16 tháng 3, 2011

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Làm sao để vượt qua “phỏng vấn” của mẹ chồng tương lai ?

Em cứ nghĩ đến ngày về gặp mẹ anh mà lo đến mất ăn mất ngủ. Quả thật em lo hơn là đi phỏng vấn xin việc. Chẳng biết cuộc “phỏng cấn” này có suôn sẻ không?


Chúng em yêu nhau đã được hơn một năm. Sau thời gian tìm hiểu khá kỹ, em đã đưa người yêu về gia đình em và nói chung được gia đình chấp nhận. Anh ấy nói tuần tới sẽ đưa em về dự cuộc “phỏng vấn” của mẹ chồng tương lai, nếu bà duyệt thì Tết này sẽ làm đám cưới, vì nhà anh bố mất sớm chỉ có mẹ nuôi anh ăn học đến giờ nên ý kiến của bà coi như quyết định. Nếu chẳng may bà không “duyệt” thì sẽ vô cùng khó khăn, có thể phải chia tay. Vì mẹ chỉ có mỗi mình anh nên nếu mẹ chồng nàng dâu không hợp nhau thì thà anh không lấy vợ chứ không thể để mẹ đau lòng. Nghe anh nói em lo quá.

Em cứ nghĩ đến ngày về gặp mẹ anh mà lo đến mất ăn mất ngủ. Quả thật em lo hơn là đi phỏng vấn xin việc. Chẳng biết cuộc “phỏng cấn” này có suôn sẻ không? Em rất mong một lời khuyên về cách làm thế nào vượt qua được kỳ “phỏng vấn” này.  (Vũ Hòa – Nam Định)

Hãy hỏi anh ấy xem mẹ anh ấy thích nói những chuyện gì để bạn bắt chuyện đúng "gu" nhé!
Trả lời:

Bạn Hòa thân mến!

Cho đến nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vẫn là nỗi kinh hoàng với nhiều cô gái khi chuẩn bị bước lên xe hoa về nhà chồng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tránh được "hiểm hoạ" đó nếu biết những phương sách sau đây. Bởi vì thực ra thế hệ mẹ chồng thời nay cũng không còn mang nặng đầu óc phong kiến như thời xưa, hơn nữa tư thế con dâu bây giờ cũng khác ngày trước, cho nên nếu biết cách cư xử, nhiều khi mẹ chồng yêu quý con dâu không khác gì con đẻ. Bạn cứ “bình tĩnh mà ... run”.

Trước hết, xin chúc mừng bạn vì bạn đã hỏi ngay từ trước khi ra mắt mẹ chồng. Nếu để bị phạt “thẻ vàng” ngay từ lúc đầu mới gặp thì sau này sửa chữa được rất khó, có khi bị phạt tiếp “thẻ đỏ” coi như chấm dứt, đúng không?

Động tác thứ nhất

Bạn nên bàn với người yêu về thưa chuyện trước với mẹ anh ta về việc đã đến lúc phải lấy vợ. Không phải chỉ vì anh ta thích lấy vợ mà vì bổn phận làm con, lo toan việc chăm sóc mẹ già yếu, muốn có cháu để bà vui. Chỉ khi nào mẹ anh ấy đồng tình với việc con trai mình cần phải lập gia đình thì mới yêu quý con dâu được. Động tác này rất quan trọng bởi vì trong thực tế có những trường hợp, mẹ chồng ghét con dâu ngay từ đầu không phải vì cô ta thế nào mà chỉ vì bà chưa muốn cho con lấy vợ sớm. Chẳng hạn con trai còn ít tuổi, nghề nghiệp, công việc chưa ổn định, cần phải tập trung vào học hành, công việc chưa nên lấy vợ vội thì sự xuất hiện của bạn ở nhà anh ta trở nên... vô duyên ngay từ đầu. Nếu gặp tình huống này bạn đừng vội đến “phỏng vấn” vì sẽ thất bại ngay. Chỉ khi nào anh ta thông báo mẹ đồng ý cho anh lấy vợ hãy đến. Nếu mẹ lại mong con trai lấy vợ để có cháu bế  thì bạn xuất hiện là đúng dịp, rất dễ được ... chào mừng nồng nhiệt.

Động tác thứ 2

Trước khi lần đầu gặp mặt, người yêu bạn phải làm được cái việc giới thiệu tóm tắt về nàng dâu tương lai. Nêu bật những nét tốt đẹp của người yêu để gây thiện cảm với mẹ. Đại để cần nói cô ấy hiền lành dịu dàng như thế nào. Cô ấy hợp với con như thế nào và chắc chắn cũng sẽ hợp với mẹ. Giống như người quảng cáo hàng phải ca ngợi hết nhẽ, làm sao cho mẹ chồng thấy con mình may mắn tìm được người đẹp nết và mong ngày gặp mặt con dâu tương lai thì khi bạn xuất hiện mới thuận lợi. Nếu gặp giai đoạn bà đang vui vì lý do gì đấy thì tính tình sẽ cởi mở dễ chấp nhận hơn. Còn nếu bà đang buồn rầu đau khổ vì lý do gì đấy như có chuyện bất đồng với con trai chẳng hạn thì phải hoãn lại, không nên vội vàng hỏng việc.

Đặc biệt anh ta phải tình báo trước xem bà thích nói chuyện gì, nếu lĩnh vực ấy bạn mù tịt thì phải tìm hiểu trước và chủ động đề cập đến đúng chuyện bà thích nghe. Lại phải được tình báo trước là bà thích nghe chuyện gì để mình nói cho bà sướng tai. Thí dụ bà hay ca ngợi ông chồng quá cố thì cứ hỏi về ông cụ là nói cả ngày được. Lại khen cái tính nết người yêu giống bố quá thì bà sướng mê đi. Nhớ là đừng có chê anh ta vì đó là tác phẩm “tuyệt mỹ” của bà đấy. Khen ngợi anh ấy là gián tiếp khen sự dạy dỗ nuôi dưỡng của bà. Cứ nói chuyện kiểu đó thì mẹ chồng nào cũng thích. Lại phải có nội ứng để biết bà ghét nhất chuyện gì, chớ có dại dột động vào chuyện ấy. Nếu hai người hợp chuyện không dứt ra được thì bước đầu chắc chắn thành công rồi.

Động tác thứ 3

Trong lần "phỏng vấn" đầu tiên, hình thức con người rất quan trọng. Bạn nên ăn mặc sao cho "hợp nhãn" của bà. Nếu bà ưa con dâu ăn mặc nền nã thì phải hỏi anh ấy xem bà thích màu gì, kiểu quần áo gì? Có ưa người mặc váy không. Nếu bà chưa quen kiểu ăn mặc hiện đại thì chớ mặc váy ngắn ngang đùi, chân đi đôi tất đen tuyền hay chớ mặc quần bò, áo phông khoét cổ quá rộng, hở rốn thì bà vừa trông thấy đã ngứa mắt rồi. Qua người yêu, phải "tình báo" được "gu" thẩm mỹ của bà, làm sao vừa trông thấy bạn là bà ưng liền.

Khi nào bạn sắp về làm dâu nhớ hỏi kinh nghiệm những người đi trước.                    

Chúc bạn “phỏng vấn” thành công mỹ mãn!

(Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa tư vấn)




1 comments:

Đọc nhầm thành QUẢNG CÁO HÀNG NHÁI ...