Có người đã phân chia dân chứng khoán hiện nay thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người “mù” thông tin, hoàn toàn mua bán theo kiểu ăn may. Bình quân lợi nhuận (hoặc thiệt hại) của nhóm này thể hiện bằng bình quân thị trường. Nhóm thứ hai là nhóm có thông tin nội gián. Nhóm này luôn có siêu lợi nhuận.
Năm nay ông Trời thương nàng Bân hơn mọi năm. Nàng may áo chưa xong mà đất Bắc những ngày này đã thấm đẫm mưa sa, gió lạnh. Mà không hiểu có phải vì động đất thay đổi trục địa cầu tác động đến tâm sinh lý con người không mà vợ mình tự nhiên… lãng mạn, đòi đi nhặt tuyết ở đỉnh Mẫu Sơn. Run quá!
Lại nhân nói đến ông Trời, đúng là dịp này ông đang “thử lòng” người Nhật thật. Động đất chưa qua, thảm họa hạt nhân lại đe dọa. Mình thì dốt khoa học, chẳng biết cái độ richter được đo đạc thế nào, nhưng nghe một nhà khoa học bảo rằng, thang bảng richter không có cấp 10. Nghĩa là cái cơn động đất 9 độ ở xứ Hoa Anh Đào chỉ dịch thêm không phẩy mấy nữa thôi thì “chuyện” không phải của riêng người Nhật nữa rồi. Mới biết, đâu chỉ đời sống con người là hữu hạn mà ngay cả cái hành tinh to lớn này cũng quá mong manh!
Nhưng dẫu khủng khiếp như thế thì trong cuộc “thử sức” này, dân Nhật đã dành thắng lợi (ít nhất là) 1 - 0. Sau cuộc phục hưng thần kỳ nửa cuối thế kỷ XX, người Nhật lại một lần nữa khiến cả thế giới phải ngả mũ. Người ta ngả mũ và lau mắt khi biết những câu chuyện như chuyện một chú bé 9 tuổi đói, rét và đã mất cả gia đình đứng cuối hàng chờ cứu trợ, khi được một cảnh sát nhường lương khô, chú đã cám ơn rồi đi lên để gói lương khô vào thùng thực phẩm chung đang phát cho mọi người: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”. Hẳn không chỉ người cảnh sát phải quay mặt đi để lau nước mắt! Những câu chuyện như vậy diễn ra trong thảm họa khiến chúng ta phải nghĩ lại… Riêng mình, chẳng biết đầu óc thế nào lại nghĩ đến những ngày mùa Thu năm 2008 trong đợt Hà Nội mở cuộc “thi bơi” toàn thành, lóp ngóp ra chợ gần nhà mua mớ rau ba bốn chục ngàn đồng. Bỗng dưng (cũng) muốn khóc…
Nói lại chuyện động đất. Chẳng ai mong thảm họa xảy ra với mình, gia đình mình, đất nước mình. Nhưng thiên nhiên vẫn thế, dữ dội và đỏng đảnh ngoài khả năng dự đoán của con người. Cũng như TTCK, liệu có ai đoán định được quy luật lên xuống của nó. Thật khó, bởi đến thiên tài Newton sau khi chút nữa thì tiêu tán gia sản vào nghiệp chứng đã phải than vãn: “Tôi có thể đo đạc được lực chuyển động của các thiên thể, nhưng chẳng thể nào đo đạc được sự điên rồ của con người”. Đấy là chuyện xưa, còn chuyện nay, còn nhớ có lãnh đạo một DN thuộc hàng đại gia trên thị trường niêm yết đã từng cảm thán rằng, “thị trường, nếu ai biết được chắc chắn sẽ giàu” khi nói về công cuộc mua mua, bán bán.
Nhưng nói chuyện mua rẻ, bán đắt không phải lúc nào cũng hợp cảnh. Bởi mấy hôm nay, đọc báo cáo của một số bác chuyên gia phân tích ở CTCK phải nói là… rất buồn. Về lý, rõ là chẳng ai bắt bẻ được, nhưng về tình thì… Cái việc dự đoán ngành nào ở ta được lợi, được lợi bao nhiêu sau thảm họa sóng thần trong khi người ta đang “tang gia bối rối”, mình cứ thấy thế nào ấy. Nó cũng giống kiểu thấy nhà hàng xóm khó khăn, ta bàn chuyện đi buôn gì bán cho họ để ăn lãi lớn!?
Thế nên càng thán phục người Nhật. Mọi thứ vẫn nguyên giá dù các kệ hàng siêu thị đã dần vơi. Các bà nội trợ thì ở xứ sở nào cũng thế. Tâm lý tích cốc phòng cơ là thiên tính của nữ giới. Nhưng những cuộc mua bán ấy cực kỳ trật tự, không la ó, không tranh cướp, cả ngàn người xếp hàng chờ và… rất tử tế với nhau!
Đấy là chợ rau, chợ thịt, còn chợ “chứng” ở Nhật hình như lại còn bình tĩnh hơn. Sau mấy ngày bị sốc (không sốc mới lạ), ngày cuối tuần vừa rồi chứng khoán Nhật lại tăng mạnh mới ngạc nhiên. Thật ra thì cái việc sàn Tôkyô hao hụt mươi phần trăm cũng là chuyện bình thường, nhưng xem cảnh mua bán mới thấy dân đầu tư Nhật bình tĩnh lạ. Nói dại (cầu trời không bao giờ xảy ra), xứ ta nếu có chuyện gì gần gần như thế thôi, TTCK chắc không giảm nổi vì chẳng ai mua!?
Lại nhớ vừa rồi nhà chức trách vừa “nhập kho” một đối tượng tung tin đồn phát hành tờ tiền mệnh giá 1 triệu đồng. Cậu chàng này được giang hồ trên diễn đàn mạng chuyên “chém gió” về TTCK phong cho là một trong những cao thủ của phe “chim lợn” chuyên đánh xuống. Cái việc đồn nhảm vừa rồi được cậu khai rằng, em nói thế để mấy vị non gan bán mạnh cổ phiếu ra, “thị trường xuống, em mua rẻ hơn tí”… Dại mồm thế bị bắt ngồi đếm kiến đã là đáng lắm, nhưng cũng phải tình thật mà rằng, “chim lợn” có đất sống là do dân đầu tư nhà mình chỉ thích nghe thì thào. Chung quy cũng bởi tính tham, thích “ăn cỗ đi trước” thiên hạ mà ra cả!
Có người đã phân chia dân chứng khoán hiện nay thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người “mù” thông tin, hoàn toàn mua bán theo kiểu ăn may. Bình quân lợi nhuận (hoặc thiệt hại) của nhóm này thể hiện bằng bình quân thị trường. Nhóm thứ hai là nhóm có thông tin nội gián. Nhóm này luôn có siêu lợi nhuận.
Vậy khi nhóm thứ nhất luôn thể hiện bình quân thị trường thì khoản siêu lợi nhuận này sinh ra từ đâu? Chính là khoản siêu thiệt hại của nhóm thứ ba, những người có thông tin phiến diện, vịt trời. Nhưng trên thực tế, hỡi ôi, hầu hết nhân vật nhóm thứ ba lại luôn tin chắc rằng mình thuộc nhóm thứ hai với những tin rỉ tai loại… xịn.
Có khi mình cũng thế thôi, vẫn xuýt xoa khen ngợi tính kỷ luật của người Nhật, vẫn thán phục sự tự tin của những nhà đầu tư Nhật. Thế nhưng, dễ lúc thị trường đồn đại tin gì xấu lại chép miệng, “mọi lý luận đều màu xám, chỉ có tiền là màu xanh”, rồi xô nhau chạy…
(St)
1 comments:
Đọc sướng quá!
Đăng nhận xét