21 tháng 3, 2011

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: "Mày sắp ra rìa"


Sau khi nghe các bác ngân hàng quyết siết tín dụng vào chứng khoán, tự nhiên có cảm giác tủi thân y như cái ngày bị đùa cợt…“mày sắp ra rìa” ngày xưa.

Ngày bé, mình vừa tức, vừa sợ mấy bác hàng xóm. Cứ thoáng thấy thằng bé đâu là nhấm nháy: thấy bảo thằng cu này là con nuôi, ngày trước bố mẹ nó nhặt được ở bãi rác. Thằng cả mới là con đẻ nên không phải nấu cơm, rửa bát, lại được… cưỡi trâu đi chơi, sướng thế. Sau này lớn lên, cái nhà kia của nó, còn cu này chỉ có… ra rìa!

Hồi đó tủi thân lắm mà không biết cãi lại. Chỉ mỗi lần làm gì sai bị mắng, lại nghĩ chắc không phải là con đẻ của bố mẹ nên mới bị đối xử như thế. Trẻ con nhiễu thật!

Nhưng tự dưng nói chuyện này, hẳn thế nào cũng có người thắc mắc, còn bao nhiêu chuyện nước sôi lửa bỏng, từ lạm phát cao đến thắt tín dụng… mà không bàn, lại rỗi việc đi nói chuyện con trẻ. Nhưng của đáng tội, cũng có chút căn nguyên. Chả là mấy hôm nay báo chí sôi sục từ chuyện chữa bệnh đến bàn hậu duệ cho rùa hồ Gươm. Có tờ báo mạng cử đến đến 2 - 3 phóng viên, mỗi vị phục ở một góc hồ, chờ cụ nổi lên là… tác nghiệp!

Nghe bảo, trong lần thỉnh cụ rùa lên bờ lần tới còn có 20 chiến sĩ đặc công nước tham gia. Sở dĩ như thế vì đợt vây bắt trước, cả trăm người dô ta, cuối cùng kéo lên chỉ thấy lưới rách một mảng to đùng. Có người bảo do mua nhầm lưới rởm; kẻ lại đoán, cả trăm người hò hét khiến cụ choáng giật tung lưới bỏ chạy. Lại nhiều người mừng, cụ bệnh tật, già cả thế mà còn đục thủng cái lưới vét một lỗ to thì hẳn sức vóc cũng không tệ…

Nhưng nói gì thì nói, sinh lão bệnh tử là quy luật. Rùa hồ Gươm đã già lắm. Cái việc tìm hậu duệ theo mình là nên. Tuy nhiên, cái khó là cho đến nay chưa ai biết giới tính của rùa để ghép đôi. Vả lại, như đã nói, cụ tuổi tác cũng đã cao lại đang mang bệnh. Cách tốt nhất là để cụ nhận con nuôi. Hẳn là được xã hội quan tâm thế, rùa nuôi này cũng không đến nỗi… tủi thân!

Nhưng thôi, chuyện này cũng chẳng nên bàn ra, tán vào nhiều. Mình dân chứng khoán cò con, lại nhân nói đến chuyện con nuôi - con đẻ, chỉ có tâm sự thế này, sau khi nghe các bác ngân hàng quyết siết tín dụng vào chứng khoán, tự nhiên có cảm giác tủi thân y như cái ngày bị đùa cợt… “mày sắp ra rìa” ngày xưa.

Tất nhiên, cảm giác mất mát này thật hơn nên cũng xót hơn. Vả lại cũng có quá trình hẳn hoi. Lâu nay, cứ mỗi khi nhà có chuyện gì là y như rằng, các bác nhà băng đe “siết chứng khoán”. Rồi cả sở thuế cũng coi chứng khoán là nhàn thân, dễ kiếm. Mình thì thấy dăm năm đánh chứng, nhờ trời không lỗ nhưng cũng toát mồ hôi hột. Kiếm tiền từ bảng điện chẳng dễ dàng gì!

Nhìn rộng ra thị trường cũng thế cả thôi. Ngoại trừ giấc mơ bồng bột vài tháng trời cuối năm 2006, đầu năm 2007, còn lại chứng khoán đều kẽo kẹt, cày đào, mỗi năm dành dụm cả chục ngàn tỷ đồng cho bố mẹ. Trong khi đó, từ 03 trước đây cho đến 01 vừa rồi, tiền nong nói thắt là thắt ngay, cấm cãi. Kể ra, cậu em cũng có cái lỗi là ruột để ngoài da. Lúc thắng thì trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, khi xấu trời thì âm thầm chịu đựng nên các anh em khác cứ ngỡ cậu này làm chơi, ăn thật. Khó nghĩ quá!

Còn nhớ, trong một diễn đàn quan trọng, có người đã từng lên tiếng yêu cầu tìm hiểu vì sao năm 2010, cả năm các ngân hàng kêu khó, kêu khổ, nhưng đến cuối năm, đa số công bố lờ lãi ngút trời. Chỉ buồn cho dân đầu tư như mình, năm qua vị nào bảo kiếm được khá từ chứng thì một là “nổ”, hai là tốt đường tu lắm...

Nhưng sẽ có người bảo, thế tại sao mấy hôm nay ở đâu cũng nghe thắt vốn mà sao chứng vẫn cứ tím ngắt hàng loạt. Đồ rằng có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, chẳng ai mong chờ, đó là cú “tung lưới” hồi dương trước khi đổ bệnh. Hai là vàng, đô đang hết cửa, tiền chỉ còn cửa chứng khoán để đổ vào. Mà dân chứng một khi đã muốn thì xoay tiền giỏi lắm. Cứ xem cái danh sách “yếu nhân” của DN đăng ký mua vào hàng loạt thì thấy yên tâm. Các vị ấy rõ về DN hơn ai hết. Mình ăn theo, mua vào để đấy hẳn là hay hơn cái việc tích cóp bạc vàng đem chôn. Vậy nên, dẫu có là con nuôi hay con đẻ thì tiền cho chứng không bao giờ thiếu, chỉ sợ thiếu niềm tin. Nhưng niềm tin từ đâu mà ra nhỉ?

Lại nhớ một câu chuyện thế này: “Có con rùa bé xíu đứng ở gốc một cây to cao. Nó nhìn lên, miệng thở dài rồi bắt đầu leo lên. Leo mãi, leo mãi mới tới một cành cao chót vót. Nó bò ra tận đầu cành rồi dang hết bốn chân ra phóng xuống đất. Bốn chân đập lên, đập xuống lia lịa như đang tập bay. Nhưng than ôi! Nó rơi cái bịch xuống đống lá rụng ở gốc cây, tuy rất đau nhưng nó lại bò tới gốc cây, nhìn lên, miệng thở dài rồi lại bắt đầu leo. Một tiếng sau, nó lại tới cành cao chót vót. Nó lại bò ra tận đầu cành rồi dang hết bốn chân ra phóng xuống đất. Bốn chân nó lại đập lên đập xuống. Rồi nó lại rớt xuống như những lần trước. Và nó lại bò tới gốc cây, nhìn lên, miệng thở dài… Rồi cứ thế, cứ thế...

Nhìn cảnh đó từ đầu tới cuối. Hai vợ chồng nhà chim nói với nhau:

- Anh à, em nghĩ đã tới lúc mình nên nói sự thật cho nó biết, nó chỉ là con nuôi của chúng mình thôi nghe anh!”.

He… he, rùa hồ Gươm chắc chỉ bệnh ngoài da nên mới có sức đá tan tay lưới quét của các bác sĩ rùa. “Rùa” chứng khoán lệt bệt cả năm nay. Lưới ngân hàng lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, e… ra rìa thật!
(ĐTCK)

0 comments: