9 tháng 3, 2011

KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Hành trình tìm mộ của Giáo sư Trần Phương và Bích Hằng (Phần III)

Em của anh đây rồi!

Thực hiện đúng lời dặn của anh Sơn, ngày 17 tháng 8 năm 1999, gia đình GS Trần Phương chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm: hương hoa, tiền vàng, nải quả và mấy bao thuốc lá Cáp-tăng, thẳng đường xuống La Tiến. Vừa tới nhà ông Điển, bà chị của GS đã phăm phăm bước ra vườn, bày biện lễ vật lên chiếc mâm rồi đặt lên tường hoa để nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng khấn mời. Cả nhà thành tâm chắp tay cầu nguyện. Khấn khứa một hồi, Bích Hằng cầm bó hương nghi ngút khói đi thẳng ra gốc cây vải, gần cây nhãn sát bờ ao, ngắm ngắm nghía nghía rồi cắm bó hương xuống đất. Lấy đó làm tâm, chị vạch một hình chữ nhật rồi bảo với GS Phương: “Lúc cháu đang chắp tay khấn đã thấy bác Sơn và cô Khang đứng ở gốc cây vải vẫy cháu lại rồi chỉ cho cháu chỗ cắm hương này, cả đầu và chân ngôi mộ nữa”.


Nhìn bó hương Bích Hằng cắm, GS thấy nó cách quả trứng bữa trước chừng 3m ra phía bờ ao và hình chữ nhật nằm ngoài hình tam giác đào lần trước, cạnh của nó là cạnh đáy của hình tam giác nối dài ra phía bờ ao. Trong khi tốp thợ thuê đào tay cuốc, tay xẻng chuẩn bị khai quật thì Bích Hằng khẽ khàng đặt bức ảnh cô Khang dưới gốc cây vải. Mắt nhìn vào tấm ảnh, chị chắp tay trước ngực nói bằng một giọng nhẹ như gió thoảng: “Thưa cô! Chỗ cô nằm, cháu đã vạch theo đúng như cô chỉ. Còn hài cốt thì như hiện trạng cháu nhìn thấy, còn rất ít, khi bốc lên có thể mủn ra. Vậy xin cô cho phép bốc lẫn cả đất mang về. Nếu không được đầy đủ mong cô thông cảm cho”. Cô Khang bảo: “Lần này nhìn thấy cậu Quỳnh là chị phấn khởi rồi. Cậu Quỳnh mà đi thì chắc là được (Quỳnh là em ruột cô Khang, vốn là người tin vào thần phật, lần trước không đi - PV). Còn anh Phương thì thần thánh anh ấy cũng chả sợ, có khi chỉ nhiễu quan trần, còn quan âm thì chẳng ai giúp. Anh Sơn cũng ở đây suốt từ sáng. Anh ấy trách cháu An. Nếu mà lần trước nó kiên trì, bình tĩnh thì đã đưa được em về rồi”. Bỗng Bích Hằng gọi: “Ai là Hậu? Cô Khang muốn gặp chị Hậu”. Bà Hậu, chị của GS Phương, đang ngồi uống nước trong nhà ông Điển nghe vậy vội lập cập chạy ra. Cô Khang nói tiếp: “Chị đã cất công xuống tận đây mà không ra với em, lại cứ ngồi lỳ trong đấy. Hài cốt của em không còn nguyên vẹn. Nhưng chị bốc cho em dù chỉ một nắm đất về quê mình là em cũng mừng rồi. ở đây tuy có nhiều chị em đồng đội nhưng không phải là ruột thịt, cả năm chả ai thắp cho một nén hương, em tủi lắm. Chả lẽ cứ ở đây quấy quả ông An mãi”. Bác Sơn nói chen vào: “Mọi người cứ bốc cho bằng hết. Dù ít dù nhiều cũng là máu thịt của em mình. Không bỏ vừa trong tiểu thì đắp lên mộ cho em”. Anh Tân Cương hỏi: “Cô có biết cháu không ạ?”. Cô Khang cười: “Nếu tôi không biết anh Tân Cương thì hoá ra tôi vô tình quá. Anh lặn lội vất vả với tôi quá nhiều”. Anh Tân Cương lại hỏi: “Cô có biết, ai mai táng cho cô không ạ? Nhiều người không tin là thi thể cô có thể trôi dạt vào đây. Cháu vừa nghe thấy cô nhắc đến ông An là ông An nào? ở đâu ạ?”. Cô Khang: “Nếu có cách gì làm cho cụ Đặng Đình Giám sống lại thì gia đình mình khỏi phải mất công tìm kiếm. Rất tiếc đã gặp cụ dưới âm phủ mất rồi. Lúc giết em xong, giặc ném xác em xuống sông. Mấy ngày sau xác nổi lên, gặp lúc triều cường, dạt vào một khúc quanh. Cụ Giám nhìn thấy, vớt lên, kéo qua một cái rãnh nước rồi dừng lại. Cụ bảo: Mấy vị chết ở đây, nếu đói khát, khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc”. Rồi cô Khang chỉ cho Bích Hằng ngôi mộ người đàn ông Hải Dương, ngay liền kề phía chân cái hố sắp đào. Bích Hằng bảo: Người đàn ông ấy đứng bên cạnh cô Khang, xưng tên mình và có nói mấy câu nhưng nói nhỏ quá, chị không nghe thấy. Phải đến lúc cô Khang nói, chị mới nghe được. Khi cô Khang chỉ ngôi mộ, chị nhìn thì thấy rõ một bộ hài cốt không đầu.

Tốp thợ bắt tay đào. Đào hết lớp đất “vượt thổ” thì Bích Hằng bảo “dừng lại”. Chị nhảy xuống hố, lấy tay gạt nhẹ từng lớp cát đen. Sâu thêm chừng một gang tay thì vướng vào thanh củi mục. Nạy lên, thả vào nước. Mọi người chợt ồ lên khi nhận ra đó là một khúc tre già, thịt tre đã phân huỷ hết nhưng xơ và đốt tre vẫn còn nguyên. Khúc tre dài hơn một gang tay, to bằng cổ tay người lớn, không thể tra vừa bất cứ một loại xẻng hay cuốc nào, chỉ có thể tra vừa thuổng (Loại thuổng hình lưỡi mai, mặt phẳng, bề ngang nhỏ hơn lưỡi xẻng, có nơi gọi là mai). Mọi người vô cùng kinh ngạc khi thấy lời dặn của bác Sơn trong buổi gọi hồn chiều ngày 9 tháng 8: “Lần này đào tiếp, chú để ý sẽ thấy một thanh củi mục. Thực ra, đấy là cái cán thuổng mà người đào huyệt đã đánh gãy vất lại đó, vô tình như đánh dấu cho mình” đã linh ứng một cách kỳ lạ. Riêng GS Phương thì vui mừng khôn xiết. Vì đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất để chứng minh đó chính là mộ của em gái mình. Cái cán thuổng đã bị vùi sâu dưới lòng đất ngót 50 năm rồi, không ai có thể nguỵ tạo ra nó được. Dấu hiệu đó lại do chính linh hồn anh Sơn mách bảo cách đó 9 hôm, người đời bằng con mắt trần không ai nhìn thấy mà mách bảo được.
(Còn nữa...)

0 comments: