về nỗi đau buồn, đó cũng là một cách để sám hối, để lương tâm mình gột rửa thanh thản. Tôi đã quyết định không im lặng nữa, tôi muốn chuyển lời xin lỗi tới mẹ tôi trên trời cao thăm thẳm kia.
Chuyện là thế này. Cha tôi bị bạo bệnh đột ngột qua đời năm ông mới 34 tuổi. Mẹ tôi năm đó mới tròn 30, trên tay 4 đứa con thơ dại, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa bé nhất mới lọt lòng mẹ đỏ hỏn trên tay. Tôi là chị cả, thay mẹ chăm sóc và cai quản một lũ đàn em lít nhít để mẹ ngoài giờ làm việc ở trong cơ quan Nhà nước, còn tranh thủ bươn chải đầu đường cuối chợ kiếm tiền nuôi lũ chúng tôi ăn học.
Lũ con của mẹ sớm mồ côi cha, nên chúng tôi tội nghiệp đứa nào đứa ấy đều ngoan ngoãn, chịu khó, chịu cực khổ, thun thút lớn lên từ mẩu sắn củ khoai mà không phải làm cho mẹ phiền lòng. Tôi già dặn trước tuổi, thay mẹ dạy dỗ các em, đứa nào cũng răm rắp nghe lời chị và mẹ.
Trời cho mẹ tôi một nhan sắc hơn người. Có lẽ lời của tiền nhân xưa đúng trong trường hợp của mẹ tôi chăng: gái hồng nhan nên phận bạc. Mẹ tôi đẹp lắm, nước da trắng ngần, mái tóc dài và đen thăm thẳm, người mẹ thắt đáy lưng ong. Càng vất vả, cực khổ, càng đau buồn và bất hạnh, mẹ càng đẹp rực rỡ, như một bông hoa xương rồng nở trên cát.
Cha mất sớm, mẹ đông con, không ít người đàn ông cám cảnh mẹ thì ít nhưng mê mẹ đẹp phần nhiều nên đã qua lại nhà tôi đỡ đần giúp mẹ và bày tỏ tình cảm.
Tôi không còn nhớ hết được có bao nhiêu người đàn ông tự nguyện đến nhà chăm sóc lũ chúng tôi, mang sắn mang khoai đến nhà tôi và giúp mẹ tôi khi buộc lại chái nhà, lúc cạp lại cái rổ cái rá, sửa lại cái cầu ao bị mục...
Trong số đó mẹ đặc biệt để ý tới một người, đấy là ông giáo làng. Không hiểu sao đã 35 tuổi rồi mà ông vẫn chưa một lần lấy vợ. Ông là thầy giáo rất mực tôn kính của mấy chị em tôi.
Thế nhưng trớ trêu thay, sau khi theo học trò về nhà thăm gia cảnh, ông giáo đâm ra thương cảm cảnh mẹ goá con côi. Từ đó ông chăm chút chúng tôi hơn.
Ở trường ông dành nhiều thời gian dạy học cho chúng tôi, và về nhà, thỉnh thoảng ông lại lấy cớ đến xem việc học hành của chúng tôi để gần gũi mấy mẹ con tôi. Trời phú cho những đứa con mồ côi cha như chúng tôi cực kỳ nhạy cảm và cảnh giác với tất cả.
Tôi, con bé mới 13 tuổi (5 năm sau ngày mất của cha) bằng trực giác đã linh cảm được chuyện gì đang xảy ra giữa mẹ và ông giáo. Mẹ tôi là một người phụ nữ kín đáo, sống trầm lặng và hầu như không mở lòng với bất kỳ ai sau khi bố tôi mất. Mẹ thể hiện thái độ dứt khoát và rõ ràng với tất cả những người đàn ông khác đặt vấn đề với mẹ, rằng mẹ kiên quyết ở vậy thờ chồng nuôi con.
Thế nhưng, sự xuất hiện của thầy tôi đã mang đến cho mẹ một sự thay đổi khác lạ. Mỗi lần ông giáo đến, mặt mẹ rạng rỡ lên, mẹ cười nói nhiều hơn, vui vẻ hơn và bao giờ cũng luộc rổ khoai nóng nhón bát cà giòn đưa lên đãi thầy.
Sợ mất mẹ, tôi buồn ra mặt.
Tôi đã phản ứng lại việc ông giáo đến nhà bằng cách nói với mẹ tôi không đi học nữa. Mặc cho mẹ khóc lóc, van vỉ, con bé gan lỳ là tôi, luôn sợ hãi mất mẹ, đã bướng bỉnh gào lên rằng tôi không đi học nữa vì tôi ghét ông giáo.
Mẹ tôi đã bàng hoàng khi nghe tôi nói như vậy. Suốt thời gian dài sau đó, mẹ im lặng, không nói năng gì, từ đó ông giáo làng cũng không xuất hiện ở nhà tôi nữa. Mẹ tôi lại trở về với cuộc sống buồn bã, câm lặng và chịu đựng. Còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm.
Tôi đi học trở lại sau khi dọa mẹ bỏ học mất một tuần. Ông giáo ngày ngày vẫn lên lớp dạy học cho chúng tôi. Có một lần ông tìm gặp tôi sau giờ học. Tôi không sao quên được những gì ông giáo đã nói: "Lành này, thầy rất thương mẹ con, mẹ con chỉ mới ngoài 30 hãy còn rất trẻ. Thầy cũng chưa vướng bận gia đình, thầy muốn về với mẹ con để cùng chung tay thay cha các con nuôi dạy các con trưởng thành. Thầy rất muốn hỏi ý kiến con. Nếu con thương mẹ con thì con nên để cho thầy được dốc lòng giúp đỡ mẹ và chăm sóc các con".
Lúc đó cơn tức giận pha lẫn chút khinh bỉ một thầy giáo mà tôi luôn tôn kính trong đứa con nít đầy khiếm khuyết và ích kỷ là tôi đã trào lên bùng phát dữ dội. "Con không cần ai thay thế cha của con cả. Xin thầy hãy để cho mẹ của chúng con được yên, xin thầy đừng cướp mất mẹ của chúng con nữa".
Tôi bưng mặt khóc oà và run run nói với thầy được mấy câu rồi bỏ chạy. Tôi giấu biệt mẹ cuộc trò chuyện ấy. Mẹ biết chúng tôi không chào đón người lạ trong căn nhà nên mẹ càng sống khép mình. Ông giáo cũng không qua lại nhà tôi nữa. Tôi mừng thầm vì nỗi lo mất mẹ đã được gạt bỏ.
Thế nhưng, trời xui khiến thế nào, một đứa con gái mồ côi cha như tôi vô cùng thính nhạy dường như đã đoán định trước tất cả những gì xảy ra.
Một đêm, trăng rất sáng, tôi choàng tỉnh dậy và quờ tay sang giường bên cạnh. Mẹ tôi không có ở đó. Tôi chạy vội xuống bếp tìm mẹ. Bếp cũng trống không, ba gian nhà tranh trăng sáng lạnh lẽo. Tôi chực khóc thì nghe tiếng rì rầm của mẹ lẫn tiếng ông giáo vang lên sau chái bếp cạnh đống rơm. Tôi nín thở nép vào khe cửa và nghe rõ mồn một những gì họ nói với nhau...(còn nữa)
0 comments:
Đăng nhận xét